Nguyên nhân tạo nên sự bùng nổ trong ngành sản xuất của Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một phần sự bùng nổ là do các đạo luật mới được ban hành. Ngoài ra còn có sự thúc đẩy của các yếu tố cơ bản khác như các vấn đề về chuỗi cung ứng, chi phí năng lượng và lãi suất. Xu hướng về tiền lương cũng như tự động hóa cũng đang định hình ngành sản xuất.

Khi các công ty Mỹ đang suy nghĩ lại về việc tìm nguồn cung ứng ở Trung Quốc, có vẻ như một số đã quyết định đưa hoạt động sản xuất của họ trở về nước.

Từ năm 2022, đầu tư vào sản xuất trong nội địa Mỹ đã tăng mạnh. Một số khoản đầu tư này là nhằm mục đích tận dụng các khoản trợ cấp và lợi thế về thuế của chính phủ liên bang để sản xuất chip, xe điện (EV) và những thứ tương tự trong nội địa nước Mỹ. Nhưng xu hướng này dường như cũng có sự hỗ trợ từ các yếu tố kinh tế cơ bản khác bền vững hơn. Tuy nhiên, sự phục hồi xuất hiện nhiều hơn ở công suất và sản lượng, chứ không phải ở việc làm.

Bộ Thương mại Mỹ đã báo cáo chi tiêu xây dựng nhằm gia tăng công suất sản xuất cho năm ngoái tương đương khoảng 108 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2021. Chúng ta chỉ có dữ liệu cho hai tháng trong năm 2023, nhưng chúng cho thấy sự tăng tốc rõ rệt. Chi tiêu tháng 2 đã cao hơn 8,2% so với tháng 12 năm ngoái. Công suất sản xuất tổng thể chỉ tăng ở mức khiêm tốn 1,4% trong năm ngoái. Tuy nhiên, đó là điều hợp lý vì ngay cả một năm tăng mạnh đầu tư cũng không làm thay đổi được gì nhiều công suất tổng thể, thứ vốn được xây dựng trong nhiều năm. Tuy nhiên, xu hướng này rất đáng khích lệ. Đây là sự tăng trưởng sau hơn 10 năm suy giảm từ năm 2007 đến năm 2020.

Rõ ràng là, một phần của sự gia tăng đầu tư này là do Đạo luật CHIPs dành cho nước Mỹ và Đạo luật Giảm lạm phát (một cái tên kỳ lạ). Cả hai đều được thông qua vào năm ngoái và cung cấp các khoản trợ cấp cho việc xây dựng các cơ sở sản xuất chất bán dẫn trong nước. Ngay sau khi luật được thông qua, cả Intel và TSMC đều công bố ý định xây dựng các cơ sở mới ở Mỹ và tiền đã bắt đầu chảy vào nước Mỹ. Intel đã lên kế hoạch xây dựng cơ sở của mình trước khi luật được thông qua, nhưng chắc chắn chi tiêu đầu tư đã tăng tốc để hưởng ứng luật mới.

Mặc dù các đạo luật rõ ràng đã có hiệu lực, nhưng nó không thể duy trì chi tiêu đầu tư với tốc độ tăng trưởng hiện tại. Một khi các nhà sản xuất hoàn thành việc di dời các hoạt động ở nước ngoài và ép nhập chúng vào các cơ sở hiện tại của Mỹ trong những kế hoạch cho những năm tới, tốc độ tăng trưởng đầu tư sẽ chậm lại trở về ngang với tốc độ tăng trưởng của thị trường toàn cầu đối với chất bán dẫn và xe điện. Chắc chắn là, chip, xe điện và pin sẽ phát triển với tốc độ mạnh mẽ hơn so với các loại hình sản xuất khác, nhưng tốc độ tăng đột biến hiện nay vẫn là điều khác thường. Nhưng nếu các đạo luật chỉ có những tác động tương đối, thì những ảnh hưởng khác, cơ bản hơn sẽ là yếu tố duy trì việc mở rộng sản xuất trong nước của Mỹ.

