Bà Yellen: Kế hoạch kinh tế của ông Biden lan toả tăng trưởng 'ở nhiều địa điểm và chủng tộc'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phát biểu trong Hội nghị kinh tế của Đại học Standford hôm 5/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen ca ngợi chương trình chi tiêu khủng của chính quyền ông Biden. Theo bà Yellen, một chương trình như vậy sẽ giúp lan toả tăng trưởng cho nhiều vùng và chủng tộc hơn. Bà Yellen cũng tin rằng Fed sẽ có ứng phó với lạm phát mà không gây ra tác hại tiêu cực nào cho nền kinh tế. Ca ngợi hết lời chương trình nghị sự kinh tế của ông Biden, bà Yellen không nhắc tới rủi ro nợ công đang và nguy cơ mất an ninh năng lượng ở Mỹ.

Theo tin từ Reuters, trong bài phát biểu trước một hội nghị kinh tế của Đại học Stanford, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen đã cung cấp thêm chi tiết về cách tiếp cận mà bà đặt tên là "kinh tế học trọng cung hiện đại"; kết hợp các yếu tố chính từ chương trình nghị sự "Xây dựng trở lại tốt hơn" của chính quyền Biden: đầu tư vào chăm sóc trẻ em, giáo dục, đào tạo việc làm, cơ sở hạ tầng và chăm sóc sức khỏe.

Bà Yellen ca ngợi hết lời chính sách chi tiêu khủng, nợ lớn của chính quyền ông Biden

Mặc dù kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch COVID-19, bà Yellen cho biết dự báo tăng trưởng chậm chạp trong những thập kỷ tới do dân số già có nghĩa là cần phải có một mô hình kinh tế mới khắc phục những vấn đề này. Và mô hình kinh tế 'xây dựng lại tốt hơn' với chính phủ lớn hơn của ông Biden được bà Yellen ca ngợi là mô hình khắc phục được lỗi về cấu trúc dân số này.

Yellen nói: “Những thực tế này cho thấy sự cần thiết phải có một cách tiếp cận chính sách nhằm thúc đẩy sự công bằng hơn giữa các khu vực và chủng tộc, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng các nhân tố tổng hợp nhanh hơn.

Bà cho biết khái niệm kinh tế học trọng cung hiện đại (theo cách bà Yellen đặt tên) - khác hoàn toàn với kinh tế học thời cựu tổng thống Ronald Reagan khi nền kinh tế tăng trưởng bằng cách giảm thuế. Kinh tế học trọng cung hiện đại nhắm tới mở rộng tiềm năng năng suất của Mỹ thông qua chi tiêu khổng lồ của chính phủ (qua mở rộng nợ chính phủ, tăng thuế) vào nghiên cứu, giáo dục, chăm sóc trẻ em để thu hút nhiều lực lượng phụ nữ hơn. Nói cách khác, chính phủ lớn sẽ chi tiêu lớn, làm thay khu vực kinh tế tư nhân, tăng thu, tăng chi và kỳ vọng thúc đẩy năng suất các nhân tố tổng hợp.

Đây không phải lần đầu bà Yellen giới thiệu khái niệm "trọng cung hiện đại"; lần đầu tiên đề cập đến khái niệm này là vào tháng 1/2022 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (theo Reuters).

Theo quan điểm của bà Yellen, một chính phủ lớn chi tiêu lớn như của ông Biden sẽ giúp dòng tiền đổ vào các 'cộng đồng và nhóm chủng tộc có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ nhận được một phần đầu tư tương xứng cả về vốn vật chất và con người".

"Cách tiếp cận như vậy mang lại lợi nhuận tổng hợp lớn hơn theo tiền đề kinh tế cơ bản mà lợi tức đầu tư thể hiện lợi nhuận giảm dần", bà Yellen nói. "Trong bối cảnh đầu tư vào con người, việc hướng các nguồn lực công vào trẻ em và những người lao động ít được giáo dục và đào tạo hơn có thể mang lại lợi nhuận lớn nhất - và lợi nhuận có thể kéo dài hàng thập kỷ".

Bảo vệ quan điểm của mình theo cách học thuật tại Hội nghị kinh tế ở Đại học Standford, bà Yellen trích dẫn nghiên cứu do Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang San Francisco Mary Daly đồng tác giả cho thấy rằng khả năng tiếp cận công bằng hơn với thị trường lao động trong 30 năm qua sẽ bổ sung thêm 790 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ mỗi năm.

Bà cũng trích dẫn một bài báo của các nhà nghiên cứu Stanford và Đại học Chicago kết luận rằng 20% ​​đến 40% mức tăng trưởng sản lượng kinh tế Hoa Kỳ trên mỗi người từ năm 1960 đến năm 2010 có thể được giải thích bằng việc đưa phụ nữ và các dân tộc thiểu số vào các nghề có kỹ năng cao, chẳng hạn như như tỷ lệ ngày càng tăng của các bác sĩ và nữ luật sư không phải là người da trắng.

