10 từ nhạy cảm hàng đầu Trung Quốc năm 2021

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong năm 2021, Internet Trung Quốc xuất hiện không ít những từ hoặc cụm từ mới phổ biến. Nhưng cũng có những từ đã lặng lẽ biến mất, như “Trái tim Thủy tinh”, hay cũng có những từ bị cấm không rõ lý do như "Triệu Vy".

Sau đây là thống kê 10 từ nhạy cảm hàng đầu Trung Quốc trong năm 2021 xếp theo thứ tự từ đầu năm:

1. Rắc bột hồ tiêu

Vào ngày 25/2, khi ông Tập Cận Bình phát biểu tại “Hội nghị tổng kết và tuyên dương thoát nghèo toàn quốc”, ông đã nhìn chằm chằm vào bài phát biểu trong 3 giây rồi đột ngột đọc ra 4 chữ “rắc bột hồ tiêu”; khiến người nghe cũng cảm thấy khó tin giống ông Tổng Bí thư – người đang đọc bản thảo.

Ông Tập Cận Bình và dòng chữ “Rắc bột hồ tiêu”. (Nguồn ảnh: Ảnh chụp màn hình từ Twitter)
Ông Tập Cận Bình và dòng chữ “Rắc bột hồ tiêu”. (Nguồn ảnh: Ảnh chụp màn hình từ Twitter)

“Rắc bột hồ tiêu" trở thành cụm từ bị cư dân mạng chế giễu và ngay lập tức trở thành một từ nhạy cảm.

Khi đó, có cư dân mạng đã kiểm nghiệm bằng cách đăng 4 chữ này lên Weibo, tài khoản ngay lập tức bị khóa.

Hiện lệnh cấm đối với cụm từ này đã được dỡ bỏ, nhưng không có nghĩa là mức độ nhạy cảm của nó sẽ giảm xuống.

2. Nomadland

Vào tháng 3, bộ phim "Nomadland" (tạm dịch: Kẻ du mục; Trung Quốc dịch là “Vô Y Chi Địa”) của đạo diễn người Trung Quốc Chloé Zhao giành giải Oscar lần thứ 93 cho hạng mục Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Tuy nhiên, phim đã bị cấm chiếu tại Trung Quốc.

Hiện không có câu trả lời chắc chắn cho lý do của lệnh cấm.

Suy đoán được lan truyền rộng rãi nhất cho đến nay là, do trong một cuộc phỏng vấn trước đây, nữ đạo diễn đã nói rằng "Trung Quốc là một nơi đầy lời dối trá".

3. Ủng hộ người Tân Cương

Vào năm 2021, trước những cáo buộc ngày càng nghiêm trọng và cụ thể hơn về việc Trung Quốc giam giữ hàng loạt và diệt chủng người dân ở Tân Cương, nhiều công ty đã hủy bỏ giao dịch với những nhà cung cấp có khả năng sử dụng lao động nô lệ ở Tân Cương.

Các công ty quần áo như Nike và H&M, vốn rất nổi tiếng ở thị trường Trung Quốc, đã đưa ra các tuyên bố bày tỏ quan điểm của mình. Sau đó, Trung Quốc đã phát động một chiến dịch tuyên truyền đáp trả, với hy vọng tạo ra một bầu dư luận trên Internet để người dân bày tỏ “ủng hộ Tân Cương” và “bông Tân Cương" cùng chế độ.

Trong phong trào "Tôi ủng hộ Tân Cương" + "bông Tân Cương" trên toàn Trung Quốc với quy mô lớn, một số cư dân mạng đã thay đổi cụm từ trên thành “Tôi ủng hộ người Tân Cương”. Sau đó cụm từ này đã bị kiểm duyệt.

4. Chủ nghĩa gia tốc

Thuật ngữ "chủ nghĩa gia tốc" xuất hiện trên Internet của người dùng tiếng Trung từ trước năm 2020. Bắt nguồn từ việc họ gọi ông Tập Cận Bình là "tổng gia tốc sư”, tức là chuyên gia dẫn đầu đẩy nhanh tốc độ đưa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lao xuống vực thẳm.

Cụm từ "chủ nghĩa gia tốc" bị cấm vào năm 2021. Khi tìm kiếm “tổng gia tốc sư” trên Baidu – công cụ tìm kiếm chủ yếu ở Trung Quốc, tương tự như Google – trang này từng cho ra kết quả ngắn gọn là: cụm từ để chỉ ông Tập Cận Bình; nhưng nó đã nhanh chóng được sửa lại.

Cụm từ này bị cấm tìm kiếm và cấm đăng tải trên toàn bộ mạng Internet Trung Quốc.

5. Quắc nam

Trong tiếng Trung, “quắc nam” là từ đồng âm với “quốc nam”, là cách gọi tắt của đàn ông Trung Quốc, và bị cư dân mạng dùng với nghĩa khinh thường.

Không có sự kiện cụ thể để tra cứu nguồn gốc của từ này. Tuy nhiên, nó xuất hiện cùng một loạt các cụm từ khác sau khi Tân Hoa Xã công bố chính sách “sinh ba con” sau cuộc họp của Bộ Chính trị ĐCSTQ ngày 31/5 và chính quyền bắt đầu kiểm duyệt các chủ đề liên quan đến "không kết hôn, không sinh con", "đối lập giới tính", v.v.

Từ này bị xếp vào nhóm từ chửi bới, xúc phạm và bị cấm gửi đi trong các tin nhắn hoặc bình luận.

