Nhã ý chân thành: Cách để nói một lời xin lỗi ý nghĩa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một lời xin lỗi chân thành sẽ xoa dịu cho cả hai bên và xoá bỏ sự khó xử hoặc những mất mát vì những gì mà bạn đang cố gắng giải hoà. Một lời “Tôi thật sự xin lỗi” chân thành cần có một số yếu tố sau.

Sự thừa nhận

Sử dụng danh xưng “Tôi”. Thừa nhận những sai lầm ngay từ đầu: “Tôi thật sự rất xin lỗi vì…”. Tránh việc làm đơn giản lời xin lỗi bằng việc nói những câu giảm tránh không mấy tích cực như “đã mắc sai lầm” hay “mọi thứ đã sai rồi”. Đừng bao giờ đùa giỡn hay phủ nhận những gì bạn đã gây ra. Đồng thời, cũng không nên nói quá, những câu như “Tôi thật quá tệ” chỉ khiến cho người nghe cảm thấy khó xử hơn.

Bất cứ những gì bạn làm, thì không nên đổ lỗi cho bất kỳ ai, bất kỳ điều gì. Trừ trường hợp mà bạn đã nói lời xin lỗi từ tận đáy lòng nhưng vì hoàn cảnh lại khiến nó nghiêm trọng hơn - ví dụ như tại nơi làm việc - thì hãy nói với đối phương toàn bộ câu chuyện.

Thể hiện sự hối tiếc

Nhà báo và tác giả Mignon McLaughlin đã tổng kết điều này, bà nói: “Sự hối tiếc thực sự không bao giờ chỉ đơn giản là sự tiếc nuối cho hậu quả mà phải là sự hối hận vì động cơ”.

Bạn cần phải để cho người khác biết rằng bạn cảm thấy tồi tệ vì đã làm cho họ bị tổn thương, và bạn ước gì đã không làm điều đó. Không giống như việc “lấy làm tiếc” - ví dụ như một hãng hàng không rất lấy làm tiếc phải hủy bỏ chuyến bay vì thời tiết. Sự hối tiếc thật sự thường sẽ dẫn tới thay đổi hành vi lâu dài nhằm không tái phạm lại những việc khiến người thân yêu bị tổn thương hoặc khiến sếp thất vọng trong tương lai.

Sửa chữa lỗi lầm

Hãy suy nghĩ về những gì mà chúng ta dạy trẻ em. Nếu một đứa trẻ làm vỡ đồ chơi của người khác do sơ suất hoặc hành động cố ý, không phải là một tai nạn thực sự, chúng ta không những yêu cầu trẻ xin lỗi bạn mà còn trích tiền trong mức có thể của chúng để bù đắp, để bạn mua lại món đồ chơi khác. Chúng ta dạy con phải trả tiền bồi thường. Tương tự, nếu ai đó cảm thấy bị tổn thương, chúng ta cần thể hiện ra rằng họ được yêu thương. Nếu vấn đề có liên quan đến công việc, thì sẵn sàng đưa ra giải pháp khả thi hoặc đề xuất làm thêm giờ. Nếu chưa thấy rõ ràng thì ít nhất bạn nên hỏi “Tôi có thể làm gì để bù đắp cho bạn không?”.

Cách chấp nhận lời xin lỗi

Một thành viên trong gia đình, bạn bè, hay đồng nghiệp đã lấy tất cả sự can đảm để thừa nhận lỗi lầm của họ. Bạn đừng để điều này kết thúc bằng sự im lặng của bạn. Một câu đơn giản “Tôi nhận lời xin lỗi của bạn” là đủ. Nếu tình huống nghiêm trọng và bạn muốn nêu rõ quan điểm, bạn có thể nói “Tôi cảm thấy bị tổn thương nhưng tôi sẽ tha thứ cho bạn”. Còn nếu bạn chưa sẵn sàng để chấp nhận, bạn có thể nói “Tôi đã nghe lời xin lỗi của bạn, cảm ơn” hoặc “Tôi chấp nhận lời xin lỗi nhưng tôi cần thêm thời gian”.

Nếu lỗi lầm mà họ đang cầu xin bạn tha thứ đã trở thành thói quen thì hãy chỉ rõ vấn đề. Không nên bực bội và gay gắt, nhưng cần rõ ràng.

Khi nào không nên xin lỗi

Vâng, thực sự có những tình huống bạn không cần phải nói lời xin lỗi một cách trịnh trọng. Một là khi bạn cần thêm thông tin quan trọng khi đối thoại. “Tôi xin lỗi, tôi có thể cắt ngang được không?”, thực tế bạn nên nói là “Cho phép tôi ngắt lời chút nhé?”. Nếu bạn đến họp trễ, thay vì nói “Xin lỗi, tôi đến trễ” nghe khá là tiêu cực thì bạn có thể nói là “Cảm ơn đã chờ tôi”, điều này cũng ẩn ý thừa nhận sự kiên nhẫn của những người tham gia. Khi truyền tải một tin tức không mấy lạc quan, để xoa dịu, người ta thường bắt đầu bằng lời xin lỗi; thực tế, điều này chỉ làm cho tin tức đó càng tồi tệ hơn. Hãy cứ nói thẳng ra.

Du Du

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nhã ý chân thành: Cách để nói một lời xin lỗi ý nghĩa