Nghiên cứu cho thấy có hàng trăm triệu hành tinh có thể ở được trong hệ Ngân Hà

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tìm kiếm sự sống trên các hành tinh khác từ lâu đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của các nhà thiên văn học. Giờ đây, một nghiên cứu mới cho thấy hệ Ngân Hà có hàng trăm triệu mục tiêu đầy hứa hẹn để tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống ngoài hệ Mặt trời của chúng ta.

Sử dụng kính viễn vọng Kepler của NASA, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu một mẫu nhỏ các hành tinh quay quanh các sao lùn đỏ – những ngôi sao có khối lượng nhỏ phổ biến trong thiên hà của chúng ta. Họ phát hiện ra rằng một phần ba số hành tinh – tương đương với hàng trăm triệu hành tinh trong hệ Ngân Hà – có khả năng có các điều kiện thích hợp cho sự sống.

Nghiên cứu mới được thực hiện bởi các chuyên gia tại Đại học Florida và được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.

Tác giả nghiên cứu Sarah Sagear cho biết: “Tôi nghĩ rằng kết quả này thực sự quan trọng cho nghiên cứu ngoại hành tinh trong thập kỷ tiếp theo, bởi vì sự chú ý đang chuyển hướng sang quần thể sao này”.

Sagear nói thêm: “Những ngôi sao này là những mục tiêu tuyệt vời để tìm kiếm các hành tinh nhỏ, nơi có thể tồn tại nước lỏng và do đó có thể ở được, trên quỹ đạo xung quanh chúng”.

Hệ Ngân Hà của chúng ta được ước tính chứa khoảng từ 100 tỷ đến 400 tỷ ngôi sao – và do đó nó cũng chứa ít nhất là ngần ấy hành tinh.

Theo các nhà nghiên cứu, điều thú vị là chỉ có khoảng 20% ​​các ngôi sao trong hệ Ngân Hà giống như Mặt trời của chúng ta, làm nó trở thành loại sao hiếm gặp so với các loại sao khác.

Sao lùn đỏ là loại sao phổ biến nhất. Chúng nhỏ hơn, mát hơn đáng kể và có khối lượng lớn nhất chỉ bằng một nửa Mặt trời. Theo ước tính, sao lùn đỏ chiếm đến gần 75% số lượng sao trong hệ Ngân Hà, và có kích thước tương đương Sao Mộc.

Hơn nữa, có hàng tỷ hành tinh quay quanh những ngôi sao lùn phổ biến này trong thiên hà của chúng ta, làm cho chúng trở thành mục tiêu đặc biệt của các nhà thiên văn học.

Trong nghiên cứu này, nhóm Florida đã đo “độ lệch tâm” quỹ đạo của một mẫu gồm hơn 150 hành tinh xung quanh các ngôi sao lùn đỏ trong hệ Ngân Hà. Để đo quỹ đạo của các hành tinh, họ đặc biệt tập trung vào thời gian các hành tinh di chuyển qua trước mặt của các ngôi sao – được gọi là “quá cảnh”.

Nghiên cứu của họ cũng dựa trên dữ liệu mới từ kính viễn vọng Gaia của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, đo lường khoảng cách đến hàng tỷ ngôi sao trong thiên hà.

Sagear cho biết: “Khoảng cách thực sự là thông tin quan trọng chúng tôi còn thiếu trước đây mà hiện tại cho phép chúng tôi thực hiện phân tích này”.

Các nhà thiên văn học cho biết, để hấp thụ đủ nhiệt lượng để có thể sinh sống được, các hành tinh cần ở rất gần các ngôi sao lùn đỏ. Điều này khiến chúng dễ bị ảnh hưởng bởi các lực thủy triều (tidal forces) cực đoan.

Trong phân tích dựa trên dữ liệu từ kính viễn vọng, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng 2/3 số hành tinh xung quanh các ngôi sao lùn đỏ có thể bị nướng chín bởi những lực thủy triều cực đoan này, khiến chúng không thể sống được. Nhưng vẫn có tới 1/3 số hành tinh – tương đương với hàng trăm triệu hành tinh trên khắp thiên hà của chúng ta – nằm trong quỹ đạo có thể ở được, đủ gần cũng như đủ ôn hòa để giữ nước lỏng và có khả năng tồn tại sự sống.

Họ cũng phát hiện ra rằng những ngôi sao nhiều hành tinh là những ngôi sao có khả năng cao chứa hành tinh quỹ đạo tròn cho phép chúng giữ nước ở thể lỏng.Trong khi đó, những ngôi sao chỉ có một hành tinh có nhiều khả năng bị các lực thủy triều cực đoan phá hủy bề mặt.

Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện của họ có “ý nghĩa đối với sự hình thành hành tinh và các quan sát tiếp theo”. Các kính viễn vọng mới như James Webb giờ đây sẽ là chìa khóa để xác định nước – một dấu hiệu quan trọng của sự sống – trên các ngoại hành tinh.

Theo Daily Mail

Văn Thiện biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu cho thấy có hàng trăm triệu hành tinh có thể ở được trong hệ Ngân Hà