Tác động của các yếu tố kinh tế cơ bản

Những vấn đề về chuỗi cung ứng, chi phí năng lượng và lãi suất tăng là ba trong số những yếu tố này. Câu chuyện về chuỗi cung ứng giờ đây đã trở nên quen thuộc. Trong thời kỳ đại dịch và trong quá trình phục hồi khi các biện pháp kiểm dịch và phong tỏa được dỡ bỏ, các doanh nghiệp phát hiện ra rằng, nguồn cung ứng đặt ở nước ngoài kém tin cậy hơn những gì người ta từng nghĩ. Do đó, một số công ty đã quyết định đưa một số hoặc tất cả các hoạt động sản xuất của họ về nước. Xu hướng đó được củng cố với việc chi phí và độ tin cậy của nguồn năng lượng ở Trung Quốc và các nơi khác cũng bộc lộ nhiều vấn đề. Trong khi đó, lãi suất tăng đồng thời đóng một vai trò. Bằng cách thúc đẩy nhà bán lẻ và bán buôn duy trì lượng hàng tồn kho ở mức ít hơn, các nhà sản xuất phải đối mặt với nhu cầu giao hàng nhanh hơn và thường xuyên hơn. Điều này được đáp ứng tốt bởi các cơ sở sản xuất gần nơi cung ứng.

Chênh lệch tiền lương cũng có tác động đến sản xuất. Trong nhiều năm, nguồn lao động giá rẻ, đáng tin cậy ở Trung Quốc và các nơi khác ở châu Á đã thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ chấp nhận rủi ro về lộ trình cung ứng dài và những ẩn số khác để xây dựng và tìm nguồn cung ứng ở Trung Quốc. Chắc chắn là, sự khác biệt về tiền lương đã từng rất hấp dẫn. Năm 2000, ngay sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mức lương trung bình của người Mỹ cao gấp 33 lần mức lương trung bình ở Trung Quốc. Nhưng khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển, tiền lương ở nước này đã bắt đầu đuổi kịp Mỹ. Theo thống kê gần đây nhất, mức lương của người Mỹ cao gấp khoảng 6,5 lần so với mức lương của người Trung Quốc. Đây vẫn là một sự khác biệt lớn nhưng không còn hấp dẫn như trước đây.

Trong khi đó, tự động hóa đã làm giảm nhu cầu về đội ngũ công nhân. Điều này tiếp tục xóa nhòa lợi thế về tiền lương của Trung Quốc. Nhận xét của ông Donald Allan, Jr., Giám đốc điều hành của Black and Decker, thể hiện điều này một cách ngắn gọn. Ông so sánh các nhà máy của công ty mình ở Trung Quốc và Mexico với một nhà máy mới vừa được xây dựng ở Bắc Carolina. Ông giải thích, các nhà máy ở Mexico và Trung Quốc cần 50 – 75 công nhân trên dây chuyền, nhưng nhà máy ở Bắc Carolina chỉ cần 10 – 12 công nhân và trong giai đoạn tự động hóa tiếp theo, nó sẽ chỉ cần 2 hoặc 3 công nhân.

Và có những dấu hiệu cho thấy rất nhiều tiền được chi nhằm mục đích tự động hóa. Thống kê của Bộ Thương mại Mỹ chỉ ra rằng chỉ có khoảng 15% tổng chi tiêu đầu tư kinh doanh được dành cho việc xây dựng các công trình nhà xưởng. 85% còn lại được dành cho thiết bị và sở hữu trí tuệ, nói cách khác, chúng tập trung vào các khoản đầu tư nâng cao hiệu suất lao động, chẳng hạn như các hệ thống, rô-bốt, v.v.

Sản xuất của Mỹ sẽ phát triển, nhưng nó sẽ không sử dụng lượng nhân công mà nó đã cần trong quá khứ hay ngay cả lượng nhân công nó đã sử dụng ở nước ngoài cách đây không lâu.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sinh sống).



BÀI CHỌN LỌC

Nguyên nhân tạo nên sự bùng nổ trong ngành sản xuất của Mỹ