Lũ lụt ở Hà Bắc phá hủy xe tăng và máy bay quân sự của ĐCSTQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trận lũ lụt kỷ lục ở Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc hồi tháng 7 năm nay không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho người dân địa phương mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho các đơn vị đồn trú của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Bảo Định và Trác Châu, cùng với đó là thiệt hại không hề nhỏ về xe tăng và máy bay quân sự.

Các tài liệu nội bộ mà The Epoch Times có được từ ĐCSTQ cho thấy ĐCSTQ đã bí mật lên kế hoạch sử dụng các quận Trác Châu và Bảo Định đông dân làm khu xả nước lũ để cứu trung tâm chính trị mới được quy hoạch ở Hùng An. Để thực hiện kế hoạch bí mật này, các nhà chức trách đã không gửi thông báo sơ tán kịp thời nên đã gây ra thiệt hại nặng nề cho người dân, doanh nghiệp và tài sản quân sự của chính ĐCSTQ ở hai khu vực này.

Trận lũ lụt đã khiến ít nhất 78 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Ông Triệu Lan Kiện (Zhao Lanjian), cựu phóng viên điều tra người Trung Quốc hiện sinh sống tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng, ông biết được từ những người đồng nghiệp của mình ở Trung Quốc rằng để thực hiện chỉ thị của ĐCSTQ về việc “bảo vệ tân khu Hùng An” - trung tâm chính trị mới do nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình quy hoạch - chính quyền đã đề xuất phương án xả lũ tại chỗ, nhưng ông Tập không đưa ra hướng dẫn.

"[Thủ tướng] Lý Cường (Li Qiang) cho rằng tình thế lúc đó rất nguy cấp. Bởi vì trước đó ông Tập đã chỉ thị cho ông Lý Cường về việc 'bảo vệ tân khu Hùng An’, cho nên ông Lý đã thực hiện theo phương án [xả lũ tại chỗ]. Không ngờ quân đóng ở đó cũng bị ngập nước. Ông Tập Cận Bình rất tức giận khi biết tin quân tinh nhuệ đã bị lũ nhấn chìm".

Ông Wang Hua (bí danh), một người dân địa phương chứng kiến ​​vụ tàn phá do trận lũ lụt gây ra, cũng nói với The Epoch Times: “Số hiệu đơn vị của đơn vị bị ngập lụt ở Trác Châu lần này là 66289. Nó nằm cạnh chi nhánh Trác Châu của Viện Quan hệ Lao động Trung Quốc, và cạnh cánh đồng thí nghiệm của Đại học Nông nghiệp Trung Quốc. Bây giờ nó được gọi là Lữ đoàn xe tăng, tập đoàn quân XX của quân đội. Đó là đội quân bảo vệ Bắc Kinh, và xe tăng của họ gần như hỏng hết vì lũ lụt".

Ông Wang giải thích: "Ở Trác Châu còn có một lữ đoàn không quân, lũ lụt ở đó là nặng nề nhất. Nó giống như một cái bể bơi, nước đổ thẳng vào đó, địa hình rất thấp, những chiếc máy bay đó đã bị ngập nước, xem chừng phải thay thế rồi”.

"Trong khu đô thị chính Bảo Định còn có một trường hàng không Bảo Định, toàn bộ trường quân sự cơ bản bị ngập nước. Tôi ước tính nước cao từ hai đến ba mét", ông nói thêm

Trên mạng xã hội đưa tin rằng do ngập lụt các cơ sở quân sự ở Trác Châu và sự bất mãn của ông Tập, Thủ tướng Lý Cường đã đệ đơn từ chức.

Tài liệu nội bộ của ĐCSTQ

Theo các tài liệu nội bộ của ĐCSTQ, để bảo vệ Bắc Kinh và Tây An, tỉnh Hà Bắc đã triển khai khu vực chứa lũ ở Bảo Định và Trác Châu.

Hôm 29/7, trụ sở phòng chống lũ lụt và cứu trợ hạn hán thành phố Trác Châu và Nhóm lãnh đạo hệ thống sông thành phố Trác Châu đã cùng ban hành một văn bản khẩn cấp có tiêu đề "Thông báo về việc thực hiện các công việc dọn dẹp và khắc phục các vấn đề gây cản trở việc xả lũ".

Văn bản nhấn mạnh rằng để bảo đảm an toàn cho việc xả lũ trên sông, cần phải nhanh chóng dỡ bỏ các chướng ngại vật ngăn dòng nước ở tất cả các thị trấn, làng mạc để sẵn sàng ứng phó với lũ lụt.

Vào lúc 3h10 sáng ngày 30/7, Ban Chỉ huy phòng chống lũ lụt, hạn hán tỉnh Hà Bắc đã có văn bản ban hành “Thông báo đặc biệt” với nội dung “Thông báo khẩn cấp về việc điều chuyển nhân sự ở các khu vực chứa lũ” để đánh giá.

Văn bản này đồng thời được gửi đến chính quyền địa phương Lang Phường, Bảo Định và Hình Đài ở Hà Bắc, cũng như Ủy ban Quản lý Tân khu Hùng An.

Nửa tiếng sau, lúc 3h40 sáng, Chính quyền thành phố Trác Châu cũng nhận được thông báo khẩn cấp này từ chính quyền tỉnh Hà Bắc thông qua chính quyền thành phố Bảo Định.

Tuy nhiên, trong cuộc họp trực tuyến của chính quyền tỉnh Hà Bắc về phòng chống lũ lụt toàn tỉnh lúc 9 giờ sáng cùng ngày, chính quyền yêu cầu tất cả những người tham gia cuộc họp phải bảo mật thông tin nghiêm ngặt.

Kết quả là, ngoại trừ một số ngôi làng nhận được lệnh sơ tán 2 giờ trước khi xả lũ thì người dân ở hầu hết các nơi ở Hà Bắc đều không được cảnh báo về việc này.

Hai ngày trước khi xả lũ, một quan chức của ĐCSTQ ở Hà Bắc biết về các cuộc họp và thông báo nội bộ nên đã mạo hiểm thông báo cho cựu phóng viên điều tra Trung Quốc Triệu Lan Kiện ở Hoa Kỳ. Ông Triệu đăng cảnh báo trên Twitter ngày 28/7 với nội dung: “Với thông tin nội bộ đã được xác minh, Sở Thủy lợi tỉnh Hà Bắc đã báo cáo tỉnh Hà Bắc để chuẩn bị ứng phó với một trận lũ lớn, trận lũ này lớn hơn rất nhiều so với trận lũ kỷ lục hồi tháng 8/1996”.

Ông Triệu nói với The Epoch Times rằng các quan chức ĐCSTQ đã biết về kế hoạch xả lũ, nhưng họ không có cách nào truyền đạt thông tin đó đến công chúng ở khu vực lân cận. Do đó, ông dự đoán rằng thông điệp cảnh báo của mình sẽ được các phương tiện truyền thông nước ngoài coi trọng.

Tuy nhiên, cư dân tại các quận Trác Châu và Môn Đầu Câu ở Bắc Kinh tiết lộ qua nhiều kênh rằng chính phủ đã xả nước lũ mà không báo trước, dẫn đến nhiều người bị thương và thiệt hại về tài sản.

Hiện tại ĐCSTQ vẫn chưa cập nhật số người thiệt mạng vì lũ lụt vẫn đang diễn ra.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Lũ lụt ở Hà Bắc phá hủy xe tăng và máy bay quân sự của ĐCSTQ