Tại sao tin tức tốt về kinh tế lại làm thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Do lợi tức trái phiếu cao làm cổ phiếu kém hấp dẫn, và lãi suất phản ánh giá trị đặt vào thời gian trên thị trường, lãi suất tăng cao sẽ khiến thị trường chứng khoán giảm điểm. Khi xuất hiện các tin tức tốt về kinh tế Mỹ, thị trường lo ngại Fed sẽ còn tăng lãi suất, và khiến cổ phiếu giảm điểm.

Nhiều người trong số các bạn có thể đã nhận thấy một xu hướng gần đây tại Mỹ, theo đó tin tức kinh tế tốt khiến thị trường chứng khoán giảm điểm. Về mặt lý thuyết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao hơn dự kiến, ​​hoặc tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn dự kiến ​​sẽ là tin tốt cho nền kinh tế, thu nhập doanh nghiệp và thị trường chứng khoán. Trong thời kỳ bình thường và trong dài hạn, điều đó đúng. Tuy nhiên, gần đây, chúng ta đã thấy điều ngược lại. Vì vậy, hôm nay tôi sẽ giải thích lý do tại sao thị trường lại chuyển động theo cách phản lại trực giác khi chúng ta nhận được tin tức kinh tế quan trọng của Mỹ.

Lợi tức trái phiếu cao hơn khiến cổ phiếu kém hấp dẫn

Trong khi hiệu quả của lao động và thu nhập của doanh nghiệp là những yếu tố quyết định chính để đánh giá nền kinh tế và việc định giá cổ phiếu, thì chính lãi suất lại gây ra những biến động lớn trong ngắn hạn. Có nhiều lý do cho điều này, nhưng có hai lý do quan trọng. Thứ nhất, lãi suất cao hơn dẫn đến lợi tức trái phiếu cao hơn, điều này hút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán và sau đó chuyển sang trái phiếu. Nó là nhân tố ảnh hưởng đến cung và cầu giữa các phương tiện đầu tư khác nhau.

Một ví dụ sẽ giúp minh họa. Một năm trước, trái phiếu Kho bạc kỳ hạn hai năm chỉ mang lại lợi tức hơn 0,2%. Điều đó có nghĩa là nếu bạn mua trái phiếu 1.000 USD, bạn sẽ chỉ kiếm được hơn 2 USD trong hai năm. Điều đó không hấp dẫn, nó thấp hơn nhiều so với mức lạm phát và khiến nhiều nhà đầu tư đổ xô vào cổ phiếu bất kể định giá của cố phiếu. Các chuyên gia thị trường đôi khi nói về TINA (viết tắt của cụm từ "Không có sự thay thế”) như một cách để nói rằng mặc dù họ có thể không muốn đầu tư vào một thị trường chứng khoán đang bị thổi phồng, nhưng kiếm 0,2% trên trái phiếu kỳ hạn hai năm không phải là một lựa chọn khả thi cho họ. Không còn cách nào khác, họ mua nhiều cổ phiếu hơn.

Tại thời điểm hiện nay, lợi tức của cùng một loại trái phiếu hai năm là trên 4%. Đó là khoảng lợi tức gấp 20 lần so với chỉ một năm trước, và là mức mà mọi người sẽ chuyển tiền ra khỏi cổ phiếu để nhận được mức lợi nhuận được đảm bảo là 4%. Vì vậy, chúng ta có thể thấy lãi suất cao hơn dẫn đến lợi tức trái phiếu cao hơn, sau đó dẫn đến việc chuyển tiền ra khỏi cổ phiếu và chuyển sang trái phiếu.

Lãi suất đại diện cho giá trị của thời gian

Lý do lớn thứ hai khiến lãi suất cao hơn ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán là lãi suất đại diện cho giá trị được đặt vào thời gian trên thị trường. Mối quan hệ đó đặc biệt quan trọng đối với các tài sản dài hạn như nhiều cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao. “Thời gian dài” chỉ là một cách nói hoa mỹ để nói rằng phần lớn thu nhập, hay dòng tiền tự do từ công ty, dự kiến ​​sẽ còn xa mới có trong tương lai. Amazon là một ví dụ xuất sắc về điều này. Công ty có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao kết hợp với lợi nhuận âm trong nhiều năm. Cuối cùng, tất cả sự tăng trưởng doanh thu đó dẫn đến lợi nhuận đáng kể, nhưng các nhà đầu tư cần phải đợi nhiều năm để điều đó xảy ra.

