Việt Nam mất dần động lực tăng trưởng, tăng trưởng GDP khó đạt 6%

Giúp NTDVN sửa lỗi

Số liệu kinh tế vĩ mô mà Tổng cục Thống kê (TCTK) của Việt Nam vừa công bố tiếp tục vẽ lên bức tranh kinh tế nhiều mảng tối. Tốc độ tăng của doanh nghiệp từ bỏ thị trường trong 8 tháng đầu năm so cùng kỳ gấp gần 10 lần so với tốc độ gia tăng của doanh nghiệp thành lập mới. Động lực chính đóng góp vào tăng trưởng GDP là công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục suy giảm.

Theo công bố của TCTK ngày 29/8/2023, bình quân mỗi tháng trong 8 tháng đầu năm 2023, có tới 15.585 doanh nghiệp từ bỏ thị trường. Mặc dù vậy, số doanh nghiệp gia nhập thị trường mỗi tháng (khoảng 18 nghìn doanh nghiệp) hiện vẫn lớn hơn con số doanh nghiệp từ bỏ, nhưng tốc độ doanh nghiệp rời khỏi thị trường (so cùng kỳ) lên tới 20% trong khi tốc độ doanh nghiệp gia nhập thị trường (so cùng kỳ) chỉ ở mức trên 2%.

Cùng với lượng doanh nghiệp từ bỏ thị trường, các doanh nghiệp ở khu công nghiệp cũng lâm vào tình trạng cắt giảm giờ làm, giảm lao động. Theo số liệu TCTK, lao động công nghiệp đã tăng nhẹ trong tháng 8/2023 so với tháng trước đó là 0,9% nhưng tính chung cả 8 tháng lao động giảm 2,9%. Các tỉnh ghi nhận lượng lao động công nghiệp bị sa thải nhiều nhất là Thanh Hoá (giảm 10%), Thái Nguyên (giảm 6,6%), Hưng Yên (giảm 8,5%) so cùng kỳ. Đây đều là các vùng nơi mà sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo có vốn đầu tư nước ngoài lớn; là động lực tăng trưởng của nhiều năm trước.

Phù hợp với số liệu về lao động cho thấy doanh nghiệp khu vực công nghiệp nói chung, chế biến chế tạo nói riêng đang thu hẹp sản xuất, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 2023 vẫn ghi nhận giảm 0,6% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực công nghiệp chế biến chế tạo, vốn luôn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP đang ghi nhận số liệu giảm, ở mức giảm 0,6%. Trong các thời kỳ kinh tế ổn định, khu vực này thường tăng trưởng quanh mức 10%. Ngành khai khoáng tiếp tục suy giảm mạnh hơn do cầu nguyên nhiên vật liệu yếu ở Việt Nam cũng như toàn cầu, mức giảm 8 tháng so cùng kỳ là 2,5%.

Khu vực công nghiệp chế biến chế tạo cũng đóng góp lớn nhất vào xuất khẩu. Sự suy giảm của khu vực này nói riêng và ngành công nghiệp nói chung do thị trường thế giới suy yếu; kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm tới 10% trong 8 tháng đầu năm. Nhưng đáng lưu ý là kim ngạch nhập khẩu còn giảm với tốc độ lớn hơn, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng thu hẹp sản xuất, thiếu đơn hàng và cầu yếu cho thấy sức phục hồi kinh tế nhờ mùa vụ vào quý 4/2023 có thể không đạt kỳ vọng hay dự báo.

Doanh nghiệp khó khăn, tăng trưởng yếu cũng khiến thu ngân sách giảm 8,8% so với cùng kỳ, bằng 69,4% dự toán năm.

Trước tình hình sản xuất bị thu hẹp, doanh nghiệp khó khăn, thất nghiệp tăng cao, Việt Nam vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch là 6,5% (theo kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ/CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ). Muốn đạt kế hoạch này, tăng trưởng 6 tháng đầu năm cần phải đạt được mức tăng 6,2% (trong đó quý 1 tăng 5,6%, quý 2 tăng 6,7%). Tuy nhiên, tăng trưởng GDP thực tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,72%. Điều này khiến tăng trưởng GDP quý 3 tối thiểu phải 7,4% và quý 4 phải đạt 10,3%, theo một ước tính từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Rõ ràng, các kết quả kinh tế tháng 7 và tháng 8 của quý 3 đã vẽ một bức trang với nhiều sắc xám hơn; khả năng đạt được tăng trưởng 6,5% hoặc thậm chí là 6% năm 2023 ngày một xa.

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Việt Nam mất dần động lực tăng trưởng, tăng trưởng GDP khó đạt 6%