Quảng Ninh thuộc vùng nào, Quảng Ninh giáp với tỉnh nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhắc đến Quảng Ninh là nhắc đến vùng “vàng đen” của đất nước, nổi tiếng với vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên thế giới. Cùng tìm hiểu về vị trí địa lý tỉnh Quảng Ninh để hiểu rõ hơn Quảng Ninh thuộc vùng nào, Quảng Ninh giáp với tỉnh nào… trong bài viết dưới đây!

1. Quảng Ninh thuộc vùng nào?

Quảng Ninh ở đâu? Tỉnh Quảng Ninh thuộc vùng nào?

Quảng Ninh là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Bắc Bộ của Việt Nam; có tọa độ địa lý khoảng từ 20°40' - 21°40' vĩ độ Bắc và từ 106°26’ - 108°31' kinh độ Đông.

Về phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Ninh được quy hoạch vừa thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc vừa thuộc Vùng duyên hải Bắc Bộ.

Tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện là:

  • 04 thành phố: Móng Cái, Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả
  • 02 thị xã: Đông Triều; Quảng Yên
  • 07 huyện: Cô Tô; Ba Chẽ; Tiên Yên; Hải Hà; Đầm Hà; Vân Đồn; Bình Liêu.

Trong đó, TP Hạ Long là trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hoá của tỉnh.

2. Quảng Ninh giáp với tỉnh nào?

Khi tìm hiểu Quảng Ninh thuộc vùng nào, những thông tin Quảng Ninh giáp với tỉnh nào sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vị trí địa lý của địa phương này.

Quảng Ninh là tỉnh duy nhất ở Việt Nam có cả đường biên giới trên đất liền và trên biển giáp với Trung Quốc.

  • Phía Bắc của tỉnh Quảng Ninh giáp với huyện Phòng Thành và thị trấn Đông Hưng của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Đường biên giới dài 118,825 km.
  • Phía Tây giáp với ba tỉnh: Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn.
  • Khu vực phía Nam giáp với TP Hải Phòng.
  • Phía Đông là vịnh Bắc Bộ, đường bờ biển dài 250 km.

Quảng Ninh cách Hà Nội bao nhiêu km?

Quảng Ninh cách Hà Nội khoảng 200 km. Do Quảng Ninh là tỉnh có diện tích rộng lớn với bề ngang rộng nhất là 195 km và chiều dài từ Bắc xuống Nam khoảng 102 km nên khoảng cách từ Hà Nội đến địa điểm nào ở Quảng Ninh có thể thay đổi lớn; và còn tùy thuộc vào tuyến đường cùng phương tiện mà bạn di chuyển.

Quảng Ninh ở đâu trên bản đồ?

quảng ninh ở đâu trên bản đồ
(Ảnh: TUBS/ Wikimedia Commons/ CC BY-SA 3.0)

3. Điều kiện tự nhiên tỉnh Quảng Ninh

Những thông tin về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên sẽ giúp bạn hiểu rõ khi tìm hiểu Quảng Ninh thuộc vùng nào.

Quảng Ninh có diện tích là bao nhiêu?

Diện tích tỉnh Quảng Ninh là 6.178,2 km2.

3.1. Điều kiện địa hình

Tỉnh Quảng Ninh có dạng địa hình miền núi - duyên hải. Hơn 80% diện tích đất đai của tỉnh là đồi núi. Hơn 2.000 hòn đảo nổi trên mặt biển thuộc hải phận của tỉnh cũng là các quả núi.

Địa hình của tỉnh Quảng Ninh được chia thành các vùng:

Vùng núi bao gồm hai miền

Vùng núi miền Đông: trải dài từ Tiên Yên qua Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà đến Móng Cái. Đây là vùng núi nối tiếp của vùng núi Thập Vạn Đại Sơn của Trung Quốc, có hướng chính là Đông Bắc - Tây Nam.

Vùng núi miền Tây: kéo dài từ Tiên Yên qua Ba Chẽ, Hoành Bồ đến phía Bắc thị xã Uông Bí và thấp dần xuống ở khu vực phía Bắc của huyện Đông Triều. Đây là những dãy núi nối tiếp nhau và có hướng hơi uốn cong nên thường được gọi là cánh cung núi Đông Triều với đỉnh Yên Tử (cao 1.068 m) ở huyện Uông Bí và đỉnh Am Váp (cao 1.094 m) ở huyện Hoành Bồ.

