Nghịch lý giá xăng dầu trong nước: 62% giá là do thuế, phí

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hơn 2 tháng qua, xăng dầu tăng giá tới 6 lần, giá xăng dầu trong nước phá đỉnh 8 năm. Thách thức này không chỉ tác động tiêu cực đến mục tiêu kiểm soát lạm phát mà còn làm chao đảo hoạt động sản xuất kinh doanh và và bào mòn thu nhập người dân. Tuy nhiên, điều đáng nói là giá xăng không chỉ tăng do khủng hoảng địa chính trị, mà đằng sau nó còn có những nghịch lý đáng buồn…

Những rủi ro liên hoàn từ giá dầu thế giới

Giá dầu thô đã tăng trên 68% trong hơn một năm qua, hiện giá dầu thô WTI giao ngay ở mức 103 USD/thùng. Một yếu tố quan trọng đẩy giá dầu leo thang là tiếng nói của Mỹ suy yếu trước Liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh (OPEC+), khối này đã tuyên bố giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng nhằm hưởng lợi từ mức giá cao bất chấp các lời kêu gọi từ Mỹ, EU và Ấn Độ.

Bên cạnh đó, thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng và đối mặt với mùa đông 2021-2022 khắc nghiệt, lạnh sớm nên các nước đang tăng cường dự trữ xăng dầu càng làm giá dầu gia tăng.

Tại châu Âu, từ mấy tháng trở lại đây, giá xăng dầu tăng liên tục hàng tuần. Giữa tháng 10 năm 2021, giá nhiên liệu tại châu Âu đã lên tới mức cao kỷ lục chưa từng thấy. Tuy vậy kỷ lục này đã bị phá vỡ và không thể so với giá xăng dầu tại thời điểm hiện nay. Ngày 18/3/2022, giá khí ga UK đã tăng 484% (gần 5 lần) so với cùng kỳ năm 2021.

Chiến tranh Nga - Ukraine xảy ra, các đòn trừng phạt nhắm vào quốc gia có sản lượng sản xuất dầu thô lớn thứ hai (đôi khi đứng thứ ba) thế giới là Nga đã khiến giá dầu tăng cao hơn. Hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá nhiên liệu sớm được bình ổn, lượng tồn kho tại các trung tâm nhiên liệu trên toàn cầu hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Nhưng giá xăng dầu ở Việt Nam tăng cao và chênh lệch với giá thế giới ở mức rất lớn không phải chỉ vì khủng hoảng địa chính trị thế giới thế giới mà còn vì chính sách thuế, phí và quản lý giá nhiều tranh cãi.

Thuế và phí chiếm 62% giá xăng dầu nội địa

Phân tích cấu phần trong giá mỗi lít xăng cho thấy, mỗi lít xăng đang cõng 4 loại thuế; thuế chiếm 38% giá xăng và khoảng 20% với giá dầu. Tức với 1 lít xăng A95, người dân phải gánh tới hơn 11.300 đồng thuế, phí. Trong lúc bình thường, khi giá xăng thấp, mức phí, thuế khoảng 7.000 – 8.000 nhưng hiện phí, thuế lên đến 11.000 – 12.000 đồng.

Trong đó, thuế bảo vệ môi trường đánh “kịch khung” vào các mặt hàng xăng dầu.

Ngoài ra, 1 lít xăng còn “cõng” các loại thuế khác, như thuế tiêu thụ đặc biệt (với xăng), thuế nhập khẩu, thuế VAT 10% (với xăng và dầu); khoản lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng, dầu và chi phí định mức 1.050-1.250 đồng/lít xăng; các chi phí khác như chi phí vận chuyển, quỹ bình ổn... Tóm lại, các loại chi phí này chiếm 62%, dẫn đến giá xăng dầu trong nước luôn ở mức rất cao so với giá thế giới.

Dự kiến nếu giảm thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1/4/2022 -31/12/2022 với 6 loại hàng hóa xăng, dầu, mỡ nhờn, mức giảm từ 500 – 1.000 đồng/lít/kg, số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm khoảng 11.982 tỷ đồng.

Liên quan đến giá xăng dầu, một điều rất khó hiểu, hiện Việt Nam tự chủ hơn về nguồn cung xăng dầu khi nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Nghi Sơn bảo đảm sản xuất, tiêu thụ trong nước lên đến 70%, chỉ còn khoảng 30% nhập khẩu nước ngoài. Tuy nhiên, giá xăng bán ra cho người tiêu dùng luôn tăng cùng giá thế giới.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho biết: “Giá xăng trong nước sản xuất được tính bằng giá nhập khẩu cộng thuế, đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho doanh nghiệp trong khi mỏ khoáng sản là tài sản của nhân dân, sử dụng toàn dân, thế nhưng cuối cùng người dân vẫn phải chịu giá xăng sản xuất trong nước ngang bằng giá nhập khẩu. Hiện riêng nhóm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hưởng lợi nhuận định mức, vì vậy, hoạt động kinh doanh xăng dầu không bao giờ lỗ. Nếu ngành nào cũng đòi hỏi phải có lợi nhuận định mức thì chỉ có người tiêu dùng là thiệt thòi".

Giảm giá xăng dầu?

Chỉ trong vòng 1 tháng, giá xăng dầu ở Việt Nam đã tăng 3 lần liên tiếp. Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hoá chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế VAT đang triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, giá xăng dầu là yếu tố gây ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống người dân. Theo ông, các nhà quản lý thiếu nhạy bén do chuyên gia đề xuất giảm thuế, phí xăng dầu ròng rã nhiều tháng nhưng chỉ đến khi Thủ tướng Phạm Minh Chính “ra lệnh” khoảng 10 ngày, Bộ Tài chính mới trình đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.

Trên thực tế, giá xăng dầu tăng phi mã không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, mà dưới sức ép của việc tăng chi phí đầu vào và giá cước vận tải lớn, các doanh nghiệp sản xuất sẽ đứng trước hai lựa chọn khó khăn, hoặc tăng giá bán hoặc giảm lợi nhuận. Nếu doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận thì động cơ mở rộng sản xuất sẽ bị triệt tiêu. Còn nếu lựa chọn tăng giá bán hàng hoá, dịch vụ thì trong những chu kỳ sau, khi nền kinh tế sử dụng đầu vào tăng giá sẽ đẩy chi phí trung gian tăng lên và “vòng xoáy” tăng giá tiếp tục lặp lại dẫn đến lợi nhuận lại giảm sút.

Tổ chức JPMorgan Chase & Co cho rằng, kết thúc năm 2022, giá dầu Brent có thể lên tới 185 USD/thùng nếu nguồn cung từ Nga không tiếp cận được thị trường. Như vậy, hy vọng duy nhất của việc giảm giá xăng dầu là từ việc các cơ quan nhà nước tăng cường sản xuất xăng dầu trong nước và cắt giảm các loại thuế phí mà xăng dầu đang phải “gồng gánh”, tuy nhiên, đến giờ hy vọng này xem ra vẫn còn quá mong manh…

Ngọc Minh

 



BÀI CHỌN LỌC

Nghịch lý giá xăng dầu trong nước: 62% giá là do thuế, phí