Nghiên cứu: Thức trắng đêm khiến não già đi 1-2 năm. Sẽ ra sao nếu bạn chỉ ngủ vài tiếng mỗi ngày?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạn đã bao giờ tự hỏi nếu phải thức khuya, chỉ ngủ 3-4 tiếng hay không ngủ thì tốt hơn hay chưa? Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Journal of Neuroscience cho thấy, thức trắng đêm sẽ khiến não bị lão hóa từ 1-2 năm.

Thức khuya, thiếu ngủ ảnh hưởng gì đến não bộ?

Chen Xiyin, Giám đốc điều hành tại Trung tâm Truyền thông Khoa học và Công nghệ Đài Loan (SMC), đã đề cập đến một nghiên cứu mới trên Tạp chí Journal of Neuroscience vào ngày 20 tháng 2 năm 2023.

Cụ thể, nghiên cứu phân tích kết quả của 5 nghiên cứu trước đó về giấc ngủ, kết hợp với hồ sơ ghi lại hình ảnh não bộ của những người tham gia.

Họ phát hiện ra rằng trong số 134 người có độ tuổi từ 19-39, hình ảnh não bộ của những người không ngủ trong 24 giờ cho thấy sự lão hóa, già nhanh hơn so với những người cùng trang lứa từ một đến hai tuổi.

Nhưng thật may là nếu những người này ngủ ngon sau đó, bộ não sẽ trở về trạng thái ban đầu một lần nữa.

Mặt khác, ngay cả khi họ chỉ ngủ 3 tiếng mỗi ngày thì hình ảnh chụp não vẫn không thay đổi so với ban đầu, thậm chí nếu họ ngủ 5 tiếng mỗi ngày trong năm ngày liên tục thì hình ảnh não bộ cũng không cho thấy sự khác biệt.

Tuy nhiên, Chen Xiyin nhấn mạnh rằng, nghiên cứu này không đánh giá được tình trạng của não bộ nếu ai đó chỉ ngủ 5 tiếng mỗi ngày trong 15 ngày, hoặc vài tháng liên tiếp?

Hơn nữa, thiếu ngủ kéo dài sẽ đem đến những thay đổi và khác biệt gì ở các nhóm tuổi khác nhau? Phần này hiện chưa rõ trong dữ liệu nghiên cứu.

Nhưng dù vậy, chúng ta vẫn có thể biết rằng nếu thức trắng đêm, hoặc không ngủ trong vài ngày, thì nhất định chúng ta cần phải nghỉ ngơi.

Trạng thái tốt nhất là duy trì thói quen sinh hoạt ổn định, đều đặn và ngủ đủ giấc. Nếu phải thức khuya thì ngày hôm sau nhất định phải ngủ ngon!

Trạng thái tốt nhất là duy trì thói quen sinh hoạt ổn định, đều đặn và ngủ đủ giấc. Nếu phải thức khuya thì ngày hôm sau nhất định phải ngủ ngon!
Trạng thái tốt nhất là duy trì thói quen sinh hoạt ổn định, đều đặn và ngủ đủ giấc. Nếu phải thức khuya thì ngày hôm sau nhất định phải ngủ ngon! (Pexels)

Cơ thể sẽ ra sao nếu bạn thường ngủ ít hơn 6 hoặc 7 tiếng?

Thực tế, duy trì giấc ngủ đều đặn và đủ giấc rất quan trọng đối với sức khỏe con người.

Matthew Walker, giám đốc Trung tâm Khoa học Giấc ngủ Con người tại Đại học California, đồng thời là cựu giáo sư tâm thần học tại Trường Y Harvard, đã nói rằng nếu bạn ngủ ít hơn 6 hoặc 7 tiếng mỗi đêm, hệ thống miễn dịch sẽ bị tổn hại và nguy cơ mắc ung thư cũng tăng gấp đôi.

Một yếu tố quan trọng trong lối sống quyết định liệu bạn có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer hay không là ngủ thiếu giấc.

Thậm chí bạn chỉ cần mất ngủ một chút trong tuần cũng ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Nó nghiêm trọng tới mức đủ để chẩn đoán mắc tiền tiểu đường.

Ngủ quá ít làm tăng nguy cơ tắc nghẽn và dễ vỡ các động mạch vành, dẫn đến bệnh tim mạch, đột quỵ và suy tim sung huyết.

Giấc ngủ xáo trộn có thể làm nặng thêm nhiều chứng rối loạn tâm thần, bao gồm trầm cảm, lo lắng và khuynh hướng tự tử.

Ngoài ra, bạn có nhận thấy rằng, khi mệt mỏi dường như có cảm giác thèm ăn hơn? Thực ra đây không phải là ngẫu nhiên.

Khi bạn ngủ quá ít, mức độ hormone gây đói tăng lên, trong khi một loại hormone gây no bị ức chế. Vậy nên, dù no đến mấy nhưng bạn vẫn sẽ muốn ăn nhiều hơn.

Từ đó có thể thấy, thiếu ngủ sẽ dẫn đến tăng cân cho cả người lớn và trẻ em.

Chưa dừng lại ở đó, nếu bạn là người đang cố gắng ăn kiêng để giảm cân trong khi thiếu ngủ thường xuyên, thì những nỗ lực của bạn sẽ bị lãng phí vì phần lớn trọng lượng giảm được sẽ đến từ cơ bắp chứ không phải chất béo trên cơ thể.

Nguồn: Health Vision

Theo Song Yun từ Aboluowang
Hoàng Tuấn biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu: Thức trắng đêm khiến não già đi 1-2 năm. Sẽ ra sao nếu bạn chỉ ngủ vài tiếng mỗi ngày?