Ngay cả chiến tranh Nga - Ukraine cũng không thể giúp quốc tế hóa đồng nhân dân tệ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đến nay, phương Tây vẫn bác bỏ yêu cầu của ông Putin về việc thanh toán khí đốt bằng đồng rúp. Trong nỗ lực cứu vãn một đồng rúp thất thế, Nga ngày càng bị đẩy về phía Trung Quốc. Chiến tranh Nga - Ukraine quả thực đã làm tăng vị thế của đồng nhân dân tệ. Tuy vậy, giấc mộng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ vẫn còn xa vời.

Hôm 23/03, Moscow đã liệt 48 quốc gia vào danh sách "không thân thiện" và yêu cầu các nước này trả tiền mua hàng hóa bằng đồng rúp. Các quốc gia này — bao gồm thành viên của Liên minh châu Âu (EU), Canada, New Zealand, Na Uy, Hàn Quốc, Singapore, Vương quốc Anh, Mỹ, Đài Loan, Ukraine, Thụy Sĩ và Nhật Bản — chiếm 70% doanh thu xuất khẩu năm 2021 của công ty khí đốt quốc gia Nga Gazprom.

Thông thường, 58% tổng doanh thu khí đốt của Gazprom ở nước ngoài là bằng đồng euro, 39% là đồng USD, và gần như bằng 0 là đồng nhân dân tệ (CNY). Việc Moscow yêu cầu các nước phải thanh toán bằng đồng rúp là một nỗ lực chưa từng có để cứu vãn một đồng tiền đang thất thế và để giải cứu nền kinh tế Nga.

Ông Putin đồng thời ra quyết định rằng các khoản thanh toán của Nga cho hoạt động thương mại và nghĩa vụ nợ với "các quốc gia không thân thiện" sẽ phải được chính phủ phê duyệt. Điện Kremlin đã chỉ thị cho các tập đoàn mở tài khoản đặc biệt bằng đồng rúp tại một ngân hàng Nga và trả nợ nước ngoài bằng đồng rúp (quy đổi từ đồng USD theo tỷ giá hàng ngày). Hôm 28/02, để nâng đỡ đồng rúp, chính phủ Nga đã ra lệnh cho các nhà xuất khẩu chuyển đổi 80% ngoại tệ nắm giữ sang đồng rúp.

Trung Quốc, trong khi đó, chờ đợi đằng sau cánh gà để “giúp đỡ” Nga bằng cách mở rộng việc sử dụng đồng CNY như một loại tiền tệ quốc tế dùng trong mua dầu và khí đốt.

Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu thậm chí còn không xem xét đến việc sử dụng đồng CNY. Các nước này đang nỗ lực phối hợp để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga với hy vọng khiến Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình khó có thể điều chỉnh lại hệ thống tài chính toàn cầu.

Hôm 15/03, chính phủ Nga cho biết họ sẽ thanh toán các nghĩa vụ nợ nước ngoài sắp tới hạn bằng đồng USD, nhưng có thể sẽ thanh toán bằng đồng CNY trong tương lai nếu cần. Vào một ngày trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tuyên bố để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ, Nga có thể sử dụng lượng dự trữ bằng đồng CNY.

Nga có tổng dự trữ ngoại hối trị giá khoảng 640 tỷ USD, khoảng 64% số đó được giữ ở New York, London, Berlin, Tokyo và các nước phương Tây khác. Số tiền này đã bị đóng băng kể từ khi các ngân hàng ở phương Tây đồng ý vào hôm 28/02 rằng họ sẽ cắt quyền truy cập của Ngân hàng Trung ương Nga với các khoản dự trữ được giữ ở nước ngoài.

Trong khi đó, các ngân hàng Trung Quốc không tham gia các lệnh trừng phạt Nga; có nghĩa là Nga vẫn có thể sử dụng lượng vàng và CNY dự trữ ở những ngân hàng này. Trung Quốc là quốc gia cầm giữ dự trữ ngoại tệ lớn nhất của Nga, với 13,8% tổng dự trữ.

Trung Quốc có thể đóng vai trò trung gian, cho phép Nga sử dụng dự trữ ngoại hối do Trung Quốc nắm giữ để giao dịch với thế giới. Nhưng giải pháp này không đơn giản như bề ngoài.

Là một phần của lệnh trừng phạt, hầu hết các ngân hàng Nga bị chặn khỏi SWIFT - hệ thống được sử dụng trong thanh toán quốc tế và giao dịch thương mại. Moscow và Bắc Kinh đã thảo luận về một số giải pháp khả thi, chẳng hạn như sử dụng tiền mã hóa, bitcoin hoặc CNY kỹ thuật số (e-CNY). Tuy nhiên, những lựa chọn này lại thiếu tính thanh khoản và quy mô để có thể hỗ trợ toàn bộ nền kinh tế. Hơn nữa, hầu hết các sàn giao dịch tiền mã hóa sẽ không chấp nhận số lượng lớn đồng rúp, vì vậy ngay cả việc mua tiền điện tử cũng gặp vấn đề.

