Ông Biden sẽ buộc người nộp thuế Mỹ tài trợ cho gói cứu trợ khổng lồ mà IMF dành cho Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm ngoái, Quỹ Di sản đã phân tích rủi ro đối với người nộp thuế Mỹ khi các tổ chức cấp tiến và cánh tả quốc tế lên kế hoạch tăng số lượng quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hoặc SDR - một loại tiền tệ dự trữ quốc tế.

Dưới sự quản lý của ông Biden, những lo ngại đó có thể sớm thành hiện thực. Và quốc gia nào sẽ là người hưởng lợi chính từ khoản tiền lớn nghìn tỷ USD mà người nộp thuế Hoa Kỳ bị cưỡng chế giao nộp? Đó là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Đề xuất mở rộng SDR đã được lưu hành trong nhiều năm, gần đây lại được nhắc lại với lý do để hỗ trợ các nước đang phát triển bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong phiên bản hiện tại, đề xuất này dự kiến sẽ tăng số lượng SDRs tại IMF lên tới 2 nghìn tỷ SDR (khoảng 2,8 nghìn tỷ USD).

Được thúc đẩy bởi các chính trị gia thiên tả, các tổ chức tư vấn, cộng đồng viện trợ nước ngoài, George Soros, Đảng Cộng sản Trung Quốc, và một số nhân vật có tầm ảnh hưởng khác, việc mở rộng SDR đã được thảo luận tại cuộc họp mùa xuân năm 2020 của IMF.

Nếu được thông qua, số lượng SDR dành cho các quốc gia sẽ tăng gấp 10 lần so với mức hiện tại là 204 tỷ SDR (khoảng 288 tỷ USD), tương đương với việc in tiền số lượng lớn trên quy mô toàn cầu.

Việc phân bổ SDR của Hoa Kỳ (hiện khoảng 55 tỷ USD) cũng sẽ tăng theo cấp số nhân và Bộ Tài chính Hoa Kỳ, với tư cách là "người tham gia được chỉ định", có thể buộc phải tài trợ cho các giao dịch ngoại hối bổ sung trị giá 1,5 nghìn tỷ USD.

Tiền đóng thuế hàng năm của người dân Mỹ sẽ được sử dụng chỉ để tài trợ lãi suất liên quan và trợ cấp rủi ro tín dụng cho một số tiền bổ sung khổng lồ có thể lên đến hàng chục tỷ USD.

Cuộc chiến giữa những người theo chủ nghĩa tự do và những người bảo thủ về vai trò thích hợp của IMF đã bắt đầu từ năm 1944 ngay khi tổ chức này được “khai sinh” tại Hội nghị Bretton Woods. Quan điểm bảo thủ của Hoa Kỳ khi đó khẳng định rằng IMF chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là quản lý các biến động tỷ giá hối đoái.

Quan điểm tự do từ châu Âu, được thúc đẩy bởi John Maynard Keynes và một số nhân vật khác, đã hình dung ra một tổ chức tài chính mở rộng hơn, trong đó IMF sẽ hoạt động như một ngân hàng trung ương toàn cầu cho vay cuối cùng. Nhiều ý tưởng trong số đó đã được kết hợp với nhau và hình thành nên Ngân hàng Thế giới.

Cuối cùng thì hệ thống Bretton Woods cũng tan rã. Các nước đang phát triển phải vật lộn với tình trạng nợ quá nhiều, trong khi các chương trình cho vay của Ngân hàng Thế giới không mang lại kết quả như hy vọng.

Trong khi đó, bản vị vàng cũng bị phá vỡ. Để duy trì nó, Mỹ phải thâm hụt tài khoản vãng lai hàng năm để có thể cung cấp USD cho các quốc gia khác nhằm giải quyết các giao dịch quốc tế của họ. Để giải quyết vấn đề đó, IMF đã tạo ra các quyền rút vốn đặc biệt vào năm 1969, tạo ra một tài sản dự trữ tổng hợp để bổ sung vào nguồn cung vàng - về cơ bản chỉ là một thủ thuật kế toán.

Logo IMF bên ngoài tòa nhà của Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào ngày 27 tháng 3 năm 2020 tại Washington, DC. (Ảnh: Getty)
Logo IMF bên ngoài tòa nhà của Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào ngày 27 tháng 3 năm 2020 tại Washington, DC. (Ảnh: Getty)

Khi Hoa Kỳ từ bỏ chế độ bản vị vàng vào năm 1971, cơ sở lý luận cho SDR đã bị loại bỏ. Tuy nhiên, chúng vẫn nằm trong sổ sách của IMF khi các công chức quốc tế của tổ chức này đã cố gắng phát minh ra những lý do mới để giữ cho SDR tôn tại. Lý do chính mà họ đưa ra là sử dụng chúng như một cửa sau để gia tăng vĩnh viễn hạn ngạch của các nước đang phát triển, và Mỹ là nước phải trả giá cho việc đó.

