Những tòa nhà dở dang ở Trung Quốc đẩy hàng nghìn tỷ CNY của các ngân hàng nước này vào rủi ro

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổ chức xếp hạng S&P Global ước tính có đến 2,4 nghìn tỷ CNY (355 tỷ USD) các khoản vay thế chấp bất động sản tại Trung Quốc có nguy cơ không được thanh toán. Con số này chiếm khoảng 6,5% tất cả các khoản dư nợ thế chấp.

Trong bối cảnh khủng hoảng nợ bất động sản, China Evergrande Group và hai gã khổng lồ nhà đất khác (Sunac China Holdings và China Resources Land) của Trung Quốc đã rớt khỏi danh sách Fortune Global 500 năm 2022, giảm số lượng nhà phát triển bất động sản Trung Quốc trong danh sách này xuống còn 5 so với 8 vào cùng thời điểm này năm ngoái.

Số lượng ngày càng ít doanh nghiệp Trung Quốc góp mặt trong Global 500 cho thấy tình hình thị trường bất động sản tại quốc gia tỷ dân đang sụp đổ; nhu cầu nhà đất và giá bán nhà giảm.

Do vấn đề thanh khoản, các tập đoàn nhà đất Trung Quốc không thể hoàn thiện hàng triệu căn nhà đã được bán trước. Bởi vậy, hầu hết các ngân hàng Trung Quốc đang phải đối mặt với làn sóng dừng trả nợ của người mua nhà, còn được gọi là "cuộc đình công thế chấp" (mortgage strike) - tình huống khi người mua nhà từ chối tiếp tục thanh toán các khoản vay thế chấp trừ khi các chủ đầu tư tiếp tục xây dựng.

Theo MacroMicro, công ty nghiên cứu dữ liệu kinh tế toàn cầu, có hơn 327 thông báo đình công thế chấp được đưa ra đối với các căn hộ đã bán trước mà chưa được hoàn thiện ở Trung Quốc, tính đến ngày 13/08.

S&P Global ước tính rằng 2,4 nghìn tỷ CNY (khoảng 355 tỷ USD) các khoản thế chấp có nguy cơ không được thanh toán. Con số này chiếm khoảng 6,5% tất cả các khoản dư nợ thế chấp.

Tổ chức xếp hạng cũng dự đoán rằng doanh số bán nhà ở Trung Quốc có thể giảm tới 33% trong năm nay, từ đó khiến thanh khoản của các nhà phát triển vốn đang gặp khó khăn trở nên ngày càng eo hẹp và dẫn đến nhiều vụ vỡ nợ hơn, Bloomberg đưa tin.

Gần đây, nhiều nhà phát triển Trung Quốc đã tận dụng các biện pháp như hoán đổi trái phiếu và gia hạn nợ để câu giờ nhằm tránh vỡ nợ. Tuy nhiên, theo S&P Global, ít nhất 20% các nhà phát triển Trung Quốc được xếp hạng sẽ có khả năng vỡ nợ dù họ đã nỗ lực kéo dài thời gian; nguyên nhân là các nhà đầu tư có thể làm việc thông qua tòa án hoặc cơ cấu lại nợ.

Các nhà phát triển vỡ nợ ở Trung Quốc đã bỏ lại nhiều tòa nhà dang dở; mỗi tòa nhà đều là một yếu tố rủi ro đối với các ngân hàng cho vay khi mà người mua rất có thể sẽ tham gia các cuộc đình công thế chấp đang bùng nổ trên toàn quốc.

Một tài liệu nghiên cứu, được phát hành bởi Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (pdf) - một tổ chức tư vấn của Mỹ, ước tính rằng lĩnh vực bất động sản chiếm 29% GDP của Trung Quốc và hoạt động bất động sản giảm 20% có thể dẫn đến mức giảm 5 đến 10% trong GDP.

Bất chấp những nỗ lực gần đây của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản, tổng doanh số bán hàng của 100 nhà phát triển bất động sản hàng đầu ở Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm 29% so với tháng 6, và giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu do Tổng công ty Thông tin Bất động sản Trung Quốc - một nhà cung cấp dữ liệu bất động sản của Trung Quốc - công bố.

Bà Katherine Jiang, nhà phân tích tài chính tại Hong Kong, nói với The Epoch Times: “Ngành công nghiệp bất động sản ở Trung Quốc đang trong một vòng tuần hoàn ác tính - những vụ vỡ nợ đã làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của giới đầu tư và người mua nhà, từ đó khiến doanh số bán nhà giảm mạnh và [các nhà phát triển bất động sản] không thể thu hút nguồn vốn từ bên ngoài".

