Mỹ cần gấp rút giúp châu Phi chống lại chính sách ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang vượt xa Mỹ về đầu tư và thương mại ở châu Phi. Tuy vậy, các vụ phong tỏa kéo dài đang diễn ra ở Thượng Hải và các thành phố lớn khác, cùng với việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, đang tạo cơ hội cho Mỹ tăng cường hợp tác với châu Phi, phá vỡ sự kìm kẹp của Bắc Kinh tại lục địa này.

Dù vật lộn trả nợ, châu Phi vẫn mất tài sản vào tay Trung Quốc

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói trong chuyến thăm châu Phi vào tháng 04/2021 rằng các nước châu Phi không nên phải gánh "món nợ khổng lồ mà họ không thể trả được".

Kể từ năm 2000, ĐCSTQ đã cho châu Phi vay hơn 148 tỷ USD. Điều này khiến Trung Quốc trở thành chủ nợ lớn nhất của châu Phi. Phần lớn số tiền mà Bắc Kinh cho vay được chuyển đến các nước giàu khoáng sản và hydrocacbon như Zambia (sở hữu trữ lượng đồng lớn); Kenya, Nigeria, Ghana, Angola, Algeria, Mozambique, Ai Cập và Sudan (những nước giàu dầu khí); Nam Phi và Tanzania (cả hai đều nhiều mỏ vàng).

Theo The Economic Times, những nước mắc nợ lớn nhất gồm có Angola (nợ Trung Quốc 21,5 tỷ USD vào năm 2017), Ethiopia (13,7 tỷ USD), Kenya (9,8 tỷ USD), Cộng Hòa Congo (7,42 tỷ USD), Zambia (6,38 tỷ USD) và Cameroon (5,57 tỷ USD).

Với khoảng 60% nợ của các quốc gia châu Phi là bằng ngoại tệ, họ phải vật lộn để thanh toán nghĩa vụ nợ. Nguyên nhân chính là các dự án sử dụng khoản vay từ Trung Quốc không tạo ra đủ doanh thu để trả lãi vay. Nói tóm lại, các khoản vay từ Trung Quốc đang đẩy nhiều quốc gia tiếp nhận lún sâu vào hố. Zambia đã vỡ nợ trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19.

Mỹ cần gấp rút giúp châu Phi chống lại chính sách ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc
Công nhân Trung Quốc chụp ảnh tại lễ khánh thành chuyến tàu nối thành phố Addis Ababa của Ethiopia với đất nước Djibouti, hôm 05/10/2016. (Ảnh: Zacharias Abubeker / AFP qua Getty Images)

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào châu Phi đã giảm kể từ năm 2010. Ngược lại, đầu tư của ĐCSTQ vào châu Phi đã tăng trưởng đều đặn trong cùng thời kỳ, vượt qua Mỹ kể từ năm 2013. Washington cáo buộc Bắc Kinh sử dụng chính sách ngoại giao bẫy nợ vì các khoản cho vay của họ lãi suất cao và thiếu minh bạch; tuy nhiên, ĐCSTQ bác bỏ cáo buộc này.

Khi các quốc gia vỡ nợ, Trung Quốc sẽ thu giữ cả tài sản và doanh thu.

Theo một bài báo năm 2015 của Reuters, Angola đã buộc phải nhượng phần lớn dầu thô của mình cho Trung Quốc vì không trả được nợ. Điều này khiến Angola có ít dầu thô phục vụ xuất khẩu hơn, làm giảm thu nhập của quốc gia này.

Hơn 30% của 14 tỷ USD nợ công của Zambia là nợ Trung Quốc. Sân bay quốc tế Kenneth Kaunda của nước này hiện đang được sử dụng làm tài sản thế chấp. Anh Fumba Chama, một nghệ sĩ hip hop người Zambia nổi tiếng với nghệ danh Pilato, đã bày tỏ sự lo lắng của người dân đất nước trong lời bài hát của mình: “Họ mặc những bộ quần áo lịch sự và bay đến Trung Quốc để bán đất nước của chúng ta. Các con đường thuộc về Trung Quốc. Các khách sạn dành cho người Trung Quốc. Các trang trại gà là của Trung Quốc. Ngay cả những viên gạch cũng là của Trung Quốc”.

Nhiều người dân châu Phi phản đối việc các dự án đầu tư của Trung Quốc thường sử dụng lao động Trung Quốc chứ không tạo việc làm cho người dân địa phương. Hôm 29/01, người dẫn chương trình podcast “Africa is Home”, ông Jean Paul (người Pháp), cũng thể hiện sự bất bình khi đầu tư của Trung Quốc khiến các nước châu Phi mắc nợ dài hạn với Bắc Kinh, trong khi không thể nâng tầm năng lực địa phương.

Ông nói: “Khi Trung Quốc đến châu Phi và tài trợ cho tất cả các dự án cơ sở hạ tầng ở đây, thay vì đào tạo người dân địa phương, họ đưa kỹ sư của chính họ, họ đưa công nhân của chính họ … Chúng ta được lợi ở đâu? … Số tiền mà họ cho chúng ta vay, chúng ta thường cần phải trả lại cho họ”.

Bằng cách tôn trọng người dân địa phương, Mỹ sẽ có cơ hội thế chỗ Trung Quốc

Ông Gustavo de Carvalho, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh có trụ sở tại Nam Phi, đề xuất rằng Mỹ cần tăng cường hoạt động kinh tế ở châu Phi nhưng phải làm theo cách tôn trọng nhu cầu và mong muốn của người dân địa phương và các chính phủ. Vào tháng 12, ông nói với Đài Tiếng nói Mỹ (VOA), Mỹ nên thực thi phương pháp tiếp cận mà được người dân địa phương muốn tiếp nhận.

Vào tháng 05/2021, tổ chức tư vấn về Quan hệ Đối ngoại của Mỹ cho rằng, Mỹ nên tận dụng những yếu tố làm cho nước này trở thành một đối tác hấp dẫn đối với các quốc gia châu Phi.

Các khoản cho vay mà ĐCSTQ cung cấp cho châu Phi đã giảm 75% vào năm 2020, chỉ còn 1,9 tỷ USD. Các chuyên gia dự đoán các khoản cho vay sẽ tăng lên sau đại dịch; nhưng thiệt hại đối với nền kinh tế Trung Quốc do tình trạng đóng cửa liên tục ở Thượng Hải và các thành phố lớn khác có thể khiến Trung Quốc trì hoãn việc đầu tư trở lại.

Mỹ cần cung cấp cho châu Phi một giải pháp thay thế khả thi bằng cách cung cấp các khoản vay và đầu tư để nâng cao năng lực địa phương. Chính phủ Mỹ nên nắm bắt thời điểm mà ĐCSTQ đang quyết tâm phá hủy nền kinh tế của họ thông qua các cuộc phong tỏa COVID-19 kéo dài.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả - Tiến sĩ Antonio Graceffo - đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện là Giáo sư và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc. Ông viết bài cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông gồm: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc); và A Short Course on the Chinese Economy (Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc).

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ cần gấp rút giúp châu Phi chống lại chính sách ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc