Người cao tuổi Trung Quốc cảm thấy vô vọng giữa khủng hoảng lương hưu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự trì hoãn giải quyết cuộc khủng hoảng lương hưu tại Trung Quốc đang ngày càng dẫn tới những thách thức lớn hơn nữa. Người dân Trung Quốc tỏ ra vô vọng, trong khi giới phân tích cho rằng vấn đề nằm ở bộ máy quan liêu đang bòn rút tiền của dân chúng.

Nhà phân tích và cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, ông Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan), thừa nhận rằng Trung Quốc sẽ sớm phải đối mặt với một xã hội già hóa với hệ thống lương hưu yếu kém. Giải pháp khả thi duy nhất dựa vào việc những người về hưu tự mình lấp đầy lỗ hổng lương hưu. Giới phân tích nói rằng vấn đề thực sự nằm ở hệ thống quan liêu khổng lồ sống dựa vào toàn bộ dân chúng.

Trong một diễn đàn kinh tế vào ngày 25/02, ông Chu, Phó chủ tịch Diễn đàn Bác Ngao châu Á và cựu Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, nói rằng lương hưu tư nhân có thể sẽ đóng một vai trò trong quỹ lương hưu vốn đang hạn chế với một số lượng lớn người lao động sắp nghỉ hưu.

Nhà kinh tế Davy Jun Huang nói với The Epoch Times vào ngày 27/02 rằng quỹ hưu trí của Trung Quốc thực sự đang suy giảm và hết tiền mặt. Ông ấy nói, “Tiền gửi vào quỹ an sinh xã hội bây giờ sẽ đến tay những người về hưu ngay lập tức. Trong khi không còn số dư còn lại, số dư trong quá khứ và tiền dự trữ sẽ tiếp tục được sử dụng. Tình hình rất nghiêm trọng”.

Quỹ hưu trí cạn kiệt

Gần đây, một tạp chí của cơ quan truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã đã đăng một bài báo nói rằng trong vòng 10 năm nữa, Trung Quốc sẽ đối mặt với làn sóng nghỉ hưu lớn nhất trong lịch sử ĐCSTQ. Số người nghỉ hưu sau 60 tuổi trung bình đạt 20 triệu người mỗi năm, và đang gia tăng.

Năm 2019, nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) chỉ ra rằng thâm hụt được dự đoán sẽ xảy ra vào năm 2028 và quỹ hưu trí của người lao động thành thị sẽ cạn kiệt vào năm 2035.

Vào tháng 04/2022, chính quyền Trung Quốc đưa ra ý tưởng về lương hưu cá nhân. Ba tháng sau, nhiều ngân hàng thương mại nhà nước công bố chương trình hưu trí thí điểm với các sản phẩm đầu tư 5, 10, 15 và 20 năm với nhiều mức lãi suất cao hơn 3%.

Ông Zheng, một người đã về hưu, không có niềm tin vào những sản phẩm này. Ông ấy nói, “Bạn có thể thấy rằng có rất nhiều bài đăng trên Internet, và tiền đã biến mất khi gửi [vào ngân hàng]”.

Ông Yang, một người đại lục thất nghiệp, tin rằng có sự thâm hụt lương hưu nghiêm trọng. Ông nói: “Bất kỳ chính sách nào mà chế độ đưa ra chỉ là để kéo dài sự cai trị của nó”.

Người cao tuổi Trung Quốc cảm thấy vô vọng giữa khủng hoảng lương hưu
Số lượng người cao niên đang tăng lên ở Trung Quốc. Một cặp vợ chồng trẻ sinh vào những năm 1980 là những người chăm sóc duy nhất của bốn cha mẹ già. (Ảnh: Getty Images)

Hệ thống quan liêu bòn rút quỹ lương hưu

Ông Chu cho biết trong diễn đàn rằng các lỗ hổng lương hưu đang rất nguy hại và việc “trì hoãn” hơn nữa trong việc đối mặt với các lỗ hổng của hệ thống lương hưu sẽ dẫn đến những thách thức lớn hơn. Ông đề xuất các chiến lược nên tìm cách để xử lý nguyên nhân gốc rễ chứ không phải các triệu chứng hoặc ít nhất là điều trị cả hai cùng một lúc.