Khu vực trung du và đồng bằng ven biển của tỉnh

Là khu vực gồm những dải đồi thấp bị phong hóa và xâm thực tạo nên những cánh đồng từ các khu vực chân núi và thấp dần xuống các triền sông, bờ biển.

Khu vực này bao gồm: Đông Triều; Uông Bí; phía Bắc của huyện Yên Hưng; phía Nam của huyện Tiên Yên; Đầm Hà; Hải Hà; và một phần của TP Móng Cái.

Ở khu vực các cửa sông, các vùng bồi lắng phù sa tạo nên những cánh đồng và bãi triều thấp bao gồm: vùng phía Nam của huyện Uông Bí; phía Nam của huyện Yên Hưng (đảo Hà Nam); phía Đông của huyện Yên Hưng, Đồng Rui (huyện Tiên Yên); vùng phía Nam của huyện Đầm Hà; phía Đông Nam của huyện Hải Hà; phía Nam của TP Móng Cái.

Mặc dù vùng trung du và đồng bằng ven biển của tỉnh Quảng Ninh có diện tích hẹp và bị chia cắt nhưng khu vực này lại thuận tiện cho phát triển nông nghiệp và giao thông nên là vùng dân cư trù phú của tỉnh.

Vùng ven biển và hải đảo

Là một khu vực có địa hình độc đáo với hơn 2.000 hòn đảo (bằng hơn ⅔ tổng số hòn đảo của cả nước: 2.078/2.779). Các hòn đảo này trải dài theo chiều dài bờ biển hơn 250 km và được chia thành nhiều lớp.

Vùng địa hình này có hai huyện hoàn toàn là đảo là huyện Cô Tô và huyện Vân Đồn. Trên vịnh Bái Tử Long và vịnh Hạ Long, hàng ngàn đảo đá vôi là những hang động kỳ thú. Những đảo đá vôi này nguyên là vùng địa hình karst bị nước bào mòn khiến địa mạo bên ngoài và trong lòng có muôn ngàn hình dáng.

Không chỉ có những bãi bồi phù sa, vùng ven biển và hải đảo của tỉnh Quảng Ninh còn có những bãi cát trắng được tạo nên từ sóng biển. Có những bãi cát trắng trở thành bãi tắm đẹp như: Quan Lạn, Trà Cổ, Ngọc Vừng, Minh Châu… Có những bãi cát trắng tạo thành mỏ cát trắng làm nguyên liệu cho công nghệ sản xuất thuỷ tinh như: Vân Hải.

3.2. Đặc điểm khí hậu

Tỉnh Quảng Ninh có khí hậu vừa mang nét tiêu biểu của miền Bắc Việt Nam vừa có nét khí hậu riêng của một tỉnh miền núi ven biển. Đặc biệt, các quần đảo ở hai huyện đảo Vân Đồn và Cô Tô lại có nét đặc trưng của khí hậu đại dương.

Tỉnh Quảng Ninh nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa. Mùa Hè có thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ trung bình hơn 25°C. Mùa Đông có thời tiết lạnh, ít mưa, nhiệt độ trung bình dưới 20°C.

Khu vực phía Đông của tỉnh Quảng Ninh giáp với vịnh Bắc Bộ. Đây là một vịnh lớn nhưng kín và có nhiều lớp đảo che chắn nên sóng gió ở đây không lớn như khu vực vùng biển Trung Bộ. Vịnh Bắc Bộ có dòng hải lưu chảy theo hướng Bắc - Nam kéo theo nước lạnh kết hợp với gió mùa Đông Bắc trong mùa Đông nên đây là vùng biển lạnh nhất Việt Nam. Nhiệt độ ở đây có khi xuống tới 13°C.

3.3. Điều kiện thuỷ văn, sông ngòi

Tỉnh Quảng Ninh có khoảng 30 dòng sông, suối dài hơn 10 km nhưng phần lớn đều là những dòng chảy nhỏ; diện tích lưu vực của sông thường không quá 300 km2. Bốn con sông lớn chảy qua địa phận của tỉnh là: sông Tiên Yên; hạ lưu sông Thái Bình; sông Ba Chẽ; và sông Ka Long.