“Doanh số bán nhà giảm làm suy yếu dòng tiền hoạt động của các nhà phát triển bất động sản và làm suy giảm tâm lý thị trường, gây nguy hiểm cho khả năng tiếp cận ngân hàng và thị trường nợ của các nhà phát triển bất động sản, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến dòng tài chính của họ. Người mua nhà cũng sẽ trì hoãn việc mua, họ chọn phương án chờ đợi và quan sát động thái tiếp theo. Kết quả là, doanh số bán bất động sản sẽ giảm hơn nữa, và giá [bất động sản] cũng sẽ giảm xuống".

Ví dụ, Skyfame Realty, một nhà phát triển bất động sản tư nhân của Trung Quốc, đã bị đình chỉ tất cả trái phiếu của họ trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong vào ngày 28/06 sau khi không trả được khoản vay có bảo đảm. Trước khi công bố khoản vỡ nợ, công ty đã tiết lộ vào ngày 16/06 rằng họ đang chịu “áp lực thanh khoản chưa từng có”.

ĐCSTQ đứng đằng sau sự sụp đổ của các đại gia bất động sản

Evergrande, nhà phát triển bất động sản lớn thứ 2 ở Trung Quốc tính theo doanh số, từng được xếp hạng 122 trong Fortune Global 500 năm 2021. Tuy nhiên, cùng năm đó, công ty này vỡ nợ, gây chấn động thị trường sau khi trở thành công ty bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới.

Những tòa nhà dở dang ở Trung Quốc đẩy hàng nghìn tỷ của các ngân hàng nước này vào rủi ro
Logo của China Evergrande Center ở Hong Kong, được chụp vào ngày 21/10/2021. (Ảnh: BERTHA WANG/AFP qua Getty Images)

Năm 2021, những gã khổng lồ bất động sản của Trung Quốc, bao gồm Evergrande, Fantasia và Kaisa, đã rơi vào khủng hoảng nợ; trong khi “Chính sách Ba làn ranh đỏ” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Ba làn ranh đỏ đưa ra một loạt các ngưỡng nợ, hạn chế nghiêm trọng khả năng vay vốn của một số chủ đầu tư bất động sản.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Bộ Nhà ở đã đề ra Chính sách Ba làn ranh đỏ vào tháng 08/2020, nhằm mục đích cải thiện sức khỏe tài chính của lĩnh vực bất động sản bằng cách giảm đòn bẩy, cải thiện tỷ lệ nợ và tăng tính thanh khoản. Tuy nhiên, một số nhà phát triển bất động sản lớn, chẳng hạn như Evergrande, đã không đáp ứng được quy định mới.

Nhà kinh tế Trung Quốc Huang Jun nói với The Epoch Times rằng lý do chính dẫn đến sự sụp đổ của Evergrande là các ngân hàng quốc doanh ngừng cho vay khi biết rằng Evergrande đã phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao và không thể hoàn trả.

Chuyên gia Huang Jun là nhà kinh tế trưởng của Liên minh Vốn Doanh nghiệp Trung Quốc và là thành viên của ủy ban nghiên cứu tại Hiệp hội Bất động sản châu Á. Ông hiện định cư tại Mỹ.

Nhà kinh tế Huang giải thích: “Bắc Kinh có lẽ đã đóng một vai trò trong sự sụp đổ của Evergrande. Kể từ cuộc cải cách nhà ở năm 1998, các doanh nghiệp bất động sản tư nhân của Trung Quốc đã phát triển lớn mạnh. Nhưng ĐCSTQ muốn giành lại quyền kiểm soát bằng cách biến các doanh nghiệp tư nhân thành sở hữu nhà nước”.

Chuyên gia Huang đề cập đến triết lý kinh tế lâu đời của ĐCSTQ như sau: "doanh nghiệp nhà nước tiến lên, khu vực tư nhân thoái lui" - nguyên tắc tăng cường kiểm soát của nhà nước và đàn áp nền kinh tế thị trường tự do. Kể từ đầu những năm 2000, ĐCSTQ đã thúc đẩy sự thống trị của các doanh nghiệp nhà nước bằng cách hy sinh khu vực tư nhân.

Đức Duy

Theo Kathleen Li - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Những tòa nhà dở dang ở Trung Quốc đẩy hàng nghìn tỷ CNY của các ngân hàng nước này vào rủi ro