Trung Quốc đã thắng trong chiến tranh tiền ảo với Mỹ như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ lâu, chính quyền của ông Tập đã lặng lẽ giăng bẫy, phát động và giành chiến thắng trong chiến tranh tiền ảo phi pháp định, mục đích rõ ràng là làm suy yếu nền kinh tế Mỹ. Trong cuộc chiến độc đáo này, Mỹ không chỉ chậm chân do không hiểu Bắc Kinh mà còn để tiền ảo trở thành 'họa loạn' trong lòng hệ thống tài chính lớn nhất toàn cầu của mình.

Cuộc thương chiến 4 năm với Trung Quốc được khởi động bởi Tổng thống Trump vẫn còn chật vật khi hiệu quả không hoàn toàn như mong đợi. Bắc Kinh giảo hoạt né tránh thuế của Mỹ qua các con đường khác như Việt Nam, Đài Loan, Thái Lan hay Mexico. Và đó không phải là tất cả. Trung Quốc đã buộc Mỹ phải trả tiền cho tài sản mà Mỹ không quản lý, không được đảm bảo. Mỹ đã bơm cả ngàn tỷ USD cho Trung Quốc, chủ yếu nhờ Phố Wall, qua một loại tài sản rủi ro, được thao túng bởi Trung Quốc: Tiền ảo - Tiền kỹ thuật số phi pháp định.

Mỹ bơm tới hàng nghìn tỷ USD vào Trung Quốc bằng tiền ảo

Không nghi ngờ gì nữa, Mỹ hàng năm đã bơm hàng nghìn tỷ USD vào Trung Quốc qua con đường tiền ảo mà không hề có thống kê. Phần lớn là qua Bitcoin (BTC), được trao đổi chủ yếu lấy đồng USD trên toàn thế giới, được khai thác ở Trung Quốc. Trung Quốc chiếm 65% tổng số trang trại khai thác Bitcoin trên khắp toàn cầu.

Để kiếm được phần thưởng Bitcoin, các máy tính dung lượng lớn sẽ giải các bài toán phức tạp 24/7. Một phần của số tiền mới khai thác được chuyển trực tiếp đến các sàn giao dịch tiền điện tử, trong khi phần còn lại có thể được giữ trong ví tiền điện tử của thợ đào, nhưng cuối cùng được bán sang USD. Trung bình, 900 BTC được khai thác mỗi ngày và tổng doanh thu hàng ngày là khoảng 31 triệu đô la (tính đến cuối tháng 6). Điều đó có nghĩa là chỉ trong một năm, các thợ mỏ đã kiếm được hơn 10 tỷ đô la.

Ước tính, các thợ mỏ Trung Quốc đã kiếm được khoảng 7 tỷ đô la kể từ mùa hè năm ngoái. Nếu cả giá Bitcoin và sự phổ biến của nó tiếp tục tăng, doanh thu sẽ tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba mỗi năm. Bằng cách này hay cách khác, tiền sẽ luân chuyển trong toàn bộ nền kinh tế của đất nước: Nó sẽ được chi tiêu, tiết kiệm hoặc đầu tư.

Doanh thu của thợ mỏ đào Bitcoin trong năm 2020 khoảng 10 tỷ USD, riêng Trung Quốc thu về 7 tỷ USD (Số liệu Cointelegram.com, Nguồn: Aximetria)

Nhưng nếu chỉ đề cập đến thợ mỏ đào tiền ảo ở Trung Quốc thì lại là một thiếu sót quá lớn. Nó chẳng đáng là bao so với hàng trăm tỷ, thậm chí cả ngàn tỷ USD mà Trung Quốc kiếm được từ tiền ảo tăng giá bởi đầu cơ, tiền ảo phát hành mới (mà Trung Quốc phát hành mới tiền ảo, phần đa là tiền ảo rác, chiếm tới hơn 90% tổng tiền ảo toàn cầu).

Chỉ riêng với Bitcoin, Trung Quốc nắm giữ 70% nguồn cung và 90% cầu. Lần theo các dữ liệu giao dịch cho thấy mỗi đợt tăng hay giảm giá từ Bitcoin đều có làn sóng mua bán cực lớn từ Trung Quốc. Điều này dễ hiểu khi các sàn giao dịch tiền ảo (cho cả Bitcoin và vô số loại tiền ảo khác) đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Khoảng 2/3 tổng số hoạt động khai thác Bitcoin có trụ sở tại Trung Quốc.