Ngay cả chiến tranh Nga - Ukraine cũng không thể giúp quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, phương Tây bác bỏ yêu cầu của ông Putin về việc thanh toán khí đốt bằng đồng rúp, xung đột Nga - Ukraine làm tăng vị thế của đồng nhân dân tệ nhưng giấc mộng quốc tế hóa CNY vẫn còn xa vời
Một nhân viên lễ tân của khách sạn Prince Ski Town ngồi đằng sau tấm biển chấp nhận đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY), ở Trương Gia Khẩu, Trung Quốc, hôm 04/12/2021. (Ảnh: Andrea Verdelli / Getty Images)

Điều này khiến Nga chỉ còn lựa chọn là sử dụng đồng CNY và giao dịch thông qua Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc - một giải pháp thay thế SWIFT. Tuy nhiên, quy mô của CIPS lại rất nhỏ so với SWIFT, với chỉ 75 ngân hàng tham gia trực tiếp, chủ yếu là các ngân hàng Trung Quốc. Ngoài ra, CIPS chỉ có thể xử lý các giao dịch bằng đồng CNY.

Điều này khiến Nga phụ thuộc vào lượng CNY ít ỏi mà nước này có trong kho dự trữ ngoại tệ. Nga sẽ cần đổi rúp để tăng lượng CNY nắm giữ. Nhưng các biện pháp kiểm soát vốn của Bắc Kinh sẽ ngăn một lượng lớn CNY rời khỏi Trung Quốc.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cho phép các ngân hàng Nga sử dụng CIPS. Một hệ thống hoán đổi tiền tệ giữa hai nước đã được thiết lập và hoạt động một thời gian. Tuy vậy, vẫn còn phải xem Bắc Kinh sẽ đi bao xa và liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có sẵn sàng chấp nhận các biện pháp trừng phạt thứ cấp để tạo điều kiện cho Nga hay không.

Trong khi Trung Quốc có thể nhận được một số lợi ích chiến lược từ việc giúp đỡ Nga, các quyết định của Bắc Kinh nhìn chung xuất phát từ mục đích lợi nhuận. Vì lý do này, các ngân hàng Trung Quốc đã bắt đầu hạn chế tài trả tiền bằng đồng USD cho hàng hóa nhập khẩu từ Nga.

Ngày 25/02, Bloomberg đưa tin các chi nhánh ở nước ngoài của Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã hoàn toàn ngừng phát hành thư tín dụng (letter of credit) bằng đồng USD cho các mặt hàng của Nga, trong khi các thư tín dụng bằng đồng CNY có thể được cấp sau khi nhận được đồng ý đặc biệt.

Khi mà các ngân hàng phương Tây tránh tạo thị trường cho đồng rúp, thanh khoản của đồng tiền này ngày càng cạn kiệt. Đồng CNY đạt mức cao kỷ lục so với đồng rúp hôm 07/03, khiến một số ngân hàng Trung Quốc tạm ngừng giao dịch đồng rúp.

Ngay cả chiến tranh Nga - Ukraine cũng không thể giúp quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, phương Tây bác bỏ yêu cầu của ông Putin về việc thanh toán khí đốt bằng đồng rúp, xung đột Nga - Ukraine làm tăng vị thế của đồng nhân dân tệ nhưng giấc mộng quốc tế hóa CNY vẫn còn xa vời
Tỷ giá RUB/CNY từ tháng 08/2021 đến 04/2022. Đồng CNY đạt mức cao kỷ lục so với đồng rúp hôm 07/03. (Nguồn: tradingeconomics.com)

Từ ngày 11/03, Hệ thống Thương mại Ngoại hối Trung Quốc đã tăng gấp đôi biên độ tỷ giá của đồng CNY với đồng rúp, từ 5% lên 10%. Nói một cách dễ hiểu thì giá trị của đồng rúp đã trở nên thất thường đến mức các ngân hàng nước ngoài không muốn giao dịch hoặc đầu tư vào rúp.

Châu Âu kiên quyết giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga

Từ 23/03 đến 31/03, do yêu cầu của ông Putin về việc thanh toán năng lượng bằng đồng rúp, giá khí đốt đã tăng khoảng 30% và đồng rúp tăng 7%. Động thái này của Tổng thống Nga được đưa ra dựa trên suy đoán rằng các nước châu Âu sẽ tuân thủ yêu cầu. Tuy nhiên, cho đến nay, khả năng cao là châu Âu sẽ không đồng ý.

Đức cho biết vào hôm 23/03 rằng việc yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp sẽ vi phạm hợp đồng. Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố Berlin đang tăng tốc các nỗ lực chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng vào Nga. Đến ngày 25/03, đồng rúp bắt đầu giảm giá trở lại. Ý thề sẽ tiếp tục thanh toán bằng đồng euro.

Hôm 28/03, nhóm G7 nhất trí từ chối yêu cầu của Moscow rằng khí đốt tự nhiên phải được thanh toán bằng đồng rúp. Đức và Áo đã bắt đầu chuẩn bị cho khả năng Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu. Pháp đã yêu cầu công dân giảm sử dụng nhiên liệu. EU có kế hoạch giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay và loại bỏ hoàn toàn vào năm 2030.

