Khảo sát: Quan hệ song phương căng thẳng khiến doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc lo lắng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mối quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng là trung tâm của một số thách thức dai dẳng đối với các thành viên tham gia cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc. Nhiều mối lo ngại khác nhau đang tiếp tục khiến các doanh nghiệp Mỹ thận trọng trong việc đầu tư vào đất nước này.

Theo báo cáo môi trường kinh doanh thường niên mới nhất của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, mối quan hệ ngoại giao mong manh giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn là mối lo ngại đáng chú ý nhất đối với các công ty Mỹ ở Trung Quốc và Hong Kong, trong khi nhiều công ty vẫn tiếp tục báo cáo mức lợi nhuận cao hơn.

Trong khi những lo lắng về mối quan hệ Mỹ - Trung vẫn đang gia tăng kể từ năm 2021, căng thẳng giữa hai nước nổi lên như mối lo ngại chính trong năm thứ ba liên tiếp trong cuộc khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham). Cũng ngày càng có nhiều lo ngại về các vấn đề như luật pháp và quy định không nhất quán, chi phí lao động ngày càng tăng, bảo mật dữ liệu và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các công ty tư nhân Trung Quốc.

Báo cáo của AmCham lưu ý rằng ngoại trừ năm 2023, khi các hạn chế về COVID-19 nổi lên như một vấn đề quan trọng, những thách thức này thường xuyên nằm trong số hai hoặc ba mối quan tâm hàng đầu đối với các thành viên.

AmCham cho biết trong báo cáo khảo sát: “Mối quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng là trung tâm của một số thách thức dai dẳng đối với các thành viên, trong đó vấn đề này đang được chú ý hơn bao giờ hết, tiếp theo là sự thiếu nhất quán về quy định và chi phí gia tăng”.

Ông Sean Stein, chủ tịch AmCham Trung Quốc, cho biết: “Mặc dù thương mại song phương đã mở rộng trong những năm gần đây, sự ngờ vực giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn ở mức cao và quan hệ vẫn căng thẳng”.

Các câu trả lời thăm dò từ 343 thành viên AmCham được thu thập vào tháng 10/2023 trước cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại San Francisco. Sự kiện này được coi là một bước quan trọng hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.

Tuy nhiên, mặc dù hai nhà lãnh đạo - đã gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11/2023 - được cho là đã tiến hành các cuộc thảo luận “sắc nét” về vô số vấn đề, nhưng không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy cuộc gặp đã giúp cải thiện quan hệ giữa hai quốc gia.

Gần như tất cả các thành viên AmCham được khảo sát đều coi sự không chắc chắn trong mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung là yếu tố phá hoại tâm lý lớn nhất. AmCham tuyên bố rằng họ nhận thấy mối lo ngại đặc biệt mạnh mẽ về mối quan hệ kinh tế song phương đang suy yếu trong lĩnh vực công nghệ và nghiên cứu và phát triển (R&D).

AmCham cho biết: “Những bên trả lời khảo sát trong lĩnh vực công nghệ và R&D lưu ý những thách thức đáng kể đối với các vấn đề luật an ninh mạng”.

Trung Quốc đã đưa ra hệ thống an ninh dữ liệu mới vào tháng 9/2021, bao gồm bảo vệ “dữ liệu quan trọng” và “dữ liệu cốt lõi” liên quan đến an ninh quốc gia và kinh tế, đời sống của người dân và các vấn đề quan trọng đối với công chúng.

Vào nửa cuối năm 2022, Trung Quốc đưa ra các hướng dẫn mới yêu cầu việc xem xét từng trường hợp cụ thể đối với việc di chuyển và xuất khẩu dữ liệu, điều này cũng đặt ra các hạn chế bổ sung đối với việc các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu.

Tuy nhiên, những người trong ngành cho biết Trung Quốc đã chậm chạp trong việc phê duyệt các đơn xuất khẩu dữ liệu kể từ khi luật an ninh dữ liệu mới được ban hành, điều này gây khó khăn cho các công ty đang cố gắng chuyển dữ liệu ra nước ngoài giữa những thách thức kinh tế.

