Tiền mười tỷ phú kiếm được trong đại dịch đủ để tiêm phòng cho cả thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một báo cáo do Oxfam công bố ngày 1/3, 1.000 tỷ phú hàng đầu đã mất khoảng 30% tài sản của họ khi cuộc khủng hoảng Covid-19 khiến các nền kinh tế toàn cầu bị đình trệ vào tháng 3/2020. Nhưng đến cuối tháng 11/2020, họ đã kiếm lại được tất cả.

Đối với những người giàu nhất thế giới, họ mất chưa đến 10 tháng để khôi phục những thiệt hại tài chính do đại dịch gây ra. Báo cáo ước tính sẽ mất hơn 10 năm đối với những người nghèo nhất thế giới.

Paul O'Brien, phó chủ tịch Oxfam Mỹ nói với HuffPost: “Trong khi một nhóm thiểu số giàu có đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ trước và trong khi đại dịch xảy ra, thì phần lớn dân số thế giới đang phải vật lộn để tồn tại với mức lương nghèo nàn và không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế hay giáo dục tốt".

"Mức độ tập trung sự giàu có ngày nay không bền vững. Tỷ phú là dấu hiệu của một nền kinh tế đau bệnh, chứ không phải là khỏe mạnh. Đó là triệu chứng của một nền kinh tế đổ vỡ”, ông O'Brien nói thêm.

Đại dịch đe dọa sẽ xóa bỏ sự tiến bộ của hơn hai thập kỷ giảm nghèo toàn cầu. Ngân hàng Thế giới đã ước tính rằng hơn 200 triệu người có thể rơi vào cảnh nghèo đói do ảnh hưởng kinh tế của Covid-19 - ở các nước thu nhập thấp và những nước giàu, bao gồm cả Hoa Kỳ.

Báo cáo của Oxfam cho thấy chi phí để ngăn mọi người rơi vào cảnh sống với mức sống dưới 5,5 USD/ngày sẽ thấp hơn nhiều, so với lợi nhuận mà những người giàu nhất thế giới kiếm được trong cuộc khủng hoảng này.

Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos và vợ MacKenzie Bezos (trước khi ly hôn) tạo dáng khi đến trụ sở của nhà xuất bản Axel-Springer, nơi ông Bezos sẽ nhận Giải thưởng Axel Springer 2018 vào ngày 24 tháng 4 năm 2018 tại Berlin. (Ảnh của JORG CARSTENSEN / AFP qua Getty Images)

Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos và vợ MacKenzie Bezos (trước khi ly hôn) tạo dáng khi đến trụ sở của nhà xuất bản Axel-Springer, nơi ông Bezos sẽ nhận Giải thưởng Axel Springer 2018 vào ngày 24 tháng 4 năm 2018 tại Berlin. (Ảnh của JORG CARSTENSEN / AFP qua Getty Images)Theo tính toán của Oxfam, dựa trên dữ liệu về nghèo đói từ Ngân hàng Thế giới, dữ liệu tài sản từ Credit Suisse và danh sách Tỷ phú của Forbes - 10 người giàu nhất thế giới, bao gồm CEO Amazon là Jeff Bezos và người sáng lập Tesla là Elon Musk, đã cộng thêm 540 tỷ USD vào giá trị tài sản ròng của họ trong ba quý cuối năm 2020.

Với phần còn lại của lợi nhuận năm 2020, 10 tỷ phú giàu nhất có thể chi trả cho cả hai đợt tiêm vaccine Covid-19 cho mọi người trên Trái đất và vẫn sẽ là những người giàu nhất. (Oxfam đã sử dụng dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới để ước tính chi phí khoảng 9 USD/mỗi liều vaccine; tổng chi tiêu là 141,2 tỷ USD cho 7,8 tỷ dân trên thế giới).

Raj Sisodia, một giáo sư kinh doanh tại Đại học Babson đã ví cấu trúc doanh nghiệp tiêu chuẩn với hệ thống đẳng cấp của Ấn Độ. Ở đẳng cấp trên là những người có trình độ chuyên môn, có trình độ đại học, được trả lương hào phóng với các quyền lợi và quyền chọn cổ phiếu, được trợ giúp bởi một lực lượng lao động thuộc đẳng cấp dưới - những người bị khóa chặt vào những công việc lương thấp và theo giờ, không được chăm sóc y tế, không được nghỉ phép có lương hoặc trợ cấp hưu trí.

Trong 40 năm qua, lương của các giám đốc điều hành đã tăng 1.000% trong khi lương của công nhân chỉ tăng dưới 12%.

Amazon ghi nhận doanh thu kỷ lục khi gần 20.000 công nhân Amazon bị nhiễm Covid-19 từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2020. Với khối tài sản mà ông tích lũy được trong cùng thời gian đó, báo cáo của Oxfam cho thấy “Jeff Bezos có thể tự trả cho mỗi người trong số 876.000 nhân viên của Amazon một khoản tiền thưởng 105.000 đô la - trả ngay một lần... và ông ấy vẫn giàu như lúc bắt đầu đại dịch”.

Ông O'Brien cho biết: “Người siêu giàu sử dụng một mạng lưới các thiên đường thuế để tránh phải trả phần thuế công bằng của họ, và một đội quân quản lý tài sản để đảm bảo lợi nhuận cao ngất trời mà một nhà đầu tư bình thường không có được. Các tập đoàn lớn đang né thuế, giảm lương công nhân và chi phí trả cho nhà sản xuất, đầu tư ít hơn vào hoạt động kinh doanh để tối đa hóa lợi nhuận cho các cổ đông giàu có của họ.

Cả doanh nghiệp lớn và giới siêu giàu đều sử dụng tiền và các mối quan hệ của họ để đảm bảo chính sách của chính phủ phù hợp với họ. Việc này phải dừng lại”.

Thanh Vân

Theo Huffpost

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Tiền mười tỷ phú kiếm được trong đại dịch đủ để tiêm phòng cho cả thế giới