Thị trường chứng khoán 'hụt hơi' trong khi tỷ giá VND đã thiết lập mặt bằng giá mới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thị trường chứng khoán có dấu hiệu 'hụt hơi' sau nỗ lực phục hồi trong phiên giao dịch đầu tuần sáng nay, hiện VN-Index xoay quanh ở mức 1.180 -1.190 điểm. Nguyên nhân được cho là do cả tác động khách quan từ chính sách lãi suất của Fed cũng như xung đột địa chính trị toàn cầu gia tăng. Ngoài ra, các vấn đề nội tại của thị trường như điều chỉnh, áp lực bán giải chấp... cũng giải thích cho biến động này. Đồng nội tệ cũng chịu áp lực từ các nhân tố đang tác động lên TTCK, đồng VND duy trì đà mất giá nhẹ tuần thứ 6 liên tiếp.

Nỗ lực phục hồi trong phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số VN-Index có lúc đã vượt qua mốc tâm lý 1.200 điểm. Tuy nhiên, thị trường có vẻ 'hụt hơi' trước áp lực giải chấp, thiếu dòng vốn mới và cả tình trạng thanh khoản yếu, Vn-index quay đầu giảm thêm 0,5% so với chốt phiên vào thứ Sáu tuần trước. VN-Index xoay quanh mức 1.180 điểm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực bán tháo giảm điểm từ tháng 5/4/2022 và đặc biệt trong nửa đầu tháng 5 này. So với thời điểm cuối năm 2021, chỉ số VN-Index đã giảm hơn 21%. Tuần trước, chỉ số chứng khoán VN-index giảm tới hơn 11%.

Không chỉ giá, thanh khoản suy giảm mạnh. Theo số liệu của MSB, trong tháng 4 vừa qua, giá trị giao dịch bình quân 3 sàn giảm 12,0% so với tháng trước đó xuống gần 28.000 tỷ đồng/phiên. Thanh khoản toàn thị trường tiếp tục sụt giảm mạnh những ngày đầu tháng 5 với giá trị trung bình mỗi phiên chỉ còn khoảng 14.000 tỷ đồng, bằng 50% với tháng 4/2022. Một điểm sáng của thị trường là các nhà đầu tư nước ngoài gồm các quỹ ngoại cũng đã quay đầu mua ròng gần 3.900 tỷ đồng trong tháng 4 từ mức bán ròng 3.646 tỷ đồng trong tháng 3. Trong 8 phiên đầu tháng 5 vừa qua, khối ngoại cũng mua ròng hơn 940 tỷ đồng.

Ghi chú trong một bản tin gửi tới khách hàng, Công ty chứng khoán MBS lưu ý rằng TTCK sụt giảm mạnh gần đây đến từ một số nguyên nhân sau: (i) tâm lí thị trường tiêu cực sau khi một số lãnh đạo tập đoàn lớn vướng vòng lao lý; (ii) thị trường toàn cầu điều chỉnh do lạm phát gia tăng và đứt gãy chuỗi cung ứng; (iii) căng thẳng Nga-Ukraine; (iv) khả năng Fed sẽ tăng lãi suất nhiều lần; (v) dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt; và (vi) áp lực giải chấp “margin” lớn ảnh hướng xấu đến thị trường, bao gồm cả những cổ phiếu có cơ bản tốt.

Các lý do trên không chỉ tác động tới TTCK mà còn tác động trên thị trường tiền tệ. Như NTDVN đã phân tích, đồng nội tệ đang chịu áp lực từ việc chỉ số DXY của USD lên giá, đồng CNY mất giá và lo ngại lạm phát sẽ lớn hơn mục tiêu của chính phủ.

Đồng VND thiết lập thị trường giá mới sau một tuần mất giá trước USD.

Trong tuần từ 09/05 - 13/05, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng qua hầu hết các phiên. Phiên cuối tuần 13/05, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.163 VND/USD, tăng mạnh 33 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 đồng. Tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.050 VND/USD trong 2 phiên đầu tuần, sau đó tăng 200 đồng lên mức 23.250 VND/USD ở các phiên còn lại.

Tỷ giá LNH gần như đi ngang 2 phiên đầu tuần, sau đó tăng mạnh. Chốt tuần 29/04, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.094 VND/USD, tăng mạnh 137 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng rất mạnh trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 13/05, tỷ giá tự do tăng 285 đồng ở chiều mua vào và 250 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.865 VND/USD và 23.930 VND/USD.

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Thị trường chứng khoán 'hụt hơi' trong khi tỷ giá VND đã thiết lập mặt bằng giá mới