Bitmain, chịu trách nhiệm về 39% tất cả các hoạt động khai thác và điều hành hai nhóm khai thác lớn nhất thế giới, là một công ty Trung Quốc có các hoạt động trải rộng ra ngoài biên giới của nó, bao gồm cả những nơi như Hoa Kỳ và Thụy Sĩ. Nó đi tiên phong trong chip ASIC, chạy hầu hết các hệ thống khai thác bitcoin và được một số người gọi là “công ty có ảnh hưởng nhất trong hệ sinh thái bitcoin”.

Hiện nay, thị trường tiền điện tử toàn cầu đã có quy mô tới 2 ngàn tỷ USD. Như vậy, với sự thống lĩnh Trung Quốc về cung - cầu và hệ sinh thái tiền điện tử, không quá lời khi nói hàng ngàn tỷ USD từ Mỹ đã chảy về Trung Quốc bằng các đổi các đồng tiền ảo vô giá trị, phi pháp định, ngoài kiểm soát lấy đồng USD pháp định của Mỹ.

Bắc Kinh đã giăng bẫy tiền ảo từ lâu

Chính phủ Trung Quốc nhận thức rõ về khối lượng và tầm quan trọng của các khoản đầu tư bằng USD thông qua tiền điện tử. Bất chấp các quy định ngày càng gia tăng, các nhà chức trách Bắc Kinh rõ ràng sẽ không cấm Bitcoin.

Trước khi bị chính phủ kiểm soát vào năm 2017, Trung Quốc là một trong những quốc gia sớm nhất nhiệt tình chấp nhận tiền điện tử vào năm 2013, khi một tổ chức từ thiện của Trung Quốc bắt đầu chấp nhận Bitcoin. Tiếp theo là một làn sóng kinh doanh chấp nhận giao dịch bằng tiền điện tử. Ngay cả Baidu, gã khổng lồ công cụ tìm kiếm của Trung Quốc, cũng bắt đầu chấp nhận Bitcoin cho các dịch vụ bảo mật trang web. Và các “thợ mỏ” bắt đầu lập tài khoản và hoạt động tích cực ngay sau đó.

Bitcoin ATM
Máy ATM dành cho đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin được nhìn thấy ở Hồng Kông vào ngày 18/12/2017. (Anthony Wallace / AFP qua Getty Images)

Vào năm 2017, các nhà chức trách cũng đã đóng cửa các sàn giao dịch tiền điện tử trong nước và chặn quyền truy cập vào các nền tảng giao dịch tiền điện tử ở nước ngoài. Điều này cho thấy, người dân được sở hữu hợp pháp tiền điện tử, những giới hạn chỉ dành cho ngân hàng và tổ chức tài chính mà thôi.

Với tiền điện tử phi pháp định, một mặt, các nhà chức trách Trung Quốc muốn ngăn chặn “sự lây lan rủi ro cá nhân đến lĩnh vực xã hội”, mặt khác, họ để ngỏ cánh cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, các nhà chức trách Trung Quốc đã bắt đầu hạn chế khai thác, điều này khiến nhiều người trên thị trường nghĩ rằng Trung Quốc từ bỏ công cụ tiền ảo này trong cuộc chiến với Mỹ. Không phải vậy, nguyên nhân chính là do đào Bitcoin tiêu thụ quá nhiều năng lượng và lượng khí thải carbon dioxide khiến đất nước không thể đạt được mức độ trung tính carbon vào năm 2060. Nhưng tình hình thực tế hơi khác so với các tuyên bố chính thức.

Thứ nhất, các thợ mỏ Trung Quốc được tiếp cận nguồn thủy điện rẻ hơn, vốn rất phát triển ở các tỉnh phía Nam, và chỉ chuyển sang sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong mùa đông khô khi họ di cư lên phía Bắc.

Thứ hai, chính quyền đã cấm hoàn toàn các dự án khai thác mới và các dự án hiện có ở ba khu vực: Thanh Hải, Nội Mông và Tân Cương. Các tỉnh giàu tài nguyên thủy điện khác như Vân Nam hay Tứ Xuyên thì chính quyền chưa đưa ra lệnh cấm hoàn toàn. Trong khi Vân Nam chỉ có kế hoạch đóng cửa các trang trại khai thác BTC bất hợp pháp theo "chiến dịch chống lạm dụng điện”.

