Văn bản cổ Hàn Quốc cho thấy sự bất thường của chu kỳ Mặt trời vào 300 năm trước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các ghi chép trong những cuốn biên niên sử cổ hàng trăm năm tuổi của Hàn Quốc cho thấy chu kỳ Mặt trời ngắn hơn khoảng 3 năm so với hiện nay. Đây là một điều bất thường chưa từng được biết đến trước đây, và nó xảy ra trong một kỷ nguyên Mặt trời bí ẩn được gọi là "Cực tiểu Maunder" vào khoảng hơn 300 năm trước, theo Livescience.

Mặt trời luôn ở trạng thái biến đổi. Ngôi sao chủ của chúng ta có thể trải qua các thời kỳ hoạt động tăng cường, được gọi là cực đại Mặt trời, khi bão Mặt trời trở nên thường xuyên và mạnh hơn, cũng như các thời kỳ hoạt động giảm xuống, được gọi là cực tiểu Mặt trời, khi bão Mặt trời gần như biến mất hoàn toàn.

Hiện tại, Mặt trời phải mất khoảng 11 năm để hoàn thành một chu kỳ Mặt trời, từ cực tiểu đến cực đại và ngược lại. Các nhà khoa học có thể theo dõi tiến trình của Mặt trời trong một chu kỳ Mặt trời bằng cách đếm số lượng vết đen trên bề mặt ngôi sao, chúng xuất hiện thường xuyên hơn trong giai đoạn trước và trong thời kỳ Mặt trời đạt cực đại.

cực đại mặt trời, cực tiểu mặt trời
So sánh Mặt trời trong thời kỳ cực đại (trái) và cực tiểu (phải). (Ảnh: NASA/Đài quan sát động lực học Mặt trời)

Nhưng cũng giống như Mặt trời dao động trong các chu kỳ riêng lẻ, các ghi chép về vết đen Mặt trời trong lịch sử cho thấy rằng trong những giai đoạn dài hơn, kéo dài hàng thập kỷ hoặc thế kỷ, tổng số các chu kỳ Mặt trời cũng có thể tăng và giảm.

Cực tiểu Maunder, đôi khi được gọi là cực tiểu Mặt trời lớn (Grand Solar Minimum), là thời kỳ hoạt động của Mặt trời giảm đáng kể trong khoảng thời gian từ 1645 đến 1715 khi các vết đen Mặt trời "thực sự biến mất", Scott McIntosh, nhà vật lý Mặt trời tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia ở Colorado, người không tham gia vào nghiên cứu gần đây, nói với Live Science trong email.

Theo NASA, trong thời gian này, năng lượng của Mặt trời tỏa ra thấp đến mức nhiệt độ trung bình toàn cầu cũng giảm xuống. Đây chính là thời kỳ mà các nhà khoa học gọi là "kỷ băng hà nhỏ", mặc dù nó cũng có khả năng liên quan đến mức độ phun trào núi lửa cao vào thời điểm đó.

cực tiểu mặt trời lớn
Biểu đồ này cho thấy hoạt động của Mặt trời (được đo bằng bức xạ Mặt trời ước tính) giảm như thế nào trong thời kỳ Cực tiểu Maunder. (Ảnh: NASA/Đại học Colorado'/Trung tâm dữ liệu bức xạ Mặt trời tương tác LASP)

Các ghi chép về vết đen Mặt trời vẽ nên một bức tranh tổng quát về Cực tiểu Maunder, được đặt theo tên nhà thiên văn học người Anh Edward Walter Maunder. Nhưng vẫn còn nhiều điều về thời kỳ này mà các nhà khoa học chưa biết.

Trong nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí AGU Advances, các nhà nghiên cứu đã phân tích các hồ sơ từ Hàn Quốc về cực quang trong lịch sử và phát hiện ra rằng các chu kỳ Mặt trời trong thời kỳ Cực kiểu Maunder chỉ dài trung bình tám năm – ngắn hơn ba năm so với các chu kỳ hiện đại.

Theo mô tả của một nghiên cứu năm 2021, các ghi chép về cực quang là một phần của ba cuốn sách hoặc biên niên sử riêng biệt, được viết thay mặt cho các vị vua Hàn Quốc, trong đó có các báo cáo chi tiết hàng ngày về hoạt động công việc hoàng gia, quốc sự, thời tiết và các hiện tượng thiên văn xảy ra trên bán đảo Triều Tiên từ năm 918 đến năm 1910.

Các phần về thiên văn học trong biên niên sử thường xuyên đề cập đến “luồng hơi màu đỏ” hoặc “luồng hơi giống như ánh lửa” trên bầu trời. Các nhà nghiên cứu tin rằng những mô tả này đề cập đến Vùng dị thường Tây Thái Bình Dương (WPA) - một khu vực phía trên Hàn Quốc tạo ra cực quang màu đỏ đều đặn mặc dù ở xa các cực từ. Giống như các cực quang khác, WPA xảy ra khi bức xạ Mặt trời va chạm với lá chắn từ tính của Trái đất. Nhưng không giống như các cực quang khác vào thời điểm đó, những màn trình diễn ánh sáng này vẫn tiếp tục mặc dù hoạt động của Mặt trời giảm do từ trường Trái đất mỏng hơn ở khu vực này. Điều này khiến chúng trở thành một chỉ báo tuyệt vời cho sự tiến triển của chu kỳ Mặt trời, các nhà nghiên cứu viết.

Vùng dị thường tây thái bình dương
Vị trí của Vùng dị thường Tây Thái Bình Dương (WPA). (Ảnh: Yan và cộng sự 2023)

Ngày mà các cực quang này xuất hiện cho thấy bức xạ Mặt trời tuân theo chu kỳ 8 năm.

McIntosh cho biết, các nhà khoa học không biết nguyên nhân gây ra xu hướng dài hạn của chu kỳ Mặt trời như Cực tiểu Maunder. Ông nói thêm rằng có “nhiều thứ” có thể ảnh hưởng đến hoạt động của Mặt trời trong thời gian dài như vậy. Các nhà khoa học cũng chưa rõ tại sao chu kỳ Mặt trời lại rút ngắn lại trong thời gian đó. Nhưng những phát hiện mới này có thể cung cấp “manh mối quan trọng” để hiểu rõ hơn về giai đoạn bí ẩn này, các nhà nghiên cứu viết trong bài báo.

Trong vài chu kỳ Mặt trời gần đây, hoạt động của Mặt trời đã giảm và có một số biến động nhỏ về độ dài chu kỳ. Điều này khiến một số chuyên gia dự đoán rằng chúng ta đang bước vào một thời kỳ mới với hoạt động Mặt trời giảm sút.

Tuy nhiên, sự tiến triển của chu kỳ Mặt trời hiện nay, mà đã rất hoạt động và đang nhanh chóng đạt đến cực đại, cho thấy dự đoán đó không đúng.

Theo Livescience



BÀI CHỌN LỌC

Văn bản cổ Hàn Quốc cho thấy sự bất thường của chu kỳ Mặt trời vào 300 năm trước