“Các lĩnh vực công nghệ và R&D đang phải đối mặt với tác động tiêu cực đáng kể do các quy định liên quan đến việc bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng và dữ liệu quan trọng. Trong khi năm ngoái chỉ có 25% báo cáo tác động tiêu cực từ những luật này thì năm nay tỷ lệ này đã tăng lên 49% - gần gấp đôi”, AmCham tuyên bố trong báo cáo khảo sát.

Khảo sát: Quan hệ song phương căng thẳng khiến doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc lo lắng
Khu thương mại trung tâm vào lúc hoàng hôn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 16/2/2022. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Những mối lo ngại

Các thành viên AmCham nhấn mạnh rằng việc tiếp cận thị trường là một mối lo ngại đáng kể, với 1/3 số công ty được khảo sát phàn nàn rằng họ bị đối xử bất công so với các đối thủ trong nước.

AmCham cho biết trong báo cáo khảo sát: “Trong số các công ty được khảo sát, 39% cho biết họ cảm thấy ít được chào đón hơn ở Trung Quốc so với một năm trước”.

Việc thực thi các quy định đã nổi lên như một thách thức đáng kể khác dẫn đến khó khăn về cấp phép trong mua sắm công và tìm kiếm hỗ trợ hoặc trợ cấp tài chính của chính phủ.

Cuộc khảo sát cho thấy còn có áp lực chính trị, phù hợp với những phát hiện của năm trước, với 72% số công ty được hỏi cho biết cảm thấy bị áp lực khi đưa ra phát biểu hoặc phải hạn chế bình luận về các chủ đề nhạy cảm về chính trị.

AmCham cho biết: “Xu hướng này cho thấy áp lực chính trị vẫn tiếp tục hiện diện trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài”. “Phần lớn (57%) công ty thiếu niềm tin rằng Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường hơn nữa cho các công ty nước ngoài”.

Hầu hết các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc buộc phải dựa vào đội ngũ quản lý chủ yếu gồm người Trung Quốc đại lục, với hơn 3/4 số công ty sử dụng ít hơn 25% quản lý nước ngoài.

Các thành viên AmCham cho rằng việc không muốn chuyển đến Trung Quốc là trở ngại lớn nhất trong việc tuyển dụng và dữ chân nhân tài quốc tế.

Giống như 5 năm trước, AmCham cho rằng tác động của việc tăng chi phí lao động lên tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp là một trong những mối quan tâm hàng đầu, với gần 80% thành viên tin rằng chi phí tiền lương sẽ tăng vào năm 2024.

Khảo sát: Quan hệ song phương căng thẳng khiến doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc lo lắng
Các container hàng chồng lên nhau tại cảng Tú Thiên ở phía đông tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 26/3/2023. (STR/AFP qua Getty Images)

Thận trọng khi đầu tư vào Trung Quốc

Theo khảo sát, các doanh nghiệp đã bắt đầu mất niềm tin vào Trung Quốc và không sẵn sàng cam kết đầu tư nhiều hơn vì những thách thức ngày càng tăng khi kinh doanh ở đây.

Báo cáo khảo sát cho biết: “43% thành viên được khảo sát cho biết họ không có kế hoạch mở rộng đầu tư vào Trung Quốc vào năm 2024, trong khi 5% có kế hoạch giảm đầu tư, đánh dấu mức giảm 4% so với năm 2022”.

“Ngoài ra, 37% thành viên dự định chỉ tăng đầu tư ở mức nhỏ [từ 1% đến 10%], nhấn mạnh cách tiếp cận thận trọng vẫn đang tiếp diễn trong môi trường đầu tư của Trung Quốc”.

Những thái độ này phản ánh một xu hướng gần như toàn cầu.

Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc cho biết vào tháng 1 rằng ngày càng nhiều công ty Đức rời khỏi thị trường Trung Quốc hoặc xem xét rút lui vào năm 2024.

