Vụ án không chút manh mối đã được phá như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chuyện này không phải là hư cấu, được Tạ Khế Chân, bạn của cư sĩ Dung Nột chứng kiến tận mắt, được Dung Nột ghi lại trong cuốn “Chỉ văn lục”.

Ở xã Đông, Ninh Ba địa khu Chiết Giang, có một hộ nhỏ, hai vợ chồng và cậu con trai nhỏ sống bình an trong căn nhà nhỏ, cư dân xung quanh thưa thớt vắng vẻ.

Một ngày nọ, hai cha con họ dùng thuyền chở hai con lợn vào thành bán. Nhà họ cách thành khoảng hơn hai mươi dặm, sáng đi tối về. Buổi trưa, hai cha con tới cửa Đông thành, gần một ngôi mộ của vương gia, buộc thuyền cẩn thận xong, cha bảo con ngồi trên thuyền trông coi hai con lợn và hàng hóa, không cho cậu con lên bờ chơi nghịch, còn mình thì đi tìm người mua lợn. Trước khi đi còn gọi tên cậu nhỏ, nói: “Đưa cho cha cái âu màu đỏ kia, khi cha về sẽ mua cơm cho con ăn”, sau đó người cha một mình lên bờ.

Khoảng non nửa ngày, có người trên bờ gọi tên cậu bé. Nghe thấy tiếng gọi, cậu liền đi ra. Người kia cầm âu đỏ đưa cho cậu, nói: “Trong có cơm rau đấy, cha cậu bảo tôi đưa cho cậu ăn”. Cậu nhìn thấy cái âu đỏ giống của nhà mình, liền tin lời.

Người kia nói: “Lợn đã bán, tiền đã cầm, cha cậu đang dùng cơm ở nhà thương lái, bảo cậu giao lợn để hai người chúng tôi khiêng đến chỗ mua. Sau đó, cha cậu mang tiền quay lại, rồi hai cha con lên thuyền mà về. Cha cậu bảo cậu đưa cho chúng tôi cái túi vải để chúng tôi mang cho ông ấy đựng tiền”.

Cậu nhỏ thấy cơm có thịt cá, muốn ăn ngay, nên tin lời bọn họ mà giao cả lợn cùng túi để họ khênh đi. Một lúc sau, cha cậu đi cùng người mua và phu khuân vác quay về, họ lên thuyền để xem lợn định giá, lợn đã mất rồi. Hỏi con xem là chuyện gì, cậu kể lại, còn chỉ cho xem âu cơm vẫn còn đây. Người cha nhìn âu cơm, quả thật giống hệt của nhà mình, chả trách cậu bị lừa. Nguyên là hai kẻ lừa bịp kia đã nghe được lời người cha dặn dò cậu bé.

Người cha chẳng biết làm sao, đành quay thuyền chèo về nhà. Giữa đường, ông càng nghĩ càng buồn phiền, nhà có mỗi hai con lợn, giờ mất trắng rồi, biết tính sao đây? Thế là nổi giận trách mắng cậu nhỏ tham ăn nên gây họa, cậu con thì trách cha bỏ thuyền lên bờ, cãi lại cha. Người cha đang lúc giận dữ, vớ cái mái chèo đánh vào lưng con, ai ngờ làm cậu bé chết ngay.

Người cha vừa khóc vừa chèo thuyền, tới nhà thì trời đã tối. Vợ ra đón hỏi: “Sao chỉ có mình ông về?”

Người chồng cúi đầu ủ rũ không đáp. Vợ biết là có sự rồi, vội vàng nhìn vào thuyền, thấy xác con trai, lại không thấy tiền bán lợn, bật khóc ai oán: “Tất cả hy vọng của tôi trông vào nó, nay mất hết rồi, sống làm gì đây!” - nói xong mở cửa ra ngoài, gieo mình xuống sông mà chết.

Lâu không thấy vợ về, ra ngoài tìm cũng chẳng thấy đâu, biết là vợ cũng chết rồi, bèn về nhà treo cổ tự tử.

Lân cư thưa vắng, buổi tối không ai lai vãng, lên mãi khi trời sáng người ta mới thấy thi thể nổi trên sông. Họ vớt thi thể, nhận ra người vợ, đi về nhà báo tin thì thấy người chồng treo cổ chết. Khi ấy họ thấy con thuyền hôm qua đi bán lợn, vẫn chưa hạ buồm, liền lên thuyền xem, thì thấy xác cậu bé. Bạn hữu người thân trong thôn đều hết sức kinh hãi trước cảnh cả nhà mất mạng, nếu họ báo lên quan phủ, nhất định sẽ truy cứu nguyên nhân, mọi người không biết trả lời ra sao, quan phủ khẳng định sẽ không bỏ qua, sẽ liên lụy đến họ. Thế nên, nhân lúc người ngoài không ai biết, đem ba người mai táng cẩn thận, người trong thôn ngậm miệng không nói ra ngoài.

Ai đã phá vụ án không chút manh mối này? (Pixabay)

Năm sau, vào một buổi trưa tháng sáu, mặt trời sáng chói trên cao, bỗng nhiên mây đùn lớp lớp, một tiếng sét nổ ngang trời, hai bên Đông, Tây của cây cầu, sét đánh chết mỗi bên một người. Hai người này đều quỳ trên đất, nửa thân trên dựng thẳng, một người tay cầm cái ô, một người lưng đeo cái túi, trong có hai nghìn tiền.

Người trên đường xúm lại nhìn, thấy trên ô và túi có ghi chữ, nhưng không biết hai người đó là người nơi đâu? Cũng không biết tính danh ghi trên ô và số hiệu ghi trên túi thuộc về người nào? Đương cục địa phương cũng không chứng thực được, cũng không dám báo quan.

Hôm đó, hàng xóm của hộ bán lợn nọ qua chỗ ấy. Khi đó, người này cách cây cầu chỉ khoảng một dặm, nghe rõ tiếng sét đánh, lòng thấy nghi vấn, muốn đến tận nơi xem. Ông ta đến hiện trường, thấy tên ghi trên chiếc ô và số ghi trên trên túi vải, chính là tên của hộ bán lợn năm ngoái, vụ án hai lợn mất ba mạng đã rõ ràng.

Hộ bán lợn ba người chết vừa được một năm, thì sét đánh chết hai người kia, hai kẻ này chính là lũ trộm cướp thối tha ngụ ở phần mộ vương gia. Vụ án không chút manh mối này, quan phủ dương gian không phá nổi, nhưng chấp pháp cõi âm sẽ truy sát hung thủ. Thiên Thượng chủ trì công đạo, thiện ác báo ứng phân minh, chẳng phải rõ ràng hay sao?

Lạ ở chỗ, hai kẻ đó không hẹn mà cùng đến cầu, đều mang theo vật chứng để thế nhân nhìn rõ: Một vụ án không chút mối manh, một tiếng sét nổ giữa trời xanh, hai tội phạm quỳ thẳng trên mặt đất mà chết. Sau đó mây tản mưa tan, trời trong trở lại.

(Nguồn tư liệu: “Chỉ văn lục” của Dung Nột cư sĩ, đời Nhà Thanh)

Thái Bình
Theo Thái Nguyên - Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Vụ án không chút manh mối đã được phá như thế nào?