Hệ thống sông, suối của tỉnh Quảng Ninh có đặc điểm chung là đều ngắn, nhỏ, có độ dốc lớn. Các sông có lưu lượng và lưu tốc rất khác biệt giữa mùa Đông và mùa Hè.

3.4. Tài nguyên khoáng sản

Nhắc đến Quảng Ninh là nhắc đến vùng “vàng đen" của đất nước cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp khai thác than.

Tỉnh Quảng Ninh có trữ lượng than đá khoảng 3,6 tỷ tấn. Hầu hết than đá ở đây là than antraxit có tỷ lệ cacbon ổn định từ 80 - 90%. Than đá ở Quảng Ninh chủ yếu phân bố tập trung ở 3 khu vực: Cẩm Phả; Hạ Long; và Uông Bí - Đông Triều. Mỗi năm, trữ lượng cho phép khai thác khoảng 30 - 40 triệu tấn.

Không chỉ có than đá, tỉnh Quảng Ninh còn có nhiều loại khoáng sản khác có trữ lượng tương đối lớn như: cao lanh, đất sét, đá vôi… Các khoáng sản này phân bố rộng khắp ở các địa phương của tỉnh như: các mỏ đá vôi ở Cẩm Phả, Hoành Bồ; các mỏ cao lanh ở Tiên Yên; Bình Liêu; Hải Hà; TP Móng Cái; Ba Chẽ; các mỏ đất sét ở TP Hạ Long, Hoành Bồ và Đông Triều.

Tỉnh Quảng Ninh còn có nhiều mỏ nước khoáng. Trong đó, nhiều điểm mỏ có nước khoáng có thể uống được, phân bố ở Khe Lạc (Tiên Yên); Quang Hanh (Cẩm Phả); Đồng Long (Bình Liêu). Tỉnh Quảng Ninh còn có loại nước khoáng không uống được, được phân bố ở Cẩm Phả. Nước khoáng không uống được có nồng độ khoáng khá cao, nhiệt độ trên 35°C. Loại nước khoáng này có thể được dùng để chữa bệnh.

4. Đặc điểm KT-XH tỉnh Quảng Ninh

Việc tìm hiểu Quảng Ninh thuộc vùng nào sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này.

Là địa phương hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Ninh là một trong những cực tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Bắc. Nhờ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhiều năm qua, Quảng Ninh là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư cả trong nước và nước ngoài.

Tỉnh Quảng Ninh có nhiều khu kinh tế trọng điểm với nhiều khu công nghiệp, nhiều chuỗi đô thị biển - ven biển. Nhờ vị trí tiếp giáp với Trung Quốc, trung tâm thương mại Móng Cái là đầu mối giao thương kết nối Việt Nam - Trung Quốc và các nước khác trong khu vực.

Giàu tiềm năng phát triển du lịch

Nhờ tiềm năng du lịch phong phú và đặc sắc, ngành du lịch của tỉnh Quảng Ninh trong nhiều năm qua được đầu tư mạnh mẽ; dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Là một đỉnh trong tam giác tăng trưởng du lịch của khu vực miền Bắc (cùng với Hà Nội và Hải Phòng), tỉnh Quảng Ninh có vịnh Hạ Long là vịnh biển nổi tiếng được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Đến với Quảng Ninh, du khách sẽ có hành trình khám phá nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn như: di tích thương cảng Vân Đồn; danh thắng Núi Bài Thơ; danh thắng Yên Tử; khu du lịch Trà Cổ; khu du lịch đảo Tuần Châu; vùng cao Bình Liêu; chợ cửa khẩu Móng Cái; làng nghề gốm Đông Triều; làng nghề nuôi cấy ngọc trai Hạ Long; các hang động: Kim Quy, Mê Cung, Thiên Cung, Sửng Sốt, Đầu Gỗ ở vịnh Hạ Long; đảo Cô Tô; đảo Ngọc Vừng; Vườn Quốc gia Bái Tử Long…

Trên đây là những thông tin thú vị về tỉnh Quảng Ninh khi tìm hiểu Quảng Ninh thuộc vùng nào, Quảng Ninh giáp với tỉnh nào… Được thiên nhiên ưu đãi với nhiều điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên phong phú, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung phát triển hơn nữa, giữ vững vai trò của mình trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Mạnh Hùng

Xem thêm:

Việt Nam Xã hội

Quảng Ninh thuộc vùng nào, Quảng Ninh giáp với tỉnh nào?