Người trong cuộc tố Babytree của Trung Quốc gian lận IPO trắng trợn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo cáo buộc, Babytree, với sự giúp đỡ của AMTD, đã thực hiện hành vi gian lận thổi phồng quy mô của đợt IPO. Mặc dù bị chính quyền Trung Quốc che giấu, thị trường tài chính của đất nước này chính là một điểm nóng gian lận.

Giám đốc tài chính (CFO) của Babytree - một công ty Trung Quốc được niêm yết tại Hong Kong - đã vạch trần vụ IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) bị cáo buộc là gian lận của công ty ông. Ông cũng tố một tổ chức tài chính Hong Kong niêm yết trên NYSE (Sàn giao dịch chứng khoán New York) là đồng phạm. Công ty này đã giúp hàng chục công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn chứng khoán Hong Kong và Mỹ.

Vào ngày 11/04, Giám đốc tài chính Xu Chong của Tập đoàn Babytree đã cáo buộc rằng, một số công ty con của Fosun, bao gồm cả Babytree, đã có hành vi gian lận trong các đợt IPO của họ. Babytree, một nền tảng cộng đồng và thương mại điện tử dành cho mẹ và bé của Trung Quốc, đã được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong (HKEX) vào ngày 27/11/2018.

Ông Xu cáo buộc rằng trong quá trình IPO, một số giám đốc chủ chốt đã quyết định mở rộng quy mô của đợt IPO do thiếu đơn đăng ký đặt hàng IPO. Công ty của ông đã thỏa thuận với một công ty đầu tư, AMTD, để công ty này đăng ký mua 70 triệu USD trong đơn đặt hàng IPO và hứa sẽ “trả lại” toàn bộ 70 triệu USD cho AMTD vào ngày IPO. Vào ngày ông Xu lên tiếng về câu chuyện, hội đồng quản trị của Babytree thông báo rằng ông sẽ bị thôi giữ chức vụ Giám đốc tài chính của công ty.

Nhà kinh tế Mỹ Davy Jun Huang nói với The Epoch Times vào ngày 15/04 rằng, về cơ bản, những gì các công ty đó bị cáo buộc đã làm là trả tiền cho bên thứ ba để mua cổ phiếu của chính họ để đánh lừa thị trường. Mục đích là làm thị trường tin rằng các công ty đó có giá trị đầu tư hoặc đáp ứng yêu cầu niêm yết. Nói cách khác, các công ty như Babytree có thể đã gian lận quy mô các đợt IPO của họ. Thủ đoạn này đã phát triển mạnh từ gần 20 năm nay và là “chuyện thường ngày” trong lĩnh vực tài chính kế toán.

Người trong cuộc tố Babytree của Trung Quốc gian lận IPO trắng trợn
Ông Calvin Choi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của AMTD International, Inc., rung chuông khai mạc phiên giao dịch trong đợt IPO của công ty ông tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) vào ngày 05/08/2019 tại Phố Wall ở Thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: JOHANNES EISELE / AFP qua Getty Images)

Vai trò của AMTD

Tập đoàn AMTD được thành lập bởi tỷ phú giàu có nhất Hong Kong Lý Gia Thành (Sir Ka-shing Li). Sau khi giới thiệu một cổ đông mới, Morgan Stanley Private Equity Asia (MSPE), quyền quản lý hàng ngày của công ty được chuyển giao cho doanh nhân Hong Kong Calvin Choi, người hiện đang kiểm soát Tập đoàn AMTD. Vào tháng 08/2019, AMTD Group đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán New York.

Kể từ năm 2016, Tập đoàn AMTD đã giúp nhiều công ty công nghệ và ngân hàng Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ và Hong Kong. Tuy nhiên, các công ty làm việc với AMTD đã bị đồn đại là hoạt động kém hiệu quả hoặc có tham nhũng trong giới điều hành. Ví dụ: vào ngày 30/12/2019, sau khi niêm yết với giá phát hành là 2,48 HKD (đô la Hong Kong) trên mỗi cổ phiếu, Ngân hàng Quý Châu đã phá sản trong ngày; vốn hóa thị trường của nó đã bốc hơi gần 1,9 tỷ HKD trong bốn ngày sau khi niêm yết.

