Việt Nam mở rộng thặng dư thương mại trong tháng 7 do giảm mạnh nhập khẩu đầu vào sản xuất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nền kinh tế gia công và phụ thuộc nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, việc nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu cho thấy khu vực sản xuất vẫn tiếp tục yếu, bị thu hẹp và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), dữ liệu sơ bộ cho thấy thặng dư thương mại của Việt Nam tăng mạnh lên 2,15 tỷ USD vào tháng 7/2023. Đây là mức thặng dư mở rộng rất cao so với cùng kỳ tháng 7/2022 là 0,08 tỷ USD.

Tuy nhiên, thặng dư thương mại mở rộng trong tháng 7/2023 không phải đến từ tăng trưởng xuất khẩu mà là do tốc độ giảm xuất khẩu lớn hơn tốc độ giảm của nhập khẩu. Xuất khẩu giảm 3,5% so với cùng kỳ xuống 29,68 tỷ USD trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu, trong khi nhập khẩu giảm mạnh hơn nhiều, ở mức 9,9% xuống 27,53 tỷ USD. Tính chung 7 tháng đầu năm, thặng dư thương mại của cả nước tăng mạnh lên 15,23 tỷ USD; 7 tháng đầu năm 2022, thặng dư thương mại chỉ đạt 1,34 tỷ USD.

Dù thặng dư thương mại mở rộng nhưng Việt Nam đang chứng kiến tài khoản lỗi và sai sót trong cán cân thanh mại quốc tế tăng vọt. Trong cả năm 2022, thặng dư thương mại đạt khoảng 10 tỷ USD thì tài khoản lỗi và sai sót đã âm khoảng 15 tỷ USD. Điều này có nghĩa là dòng tiền USD ròng đi vào Việt Nam theo con đường thương mại chính thống là 10 tỷ USD thì dòng tiền ròng ra khỏi Việt Nam mà không thống kê được (do buôn lậu, mua vũ khí) lên tới 15 tỷ USD trong năm 2022.

Hiện tại, chỉ trong quý I/2023, tài khoản lỗi và sai sót của Việt Nam đã lên tới -7,5 tỷ USD; đây là mức tiền thâm hụt ngoài hạch toán chính thức lớn chưa từng có. Tình trạng này có thể tiếp diễn trong bối cảnh Trung Quốc đang thúc đẩy khu vực Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) buộc phải chạy đua vũ trang. Thông thường, một số khoản mua vũ trang của Việt Nam (cũng như một số quốc gia khác) không hạch toán chính thức. Ngoài chạy đua vũ trang, dòng ngoại tệ USD sử dụng để buôn lậu cũng có thể ra khỏi biên giới mà không được chính phủ ghi nhận. Hiện tại, tình trạng buôn lậu vàng gia tăng; nguyên nhân chủ yếu do chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước quá cao so với giá vàng quốc tế (13-15 triệu đồng mỗi lượng).

Trong bối cảnh đồng USD tiếp tục tăng lãi suất, đồng CNY mất giá, thặng dư thương mại có được do nhập khẩu thu hẹp và khoản thặng dư này thấp hơn dòng tiền ròng chảy ra khỏi quốc gia trong tài khoản lỗi và sai sót, đồng tiền nội tệ của Việt Nam có thể tiếp tục mất giá cũng như chịu áp lực mất giá nhiều hơn nữa trong nửa cuối năm 2023.

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Việt Nam mở rộng thặng dư thương mại trong tháng 7 do giảm mạnh nhập khẩu đầu vào sản xuất