Trung Quốc và Nga gặp khó trong cuộc nổi dậy chống lại đồng USD

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc và Nga đang có cơ hội khiến các nước như Bangladesh và Myanmar sử dụng đồng CNY, RUB và INR để thay thế cho đồng USD. Các cuộc thảo luận về việc loại bỏ đồng USD đã diễn ra trong các hội nghị của SCO hay BRICS. Tuy nhiên, với các đồng tiền thay thế yếu kém, cộng thêm các hệ thống thanh toán xuyên biên giới mới không hiệu quả, Trung Quốc và Nga sẽ khó có thể thách thức được đồng USD.

Đồng USD mạnh, lạm phát gia tăng và chi phí năng lượng đã tạo cơ hội cho Trung Quốc và Nga đưa ra các loại tiền tệ thay thế cho các quốc gia đang phát triển — nhưng các động thái hướng tới việc thay thế đồng USD dù thế nào đi nữa thì vẫn còn yếu.

Bangladesh và Miến điện rời bỏ đồng USD

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, đồng BDT (đồng taka của Bangladesh) đã mất khoảng 20% giá trị so với đồng USD. Nước này cũng đang phải đối mặt với lạm phát 7% và nguồn dự trữ ngoại tệ ngày càng cạn kiệt, vốn đã giảm từ 48 tỷ USD xuống còn 37 tỷ USD chỉ trong khoảng một năm. Dhaka (thủ đô Bangladesh) hiện đang xem xét thiết lập giao dịch hoán đổi BDT - RUB (RUB: đồng rúp Nga) như một cách để nhập khẩu dầu nhiên liệu giá rẻ từ Nga.

Vào giữa tháng 9, Ngân hàng Trung ương Bangladesh (Ngân hàng Bangladesh) thông báo rằng họ sẽ cho phép các ngân hàng đại lý (ngân hàng thương mại được phép bán và mua chứng khoán của chính phủ) thanh toán giao dịch với Trung Quốc bằng đồng CNY (đồng nhân dân tệ). Các đại lý được cấp quyền giờ đây sẽ được phép duy trì tài khoản CNY với các đại lý và chi nhánh của họ ở nước ngoài. Kể từ năm 2018, các ngân hàng được cấp quyền đã được phép mở tài khoản thanh toán bù trừ ngoại tệ với Ngân hàng Bangladesh bằng đồng CNY.

Nhập khẩu hàng năm đến Bangladesh từ Trung Quốc lên tới từ 15 tỷ đến 16 tỷ USD, trong khi có khoảng 1 tỷ USD hàng hóa được xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, bằng cách sử dụng đồng tiền Trung Quốc, Bangladesh có thể giải quyết khoảng 10% hàng nhập khẩu của mình bằng đồng CNY, loại bỏ phí chuyển đổi tiền tệ và giảm sự phụ thuộc của Bangladesh vào đồng USD. Nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng thiếu CNY trong các ngân hàng địa phương. Cho dù vậy, quan chức của Phòng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc Bangladesh, ông Al Mamun Mridha, gợi ý rằng các khoản vay và đầu tư của Trung Quốc có thể được ký gửi bằng đồng CNY.

Bên kia biên giới với Bangladesh, chính quyền quân đội nắm quyền kiểm soát Myanmar sau khi thất bại trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 01/2021, hiện đang xem xét thay thế đồng USD bằng đồng CNY của Trung Quốc, đồng RUB của Nga và đồng INR (đồng rupee) của Ấn Độ. Một thỏa thuận đã đạt được trong đó dầu nhiên liệu nhập khẩu từ Nga sẽ được thanh toán bằng đồng RUB. Thẻ Mir, hệ thống thanh toán điện tử của Nga, cũng sẽ được phép sử dụng ở Myanmar.

Trung Quốc và Nga gặp khó trong cuộc nổi dậy chống lại đồng USD
Những người bán hàng ở Bangladesh chờ khách hàng tại một chợ bán buôn ở Dhaka, Bangladesh, vào ngày 22/01/2017. Dhaka Kawran Bazar là một khu thương mại và chợ bán buôn lớn ở Dhaka. (Ảnh: STR / AFP / Getty Images)

Tách rời đồng USD

Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra vào ngày 15-16 tháng 9 tại Uzbekistan đã thảo luận về việc mở rộng thương mại bằng đồng nội tệ. Các thành viên SCO bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Pakistan, Tajikistan, Uzbekistan, và các nước quan sát viên Afghanistan, Belarus, Iran và Mông Cổ. Ấn Độ đang thực hiện giao dịch mua dầu của Nga bằng các đơn vị tiền tệ khác với đồng USD và Iran đã đề xuất thành lập đồng tiền SCO và Ngân hàng Phát triển SCO.

