Niềm vui ngắn chẳng tày gang: Vừa khởi sắc được vài tháng, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam lại ‘khóc ròng’ vì… 3T

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trái ngược với những kết quả và thông tin lạc quan vào 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp dệt may hiện gặp nhiều khó khăn kể từ khi làn sóng dịch COVID-19 thứ tư bùng phát: Không đủ nhân công, chi phí tăng cao, khó khăn trong vận chuyển, các biện pháp chống dịch ngặt nghèo và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Những khó khăn này thậm chí có thể xóa nhòa hoàn toàn những thành tích mà dệt may nước nhà đã phải nỗ lực trong một thời gian dài mới có được.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Theo đánh giá thống kê thương mại thế giới của WTO công bố ngày 30/7 vừa qua, Việt Nam đã vượt qua Bangladesh để trở thành quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới năm 2020 với trị giá 29 tỷ USD, tương đương 6,4% thị phần toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc.

Làm thế nào Việt Nam đạt được “kỳ tích” này? Đó là nhờ ngành dệt may Việt Nam đã kịp thời nắm bắt được xu hướng dịch chuyển sản xuất của thế giới ra khỏi thị trường Trung Quốc kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung xảy ra. Ngoài ra, ngành dệt may cũng đã có những cải tiến nhất định giúp nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm.

Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may nước ta ước đạt 19,18 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2021, ngành dệt may dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp dệt may kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc.

Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam ập đến đã khiến các doanh nghiệp dệt may chưa kịp vui đã phải "oằn mình" chống dịch và khó có thể đạt được mục tiêu mong muốn.

Hậu quả thảm khốc do đứt gãy chuỗi cung ứng

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng là hoàn toàn có thể xảy ra do không đủ nhân lực để ổn định sản xuất và khó khăn trong vận chuyển hàng hóa nguyên liệu, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Dệt may và da giày là hai ngành đặc thù sử dụng số lượng lớn lao động.

Để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, các doanh nghiệp phía Nam đã thực hiện phương châm “3 tại chỗ” (3T) và “một cung đường, hai điểm đến”. Tuy nhiên, theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam VITAS, có đến 97% các doanh nghiệp dệt may tại các tỉnh này đã phải đóng cửa. Chỉ khoảng 3% số doanh nghiệp vẫn đang hoạt động nhưng tỷ lệ công nhân tham gia “3 tại chỗ” rất thấp, do vậy chỉ đủ để phục vụ khâu phát triển mẫu hoặc chạy các đơn hàng gấp.

Theo ông Vũ Đức Giang, với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở thời điểm hiện tại thì không thể xác định chính xác thời gian để trở lại sản xuất bình thường. Do vậy, doanh nghiệp rất khó để giữ chân lao động, cũng như chuẩn bị các phương án sản xuất bù, dẫn đến việc chậm tiến độ giao hàng và nguy cơ bị phạt hợp đồng.

Các doanh nghiệp làm gia công theo đơn đặt hàng của đối tác sẽ bị phạt, mất tiền gia công. Các doanh nghiệp làm theo phương thức FOB (mua nguyên liệu - sản xuất - bán thành phẩm) sẽ bị thiệt hại lớn hơn khi đối tác từ chối nhận hàng giao chậm. Với nỗ lực giao hàng sớm nhất có thể, doanh nghiệp sẽ phải đổi từ vận chuyển đường thủy sang vận chuyển đường không khiến chi phí tăng lên nhiều.

Hiện một số đối tác đã có động thái dịch chuyển đơn hàng từ Việt Nam sang các nước khác. Và đến khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc tái hợp tác, họ sẽ phải tìm kiếm khách hàng mới, làm lại mọi thứ gần như từ đầu.

Chi Anh

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Niềm vui ngắn chẳng tày gang: Vừa khởi sắc được vài tháng, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam lại ‘khóc ròng’ vì… 3T