Lãnh đạo Nhật - Australia sắp ra tuyên bố hợp tác an ninh chung nhằm đối phó Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thủ tướng Australia và Nhật Bản đang tiến tới ký kết một tuyên bố an ninh mới nhằm đáp trả sự hung hăng của quân đội Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương tại hội nghị thượng đỉnh được tổ chức ở Perth, thủ phủ của bang Tây Úc vào cuối tuần tới.

Thủ tướng Anthony Albanese sẽ tiếp đón Thủ tướng Fumio Kishida vào ngày 22/10 tại Perth và hai nhà lãnh đạo dự kiến công bố tuyên bố mới về Hợp tác An ninh, tờ Kyodo News đưa tin hôm 16/10.

Tuyên bố sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, giữa những lo ngại an ninh ngày càng tăng trong khu vực.

Được Thủ tướng Australia John Howard và cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ký kết ban đầu vào năm 2007, tuyên bố bao gồm các điều khoản về chống khủng bố, bảo vệ biên giới và thúc đẩy hợp tác trước các mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên tuyên bố này không đề cập cụ thể đến Trung Quốc.

Trong cuộc gặp hồi đầu tháng 5, hai Thủ tướng Albanese và Kishida cũng nhất trí hướng tới một tuyên bố an ninh chung mới nhằm tăng cường hợp tác an ninh song phương. Hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định sẽ cùng nhau giải quyết các thủ đoạn cưỡng bức kinh tế.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tích cực can dự và tăng cường sức ảnh hưởng của mình ở khu vực Thái Bình Dương. Đặc biệt, hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon hồi tháng Tư đã làm dấy lên những phản ứng dữ dội từ Mỹ và các đồng minh. Theo đó, Washington cho rằng thoả thuận an ninh này “thiếu minh bạch” và là “cánh cửa” giúp Bắc Kinh dễ dàng tiếp cận với các hòn đảo trong khu vực.

Quần đảo Solomon kể từ đó đã tiếp tục thắt chặt mối quan hệ với Bắc Kinh. Gần đây nhất, quần đảo này đã cử 32 sĩ quan đến Trung Quốc để huấn luyện về kỹ thuật trị an và nâng cao hiểu biết của họ về văn hóa Trung Quốc. Các sĩ quan sẽ ở Trung Quốc một tháng.

Hôm 26/9, Quần đảo Solomon cũng từ chối cho một tàu tuần duyên của Mỹ cập cảng, động thái cho thấy mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai nước trước sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tờ Reuters dẫn lời Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ cho hay, tàu tuần tra USCGC Oliver Henry không được cấp phép nhập cảnh vào thủ đô Honiara của Quần đảo Solomon khi đang làm nhiệm vụ tuần tra chống đánh bắt cá bất hợp pháp ở Nam Thái Bình Dương. Bà Kristin Kam, nhân viên phụ trách công vụ của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ tại Hawaii cho biết, sau khi bị từ chối, tàu của Mỹ phải chuyển hướng sang Papua New Guinea.

Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia (RAAF) cũng đã gặp phải một số sự cố quân sự. Hôm 21/2, Thủ tướng Australia cho biết một tàu hải quân Trung Quốc đã chĩa tia laser vào một máy bay quân sự của họ trong lúc nó đang di chuyển ở khu vực phía Bắc nước này, gây lóa mắt và có khả năng gây nguy hiểm cho nhiều sinh mạng người đang có mặt trong khoang.

Bên cạnh đó, một máy bay Trung Quốc cũng tiến hành một vụ đánh chặn nguy hiểm đối với một máy bay khác của RAAF hôm 26/5.

Tuyên bố mới sẽ có tác dụng bổ sung cho Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) mới giữa Nhật Bản và Australia, theo hãng tin ABC. Đây là một thỏa thuận được thiết kế nhằm tạo điều kiện cho huấn luyện chung và tăng cường khả năng tương tác giữa các bên.

Tuy nhiên, các nhà chức trách Australia hiện lo ngại rằng nếu tuân theo thỏa thuận, các quân nhân Australia có thể phải đối mặt với án tử hình.

Hội đồng Luật pháp Australia đã kêu gọi chính phủ liên bang từ bỏ việc ràng buộc hiệp ước cho đến khi các biện pháp bảo vệ được thực hiện.

Australia thúc đẩy hợp tác sâu rộng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương

Australia đã và đang nỗ lực để làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các đồng minh, nhằm đáp trả sự hung hăng của Bắc Kinh, bao gồm các quốc gia của Bộ Tứ (QUAD). Đối thoại An ninh Bốn bên (QUAD) gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ - hay còn gọi là “Bộ Tứ”.

Ngoại trưởng Australia cho biết chính phủ nước này đang mở rộng hợp tác với nhiều quốc gia khác, trong đó có Ấn Độ. Bà cho rằng đó là cách duy nhất để đảm bảo lợi ích quốc gia.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar hôm 11/10, Ngoại trưởng Úc Penny Wong cho hay, “Chúng tôi có lợi ích và tham vọng chung, đó là duy trì khu vực của chúng tôi ổn định, thịnh vượng và tôn trọng chủ quyền, nơi các quốc gia không bắt buộc phải lựa chọn bên mà phải đưa ra lựa chọn chủ quyền của riêng mình”.

“Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ quốc gia nào thống trị hoặc bất kỳ quốc gia nào bị thống trị. Chúng tôi cũng nhận ra rằng khu vực của chúng tôi đang được định hình lại về mặt kinh tế và chiến lược", bà tiếp tục.

Trong cuộc gặp ngày 26/9 giữa Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo, hai nhà lãnh đạo khẳng định sự ủng hộ 'vững chắc' của hai quốc gia đối với nhau và lên án sự xâm lược của ĐCSTQ ở eo biển Đài Loan.

“Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng Liên minh Mỹ-Nhật Bản là nền tảng của hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và liên minh đã thảo luận về những nỗ lực thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố hôm 26/9.

Cũng trong ngày 26/9 tại Tokyo, Thủ tướng Albanese đã gặp gỡ và nói với Phó Tổng thống Kamala Harris trước cuộc họp song phương Australia-Mỹ rằng, “Chúng ta đang sống trong thời kỳ đầy bất ổn. Chúng tôi nhận thức rõ ràng về một sự cạnh tranh chiến lược đang diễn ra ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

“Điều quan trọng là chúng ta phải tiếp tục cam kết hợp tác và cùng nhau giải quyết những vấn đề này", ông nói.

Phó Tổng thống Kamala Harris cũng cho biết, QUAD là mối quan hệ đối tác quan trọng của Mỹ nhằm giải quyết “một số vấn đề cấp bách nhất mà thế giới đang phải đối mặt”, đề cập đến sự hung hăng và quân sự hóa ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Lãnh đạo Nhật - Australia sắp ra tuyên bố hợp tác an ninh chung nhằm đối phó Trung Quốc