Việc mở rộng SDR sẽ mở ra cánh cửa cho IMF để phục vụ nhiều gói cứu trợ tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt đạo đức — ngay cả đối với các chế độ áp bức và/ hoặc tham nhũng — mà trước tiên không yêu cầu phải có đủ trách nhiệm giải trình của quốc gia nhận tiền đối với bất kỳ gói cứu trợ nào trước đó. Và người thiệt hại lớn nhất từ ​​các chu kỳ khủng hoảng tài chính và các khoản cứu trợ của IMF, không ai khác, chính là những người dân nghèo.

Việc mở rộng SDR cũng đang được Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy như một phần trong chiến lược sâu rộng nhằm làm suy yếu quyền bá chủ toàn cầu của Mỹ, bao gồm cả việc làm suy yếu vị thế của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ được nắm giữ rộng rãi nhất thế giới, có thể cùng với mục tiêu dùng SDR thay thế cho đồng USD.

Một bài đăng ngày 3 tháng 2 trên Tạp chí Phố Wall của Đại diện French Hill, R-Ark. đã phân tích mối đe dọa của SDR. Trong đó, ông Hill lưu ý về thái độ miễn cưỡng của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen trong việc đưa ra lập trường chắc chắn về vấn đề này tại phiên điều trần xác nhận của bà (mặc dù, với tư cách là cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, bà nhận thấy nhiều rủi ro trong mặt trái của kế hoạch kể trên).

Ông cũng đưa ra một kịch bản khác rất có khả năng xảy ra: SDRs sẽ được sử dụng để trả nợ cho Trung Quốc, lập luận rằng với tư cách là “chủ nợ quan trọng nhất đối với thế giới đang phát triển, Bắc Kinh đã đấu tranh với các thỏa thuận đa phương để đình chỉ việc trả nợ của các quốc gia nghèo trong thời kỳ đại dịch” trong khi chống lại “áp lực từ Hoa Kỳ và các đồng minh trong việc minh bạch hóa các điều khoản cho vay trước đó của họ".

Với nguồn tiền mặt khổng lồ từ những người đóng thuế Mỹ, những con nợ của các nước đang phát triển này có thể trả các khoản vay từ Trung Quốc mà không cần IMF, đồng thời có thể buộc Bắc Kinh phải tái cơ cấu hoặc “nhẹ tay” hơn với họ về các vấn đề ngoại giao. Nguồn vốn SDR tiềm năng đối với Trung Quốc có thể lên tới hàng trăm tỷ USD - và chính sách ngoại giao bẫy nợ của Bắc Kinh có thể tiếp tục phát huy hiệu quả.

Trên thực tế, việc thực hiện phân bổ SDR chưa bao giờ được đưa ra thảo luận chính thức giữa các nước thành viên IMF.

Được IMF tạo ra từ năm 1969 như một dạng tài sản dự trữ quốc tế, tuy nhiên phải đến năm 1973, khi hệ thống lãi suất cố định Bretton Woods sụp đổ, SDR mới được IMF định nghĩa lại như một rổ tiền tệ.

Về bản chất, SDR không phải là một loại tiền tệ cụ thể như đồng đôla Mỹ, đồng yen của Nhật hay đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mà SDR được biết đến như một dạng tài sản dự trữ của quốc gia thành viên, một đơn vị quy đổi.

Với SDR, quốc gia thành viên có thể bổ sung trực tiếp vào dự trữ ngoại hối nhà nước, cho các quốc gia thành viên khác vay hoặc đổi lấy “ngoại tệ tự do sử dụng” phục vụ nhu cầu dự trữ ngoại hối nhà nước của mình.

Tính đến nay, IMF mới tiến hành 4 lần phân bổ. Lần phân bổ đầu tiên là giai đoạn 1970-1972 với tổng số SDR phân bổ là 9,3 tỷ SDR; lần phân bổ thứ hai trong giai đoạn 1979-1981 với tổng số SDR phân bổ là 12,1 tỷ SDR, lần phân bổ thứ ba là 161,2 tỷ SDR được thực hiện vào ngày 28/8/2009 và một lần phân bổ đặc biệt 21,5 tỷ SDR được thực hiện vào ngày 9/9/2009, đưa tổng số SDR phân bổ tính tới nay là 204 tỷ SDR (tương ứng với 318 tỷ USD).

IMF có thể từng đóng vai trò là hậu thuẫn toàn cầu, tổ chức này cũng đã giúp đỡ nền kinh tế Mỹ và thế giới trong các cuộc khủng hoảng thanh khoản trong quá khứ. Tuy nhiên, việc mở rộng các SDR vô điều kiện, nguy hiểm về mặt đạo đức của IMF sẽ là cửa sau dẫn đến sự gia tăng đáng kể viện trợ nước ngoài vượt ngoài tầm kiểm soát của những người đóng thuế Mỹ.

Hãy cùng cầu nguyện rằng Tổng thống Joe Biden sẽ duy trì chính sách của chính quyền Trump là thực hiện quyền phủ quyết của Hoa Kỳ tại IMF để ngăn chặn việc thực hiện các đề xuất mở rộng SDR có hại.

Mộc Trà

Theo DailySignal

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Ông Biden sẽ buộc người nộp thuế Mỹ tài trợ cho gói cứu trợ khổng lồ mà IMF dành cho Trung Quốc?