Các nhà chức trách Trung Quốc dường như đang đặt mọi thứ vào trật tự hơn trong cuộc chiến với tiền điện tử phi pháp định mà thôi. Những hạn chế về công nghệ của nguồn cung Bitcoin có lợi cho Trung Quốc: Nó cho phép quốc gia này tác động đến giá tiền điện tử trong khi vẫn giữ nó trong quyền sở hữu của thợ đào và không bán nó trên thị trường tài chính.

Các sàn giao dịch Trung Quốc đã thay đổi mô hình kinh doanh kể từ lệnh cấm và bắt đầu phục vụ khách hàng ở nước ngoài. OKCoin thường xuyên đạt khối lượng giao dịch bitcoin cao nhất, hiện đã được đăng ký tại Belize mặc dù hầu hết nhân viên của nó vẫn làm việc tại Trung Quốc. Nó cung cấp “giao dịch tiền tệ kỹ thuật số từ người tiêu dùng đến người tiêu dùng chống lại các đấu thầu hợp pháp của nhiều quốc gia”. Nói một cách dễ hiểu, điều này có nghĩa là nó chấp nhận ngoại tệ để giao dịch bitcoin trên sàn giao dịch của mình. Việc sàn giao dịch tính phí tương đối thấp là một điểm thu hút thêm rất đông các nhà đầu tư.

Huobi, một sàn giao dịch khác có trụ sở tại Trung Quốc, cũng theo một chiến lược tương tự. Sau đó, có sàn giao dịch Binance mới mở có trụ sở tại Hong Kong, đã thêm khách hàng nhanh chóng. Theo một số ước tính, nó có thêm khoảng 200.000 khách hàng mới mỗi giờ.

Tính chung, các sàn giao dịch của Trung Quốc chiếm khối lượng giao dịch lớn nhất. Các thị trường ngang hàng, chẳng hạn như LocalBitcoins, cũng trở nên phổ biến với các nhà đầu tư Trung Quốc. Họ cho phép đầu tư lên đến 100.000 USD. Một thước đo để đánh giá mức độ phổ biến của Bitcoin ở Trung Quốc là mức bù giá 8% mà người Trung Quốc trả cho Bitcoin trong những tháng sau lệnh cấm.

Ngoài ra, thợ mỏ của Trung Quốc cũng chuyển tới các quốc gia được hưởng lợi rất nhiều từ tiền điện tử phi pháp định do lệnh cấm vận của Mỹ như Iran hay Venezuela.

TTTC Mỹ có thể sụp đổ vì đầu cơ tiền ảo bằng đòn bẩy lớn

Cuối tháng Sáu vừa qua, Tiểu ban Giám sát và Điều tra của Dịch vụ Tài chính Hạ viện đã tổ chức một phiên điều trần cực kỳ quan trọng về cơn sốt tiền ảo đã nhấn chìm các thị trường tài chính Hoa Kỳ. Phiên điều trần có tiêu đề: “Nước Mỹ đang trong 'LỬA': Sự điên cuồng của tiền ảo sẽ dẫn đến độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm hay tàn phá tài chính?". Các nhân chứng đã dội bom vào phiên điều trần này bằng các con số và bằng chứng gây sốc.

Trong phiên điều trần, lời khai từ một cựu chiến binh Phố Wall, bà Alexis Goldstein, người hiện là Giám đốc Chính sách Tài chính của nhóm phi lợi nhuận, Viện Thị trường Mở thực sự khiến các cơ quan quản lý của Mỹ lo lắng.

Bà Goldstein dẫn chứng về một cuộc khảo sát được công bố vào đầu năm nay bởi công ty kiểm toán PwC. Công ty này chỉ ra rằng 1 trong 7 quỹ đầu cơ có 10 đến 20% tổng tài sản được quản lý để đầu tư vào tiền điện tử. Đáng sợ không kém, cuộc khảo sát tương tự cho thấy 86% quỹ đầu cơ hiện đang đầu tư vào tiền điện tử có ý định triển khai thêm vốn vào cuối năm nay.

Điều quan trọng là, đứng sau các quỹ phòng hộ Mỹ, dòng tiền chảy vào đầu cơ tiền điện tử, có nguồn gốc từ các NHTM lớn của Mỹ. Để chứng minh điều này, bà Goldstein dẫn chứng ​​sự sụp đổ của quỹ đầu cơ gia đình, Archegos, quỹ này cho thấy rằng khi các ngân hàng có mối quan hệ môi giới chính với các quỹ đầu cơ, nó có thể tạo ra tổn thất tại các ngân hàng là nơi nắm giữ tiền gửi được liên bang có đảm bảo (người đóng thuế chống lưng). (Các ngân hàng lớn trên toàn cầu đã mất hơn 10,4 tỷ đô-la khi Archegos vỡ nợ các khoản vay ký quỹ vào tháng 3).

“Có rất nhiều sàn giao dịch tiền điện tử như FTX và Binance và nhiều sàn khác cho phép mọi người sử dụng số lượng đòn bẩy điên cuồng, có thể lên tới 100 lần đổi 1… Vì vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu một số lượng lớn các quỹ đầu cơ có mối quan hệ môi giới chính với các ngân hàng “quá lớn để sụp đổ” [và] tất cả đều xảy ra trong các vị trí tiền ảo tương tự, cho dù đó là đó là đầu tư dài hay ngắn và có sự biến động lớn trên thị trường. Họ có thể phải bán một số tài sản khác của mình. Nó có thể dẫn đến các cuộc gọi ký quỹ trong các tài sản không phải tiền điện tử của họ, điều này có thể dẫn đến việc buộc phải thanh lý và chuyển giao lại cho chính các ngân hàng dưới dạng rủi ro đối tác”.

Đáng lưu ý là toàn bộ khoản đầu cơ tiền ảo phi pháp định của các quỹ phòng hộ lại không hề thể hiện trên bảng cân đối tài khoản, thậm chí là ngoại bảng (để theo dõi) của các NHTM đóng vai trò nhà môi giới (đổ tiền cho quỹ phòng hộ Mỹ) đầu cơ tiền ảo, theo điều 13F của Cục dự trữ liên bang Mỹ. Tức là, Fed hoàn toàn không thể đo lường, theo dõi, tính toán toàn bộ rủi ro liên quan tới đầu cơ tiền ảo trên Phố Wall. Trong khi sự thăng trầm đầu cơ và giá tiền ảo lại có thể đang nằm trong tay Trung Quốc.

Có vẻ như Mỹ đang loay hoay đo lường quy mô thất thoát USD đổ vào Trung Quốc qua con đường tiền ảo, cũng như Mỹ chưa hoàn toàn nắm chắc rủi ro do đầu cơ trên thị trường tiền ảo phi pháp định gây ra. Dù vậy, Mỹ rõ ràng nhận thức được Trung Quốc đang làm suy yếu đồng USD, bơm thêm rủi ro cho thị trường tài chính Mỹ, làm suy yếu Mỹ bằng tiền ảo.

Lựa chọn duy nhất cho chính phủ Hoa Kỳ là làm suy yếu sức hấp dẫn của Bitcoin bằng mọi cách có thể. Điều này có lẽ giải thích tại sao Elon Musk, chủ sở hữu của một số công ty lớn nhất của Mỹ, Tesla và SpaceX, đột ngột chuyển từ ủng hộ Bitcoin sang chỉ trích tác động môi trường của nó.

Điều tương tự cũng xảy ra với Greenpeace, tổ chức này không còn chấp nhận các khoản đóng góp bằng tiền điện tử nữa, mặc dù nó đã làm như vậy trong bảy năm qua.

Có vẻ như chiến dịch leo thang chống lại Bitcoin liên quan nhiều đến chính trị hơn là môi trường. Dù Mỹ đã bắt đầu chỉ trích Bitcoin, phải thừa nhận rằng Mỹ đã tụt hậu hoàn toàn trong cuộc chiến tiền ảo này. Trung Quốc đã quá xuất sắc trong việc sử dụng công cụ sắc bén và lạ lẫm trong cuộc chiến tranh tiền tệ hiện đại này.

Lê Minh - Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc đã thắng trong chiến tranh tiền ảo với Mỹ như thế nào?