Cuộc khảo sát niềm tin kinh doanh năm 2023/24 cho thấy khoảng 9% trong số 566 thành viên được khảo sát thất vọng với thị trường Trung Quốc.

Sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các doanh nghiệp địa phương, khả năng tiếp cận thị trường không đồng đều, các mối đe dọa địa chính trị và những trở ngại kinh tế cũng được coi là những rào cản chính mà các công ty Đức ở Trung Quốc phải đối mặt.

Vào tháng 12/2023, Phòng Thương mại Anh tại Trung Quốc đã tiến hành một cuộc khảo sát tương tự, cho thấy các doanh nghiệp Anh cũng đang trì hoãn các khoản đầu tư mới vào Trung Quốc.

Tổ chức này nhận thấy 60% doanh nghiệp Anh coi nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại là mối đe dọa đáng kể đối với hoạt động của họ, trong khi 43% cho biết họ đang phải vật lộn với các vấn đề pháp lý như xin giấy phép.

Tuy nhiên, AmCham tuyên bố rằng “các thành viên hy vọng chính phủ Mỹ có thể tiết chế lời lẽ của mình và theo đuổi các cuộc đối thoại cấp cao, hiệu quả, trong khi chính quyền Trung Quốc [có thể] đối xử công bằng với các doanh nghiệp Mỹ và hợp tác nhiều hơn với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài”.

Nỗ lực thu hút đầu tư của Trung Quốc tại Davos không hiệu quả

Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cử một phái đoàn lớn tới Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài nhằm cứu nguy cho nền kinh tế đang suy thoái của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ĐCSTQ đã không thuyết phục được các đại biểu rằng nền kinh tế của họ là một nơi đáng tin cậy để đầu tư do những khác biệt cơ bản về cấu trúc giữa nền kinh tế của hệ thống thị trường tập trung và tự do, như các chuyên gia đã chỉ ra.

Phái đoàn do ĐCSTQ cử đến dự cuộc họp mặt thường niên (từ ngày 15/1 đến ngày 19/1) ở Davos, Thụy Sĩ, lần này đông bất thường, với 140 thành viên, do Thủ tướng Lý Cường (Li Qiang) dẫn đầu, trong đó có 10 bộ trưởng, các quan chức tài chính và kinh tế chủ chốt cũng như các chuyên gia và doanh nhân của Trung Quốc.

Khảo sát: Quan hệ song phương căng thẳng khiến doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc lo lắng
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (trái) và ông Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong phiên họp toàn thể tại Phòng Hội nghị tại cuộc họp thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, vào ngày 16/1/2024. (Ảnh: LAURENT GILLIERON/POOL/AFP qua Getty Images)

Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm và phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng về cơ cấu, như vấn đề với nợ chính phủ, bong bóng bất động sản vỡ và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Chính sách và các biện pháp kiểm soát “zero-COVID” cực kỳ khắc nghiệt của ĐCSTQ trong ba năm đầu tiên của đại dịch COVID-19 cũng như việc thực thi luật chống gián điệp đã khiến một số lượng lớn các nhà đầu tư và doanh nhân nước ngoài e sợ. Quý III năm ngoái lần đầu tiên chứng kiến dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy ra ròng theo quý, và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục.

Tuy nhiên, tại Davos, ông Lý vẫn quảng bá cho Trung Quốc như là điểm đến đầu tư an toàn.

Trong bài phát biểu được chuẩn bị kỹ lưỡng tại cuộc họp, ông Lý đã đưa ra 5 đề xuất mơ hồ, hy vọng “xây dựng lại niềm tin với phương Tây và tăng cường hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và phương Tây”, bao gồm điều phối kinh tế vĩ mô, duy trì và tôn trọng chuỗi cung ứng lấy Trung Quốc làm trung tâm, tăng cường hợp tác kỹ thuật quốc tế và hợp tác về các mục tiêu xanh.

