Bình luận: CTCK của NHTM Việt hoạt động như ngân hàng đầu tư ngầm đã tích luỹ rất nhiều rủi ro

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bình luận trên tài khoản cá nhân, một chuyên gia nghiên cứu kinh tế - tài chính trong nước cho biết bất cập trong hệ thống Luật đã đẩy thị trường tài chính Việt vào một sai lầm kinh điển: Cho phép NHTM có thể dùng tiền gửi của dân (ngắn hạn) để đầu tư (dài hạn), tạo ra rủi ro lây nhiễm cao, rủi ro đạo đức lớn trong hệ thống. Cuộc Đại khủng hoảng 1929-1933 và năm 2008 đã hình thành ra từ các sai lầm như vậy.

Nếu chúng ta quên quá khứ, tương lai sẽ nhắc lại chúng ta phải nhớ tới câu chuyện của quá khứ. Sớm thôi! (Hà Nguyễn)
Bình luận trên tài khoản cá nhân trên Facebook, bà Hà Nguyễn, người có nhiều năm nghiên cứu về khủng hoảng tài chính của một cơ quan tư vấn, cho biết: Về lý thuyết, Việt Nam chưa có ngân hàng đầu tư (NHĐT) nhưng lại có các tổ chức tài chính đang hoạt động ngầm như NHĐT; đó chính là các công ty chứng khoán (CTCK), công ty con của các NHTM.
Theo kinh nghiệm quốc tế, trong hệ thống ngân hàng có hai hình thức hoạt động chính là Ngân hàng thương mại (NHTM), là định chế huy động tiền gửi và cho vay và Ngân hàng đầu tư (NHĐT), ngân hàng này đi đầu tư dài hạn vào các dự án, doanh nghiệp lớn (có thể qua đầu tư cổ phần, cổ phiếu, mua bán trái phiếu doanh nghiệp), mua bán trái phiếu chính phủ, thậm chí là đầu cơ trên thị trường chứng khoán phái sinh chỉ đi đầu tư kiếm lời...
Trước cuộc khủng hoảng 1929 - 1933, các NHTM ở Mỹ được phép thành lập các bộ phận đầu tư (trực thuộc trực tiếp NHTM). Tuy nhiên, việc này đã tạo tích luỹ rủi ro rất lớn trong hệ thống ngân hàng Mỹ. Thứ nhất, ngân hàng lấy dòng tiền huy động (chủ yếu là ngắn hạn) đầu tư vào dài hạn, rủi ro kỳ hạn tạo ra mất thanh khoản trầm trọng. Thứ hai, các dự án, doanh nghiệp mà bộ phận đầu tư của ngân hàng thương mại đầu tư vào có thể là chính khách hàng vay vốn của NHTM đó, những khách hàng đã phát sinh nợ xấu, không có khả năng trả nợ nên ngân hàng bắt tay với khách hàng che dấu nợ xấu. Thứ ba, tệ hơn, các ông chủ doanh nghiệp lớn có thể thông đồng hoặc cũng đồng thời là chủ sở hữu của ngân hàng. Thế là toàn bộ tiền huy động từ dân cư có thể đầu tư, trang trải cho các tham vọng của ông chủ. Rủi ro tập trung tích tụ ngày một lớn.
Sau Đại khủng hoảng 1929-1933, Luật Glass Steagall ra đời, sửa lại sai sót này trong quản lý hoạt động ngân hàng: tách bộ phận đầu tư ra khỏi các NHTM. Các bộ phận đầu tư như vậy trở thành các NHĐT; khung khổ pháp lý hoạt động cho các NHĐT cũng quy định trong Luật Glass Steagall này.
Và hệ thống NHTM của Mỹ, dù vẫn xảy ra các câu chuyện phá sản hoặc các cuộc khủng hoảng nhỏ, nhưng khá ổn định trong vòng 70 năm sau đó.
Vào năm 1999, dưới thời Tổng thống Bill Clinton, Đạo luật Glass Steagall bị loại bỏ. Tức là các NHTM lại được phép đầu tư. Điều này tạo điều kiện cho các NHTM phát triển thành các siêu ngân hàng toàn cầu. Dẫn tới tình trạng "too big too fail", tạm dịch là "quá lớn để đổ vỡ".
Nói theo cách dễ hiểu hơn, các siêu ngân hàng vì đã phát triển quá lớn nên dù nó trở nên rất xấu cũng không thể đổ vỡ, hậu quả khi nó đổ vỡ với thị trường tài chính và nền kinh tế là khó dự báo. Như vậy, các định chế siêu ngân hàng đã biến hệ thống tài chính nói riêng, chính phủ nói chung thành con tin của họ, theo một cách nào đó.
Chỉ 10 năm sau khi loại bỏ Đạo luật Glass Steagall, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 xuất phát từ Mỹ đã lan rộng khắp toàn cầu, bắt đầu từ khoảnh khắc sụp đổ của một định chế tài chính lớn là Lehman Brothers.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, Đạo luật Dodd Frank ra đời, một lần nữa khôi phục lại một số nguyên tắc đã quy định trong Glass Steagall 70 năm trước: lại tách hoạt động NHTM khỏi NHĐT. Tuy nhiên, Dodd Frank không triệt để khôi phục Glass Steagall, Đạo luật dưới thời Obama tuy không cho các định chế nhận tiền gửi của dân đầu tư vào dự án, doanh nghiệp nhưng lại cho phép đầu cơ (thực chất là đánh bạc) trên thị trường chứng khoán phái sinh.
Bà Hà Nguyễn chia sẻ: "Việt Nam chả học được gì [từ bài học khủng hoảng ở Mỹ]. Đáng tiếc".
Ngoài ra, bà Nguyễn cũng dẫn nguồn tin từ báo chí trong nước khẳng định:
"Có tới 10 NHTM có công ty con là CTCK. Theo Luật Chứng khoán 2019, Điều 72 lại quy định rõ ràng: "2. Công ty chứng khoán chỉ được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán khi được cấp phép thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán".
Công ty chứng khoán đầu tư vào TPDN, cổ phiếu, đánh bạc phái sinh,.. đó chính là hoạt động đầu tư mà các NHĐT ở Mỹ đang thực thi. Một kiểu NHĐT ngầm.
Khi sửa Luật, chúng ta không nghiên cứu các bài học lịch sử thấu đáo, không đi từ bản chất rủi ro của hoạt động kinh doanh trên thị trường tài chính, không thiết lập các nguyên tắc bất khả xâm phạm về xung đột lợi ích. Xung đột lợi ích trong thể chế thì đâu cũng có, nhưng ít nhất, nếu để tâm thì loại bỏ được nhiều xung đột lợi ích lớn.
Nếu một NHTM hoặc một công ty chứng khoán của nó bị 'thao túng' bởi một doanh nghiệp cỡ lớn như Vạn Thịnh Phát, thì những gì xảy ra trên thị trường là rất nhẹ nhàng rồi".
Bà cũng bình luận rằng thị trường tài chính Việt Nam cần phải tái cơ cấu một lần nữa, triệt để và toàn diện, nơi các Bộ luật được sửa đồng bộ với nguyên tắc cứng về loại bỏ tối đa các xung đột lợi ích đã, đang tồn tại trên thị trường tài chính Việt Nam.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN. NTDVN tổng hợp bài viết dưới sự cho phép của bà Hà Nguyễn.
Hữu Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: CTCK của NHTM Việt hoạt động như ngân hàng đầu tư ngầm đã tích luỹ rất nhiều rủi ro