Nới lỏng thị thực cho Mỹ, Trung Quốc muốn tránh bị cô lập?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nguy cơ bị cô lập có lẽ đang khiến Bắc Kinh lo lắng. Tuy nhiên, ngay cả khi các quy định về thị thực được nới lỏng, cũng không chắc khách du lịch Mỹ có quyết định tìm đến Trung Quốc hay không.

Trung Quốc đang nới lỏng các quy định về thị thực đối với những du khách tới từ Mỹ. Đây là nỗ lực mới nhất của nước này nhằm thu hút du khách nước ngoài kể từ khi mở cửa trở lại biên giới vào đầu năm nay.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2024, khách du lịch Mỹ không còn cần phải nộp vé máy bay khứ hồi, bằng chứng đặt phòng khách sạn, hành trình hoặc lời mời đến Trung Quốc, theo một thông báo được Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đăng trực tuyến hôm thứ 6 (29/12).

Thông báo cho biết quy trình đăng ký được đơn giản hóa nhằm “tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho trao đổi người với người giữa Trung Quốc và Mỹ”.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang nỗ lực khôi phục ngành du lịch sau ba năm áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn đại dịch, bao gồm cả việc cách ly bắt buộc đối với tất cả những người đến đất nước. Mặc dù những hạn chế đó đã được dỡ bỏ trước đó vào năm 2023 nhưng du khách quốc tế đang quay trở lại Trung Quốc một cách chậm chạp.

Theo thống kê xuất nhập cảnh, trong nửa đầu năm 2023, Trung Quốc ghi nhận 8,4 triệu lượt người nước ngoài nhập cảnh và xuất cảnh, giảm so với mức 977 triệu của cả năm 2019, năm cuối cùng trước đại dịch.

Trong một nỗ lực khác nhằm thúc đẩy du lịch, ĐCSTQ tuyên bố vào tháng 11/2023 rằng họ sẽ cho phép nhập cảnh miễn thị thực cho công dân Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha và Malaysia trong tối đa 15 ngày.

Nhưng những nỗ lực lôi kéo khách du lịch Mỹ của ĐCSTQ có thể phải đối mặt với những bất lợi khác. Các chuyến bay quốc tế giữa hai nước, được quy định theo thỏa thuận song phương, vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với mức trong đại dịch, mặc dù chúng đã tăng chậm trong những tháng gần đây.

Vào mùa hè, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington xấu đi, Mỹ khuyến nghị người Mỹ xem xét lại việc đến Trung Quốc, với lý do có nguy cơ bị giam giữ một cách sai trái và bị cấm xuất cảnh.

Khuyến cáo cho biết: “Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) đã tùy tiện thực thi luật pháp địa phương, bao gồm ban hành lệnh cấm xuất cảnh đối với công dân Mỹ và công dân của các quốc gia khác mà không có quy trình công bằng và minh bạch theo luật”.

Trung Quốc và nguy cơ bị cô lập

Không chỉ là vấn đề về thu hút du lịch, Bắc Kinh hẳn đang muốn khôi phục sức hấp dẫn của Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế. Nguy cơ bị cô lập của Trung Quốc đã trở thành một chủ đề nóng.

Gần đây, một đoạn video của nhà kinh tế học nổi tiếng người Trung Quốc Gelong, phân tích tình hình kinh tế hiện nay ở Trung Quốc, đã được lan truyền trên cộng đồng mạng Trung Quốc. Trong video này, ông Gelong đã thảo luận về hiện tượng "ba số 0" trong lưu thông kinh tế đối ngoại của Trung Quốc và kêu gọi công chúng "hết sức cảnh giác" về điều này.

Video này xuất phát từ kênh truyền thông cá nhân “Nói chuyện chứng khoán, nói tiền bạc, nói chuyện trời đất” của ông Gelong. Trong tập này, ngay từ đầu, ông Gelong đã thẳng thắn chỉ ra rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể thực sự trở thành một “nền kinh tế hòn đảo” (bị cô lập) và buộc phải theo đuổi “lưu thông nội bộ”, bởi vì một số dữ liệu quan trọng trong “lưu thông bên ngoài” về cơ bản hiện nay đã “trở về số 0” ở Trung Quốc.

Nới lỏng thị thực cho Mỹ, Trung Quốc muốn tránh bị cô lập?
Các container hàng hóa xếp chồng lên nhau tại cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 9/5/2022. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Vị tiến sĩ tài chính đã thảo luận về ba khía cạnh sau đây trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, những thứ đang có xu hướng "trở về số 0":

Thứ nhất, khách nước ngoài tới Trung Quốc giảm về 0.

Ông Gelong cho biết trong quý đầu tiên của năm 2019 trước khi đại dịch Covid bùng phát trên diện rộng, hơn 3,7 triệu người đã đến Trung Quốc từ nước ngoài; tuy nhiên, con số trong quý I năm 2023 chỉ là 52.000 người và số liệu này chưa bằng một phần nhỏ so với năm 2019, giảm 98,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số 52.000 khách du lịch, 56% đến từ Hong Kong và 22% đến từ Ma Cao. Điều này có nghĩa là chỉ có khoảng 10.000 “người nước ngoài” thực sự đến từ các nước khác.