Đây là nơi mà lãi suất cao hơn trở thành vấn đề. Giả sử một công ty sẽ tạo ra 100 USD lợi nhuận trong 10 năm. Một năm trước, trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm cho lãi 1,33%. Tính 100 USD lợi nhuận đó theo mức tiền hiện tại với tỷ lệ đó có nghĩa là giá trị hiện tại của những khoản lợi nhuận đó sẽ là hơn 87 USD một chút. Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm hiện tại là gần 4%. Việc chiết khấu các khoản lợi nhuận tương tự sẽ tạo ra giá trị hiện tại chỉ dưới 68 USD. Giá trị hiện tại của cùng một khoản lợi nhuận đã thay đổi hơn 20%. Thị trường đi xuống trong năm nay chủ yếu do lãi suất tăng và lý do Chỉ số tổng hợp NASDAQ nặng về công nghệ giảm nhiều hơn Chỉ số S&P 500 vốn đa dạng là do chỉ số NASDAQ có mức tăng trưởng cao nhạy cảm hơn với những thay đổi của lãi suất.

Tại sao tin tức tốt về kinh tế lại làm thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm?
Một phóng viên Nhật Bản chuẩn bị cho buổi phát sóng của mình tại địa điểm tiếp thị NASDAQ (NASDAQ Marketsite) vào ngày 25/02/2004 ở thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: Stephen Chernin / Getty Images)

Thị trường đi ngược lại tin tức kinh tế

Tất cả những điều này có nghĩa là, trong ngắn hạn, các hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có tác động rất lớn đến thị trường. Miễn là lạm phát còn cao và tỷ lệ thất nghiệp vẫn thấp, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, đó là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán giảm điểm. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã nói rằng ông sẵn sàng chấp nhận tỷ lệ thất nghiệp cao hơn để giảm lạm phát, nhưng rõ ràng là ông và các thống đốc Fed khác lo ngại về việc gây ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng hơn so với tình hình suy thoái mà người Mỹ đang trải qua.

Tại sao tin tức tốt về kinh tế lại làm thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm?
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) tại trụ sở của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào ngày 21/09/2022 ở Washington, DC, Mỹ. Ông Powell thông báo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất lên 3/4 điểm phần trăm. (Ảnh: Drew Angerer / Getty Images)

Vì vậy, khi chúng ta nhận được một báo cáo thất nghiệp "tốt" cho thấy rằng hầu hết mọi người ở Mỹ muốn đi làm đều có việc làm, điều đó tốt cho nền kinh tế, nhưng điều đó cũng khiến việc Fed tiếp tục tăng lãi suất là khả thi. Khi chúng ta nhận được một con số GDP "tốt" cho thấy rằng năng suất không giảm tới mức như lo ngại, điều đó cũng tốt cho nền kinh tế, và cũng giúp Fed tiếp tục tăng lãi suất một cách dễ dàng hơn.

Hai điều duy nhất có thể khiến Fed ngừng tăng lãi suất là lạm phát được giảm đáng kể, điều mà chúng ta chưa thấy, hoặc một cuộc suy thoái đủ tồi tệ để những người ở Washington, D.C. ngừng tranh luận xem đó có phải là suy thoái hay không và chấp nhận rằng nền kinh tế đã trở nên tồi tệ.

Kết quả là, khi chúng ta nhận được tin tức kinh tế “tốt”, thị trường lo ngại rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, và điều đó dẫn đến việc định giá cổ phiếu thấp hơn. Khi chúng ta nhận được tin tức kinh tế “xấu”, thị trường bắt đầu định giá theo việc tăng lãi suất chậm lại và bắt đầu dự đoán khi nào Fed sẽ quay lại hạ lãi suất một lần nữa. Điều đó làm cho các chỉ số thị trường tăng.

Tôi đặt câu hỏi về sự khôn ngoan của việc có một Ngân hàng Trung ương với các nhân viên là những người chưa bao giờ điều hành doanh nghiệp hoặc trả tiền lương cố gắng điều hành nền kinh tế bằng những thay đổi lãi suất ngắn hạn và các cuộc họp báo, nhưng sẽ cần một cuốn sách để nói về chủ đề đó.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo Gary Brode - The Epoch Times

Tác giả Gary Brode làm việc trong lĩnh vực kinh doanh quỹ đầu cơ được 3 thập kỷ. Gần đây nhất, ông là Cộng sự Quản lý và Nhà Quản lý Danh mục Cấp cao cho Silver Arrow Investment Management. Vào năm 2020, ông đã thành lập Deep Knowledge Investing, một công ty nghiên cứu giúp các khách hàng tăng lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu. Bài viết của tác giả Brode đã được đăng trên Wall Street Journal và Barron’s, cũng như trên CNBC, Bloomberg West và RealVision.



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao tin tức tốt về kinh tế lại làm thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm?