Angola sập bẫy cho vay phát triển của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoạt động hỗ trợ phát triển của Trung Quốc tại châu Phi đang để lại những di sản tồi tệ, và Angola là một trường hợp cảnh báo. Hợp tác với những nhà lãnh đạo tham nhũng của châu Phi, vị thế của Trung Quốc trong trò chơi lớn tại châu lục này chắc chắn đang được nâng cao.

Trong nhiều năm, Cộng hòa Angola được gọi là “quốc gia nghèo giàu nhất châu Phi”, với đầy dầu mỏ và kim cương, nhưng tất cả đã bị lãng phí bởi 40 năm chiến tranh ủy nhiệm và bị cướp bóc bởi những người lãnh đạo tham nhũng bản địa.

Sau khi cuộc nội chiến đẫm máu kết thúc vào năm 2002, chính phủ đã tìm kiếm các nhà đầu tư quốc tế, và trong hai năm, các chủ ngân hàng từ chính quyền Trung Quốc đã đến thủ đô Luanda với thông điệp: “Chúng tôi đến từ Bắc Kinh và chúng tôi ở đây để giúp đỡ”.

Tuy nhiên, sau gần 20 năm thực hiện các dự án do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, Angola đang mắc nợ Trung Quốc 21 tỷ USD mặc dù thực tế là Angola có mức tăng trưởng âm và hơn 50% dân số của nước này sống trong tình trạng rất nghèo.

Đó là tình trạng được trình bày bởi một nhóm chuyên gia đang đánh giá tình trạng khó khăn của Angola tại Viện Hudson ở Washington hôm 07/02.

Angola sập bẫy cho vay phát triển của Trung Quốc
Nhà báo người Angola và là nhà nghiên cứu chống tham nhũng Rafael Marques. (Ảnh: Douglas Burton/The Epoch Times)

Đứng đầu trong số họ là nhà báo và nhà hoạt động chống tham nhũng Rafael Marques de Morais, 52 tuổi, cùng với nhà kinh tế Thomas J. Duesterberg của Hudson, bà Jenai Cox, một giám đốc của Viện Cộng hòa Quốc tế và ông Nate Sibley, một nhà nghiên cứu của Hudson.

“Di sản tồi tệ của hoạt động hỗ trợ phát triển của Trung Quốc ở châu Phi: Trường hợp của Angola”, là tài liệu do ông Marques và ông Duesterberg làm đồng tác giả.

Các học giả Hudson lập luận rằng phần lớn châu Phi đang lâm vào tình trạng khủng hoảng nợ do chính sách ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc .

Hợp tác tham nhũng và phá hoại

Angola là một câu chuyện cảnh báo, trong lời kể của ông Marques. Theo ông Marques, bất kể ý định của những người cho vay Trung Quốc là gì, những nhà điều hành tới từ các công ty vỏ bọc đại diện cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, các dự án mà Trung Quốc đã hoàn thành đều được xây dựng kém chất lượng và các khoản tiền đáng kể cho vay để phát triển Angola đã thực sự được chuyển đến gia đình của nhà độc tài tham nhũng của Angola. Do đó, ông khuyến nghị nên đàm phán lại việc trả nợ các khoản vay.

Ông Marques cho biết: “Chúng tôi tính toán rằng 50% nợ quốc gia của Angola không phải tới từ chính phủ mà từ một số ít cá nhân [thuộc Angola]”, ông Marques nói. “Người dân Angola không cần phải trả các khoản nợ của những cá nhân này. Chúng tôi vẫn không biết bao nhiêu tiền đã vay được dùng cho cơ sở hạ tầng và bao nhiêu đã bị đánh cắp”, ông nói thêm.

Angola sập bẫy cho vay phát triển của Trung Quốc
Nghiên cứu viên Viện Hudson Nate Sibley. (Ảnh: Douglas Burton/The Epoch Times)

Theo nhà nghiên cứu Nate Sibley của Hudson, những gì đã xảy ra ở Angola phản ánh mô hình đầu tư rộng lớn hơn của Trung Quốc vào châu Phi.

Trên khắp châu Phi, ông Sibley nói, nơi có sự hợp tác tham nhũng giữa các nhà lãnh đạo châu Phi và các nhà tài trợ Trung Quốc, “Trung Quốc là đối tác cao cấp”.