Nhà kinh tế Huang cho biết kết quả của “trì hoãn” đồng nghĩa với việc ngay cả các khoản đóng góp cũng không thể đáp ứng được các khoản chi. Ông nói, điều đó báo hiệu sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống an sinh xã hội.

Đối với vấn đề điều trị gốc hay triệu chứng, ông Huang cho rằng bề ngoài, thâm hụt đang tiêu tốn quỹ dự trữ, cách để điều trị triệu chứng là tăng đóng góp hoặc giảm số lượng và số tiền chi trả.

Tuy nhiên, ông Huang cho biết một lượng đáng kể tiền quỹ đi đến những người chiếm hữu ngân sách nhà nước, chẳng hạn như công chức, các sở và doanh nghiệp nhà nước. Những điều này góp phần hình thành gốc rễ cuộc khủng hoảng của quỹ hưu trí.

“Đa số quần chúng nghèo khổ đang đóng góp và nuôi dưỡng một hệ thống quan liêu và hệ thống đảng khổng lồ, vốn đóng góp rất ít cho an sinh xã hội nhưng lại tiêu tốn một phần lớn chi tiêu của hệ thống. Đó là vấn đề ‘gốc rễ’ của các lỗ hổng trong lương hưu”, ông Huang phân tích.

Một phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin vào ngày 13/01 rằng quỹ hưu trí địa phương đã hoàn thành khoản thanh toán vào tháng 1 tại thành phố Ưng Đàm, tỉnh Giang Tây.

Theo bài báo, đã có 178,85 triệu CNY (nhân dân tệ) được phân bổ cho 75.500 người về hưu trong doanh nghiệp, 69,09 triệu CNY cho 13.600 người về hưu thuộc chính phủ và 28,54 triệu CNY cho 137.800 người về hưu là công dân thành thị và nông thôn.

Trung bình, những người về hưu của các cơ quan chính quyền Ưng Đàm nhận được 5.080 CNY (khoảng 729,49 USD) một tháng, những người về hưu trong doanh nghiệp là 2.368 CNY (khoảng 340,04 USD) một tháng và người dân thành thị và nông thôn nhận được 207 CNY (khoảng 29,73 USD) một tháng. Trong số đó, lương hưu bình quân đầu người mà người về hưu nhà nước nhận được cao hơn gần 25 lần so với người dân thành thị và nông thôn.

Một tình huống vô vọng

Ông Chu cũng đề cập đến khả năng trì hoãn tuổi nghỉ hưu hợp pháp trong bài nói chuyện của mình. Tuy nhiên, ông cảnh báo về các vấn đề liên quan đến sức khỏe trung bình và năng suất của người cao tuổi cũng như hiệu quả chi phí mà các công ty sẽ cần xem xét.

Tuổi nghỉ hưu hợp pháp ở Trung Quốc là 60 đối với nam giới, 55 đối với nữ nhân viên văn phòng và 50 đối với nữ công nhân. Nghỉ hưu sớm hơn có nghĩa là ít thuế thu được từ tiền lương hơn và số năm đóng góp từ người sử dụng lao động ít hơn.

Ông Zheng đã về hưu nói rằng tình huống hiện nay là vô vọng, đề cập đến mức lương hưu hiện tại. Ông nói, “Những người có quá trình làm việc ít hơn sẽ nhận được ít hơn 1.000 CNY (khoảng 143,6 USD) một tháng. Nhưng nó chỉ có thể lên tới 3.000 CNY (khoảng 430,8 USD) đối với những người trong chúng tôi với nhiều năm [đóng góp] hơn”, đồng thời lưu ý rằng giá cả hàng hóa hiện vẫn tương đối ổn định. Nếu đồng CNY giảm giá trị và lạm phát tiếp tục, 3.000 CNY sẽ trở nên vô giá trị.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Người cao tuổi Trung Quốc cảm thấy vô vọng giữa khủng hoảng lương hưu