Tiền gửi đang rút khỏi các định chế tài chính Hoa Kỳ - Khách hàng muốn tìm kiếm lợi nhuận nơi khác

Giúp NTDVN sửa lỗi

Như NTDVN đã đưa, trong một năm qua, số tiền rút khỏi 25 định chế tài chính lớn nhất Hoa Kỳ là 700 tỷ USD. Tuy nhiên, xu hướng này vẫn đang tiếp tục và Reuters bình luận rằng người gửi tiền của Mỹ muốn tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Nhưng còn một nguyên nhân nữa, USD đang mất giá bởi lạm phát, người gửi tiền có thể phải trú ẩn ở những tài sản an toàn hơn đồng bạc xanh.

Như NTDVN đã đưa tin trong một bài viết ngày hôm qua (17/4), tình trạng rút tiền khỏi các ngân hàng Hoa Kỳ đã lặng lẽ diễn ra trong một năm qua. Tình trạng này đang trở nên rõ nét hơn quý 1/2023 sau khi 03 tổ hợp tài chính - ngân hàng của Hoa Kỳ phá sản.
Theo số liệu của Fed St.Louis, từ ngày 13/4/2022 đến 29/3/2023, khoảng 700 tỷ USD tiền gửi đã giảm tại 25 ngân hàng lớn nhất Mỹ. Việc này diễn ra không chỉ bởi cú sốc phá sản 3 ngân hàng vừa và nhỏ hồi tháng 3/2023 vừa qua.
Trong một năm qua, 700 tỷ tiền gửi đã rút khỏi 25 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ (Nguồn: Fed St. Louis)

Thực tế, từ khi bước chân vào đại dịch Covid-19 (tháng 1/2020), việc Fed tăng cung tiền quá mức và chi tiêu chính phủ lớn chưa từng có đã khiến tiền dư thừa trong nền kinh tế.

Theo số liệu của Fed St. Louis, tiền gửi huy động bởi 25 ngân hàng thương mại đã tăng thêm khoảng 4,5 nghìn tỷ USD trong 2020-2021; khá tương đồng với bảng cân đối mở rộng của Fed. Việc giảm 700 tỷ USD mới chiếm 1/6 số tiền đã tăng thêm trong 2 năm đại dịch.

Tuy nhiên, việc huy động tiền gửi tăng sốc và giảm sốc là điều có thể tiếp tục diễn ra khi nền kinh tế thu hẹp lại. Các khoản cho vay luôn dài hạn, các khoản đầu tư càng dài hạn hơn các khoản cho vay. Điều này có thể thúc đẩy khó khăn thanh khoản hơn nữa tại các ngân hàng thương mại Mỹ; đặc biệt khi các thị trường mà ngân hàng đầu tư như trái phiếu, cổ phiếu, phái sinh có vấn đề.

Việc tiền gửi giảm sốc còn có nguyên nhân từ lạm phát cao và cú sốc 03 tổ hợp tài chính - ngân hàng phá sản trong tháng 3/2023 vừa qua. Lạm phát cao khiến người gửi tiền có xu hướng tìm tới các tài sản có mức sinh lời cao tương ứng hoặc ít nhất là trú ẩn an toàn trong vàng, kim loại quý. Lo ngại rủi ro ngân hàng cũng khiến dòng tiền rút khỏi hệ thống do vấn đề tâm lý, niềm tin thị trường.

Theo Reuters, tiền gửi tại ngân hàng giám sát State Street Corp và ngân hàng khu vực M&T Bank Corp, đều giảm khoảng 3%. Tiền gửi tại Charles Schwab Corp giảm 11% so với quý trước. Cổ phiếu của State Street đã giảm 9,2%, đóng cửa ở mức 72,68 USD vào thứ Hai (17/4),

Mặc dù, xét về dài hạn, tiền gửi đang lặng lẽ sụt giảm trong hệ thống ngân hàng. Nhưng trong tuần kết thúc ngày 5/4, dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang công bố vào thứ Sáu cho thấy tiền gửi tại tất cả các ngân hàng thương mại đã tăng lên 17,43 nghìn tỷ USD, mức tăng được chia đều giữa 25 ngân hàng lớn nhất và các ngân hàng vừa và nhỏ.

Như vậy, tiền gửi tại các ngân hàng lớn nhất cao hơn mức trước khi Ngân hàng Thung lũng Silicon và Ngân hàng Signture sụp đổ, nhưng tại các ngân hàng nhỏ tiền gửi vẫn thấp hơn mức huy động trước đó.

Rõ ràng, làn sóng rút tiền gửi từ các ngân hàng nhỏ sang các ngân hàng lớn do thị trường mất niềm tin đang diễn ra.

Thị trường vẫn lo ngại về các khoản chứng khoán nợ mà các ngân hàng Hoa Kỳ đang nắm giữ; các khoản thua lỗ từ mảng đầu tư này chưa được hạch toán và chưa bộc lộ khi ngân hàng chưa bán ra. Giám đốc điều hành của ngân hàng Schwab, một trong những ngân hàng có lo ngại lớn nhất về lỗ chứng khoán nợ, ông Walter Bettinger, bình luận rằng đây chỉ là đồn đoán, và rằng "rủi ro này đã qua đi", theo Reuters.

Quang Nhật tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Tiền gửi đang rút khỏi các định chế tài chính Hoa Kỳ - Khách hàng muốn tìm kiếm lợi nhuận nơi khác