Mặc dù CNY là đồng tiền được giao dịch nhiều thứ tư trên thế giới, khối lượng giao dịch của đồng tiền này vẫn còn nhỏ. Đồng CNY chỉ chiếm 3,2% lượng thanh toán thương mại toàn cầu. Mặt khác, đồng USD chiếm gần một nửa thanh toán thương mại của thế giới và 60% dự trữ ngoại hối toàn cầu. Trung Quốc muốn tăng cường sử dụng đồng CNY trên phạm vi quốc tế, trong khi Nga muốn tìm cách lách các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tháng 10/2015, Ngân hàng Cáp Nhĩ Tân của Trung Quốc và Ngân hàng Sberbank của Nga đã thành lập Liên minh Tài chính Trung-Nga để thúc đẩy thương mại bằng cách tạo điều kiện cho thanh toán xuyên biên giới bằng nội tệ. Cho đến nay, liên minh đã có 35 thành viên tham gia, bao gồm 18 tổ chức tài chính vừa và nhỏ của Trung Quốc và 17 tổ chức của Nga. Phó tỉnh trưởng Sun Yao của Hắc Long Giang tuyên bố rằng liên minh là một thành phần quan trọng của Hành lang kinh tế Trung Quốc - Mông Cổ - Nga. Trong khi nhiều ngân hàng lớn của Trung Quốc đã hạn chế xử lý các giao dịch của Nga để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ, các thành viên vừa và nhỏ của Liên minh Tài chính Trung-Nga vẫn tiếp tục nỗ lực hướng tới sự hội nhập nhiều hơn với các đối tác Nga của họ.

Ngân hàng Cáp Nhĩ Tân là một thành viên của Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc, một giải pháp thay thế cho hệ thống SWIFT do Mỹ thống trị. Nằm ở Hắc Long Giang, có chung đường biên giới dài 3.000 dặm với Nga, ngân hàng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển CNY đến Nga bằng đường bộ hoặc máy bay. Năm 2019, một chi nhánh địa phương của Ngân hàng Cáp Nhĩ Tân đã chuyển giao thành công 2 triệu USD tiền mặt cho Nga.

Các đồng tiền thay thế dễ biến động

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS vào tháng 06/2022, nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin nói rằng các quốc gia thành viên - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - nên thiết lập một hệ thống dự trữ sử dụng rổ tiền tệ BRICS. Ngoài ra, cả Trung Quốc và Nga đã nhiều lần đề xuất thiết lập một hệ thống đồng nội tệ để thanh toán thương mại quốc tế.

Trung Quốc và Nga gặp khó trong cuộc nổi dậy chống lại đồng USD
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc họp báo chung trước Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok, Nga, vào ngày 04/09/2019. (Ảnh: Mikhail Metzel / AFP qua Getty Images)

Không được tiếp cận đồng USD và EUR, Điện Kremlin đang xem xét mua đồng CNY, INR và TRY (đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ) cho quỹ đầu tư quốc gia. Quỹ này được gọi là Quỹ tài sản quốc gia hoặc Quỹ phúc lợi. Tuy nhiên, thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullin, đã cảnh báo không nên đầu tư vào các loại tiền tệ quá biến động. Tất cả các đồng tiền BRICS, ngoại trừ đồng CNY, đều được đánh giá là dễ biến động.

Đồng TRY mất 42% giá trị vào năm 2021; vào tháng 7 năm nay, nó giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Đồng INR, thường được coi là đồng tiền không ổn định, đã mất khoảng 25% giá trị trong 8 năm qua, chạm mức thấp kỷ lục so với USD vào tháng 7. Giá trị của đồng ZAR (đồng rand Nam Phi) cũng liên tục giảm kể từ tháng 05/2021 và đạt mức thấp nhất trong năm nay, mức thấp chưa từng thấy kể từ năm 2020. Đối với đồng BRL (đồng real của Brazil), nó được coi là đồng tiền kém thứ tư trên thế giới tính đến tháng 06/2022.

Hệ thống thanh toán xuyên biên giới mới không hiệu quả

Nga và Trung Quốc đã cố gắng tạo ra các hệ thống thanh toán xuyên biên giới để tránh sử dụng SWIFT của Mỹ. Hệ thống chuyển thông điệp tài chính của Nga (SPFS), được thành lập vào năm 2014, kết nối với các Ngân hàng Trung ương ở Ấn Độ, Iran và Trung Quốc. Mặc dù được dự định là một giải pháp thay thế cho SWIFT, SPFS chỉ phục vụ cho trao đổi thông tin giữa các Ngân hàng Trung ương. CIPS của Trung Quốc đã tỏ ra không hiệu quả một cách tương tự trong việc tạo ra một hệ thống không chịu ảnh hưởng của Mỹ, vì 80% các giao dịch CIPS dựa vào cơ sở hạ tầng SWIFT.

Mặt khác, hệ thống SWIFT bao gồm 11.000 tổ chức tài chính toàn cầu. SWIFT xử lý các giao dịch thông qua Hệ thống thanh toán liên ngân hàng trung tâm bù trừ (CHIPS) do Fed sở hữu, thực hiện trung bình 1,8 nghìn tỷ USD giao dịch mỗi ngày, bao gồm 96% các khoản thanh toán xuyên biên giới bằng USD.

Với một bộ sưu tập đa dạng các loại tiền tệ kém hiệu quả từ Bangladesh, Miến Điện, Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi, và hai hệ thống thanh toán xuyên biên giới cạnh tranh nhưng không được liên kết với các ngân hàng lớn ở các nước phát triển, có vẻ như Trung Quốc hoặc Nga sẽ khó có thể dẫn dắt một cuộc nổi dậy đáng kể nào chống lại đồng USD.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo Antonio Graceffo - The Epoch Times

Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện là Giáo sư và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc. Ông viết bài cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông gồm: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc); và A Short Course on the Chinese Economy (Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc).



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc và Nga gặp khó trong cuộc nổi dậy chống lại đồng USD