Sau vụ binh biến Wagner ở Nga, ngoại giới chỉ ra hậu quả nếu ông Tập tấn công Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc binh biến của lính đánh thuê Wagner đã gây chấn động cộng đồng quốc tế. Một số nhà phân tích cho rằng, cuộc hành quân của Wagner sẽ khiến ông Tập Cận Bình dè chừng hơn với thân tín và cân nhắc lại việc tấn công Đài Loan.

Hôm 24/6, ông Yevgeny Prigozhin, một thân tín của Tổng thống Nga Putin và là người đứng đầu Tập đoàn lính đánh thuê Wagner, đã phát động một cuộc binh biến. Sau khi đội quân Wagner nhanh chóng chiếm đóng Rostov-on-Don – một địa điểm quan trọng về chiến lược của Nga, họ đã tiến thẳng đến Moscow.

Tuy nhiên, tới chiều cùng ngày, nhờ Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko làm trung gian, ông Prigozhin đã chấp nhận đàm phán và ra lệnh cho quân đội quay trở lại doanh trại.

Theo truyền thông Nga, các cáo buộc về tội phản quốc trước đó đối với ông Prigozhin sẽ được hủy bỏ, các binh sĩ Wagner sẽ được miễn trừ trách nhiệm pháp lý, Bộ Quốc phòng Nga cũng sẽ có những biến động về nhân sự.

Trong khi Ukraine đang phát động một cuộc phản công lớn, việc lính Wagner đột ngột phát động binh biến khiến dư luận không khỏi đổ ánh nhìn về phía Bắc Kinh. Bởi nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động tấn công Đài Loan, nó sẽ khá tương đồng với cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin.

Ông Edward Wong, phóng viên New York Times từng thường trú tại Trung Quốc, viết trên Twitter rằng: "Trong toàn bộ cuộc chiến Nga - Ukraine, nếu có một điều có thể khiến ông Tập Cận Bình cân nhắc lại việc tấn công Đài Loan, thì đó chính là cuộc nổi dậy của Tập đoàn Wagner”.

Nhà hoạt động dân chủ Vương Đan (Wang Dan), một trong những nhà lãnh đạo sinh viên trong cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, bình luận trên Twitter: "Sự việc đang xảy ra ở Nga (đảo chính/binh biến), một khi Tập Cận Bình phát động chiến tranh, liệu điều đó có xảy ra ở Trung Quốc hay không?".

Có cư dân mạng trả lời: "Hoàn toàn có thể, tôi tin rằng mỗi ngày Tập Cận Bình đều đứng ngồi không yên".

Cuộc hành quân của Wagner cũng làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc. Hôm 24/6, tin tức này đã đứng đầu danh sách tìm kiếm nóng trên Weibo – một trong những mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc.

Cư dân mạng Trung Quốc gọi vụ việc này là "Loạn An Sử” phiên bản Nga: “Mọi người có thấy Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu giống Tể tướng Dương Quốc Trung, Yevgeny Prigozhin giống An Lộc Sơn, còn Putin giống Đường Minh Hoàng (Đường Huyền Tông) hay không, kịch bản gần như giống nhau”.

“Loạn An Sử” là cuộc biến loạn kéo dài từ năm 755 - 763, xảy ra vào thời Đường Huyền Tông trị vì, do An Lộc Sơn và Sử Tư Minh dấy khởi. An Lộc Sơn được hoàng đế trọng dụng và trở thành lực lượng trợ vua cát cứ các chư hầu, cuối cùng ông ta nổi dậy và dẫn đến sự suy tàn của nhà Đường. Tương tự, ông Prigozhin từng là “ngự trù” của ông Putin. Dưới sự bồi dưỡng của ông Putin, “đầu bếp” Prigozhin đã thành lập nhóm lính đánh thuê Wagner, nhưng giờ đây ông lại chính là người phát động cuộc binh biến này.

Ông Putin đã có bài phát biểu trên truyền hình vào chiều ngày 24/6, nói rằng quân nổi dậy đã "đâm dao sau lưng", nhưng không nhắc đến tên của ông Prigozhin.

Nhà bình luận thời sự Nhạc Sơn (Yue Shan) cho rằng ông Putin đã bị ông Prigozhin – một thân tín trong nhiều năm – phản bội, cho nên là một đồng minh của ông Putin, ông Tập Cận Bình cũng sẽ cảm nhận được điều đó.

Ông Nhạc Sơn viết một bài báo trên The Epoch Times nói rằng, ĐCSTQ dựa vào nòng súng để xây dựng chính quyền của mình, hiện nay ông Tập Cận Bình muốn ổn định quyền lực và uy hiếp các lực lượng chống Tập thì phải phụ thuộc vào quân đội. Ông Tập Cận Bình đã cài cắm người của mình vào trong quân đội, Đại hội 20 năm ngoái đã chứng kiến ​​một sự thay đổi lớn trong hàng ngũ quân đội cấp cao nhất. Tuy vậy, ông Tập có thể kiểm soát được tâm trí của những vị tướng lĩnh dưới trướng đó hay không, điều này rất khó nói.

Vào cuối năm 2021, có thông tin rằng Thượng tướng Lưu Á Châu (Liu Yazhou), một thái tử đảng (*) trong quân đội ĐCSTQ, đã bị bí mật bắt giữ; sự việc này gây ảnh hưởng vô cùng lớn trong quân đội. Trong năm nay, có nhiều kênh truyền thông Hong Kong đã đưa tin về trường hợp của ông Lưu Á Châu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức từ phía chính quyền Bắc Kinh. Gần đây, quân đội Trung Quốc còn ban hành một tài liệu quản lý tương tác xã hội của “các cán bộ lãnh đạo quân đội”, qua đó thúc giục các cán bộ lãnh đạo quân đội “không ngừng sàng lọc các mối quan hệ xã hội, đời sống và bạn bè của họ”.

Ông Nhạc Sơn cho rằng cách làm này chưa từng có tiền lệ, điều này cho thấy ông Tập Cận Bình vô cùng bất an về quân đội. Nếu nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn gây chiến ở eo biển Đài Loan, có thể “các cán bộ lãnh đạo quân đội” mới là mối nguy tiềm ẩn lớn nhất.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch

(*) “Thái tử đảng” là một danh xưng không chính thức dùng để chỉ tầng lớp con cháu của các quan chức cao cấp nổi bật và có ảnh hưởng trong ĐCSTQ. Bằng một cách không chính thức, tầng lớp này thường được hưởng nhiều đặc ân của nhà nước và có nhiều cơ hội để được đề bạt làm lãnh đạo trong tương lai, dù cho hình thức bên ngoài vẫn là thông qua bầu cử dân chủ; hoặc có các cơ hội kinh doanh, tích lũy khối lượng tài sản khổng lồ mà những người dân thường không thể nào có được.



BÀI CHỌN LỌC

Sau vụ binh biến Wagner ở Nga, ngoại giới chỉ ra hậu quả nếu ông Tập tấn công Đài Loan