Theo ông Marques, Angola đã từ chối thỏa thuận cho vay với Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào năm 2002, bởi vì các quan chức Angola không đồng ý với các điều kiện minh bạch, trong khi những nhà cho vay Trung Quốc không yêu cầu những điều kiện đó, tạo điều kiện cho hối lộ. Trung Quốc cũng không tiết lộ các điều khoản trả nợ, hoặc việc liệu các quốc gia có nguy cơ bị tịch thu tài sản quốc gia trong trường hợp không thanh toán hay không.

Ông Sibley nói, “Họ đang ráo riết thúc đẩy một mô hình phát triển khác. Việc cho vay giữa các chính phủ đã thay đổi thành cho vay đối với các công ty tư nhân có tư cách gần như chính phủ. Nhưng nếu công ty tư nhân đó thất bại, chính phủ [châu Phi] sẽ thừa hưởng khoản nợ”.

Ông Sibley cho biết, Trung Quốc bắt đầu đầu tư mạnh vào các nước đang phát triển từ 30 năm trước, ưu tiên các quốc gia có hồ sơ pháp trị kém. “Sự tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc trong những năm 1990 xảy ra nhờ hoạt động đầu cơ mạnh tay và chấp nhận rủi ro, thứ không nhất thiết giúp ích cho sự phát triển, miễn là chúng giúp ích cho kế hoạch chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)".

Ông nói: “Hàng ngàn tỷ USD đã được đổ vào các quốc gia không thể hấp thụ chúng và các dự án được tạo ra một cách tồi tệ”.

Theo ông Marques, Sáng kiến ​​​​Vành đai và Con đường được ca ngợi của Trung Quốc ở châu Phi, được tài trợ với hơn một ngàn tỷ USD, là một phương tiện lan truyền sự kiểm soát của ĐCSTQ.

Lún sâu

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã gặp Tổng thống Angola João Lourenço hôm 12/01 để kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, nhưng ông không đến tay không.

Ông Marques nói với khán giả tại Hudson: “Mới đây, chúng tôi đã được Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đến thăm, người đã công bố khoản cho vay mới trị giá 250 triệu USD để phủ sóng băng thông rộng”.

Bộ trưởng Tài chính của Angola, bà Vera Daves, nói với một phương tiện truyền thông: “Khoản vay này 'thuận lợi hơn' cho Angola so với các điều kiện thị trường với thời gian đáo hạn lên tới 20 năm và không có tài sản thế chấp liên quan".

Ông Marques hỏi, “Tuy nhiên, Angola đã thực hiện đánh giá rủi ro phù hợp chưa?”

Ông Marques nói: “Dự án này có thể là một con ngựa thành Troy, vì có nguy cơ đáng kể về giám sát”.

Ông Marques hỏi, “Và chúng tôi đã nợ Trung Quốc 21 tỷ USD, với kết quả là gần 50% ngân sách của chính phủ quốc gia được sử dụng để trả khoản nợ này [21 tỷ]. Tại sao Angola lại nhận thêm nhiều khoản vay hơn?”

Đầu tư của Trung Quốc vào Angola song song với các dự án phát triển kinh tế khổng lồ ở Nigeria gần đó, quốc gia đông dân nhất và giàu có nhất ở Phi Châu. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã đến thành phố Lagos thuộc Nigeria hôm 23/01 tại thời điểm ra mắt cảng biển nước sâu trị giá 1,5 tỷ USD của Trung Quốc, dự án trong đó 75% là do Trung Quốc sở hữu, thứ ông nói sẽ là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” đối với nền kinh tế Nigeria. Tình trạng tắc nghẽn của các con tàu tìm cách dỡ hàng vào Lagos sẽ được giải tỏa. Đồng thời, Lagos được kỳ vọng sẽ là trung tâm container không chỉ của Nigeria mà còn của cả châu Phi.

Các nhà phê bình thường lưu ý rằng các khoản vay của Trung Quốc thường quy định rằng một tỷ lệ cao công dân Trung Quốc sẽ được tuyển dụng cho dự án kéo theo. Các khoản đầu tư lớn vào Angola đã chứng kiến ​​những công việc có tay nghề thấp được thực hiện bởi người Angola với mức lương thấp nhất trong khi việc làm được trả lương cao được giao cho các nhà thầu Trung Quốc.

Người ta không biết có bao nhiêu trong số hàng ngàn việc làm được tạo ra tại cảng biển nước sâu ở Nigeria hoặc việc lắp đặt băng thông rộng của Angola sẽ dành cho công dân của hai quốc gia đó, tuy nhiên vị thế của Trung Quốc trong trò chơi lớn tại châu Phi chắc chắn đã được nâng cao.

Theo The Epoch Times

Cát Duyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Angola sập bẫy cho vay phát triển của Trung Quốc