Người đứng đầu NATO tới thăm Ukraine lần đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược quốc gia này

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg đang thăm Ukraine lần đầu tiên, vào ngày 20/4/2023, kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện hơn một năm trước, AP trích nguồn tin từ một quan chức thuộc liên minh.

Theo một quan chức thuộc liên minh NATO, yêu cầu AP giấu tên, cho biết, “Tổng thư ký NATO đang ở Ukraine. Chúng tôi sẽ công bố thêm thông tin sớm nhất có thể”.

Trước đó, nguồn truyền thông trực tuyến của Ukraine là Strana đưa tin về chuyến thăm của Tổng Thư ký NATO tới Ukraine. Tuy nhiên, nguồn tin này không cung cấp bất kỳ chi tiết nào, chỉ đăng một bức ảnh của Tổng Thư ký NATO đứng cùng các quan chức quân đội Ukraine.

Theo TASS, hãng truyền thông Nhà nước Nga, việc các quan chức NATO thăm các quốc gia đang có giao tranh quân sự mà không thông báo trước là khá thường xuyên. Trong suốt 20 năm chiến tranh ở Afghanistan, liên minh NATO chưa bao giờ thông báo trước chuyến thăm của Tổng Thư ký đến đất nước này, mà chỉ công bố thông tin về chuyến thăm sau khi đã hoàn tất hoặc sắp kết thúc.

Ngoài ý nghĩa biểu tượng quan trọng của chuyến thăm, hiện AP chưa rõ mục đích chính xác của ông Stoltenberg trong chuyến đi thăm Kyiv. NATO không có sự hiện diện chính thức ở Ukraine. Đây là một tổ chức, một liên minh quân sự gồm 31 quốc gia. Cho tới nay, NATO chỉ cung cấp hỗ trợ phi sát thương, như máy phát điện, thiết bị y tế, lều trại, quân phục và các vật dụng khác,... cho chính phủ ở Kyiv.

Ông Stoltenberg là tiếng nói mạnh mẽ của liên minh trong suốt cuộc chiến. Tổng thư ký NATO đã luôn giữ trọng trách là đầu mối điều phối, kêu gọi hỗ trợ vũ khí, kinh tế, tài chính từ 31 quốc gia thành viên cho Ukraine, ủng hộ nước này trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga.

Mặc dù ông Stoltenberg đã đến thăm Ukraine trước chiến tranh. Nhưng kể từ khi Nga đưa quân xâm lược Ukraine hơn một năm về trước (24/2/2022), đây là lần đầu tiên Tổng thư ký NATO hiện diện tại quốc gia này. Mong muốn tham gia NATO của Ukraine được xem là lý do Nga châm ngòi cho cuộc chiến.

Theo NATO, trong hơn hai thập kỷ, NATO đã cố gắng xây dựng quan hệ đối tác với Nga, đối thoại và hợp tác với Nga trong các lĩnh vực hai bên cùng có lợi. Tuy nhiên quan hệ này bị rạn nứt khi NATO cáo buộc Nga can thiệp quân sự vào Ukraina năm 2014 (chiếm bán đảo Crimea) nhưng NATO vẫn giữ các kênh đối thoại chính trị và quân sự với Nga.

Về phần mình, Nga cũng cáo buộc khủng hoảng tại Ukraina năm 2014 là do NATO gây ra khi không giữ vững các cam kết trước đó với Nga cũng như đã tiến hành lật đổ chính quyền hợp pháp tại đây bằng đảo chính. Trên thực tế, Nga và NATO luôn tồn tại rất nhiều bất đồng.

Quang Nhật tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Người đứng đầu NATO tới thăm Ukraine lần đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược quốc gia này