Ngày 29/03, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thông báo Ba Lan sẽ hủy bỏ mọi hoạt động nhập khẩu than của Nga; đồng thời ông quyết tâm chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay. Ông Morawiecki cũng thúc giục châu Âu làm điều tương tự, vì các giao dịch mua bán năng lượng đang tài trợ cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Châu Âu sẽ có thể thay thế phần lớn lượng dầu nhập khẩu từ Nga bằng lượng dầu nhập khẩu từ Qatar, Mỹ và Na Uy. Đồng thời, một đường ống Baltic mới dẫn khí đốt từ Na Uy sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Ba Lan cũng đang xem xét nhập khẩu khí đốt từ Kazakhstan. Đức đã thỏa thuận với các nhà cung cấp khí đốt khác từ các nước láng giềng. Mục tiêu của Đức là ngừng sử dụng hoàn toàn than của Nga vào cuối năm nay và khí đốt của Nga vào năm 2024.

Giấc mơ sử dụng đồng CNY trong giao dịch năng lượng quốc tế khó thành sự thật

Khi triển vọng sử dụng đồng rúp trong các giao dịch khí đốt với châu Âu không mấy sáng sủa, Trung Quốc đã đề nghị với Nga một số lựa chọn sử dụng đồng CNY để Moscow đối phó với các lệnh trừng phạt, bao gồm cả việc sử dụng đồng CNY trong việc mua bán năng lượng. Kể từ hôm 01/04, ít nhất một công ty dầu mỏ của Nga, Paramount Energy & Commodities, đã đồng ý chấp nhận thanh toán bằng đồng CNY.

Trung Quốc cũng đang đàm phán với Ảrập Xêút để dùng đồng CNY trong các hoạt động mua dầu. Cho đến nay, vẫn chưa có thỏa thuận nào đạt được với Ảrập Xêút.

Không nơi nào, lĩnh vực nào mà sự thống trị của đồng USD rõ ràng hơn trong ngành dầu mỏ. Dầu được định giá bằng đồng USD, và 80% các giao dịch dầu quốc tế được tính bằng USD. Do đó, một trong nhiều lý do khiến các Ngân hàng Trung ương nắm giữ một lượng lớn USD là để chi trả cho dầu.

Nếu Trung Quốc có thể thuyết phục các nước giao dịch bằng đồng CNY thì những quốc gia này sẽ phải giữ CNY như một loại tiền dự trữ. Điều này sẽ khuyến khích họ đầu tư vào nợ chính phủ của Trung Quốc và nhập khẩu thêm hàng từ Trung Quốc, quốc tế hóa đồng CNY và giúp củng cố nền kinh tế Trung Quốc.

Hậu quả là Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc phát hành các khoản nợ bằng đồng USD để phục vụ mở rộng kinh tế, cũng như trong việc nhận lại USD từ xuất khẩu để trang trải các khoản nợ. Sự sụt giảm liên tục của dòng USD quay trở lại Mỹ sẽ làm suy yếu nền kinh tế Mỹ, từ đó đẩy dòng USD đầu tư ra khỏi đất nước, gây ra một vòng tuần hoàn ác tính và khiến đồng USD mất dần sức hấp dẫn.

Hôm 24/03, giá dầu đã giảm 7% do lo ngại nhu cầu về dầu sẽ giảm ở Trung Quốc bởi các vụ phong tỏa ở Thượng Hải, Thâm Quyến và các thành phố lớn khác. Nhu cầu yếu hơn khiến Bắc Kinh có ít quyền lực hơn so với Nga hoặc các thị trường năng lượng quốc tế. Giá dầu giảm cũng khiến ông Putin rơi vào thế yếu hơn trong đàm phán với EU. Nếu ông ấy khăng khăng yêu cầu giao dịch năng lượng bằng đồng rúp, nhiều khả năng EU sẽ không chấp nhận nếu họ có thể mua được dầu với giá chiết khấu từ các nhà cung cấp khác.

Ảrập Xêút không có lợi gì khi chuyển sang đồng CNY. Đồng tiền của nước này được cố định với đồng USD, và dự trữ ngoại tệ chủ yếu là các Trái phiếu Kho bạc Mỹ. Bất kỳ thiệt hại nào đối với đồng USD cũng sẽ làm tổn hại đến đồng riyal của Ảrập Xêút.

‘Giấc mộng Trung Hoa’ về đồng CNY sẽ thay thế đồng USD như là đồng tiền dầu mỏ dường như vô cùng xa vời. Nhiều nhất, cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ làm tăng nhẹ việc sử dụng đồng CNY trong thương mại giữa Trung Quốc và Nga, nhưng sẽ không có nước nào khác tham gia.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện là Giáo sư và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc. Ông viết bài cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông gồm: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc); và A Short Course on the Chinese Economy (Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc).

Đức Duy

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Ngay cả chiến tranh Nga - Ukraine cũng không thể giúp quốc tế hóa đồng nhân dân tệ