Trong một phiên hỏi đáp, bà Yellen nói rằng báo cáo việc làm hôm thứ Sáu cho thấy 675.000 việc làm được bổ sung vào nền kinh tế trong tháng Hai là một dấu hiệu cho thấy sức mạnh tiềm ẩn trong nền kinh tế Hoa Kỳ. Bà nói rằng Cục Dự trữ Liên bang đang làm việc để giảm lạm phát mà không gây ra suy thoái.

Không đề cập đến nợ công và mất an ninh năng lượng Mỹ

Mặc dù vậy, bà Yellen không đề cập đến các vấn đề nổi cộm của nền kinh tế Mỹ, các lợi ích kinh tế thực tế hơn với người Mỹ, đó là nợ công và rủi ro mất hoàn toàn an ninh năng lượng; thứ làm cho Mỹ đang suy yếu trên chính trường toàn cầu và đe doạ lạm phát tồi tệ hơn các suy đoán lạc quan của bà.

Do nợ quốc gia của Hoa Kỳ đã tăng lên trong 50 năm qua, lãi suất từ nợ quốc gia hiện nằm trong số 10 khoản mục hàng đầu trong ngân sách liên bang hàng năm của Hoa Kỳ.

Nợ quốc gia Mỹ gần đây đã vượt quá 30 nghìn tỷ USD, tức là gần 90.000 USD cho mỗi đàn ông, phụ nữ và trẻ em Hoa Kỳ, và khoảng 239.000 USD cho mỗi người đóng thuế.

Ngày nay, nợ quốc gia của Hoa Kỳ là 127,55% GDP, khoảng 23,4 nghìn tỷ USD hiện nay, tăng từ 53,33% năm 1960 và thậm chí còn cao hơn khi so với 34,5% năm 1980. Ngoài ra, các con số nợ hiện tại không bao gồm hơn 3,25 nghìn tỷ USD của nhà nước và nợ của chính quyền địa phương.

Phần lớn nợ quốc gia Mỹ là do chính phủ chi tiêu quá mức cho những khoản không cần thiết. Nếu tình trạng chi tiêu ồ ạt tiếp tục kéo dài đến năm 2022 và hơn thế nữa, xếp hạng tín dụng của Mỹ sẽ giảm, đồng thời tăng thêm hàng nghìn tỷ USD vào thâm hụt ngân sách vốn đã không bền vững.

Không chỉ nợ, mất an ninh năng lượng đang đe doạ lạm phát và sức mạnh của Mỹ hơn bao giờ hết.

Giá dầu trên thị trường quốc tế (Brent Crude), hôm nay (5/3/2022), đã vượt 118 USD/ một thùng. Kế tiếp, các nhà máy lọc dầu ra xăng nhớt sẽ thiếu dầu!
Thiếu dầu không chỉ do chiến tranh ở Ukraine. Trong năm 2021, khi giá dầu leo thang tới 80 USD/thùng, tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã phải kêu gọi khối OPEC+ tăng sản lượng dầu. Nhưng mọi lời kêu gọi của Mỹ đều bị chìm nghỉm.
Mỹ khó khăn về dầu vì trong nước, chính phủ mới đã thẳng tay 'trừng phạt kinh tế' ngành khai thác dầu khí; vốn là huyết mạch của nền kinh tế Mỹ. Chính quyền ông Biden không chỉ đẩy thuế, phí với khai thác dầu lên cao, mà còn thẳng tay đóng cửa các nhà máy sản xuất dầu khí, các dàn khoan dầu khí trên vịnh Mexico, đóng đường ống dẫn dầu Keystone.
Đứng trước an ninh dầu khí bị xâm phạm nặng nề, ông Biden đã kêu gọi xả vài chục triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược (Strategic Petroleum Reserve). Hành vi này mang tính 'cực chẳng đã. Dung lượng của kho dự trữ dầu thô hiện nay của Mỹ vào khoảng hơn 620 triệu thùng. Trong khi đó, số tiêu thụ mỗi ngày của thị trường Mỹ, là hơn 20 triệu thùng! Tức là, kho dự trữ dầu chỉ đủ cho Mỹ dùng trong 31 ngày.
An ninh năng lượng Mỹ đang bị tấn công cả trong lòng nước Mỹ và kẻ thù bên ngoài của Mỹ là nước Nga. Giá dầu hoàn toàn có thể tăng gấp đôi hoặc gấp 1,5 lần so với năm 2021 trong thời gian tới. Nếu Mỹ không vướng vào khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu thì tăng trưởng suy trầm là không tránh khỏi.
Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Bà Yellen: Kế hoạch kinh tế của ông Biden lan toả tăng trưởng 'ở nhiều địa điểm và chủng tộc'