Tập đoàn AMTD cũng đã hoàn thành đợt IPO H-Share HK (IPO trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong) cho Ngân hàng Giang Tây vào năm 2018. Vào tháng 03/ 2022, ông Chen Xiaoming, cựu Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Giang Tây đã bị điều tra vì cáo buộc vi phạm pháp luật. Vào tháng 12/2022, ông Chen bị buộc tội lạm dụng tài sản tài chính của nhà nước để tư lợi, sử dụng thẩm quyền phê duyệt khoản vay tài chính để thu lợi bất chính và nhận hối lộ lớn.

Ông Huang cho biết: “Nếu thông tin của ông Xu Chong là sự thật thì đây sẽ là một vụ lừa đảo tài chính trắng trợn hoặc thậm chí là một vụ lừa đảo được lên kế hoạch cẩn thận”.

Mối liên hệ với nhà sáng lập lừa đảo

Mặc dù các cáo buộc của ông Xu Chong vẫn chưa được chứng minh đầy đủ, nhưng việc ông Xu vạch trần một công ty khác vốn đã thông đồng với Babytree để thực hiện hành vi lừa đảo đã làm tăng thêm độ tin cậy cho cáo buộc. Ông chủ của công ty này đã bị bắt vì tội lừa đảo và các tội danh khác vào năm 2019. Công ty này là Công ty quản lý đầu tư mạo hiểm Quảng Đông CSM và ông Xu cáo buộc rằng công ty này cũng tham gia giúp Babytree thực hiện gian lận IPO.

Ông Zhang Wei, người sáng lập Quảng Đông CSM, đã bị bắt vào ngày 10/04/2019 với các tội danh liên quan đến băng đảng, tống tiền và lừa đảo trực tuyến. Vào ngày 26/11/2021, ông Zhang bị kết án tù chung thân vì 11 tội danh, bao gồm tổ chức đường dây tội phạm và bòn rút công quỹ trái phép.

Ông Huang tin rằng nền tảng tài chính của ông Zhang Wei đang tiến hành gây quỹ, cho vay tài chính bất hợp pháp và gian lận tài chính dưới danh nghĩa quản lý tài sản. Nếu Babytree tham gia với tư cách là một nhà đầu tư tượng trưng để giúp Quảng Đông CSM đánh lừa công chúng, khả năng phạm tội tài chính là rất cao.

Gian lận là phổ biến

Trong nhiều năm, ĐCSTQ đã ra lệnh cho các công ty Trung Quốc không giao nộp giấy chứng nhận tài chính gốc của họ cho các cơ quan quản lý của Mỹ. Điều này tạo ra một môi trường thuận lợi để họ thực hiện hành vi gian lận và khiến các công ty niêm yết của Trung Quốc trở nên khét tiếng vì gian lận.

Vào tháng 06/2013, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã buộc tội China Media Express, công ty điều hành một mạng lưới quảng cáo trên các chuyến tàu tốc hành liên thành phố và sân bay của Trung Quốc, đã báo cáo sai lệch về hoạt động vận hành, tài chính và lợi nhuận của mình. Ngoài việc thổi phồng quá mức tài sản tiền mặt của mình, công ty đã tuyên bố sai trong hồ sơ công khai và thông cáo báo chí rằng, hai công ty đa quốc gia là nhà quảng cáo của mình. Đó không phải là sự thực.

Vào tháng 09/2014, SEC buộc tội AgFeed, một công ty phân bón Trung Quốc, đã báo cáo sai doanh thu từ các hoạt động vận hành tại Trung Quốc từ năm 2008 đến ngày 30/06/2011. Điều này làm tăng doanh thu được báo cáo công khai của công ty lên khoảng 239 triệu USD. Các giám đốc điều hành của công ty đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để thổi phồng doanh thu, bao gồm sử dụng hóa đơn bán hàng giả và “bán” những con lợn thực ra không tồn tại.

Vào tháng 12/2020, SEC đã buộc tội chuỗi cà phê Trung Quốc Luckin Coffee cố tình ngụy tạo hơn 300 triệu USD doanh số bán lẻ từ tháng 04/2019 đến tháng 01/2020 thông qua ba chương trình mua sắm riêng biệt sử dụng các đối tác kinh doanh để tạo ra các giao dịch bán hàng giả.

Người trong cuộc tố Babytree của Trung Quốc gian lận IPO trắng trợn
Một người phụ nữ đi ngang qua cửa hàng Luckin Coffee ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 17/05/2019. (Ảnh: WANG ZHAO/AFP qua Getty Images)

SEC đã phạt Luckin 180 triệu USD sau khi một số nhân viên của Luckin cố gắng che giấu hành vi gian lận bằng cách thổi phồng chi phí của công ty lên hơn 190 triệu USD, tạo cơ sở dữ liệu hoạt động sai lệch và thay đổi hồ sơ kế toán và ngân hàng để phản ánh doanh số bán hàng giả.

Vào tháng 12/2020, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài. SEC đã sử dụng đạo luật này làm cơ sở để buộc Trung Quốc vào tháng 08/2022 phải đồng ý cho phép Ủy ban giám sát kế toán công ty đại chúng Mỹ (PCAOB) tiến hành đánh giá toàn diện hồ sơ kiểm toán của các công ty Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ theo tiêu chuẩn của Mỹ.

Ai được lợi?

Ông Huang cho biết: “Hành vi làm sai lệch thông tin để chào bán cổ phiếu ra công chúng đã diễn ra trong một thời gian dài và các nước phương Tây đang có một cuộc chiến rất dài chống lại nó trên thị trường tài chính. Bây giờ, các cổ phiếu khái niệm Trung Quốc và thị trường tài chính Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất [bởi hành vi này]”. [Cổ phiếu khái niệm: cổ phiếu các công ty có hoạt động vận hành lớn ở Trung Quốc, được niêm yết tại Hong Kong hoặc các sàn giao dịch khác].

Ở Trung Quốc, thị trường tài chính hoạt động theo cách có thể khiến mọi người trở nên giàu có chỉ sau một đêm. Đây là nơi giới thượng lưu quyền lực trong nước tìm kiếm các khoản đầu tư có rủi ro cao và lợi nhuận cao. Đây cũng là nơi xảy ra tình trạng gian lận nghiêm trọng nhất và mức độ chặt chẽ trong giám sát đã không theo kịp tình trạng này. Ngoài ra, số lượng giao dịch là rất lớn, ông Huang nói.

ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ hệ thống tuyên truyền và sẽ luôn bảo vệ thị trường tài chính của đất nước. Chính quyền Trung Quốc sẽ từ chối thừa nhận rằng thị trường của đất nước này là một điểm nóng cho gian lận. Người dân đầu tư vào các công ty lừa đảo thường bị thiệt hại nặng nề và không bao giờ được đền bù.

Người trong cuộc tố Babytree của Trung Quốc gian lận IPO trắng trợn
Người dân đi trên cây cầu có gắn bảng điện tử thể hiện chỉ số chứng khoán, ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 17/10/2022. (Ảnh: Hector Retamal / AFP qua Getty Images)

Ông Huang cũng gợi ý rằng những cá nhân giàu nhất ở Trung Quốc trong 20 năm qua đều kiếm tiền thông qua các đợt IPO. Một lượng lớn tài sản đã được tích lũy từ tiền của những người dân thường ở Trung Quốc, những người đầu tư vào cổ phiếu để kiếm lợi nhuận. Cuối cùng, chỉ có giới tinh hoa giàu có có liên hệ với ĐCSTQ mới kiếm được lợi nhuận trên thị trường tài chính của Trung Quốc.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Người trong cuộc tố Babytree của Trung Quốc gian lận IPO trắng trợn