6. Nằm thẳng

“Nằm thẳng” là một từ thông dụng trên Internet Trung Quốc, dùng để chỉ những thanh niên nằm gục xuống và không còn khát khao thành công.

Trước khi các nhà chức trách Trung Quốc nhận ra tác hại của thuật ngữ "nằm thẳng", người đi đầu trào lưu nằm thẳng là ông "Lạc Hoa Trung” (Luo Huazhong) đã nổi tiếng từ lâu.

Khi những người trẻ tuổi chọn nằm thẳng, họ chọn cách đi lệch khỏi trào lưu bấy lâu nay của giới trẻ Trung Quốc là điên cuồng tăng ca, thăng chức, kiếm tiền, mua nhà. Họ sử dụng cách riêng để loại bỏ các quy tắc mà môi trường bên ngoài áp đặt lên cá nhân.

Hiện tại, thuật ngữ "nằm thẳng" vẫn chưa được dỡ bỏ lệnh cấm.

6. Trương Hiến Trung

Trong lịch sử Trung Quốc, "Trương Hiến Trung” (Zhang Xianzhong) được coi là một kẻ cuồng sát. Hiện nay, đây là một từ thông dụng trên Internet Trung Quốc dùng để chỉ những kẻ phạm tội bạo lực và gây thương vong, đặc biệt là những kẻ bất mãn với xã hội.

Hiện nay, Trương Hiến Trung chỉ được giới thiệu là một nhân vật lịch sử trên Internet Trung Quốc. Ngay cả động từ "hiến", như trong từ “cống hiến”, cũng bị kiểm duyệt thủ công nghiêm ngặt.

7. Triệu Vy

Nữ minh tinh Triệu Vy (Zhao Wei) bất ngờ bị phong sát trên Internet vào hồi cuối tháng 8. Đây có thể gọi là bí ẩn kiểm duyệt lớn nhất Trung Quốc trong năm nay.

Hình thức cấm Triệu Vy cũng tương tự như hình thức cấm "Nomadland" và Chloé Zhao.

Các nền tảng video hoặc nền tảng Internet liên quan đến điện ảnh và truyền hình do Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc quản lý, chẳng hạn như Tencent Video, Youku, iQiyi, Douban, v.v., đều gỡ tất cả thông tin liên quan đến Triệu Vy. Tuy nhiên, cái tên Triệu Vy lại không bị chặn trên Weibo hay Zhihu – một trang web hỏi đáp của Trung Quốc, nơi các câu hỏi được tạo, trả lời, chỉnh sửa và sắp xếp bởi cộng đồng người dùng.

8. Trái tim Thủy tinh

Vào ngày 15/10, ca sĩ người Malaysia gốc Hoa Hoàng Minh Chí (Namewee Wee Meng Chee) đã phát hành đĩa đơn có tên "Trái tim Thủy tinh” làm tổn thương tình cảm của nhóm “tiểu phấn hồng” Trung Quốc.

Ban đầu, “tiểu phấn hồng” là từ để chỉ những thanh niên mạng xã hội Trung Quốc có tình cảm yêu nước mù quáng. Sau nó cũng được dùng để chỉ những thanh niên theo chủ nghĩa dân tộc dưới sự chỉ huy của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc.

Bài hát này nhanh chóng trở nên phổ biến trên YouTube và cộng đồng người Hoa. Tính đến thời điểm hiện tại, "Trái tim Thủy tinh" đã có hơn 37 triệu lượt xem trên YouTube.

Bài hát trông giống như một bản tình ca bình thường, nhưng lại tập hợp hầu hết các yếu tố bị nhóm người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc coi là "sỉ nhục Trung Quốc".

Cái tên "Hoàng Minh Chí” và “Trái tim Thủy tinh” đã bị đưa vào danh sách cấm. Ca sĩ kết hợp cùng Hoàng Minh Chí trong video ca nhạc này là Trần Phương Ngữ (Chen Fangyu) cũng bị kiểm duyệt.

Xem thêm: Một bài hát "hot" lan truyền nhanh trên mạng khiến ĐCSTQ tức giận

9. Bành Soái

Ngày 2/11, cô Bành Soái (Peng Shuai), một vận động viên quần vợt nổi tiếng của Trung Quốc, đã đăng bài trên Weibo tố cáo cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) tấn công tình dục. Sự việc từng một thời là tâm điểm của các cuộc thảo luận trong và ngoài Trung Quốc.

Weibo đã xóa bài viết này sau hơn 20 phút được đăng tải. Nó ngay lập tức trở thành sự kiện bị kiểm duyệt lớn nhất trong năm ở Trung Quốc.

Một mặt, các nhà chức trách Trung Quốc không ngừng đăng tải hình ảnh và video lên các trang mạng nước ngoài để thể hiện rằng “Bành Soái rất an toàn”. Nhưng ở trong nước, đây lại là chủ đề bị cấm thảo luận và bị kiểm duyệt thủ công.

10. Đồng Lệ Á

Vào ngày 22/12, tin tức về cuộc tái hôn giữa nữ diễn viên gốc Tân Cương Đồng Lệ Á (Tong Liya) và ông Thận Hải Hùng (Shen Haixiong) – Thứ trưởng đương nhiệm của Bộ Tuyên truyền Trung ương, Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) – đã bị kiểm duyệt ngay khi vừa xuất hiện.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

10 từ nhạy cảm hàng đầu Trung Quốc năm 2021