Ông Lý cũng cho biết Trung Quốc tôn trọng lời hứa của mình. Trên thực tế, khi ĐCSTQ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, ĐCSTQ đã hứa sẽ hoàn thành triệt để các cải cách theo định hướng thị trường trong vòng 15 năm và mở cửa cho các nước phát triển theo nguyên tắc có đi có lại. Tuy nhiên, sau khi phương Tây mở cửa một chiều thị trường của mình cho Trung Quốc, thay vì mở cửa đáp trả, ĐCSTQ lại tận dụng lợi thế từ thị trường đóng cửa của mình và dùng trợ cấp để mở rộng doanh nghiệp nhà nước.

Không cùng chí hướng

Phương Tây hiện đang chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc một cách bài bản, đầu tư nhiều hơn vào các nước dân chủ hoặc thân thiện như Ấn Độ, Việt Nam và Mexico. Tuy nhiên, ĐCSTQ vẫn hy vọng nguồn vốn nước ngoài sẽ quay trở lại.

Vào ngày 16/1, ông Lý đã gặp ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase và các lãnh đạo khác ở Phố Wall để thảo luận về việc mở cửa Trung Quốc cho các công ty dịch vụ tài chính phương Tây. Ông Dimon nói với truyền thông Mỹ vào ngày 17/1 rằng các nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - phải “lo lắng một chút” vì “phần thưởng - rủi ro đã thay đổi mạnh”.

Khảo sát: Quan hệ song phương căng thẳng khiến doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc lo lắng
Văn phòng của Ngân hàng JPMorgan Chase tại địa phương ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 11/10/2007. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Phương Tây đã nhiều lần tuyên bố rằng họ muốn thiết lập quan hệ kinh tế chặt chẽ với các nước dân chủ, tự do có cùng chí hướng và “giảm thiểu rủi ro” trước các đối thủ toàn trị như Trung Quốc. Sự ủng hộ của ĐCSTQ đối với Nga và Hamas cũng vẫn chưa thay đổi trong khi Bắc Kinh vẫn đang thúc đẩy cộng đồng quốc tế cho phép nó tham gia sâu hơn vào nền kinh tế chung.

Bài phát biểu của ông Lý tại Davos lần này chỉ nói về kinh tế và không đề cập đến bất kỳ chủ đề địa chính trị nào. Các quan chức Ukraine từng cho biết Tổng thống Volodymyr Zelenskyy sẵn sàng gặp gỡ các quan chức ĐCSTQ ở Thụy Sĩ, nhưng ông Lý không chủ động nói chuyện với ông Zelenskyy. Thế giới bên ngoài coi đây là dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ đã chọn tiếp tục đứng về phía Nga.

Không giống như ông Lý, người chỉ đề cập đến các vấn đề kinh tế, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã đề cập đến từ “dân chủ” 9 lần và “tự do” 6 lần trong bài phát biểu dài 20 phút của bà tại Davos.

“Các công ty của chúng ta phát triển dựa trên sự tự do - để đổi mới, đầu tư và cạnh tranh. Nhưng tự do kinh doanh phụ thuộc vào sự tự do của hệ thống chính trị của chúng ta”, bà nói. “Đây là lý do tại sao tôi tin rằng việc củng cố nền dân chủ của chúng ta và bảo vệ nó khỏi những rủi ro và can thiệp mà nó phải đối mặt là nghĩa vụ chung và lâu dài của chúng ta. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần xây dựng niềm tin và châu Âu sẵn sàng đóng một vai trò quan trọng”.

Tại Diễn đàn Dallas một năm trước, bà von der Leyen lần đầu tiên đề xuất khái niệm “giảm thiểu rủi ro thay vì tách rời” để xác định lại chiến lược kinh tế và công nghiệp của EU đối với Trung Quốc. Khái niệm này đã được Mỹ và các nước G7 khác áp dụng.

Tại Davos, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với nền dân chủ của Đài Loan.

