Cẩn trọng: Tăng trưởng tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp có thể thúc đẩy lạm phát sau giá xăng dầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lạm phát của Việt Nam (so cùng kỳ) đã tăng cao nhất trong vòng 12 tháng qua, chủ yếu thúc đẩy bởi giá xăng dầu tăng cao do khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, một nguyên nhân khác đang và có thể khởi tác dụng với lạm phát tai hại như giá xăng dầu, đó chính là tăng trưởng tín dụng đã cao nhất trong 10 năm qua ...

Lạm phát là vấn đề nóng nhất lúc này

Trong tháng 5/2022, lạm phát so cùng kỳ đã tăng cao nhất trong 12 tháng qua, ở mức 2,86%. Theo tính toán của tác giả bài viết này, nếu chính phủ Việt Nam không thay đổi giá dịch vụ công, thì với mức tăng giá xăng dầu thế giới ở mức 50 - 80% trong năm 2022, lạm phát năm 2022 sẽ ở mức 4,7 - 5,5%. Nếu giá dịch vụ công được điều chỉnh như kế hoạch, lạm phát có thể thêm 1% nữa vào mỗi kịch bản.

Dĩ nhiên, các con số trong rổ lạm phát chỉ có tính tương đối. Với mức lạm phát so cùng kỳ được ghi nhận thấp, ở mức 2,86% như hiện nay, người tiêu dùng tại các thành phố lớn trong nước đã phải chứng kiến giá dịch vụ (đi lại, ăn uống) tăng từ 30 - 50%. Giá cả đang trở thành vấn đề nóng nhất trên các diễn đàn bởi vì giá cả đang tác động trực tiếp tới chất lượng cuộc sống, túi tiền của mỗi người dân.

Vấn đề ở chỗ, lãi suất của hệ thống ngân hàng (cả huy động và cho vay) đang bắt đầu tăng theo kỳ vọng lạm phát; các ngân hàng thương mại (NHTM) cần đảm bảo mức lãi suất thực dương so với kỳ vọng lạm phát. Trong khi, kỳ vọng lạm phát ngày một lớn hơn trước bất ổn toàn cầu và trước rủi ro nợ xấu, chất lượng tài sản xấu đi trong nội bộ hệ thống các NHTM.

Lãi suất bắt đầu tăng ở các NHTM nhỏ, hoạt động yếu kém hơn so với nhóm NHTM cổ phần nhà nước lớn và các NHTMCP tư nhân lớn khác. Lý do là nhu cầu thanh khoản. Sau đó, cạnh tranh huy động vốn giữa các NHTM trong hệ thống sẽ đẩy lãi suất lên cao. Những gì đang xảy ra manh nha giống với thời điểm năm 2011 - 2012, khi đó cuộc đua lãi suất, theo kỳ vọng lạm phát và do nhu cầu đảo nợ, tăng tín dụng vào đầu cơ của các NHTM, lạm phát lên tới 18,13% vào năm 2011, sau đó là 7% năm 2012 khi SBV thắt chặt chính sách tín dụng đột ngột, gây nên tình trạng suy thoái trầm trọng trong nền kinh tế trong suốt năm 2012 - 2014. Khi đó thị trường BĐS hoàn toàn đóng băng.

Tăng trưởng tín dụng cao nhất trong 10 năm qua

Sáng 15/6, phát biểu tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng sáu tháng năm 2022, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 9/6, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021, theo Vietnam Plus.

Đây là mức tăng cao nhất so cùng kỳ trong 10 năm qua. Thoạt nhìn, điều này rất hợp lý khi nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ nhờ mở cửa và bình thường hóa sau đại dịch. Thêm vào đó các gói hỗ trợ lãi suất 2% dành cho 11 nhóm ngành (khoảng 40.000 tỷ đồng) cũng kích thích tăng trưởng tín dụng mạnh hơn.

Thậm chí, một số NHTM đã hết ‘hạn mức’ hay còn gọi là ‘room’ cho vay tín dụng, đây là quy định về mức trần hạn mức hạn mức cho vay tín dụng của ngân hàng nhà nước (SBV) với từng NHTM. Các NHTM như vậy đang tha thiết xin nới ‘room’ tín dụng. Chưa rõ SBV sẽ cấp thêm hạn ngạch tín dụng như thế nào với từng NHTM.