Ông cho rằng đây là điều “cực kỳ khó tưởng tượng” đối với một quốc gia có diện tích đất liền lớn thứ ba thế giới. Người nước ngoài không còn đến Trung Quốc, điều đó không chỉ có nghĩa là chuỗi ngành du lịch inbound (từ nước ngoài tới Trung Quốc) đã sụp đổ mà còn có nghĩa là Trung Quốc có thể rơi trở lại tình trạng bị phong tỏa, không ai quan tâm hoặc ít người quan tâm, giống như họ đã từng bị vào những năm 1970. “Điều khác biệt là lần này không phải chúng ta [người Trung Quốc] không cho người khác đến mà là người khác tự họ không đến”.

Ông nói: “Chúng ta thường lo lắng về việc vốn đầu tư nước ngoài rút đi. Thực tế, điều triệt để hơn việc rút vốn đầu tư nước ngoài là các khách hàng nước ngoài đã không còn đến nữa. Họ đã đến Mexico, Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia".

Thứ hai, chuyến bay giảm về 0.

Trước đại dịch, mỗi tháng có hơn 3.800 chuyến bay giữa Trung Quốc và Mỹ, trung bình hơn 100 chuyến mỗi ngày. Giờ đây, chỉ có 4 đến 6 chuyến bay thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ mỗi ngày, “về cơ bản là con số 0”.

Ông Gelong đặc biệt chỉ ra: Trong 70 năm qua, 70% tổng thặng dư ngoại thương của Trung Quốc đến từ Mỹ. Bạn có thể nghĩ mà xem, trong một môi trường không có chiến tranh hay dịch bệnh, mỗi ngày chỉ có 4 đến 6 chuyến bay giữa Trung Quốc và Mỹ. Nó có nghĩa là gì?

Nới lỏng thị thực cho Mỹ, Trung Quốc muốn tránh bị cô lập?
Hành khách được nhìn thấy tại Sân bay Quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh ở thủ đô của Trung Quốc vào ngày 28/4/2023. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Thứ 3, dòng tiền giảm về 0.

Tính đến cuối năm 2023, chỉ có 8 quỹ ngoại tệ được huy động ở Trung Quốc; so với 114 vào cùng kỳ năm trước; và 792 trong cùng kỳ năm trước nữa. Trong nửa đầu năm 2023, các quỹ đầu tư tư nhân tập trung vào Trung Quốc chỉ huy động được 1,4 tỷ USD. So với gần 50 tỷ USD nửa đầu năm 2021, số liệu này cũng “cơ bản tiệm cận con số 0”.

Ông Gelong kết luận rằng: dòng người, hậu cần và vốn là ba yếu tố cốt lõi của phát triển kinh tế. Nguyên nhân chính xác khiến các dữ liệu quan trọng nói trên “giảm về 0” cần được phân tích rõ ràng. Nếu nó là do đại dịch gây ra thì vẫn còn cơ hội sửa chữa, điều chỉnh; nhưng nếu nguyên nhân là do chiến tranh thương mại và xích mích chính trị thì có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua “xu hướng đảo chiều cơ cấu dài hạn”, và đó thực sự có thể là vấn đề của một thế hệ. "Gánh nặng là không thể chịu đựng nổi".

Cuối cùng, ông nhấn mạnh một lần nữa: Trung Quốc là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ toàn cầu hóa trong vài thập kỷ qua, và hơn 60% năng lực sản xuất của Trung Quốc là để phục vụ thị trường bên ngoài. Nếu Trung Quốc đi theo con đường cô lập bên trong và bên ngoài, nền kinh tế Trung Quốc một lần nữa trở thành “nền kinh tế hòn đảo” thì hậu quả sẽ rất thảm khốc. Nếu không thể thực hiện được những thay đổi cơ bản, “chúng ta [người Trung Quốc] sẽ phải gánh chịu những tổn thất lớn khó có thể bù đắp được”.

Thông tin cho thấy: ông Gelong tên thật là Chen Shouhong. Ông là nhà kinh tế học nổi tiếng của Trung Quốc và là người sáng lập nền tảng nghiên cứu đầu tư toàn cầu "Gelonghui". Ông tốt nghiệp Đại học Kinh tế và Luật Trung Nam với bằng Tiến sĩ tài chính. Ông đã viết bài cho các chuyên mục tài chính cho nhiều tờ báo và đã giành được "Giải thưởng Mô hình Ngành Kỷ niệm 15 năm cho Nhà phân tích Xuất sắc nhất của New Fortune".

Ông Gelong có 25 năm kinh nghiệm đầu tư xuyên thị trường trong và ngoài nước. Ông đã lần lượt giữ chức vụ giám đốc nghiên cứu và giám đốc đầu tư. Ông đã tích lũy kinh nghiệm phong phú trong nhiều lĩnh vực đầu tư trong và ngoài nước như cổ phiếu loại A, chứng khoán Hong Kong và chứng khoán Mỹ. Ông hiện là chủ tịch của Công ty TNHH (Tập đoàn) Công nghệ thông tin Gelonghui Thâm Quyến. [Cổ phiếu hạng A là cổ phiếu được niêm yết bằng đồng nhân dân tệ của các công ty Trung Quốc được giao dịch trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến].

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Nới lỏng thị thực cho Mỹ, Trung Quốc muốn tránh bị cô lập?