Ông nói: “Chúng tôi chúc mừng tổng thống mới đắc cử cũng như người dân Đài Loan về nền dân chủ mạnh mẽ của họ và tấm gương tuyệt vời [của họ] không chỉ cho khu vực mà còn cho toàn thế giới”.

Ông Blinken cũng chỉ trích nỗ lực của ĐCSTQ nhằm “gây áp lực lên Đài Loan - áp lực kinh tế, áp lực quân sự, áp lực ngoại giao, việc cô lập - nó chỉ củng cố thêm [tinh thần] cho chính nhiều người mà họ [ĐCSTQ] không muốn củng cố”.

Ông Lý đã không đáp lại bài phát biểu của bà von der Leyen hoặc ông Blinken.

Khảo sát: Quan hệ song phương căng thẳng khiến doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc lo lắng
Các nhà lãnh đạo G7, bao gồm (theo chiều kim đồng hồ từ phía trước) Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Liên minh Châu u Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu u Charles Michel, Thủ tướng Ý Mario Draghi, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Pháp Emanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, tại bữa tối làm việc trong hội nghị thượng đỉnh G7 ở Schloss Elmau, Đức, vào ngày 26/6/2022. (Ảnh: Stefan Rousseau - Pool/Getty Images)

Phương Tây không còn bị lừa

Ông Tống Quốc Thành (Song Guo-chen), một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan (Taiwan National Chengchi University), nói với The Epoch Times rằng các bài phát biểu của ông Lý tại Davos năm nay đều nhằm gửi tín hiệu SOS yêu cầu giúp đỡ để cứu nguy cho nền kinh tế Trung Quốc.

Ông chỉ ra rằng trong khi ông Lý muốn né tránh nói đến các xung đột địa chính trị toàn cầu, ĐCSTQ vẫn nhúng tay vào các cuộc xung đột và thậm chí còn ngấm ngầm châm ngòi cho chúng.

“ĐCSTQ vẫn không công nhận việc Nga xâm lược Ukraine và luôn khăng khăng đòi thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Nó đang đề xuất một nền hòa bình giả tạo trong cuộc chiến Israel - Hamas”, ông Tống nói.

“Thế giới phương Tây giờ đây có thể nhìn nhận [ĐCSTQ] một cách rõ ràng. Ông Lý Cường đã cố gắng đánh lừa thế giới phương Tây, nhưng thế giới phương Tây không còn bị lừa bởi chiến thuật của ĐCSTQ nữa”.

Ông Yeh Yaoyuan, chủ tịch Khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học St. Thomas, nói với The Epoch Times rằng, ở giai đoạn này, bản thân ĐCSTQ đã trở thành mục tiêu đầu tư có rủi ro cao.

Ông nói: “Cho dù đó là mối liên hệ đơn phương, song phương hay đa phương, nó cũng không thể thuyết phục để có được đầu tư quy mô lớn vào Trung Quốc”.

“Họ phải giải quyết vấn đề cốt lõi trước tiên. Ít nhất nó phải có một quy trình pháp lý minh bạch và cởi mở chứ chưa nói đến dân chủ hóa”. Ông Yeh cho rằng, ĐCSTQ thậm chí còn đang đi thụt lùi về khía cạnh này.

“... họ sợ rằng khi toàn bộ thị trường hoạt động sẽ tạo ra rất nhiều thông tin riêng tư không thể kiểm soát được. Nếu bạn cố gắng kiểm soát nó, nó sẽ không phải là một thị trường cạnh tranh bình thường. ĐCSTQ sợ rằng những thông tin riêng tư này sẽ lật đổ chế độ ĐCSTQ”.

Ông Yeh cho biết hầu hết các nhà kinh tế đều dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm.

Ông nói: “Bây giờ là khoảng 5% [theo báo cáo của ĐCSTQ], có thể là 4% tiếp theo, và sau đó giảm xuống còn 3%”. “Tình huống trong quá khứ với đầu tư nước ngoài quy mô lớn và sự cất cánh kinh tế sẽ không xảy ra nữa”.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Khảo sát: Quan hệ song phương căng thẳng khiến doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc lo lắng