Mức tăng trưởng tín dụng hiện nay dù đã cao nhất trong vòng 10 năm, nhưng mới chỉ tăng 17,09% trong 12 tháng, còn kém xa mức tăng trưởng 30% - 50% mỗi năm giai đoạn 2007 - 2010, trước khi tạo ra mức lạm phát 18,13% vào năm 2011 và cuộc khủng hoảng nợ xấu trong hệ thống NHTM năm 2012 - 2013 sau đó.

Vậy câu hỏi đặt ra là, có nên nhận định tăng trưởng tín dụng ở mức cao nhất 10 năm qua như hiện nay sẽ là tác nhân tạo ra lạm phát tồi tệ như xăng dầu? Câu trả lời là chúng ta có cơ sở để nhận định như vậy.

Cách mà tăng trưởng nợ thúc đẩy lạm phát

Muốn biết tăng trưởng tốt cho nền kinh tế hay đang là một dấu hiệu bất ổn, chúng ta nhất định phải hiểu khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, nắm bắt được đường đi của dòng tín dụng. Nếu dòng tín dụng chảy vào sản xuất thực, tiêu dùng thực ở mức vừa phải thì là dòng tín dụng tốt. Nếu dòng vốn này chảy vào quá lớn, khiến nền kinh tế tăng trưởng quá nóng thì sẽ thúc đẩy lạm phát.

Trong trường hợp tệ hơn, chính là bối cảnh kinh tế như hiện nay, lạm phát đi kèm đình đốn về tăng trưởng, dòng tín dụng không thể hấp thu hết vào khu vực sản xuất thực, tiêu dùng cũng suy giảm nên không thể hấp thu vào tiêu dùng thực, khi đó dòng tín dụng tăng nóng có thể do đảo nợ, đầu cơ. Khi đó, dù tăng trưởng tín dụng chưa quá cao nhưng bản thân nó đã là động lực thúc đẩy lạm phát rồi.

Nếu tăng trưởng tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp (gọi chung là tăng trưởng nợ) là đảo nợ nhằm nuôi các doanh nghiệp xác sống (doanh nghiệp đáng lẽ phải phá sản vì không thể trả được nợ lãi ba năm liên tiếp, chỉ số Khả năng trả nợ lãi vay = Lãi vay phải trả /Thu nhập trước thuế và lãi nhỏ hơn 1), thì toàn bộ khoản tiền đó sẽ tạo nên lạm phát. Bởi vì một nguồn vốn lớn của nền kinh tế không đổ vào sản xuất, không tạo ra giá trị gia tăng mà đổ vào nuôi các doanh nghiệp không có giá trị, tạo ra giá trị 0 đồng.Một nguồn lực lớn về vốn, con người, đất đai bị các doanh nghiệp xác sống chiếm giữ và không tạo ra giá trị, đây là nguồn gốc trực tiếp của lạm phát và tăng trưởng đình đốn (năng suất lao động suy giảm do nguồn lực bị lãng phí).

Đội quân doanh nghiệp xác sống đã trở thành nỗi ám ảnh của Châu Âu và Mỹ, tăng từ 2% thập kỷ 80 lên tới 16% năm 2016 (theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế BIS). Hiện tại số lượng này có thể lớn hơn nhiều. Đội quân này đã được các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu kinh tế khắp toàn cầu cảnh báo là nguyên nhân tạo ra thất bại tăng trưởng, lạm phát và khủng hoảng tài chính toàn cầu tiếp theo.

Theo Bloomberg, các doanh nghiệp xác sống của Mỹ hiện đang ôm khoản nợ 1.980 tỷ USD (số liệu tính tới tháng 11/2020), lớn hơn nhiều so với mức nợ các các doanh nghiệp xác sống của Mỹ nắm giữ hồi đỉnh khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 là 1.540 tỷ USD. Cũng theo phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp của 3.000 doanh nghiệp niêm yết của Bloomberg, chỉ sau một năm hứng chịu đại dịch, Mỹ đã đóng góp thêm 200 doanh nghiệp vào đội ngũ này.

Tại Trung Quốc, doanh nghiệp xác sống cũng trở thành gánh nặng mà Trung Quốc muốn phẫu thuật, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước.

Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu thống kê về doanh nghiệp xác sống, nhưng các số liệu phát hành trái phiếu doanh nghiệp BĐS cho thấy 80% trái phiếu được xếp hạng 'trái phiếu rác', các doanh nghiệp phát hành trái phiếu rác này, theo CEO của công ty Fiinpro, ông Nguyễn Thuân, thì "rất nhiều doanh nghiệp đáng lẽ phải phá sản rồi nhưng không được phá sản"; nói cách khác, đó chính là các doanh nghiệp xác sống.

Hãy xem, các doanh nghiệp xác sống của Việt Nam đang giữ nhiều nợ đến mức nào? Các khoản nợ đó chẳng phải là đang đóng góp tích cực vào lạm phát dù là gián tiếp.

Năm 2021, BĐS vẫn là ngành phát hành nhiều TPDN nhất, chiếm tỷ trọng gần 40% lượng TPDN phát hành năm qua; tương đương 285,6 nghìn tỷ đồng (tăng 64% so với năm 2020). Đây cũng là ngành nghề có lãi suất sơ cấp bình quân cao nhất với mức lãi suất gần 9,8% (theo báo cáo của công ty chứng khoán Techcombank). Trong 4 tháng đầu năm 2022, dù TPDN đã bị siết lại sau nhiều cảnh báo và hỗn loạn, nhưng tốc độ phát hành TPDN vẫn tăng cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế.

Theo Báo cáo của Fiin Ratings, hơn 80% giá trị TPDN của ngành BĐS phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết. Các doanh nghiệp này có sức khỏe tài chính ở mức yếu rất đáng báo động. Điều này thể hiện ở mức độ đòn bẩy tài chính (Nợ vay ròng/Vốn chủ sở hữu) hiện ở mức lên tới 8,1 lần trong khi các doanh nghiệp niêm yết chỉ ở mức 2,5 lần. Đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp BĐS phát hành TPDN chưa niêm yết ước tính có thể còn cao hơn nữa, rủi ro hơn nữa vào cuối năm 2022.

Nói cách khác, 80% TPDN BĐS Việt Nam hiện ở mức 'trái phiếu rác'. Do thị trường nợ Việt Nam chưa có xếp hạng tín nhiệm độc lập, hãng phát hành nợ là trái phiếu rác đang có một thiên đường phát hành nợ ở Việt Nam; đặc biệt khi có sự tiếp tay nhiệt tình từ các ngân hàng thương mại (NHTM) và công ty chứng khoán (CTCK); các NHTM và CTCK hiện đang nắm giữ 74% số lượng TPDN BĐS này.

Để tránh không báo cáo số lượng TPDN mà NHTM nắm giữ như một khoản tín dụng, tức là không tính vào tăng trưởng tín dụng đã cao nhất trong 10 năm qua, các NHTM sử dụng công ty con của họ là CTCK tư vấn phát hành TPDN cho các doanh nghiệp BĐS 'xác sống' cần đảo nợ. Sau đó các CTCK sẽ là người mua TPDN theo thỏa thuận. Số tiền các công ty xác sống này nhận được từ phát hành TPDN cho CTCK như vậy sẽ được đảo nợ cho NHTM. Dĩ nhiên, quy trình thực sự có thể phức tạp hơn, có thể mua bán lòng vòng qua 2 - 3 công ty con hoặc qua 2 - 3 NHTM khác nhau để ẩn đi bằng chứng về đảo nợ.

Với cách thức này, một lượng lớn TPDN nằm tại các CTCK có thể không được ghi nhận trong số tăng trưởng tín dụng của SBV. Như vậy, con số tăng trưởng tín dụng thực của nền kinh tế có thể lớn hơn nhiều so với số liệu SBV báo cáo. Và nguồn tiền đổ vào các đảo nợ cho các doanh nghiệp xác sống, ít nhất trong 5 năm nay, có thể lên tới hàng trăm ngàn tỷ VND.

Đây chính là nguồn gốc thúc đẩy lạm phát, có thể còn tồi tệ hơn cả nguyên nhân lạm phát do khủng hoảng giá xăng dầu; nó ngấm vào lạm phát âm thầm, dài hạn. Chỉ có điều, nguyên nhân lạm phát đến từ tăng trưởng tín dụng, cho vay đảo nợ như vậy là gián tiếp, không dễ thấy.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm cá nhân tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Trường Phi

 



BÀI CHỌN LỌC

Cẩn trọng: Tăng trưởng tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp có thể thúc đẩy lạm phát sau giá xăng dầu