Bình luận: Hành lang kinh tế IMEC do Mỹ dẫn dắt có phải là một sáng kiến thực chất?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cách IMEC được giới thiệu ngay lập tức đã tạo ra một số kẻ thù cho hiệp ước và làm nổi bật một số lỗ hổng lớn, bao gồm cả vai trò của Mỹ trong hành lang.

Bài bình luận

Chính quyền Biden đã tham gia vào một số sáng kiến chính sách chiến lược. Những sáng kiến này mặc dù đầy hứa hẹn nhưng dường như chưa được lên kế hoạch sâu sắc hoặc thực hiện mạnh mẽ ở các cấp chính quyền cao.

Liệu mối quan hệ đối tác chiến lược Hành lang Kinh tế Ấn Độ – Trung Đông – Châu Âu (IMEC) mới có phải là một sáng kiến tương tự như thế hay không?

Chẳng hạn, chính quyền Biden cũng đã ký kết các hiệp định an ninh Úc - Anh - Mỹ (AUKUS) vào tháng 9/2021, trong khi Toà Bạch Ốc không có sự hiểu biết đáng kể về tiềm năng toàn cầu của hiệp ước này đối với Mỹ. Tiềm năng của hiệp ước đó chắc chắn đã được giới lãnh đạo quân sự Úc, Mỹ cũng như chính phủ Anh nói chung nắm bắt nhưng về cơ bản đã bị đội ngũ lãnh đạo Biden đánh giá thấp.

AUKUS là hiệp ước chiến lược toàn cầu thực sự duy nhất, mang lại cho ba đồng minh ưu thế quân sự toàn diện và có sự phối hợp ở Bắc và Nam Đại Tây Dương, Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương, Bắc và Nam Thái Bình Dương cũng như các vùng cực. Không có hiệp ước quân sự nào khác trên thế giới từng đạt được điều đó. Sẽ không phù hợp khi cho rằng AUKUS là một hiệp ước an ninh và IMEC là một hiệp định thương mại và cơ sở hạ tầng; tất cả các phương thức hợp tác quốc tế ở quy mô này đều là các hiệp ước an ninh.

Điều quan trọng là hiệp ước IMEC mới - bắt đầu với một biên bản ghi nhớ (MOU), được ký bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi vào ngày 9–10 tháng 9 - không bộc lộ rõ lợi ích chiến lược của Mỹ (hành lang không tiếp cận Mỹ ở mức hiệu quả hơn các phương thức hiện có), cũng như không có sự liên kết với AUKUS. Nói cách khác, dường như không có tư duy “liên kết” trong việc hoạch định chiến lược của Mỹ.

Bình luận: Hành lang kinh tế IMEC do Mỹ dẫn dắt có phải là một sáng kiến thực chất?
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) tham gia cuộc gặp ba bên với Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) và Thủ tướng Úc Anthony Albanese (trái) trong hội nghị thượng đỉnh AUKUS tại Căn cứ Hải quân Point Loma ở San Diego, Mỹ, vào ngày 13/3/2023. (Ảnh: Jim Watson/AFP qua Getty Images)

Hơn nữa, hiệp ước không xem xét đến cách tiếp cận rộng hơn về khu kinh tế và quá cảnh RedMed (Biển Đỏ - Địa Trung Hải) được đề xuất vào năm 2016, thứ bao gồm một số đối tác tương tự như IMEC nhưng đồng thời thống nhất toàn diện một khu vực thương mại/quá cảnh bao gồm Ethiopia, Eritrea, Sudan và Ai Cập, cũng như Bán đảo Ả Rập và các quốc gia Levant vốn đều tham gia IMEC.

Sáng kiến thành lập IMEC của Tổng thống Mỹ Joe Biden xuất hiện như một hành động vội vàng, có vấn đề, chưa hoàn thiện và mang tính chính trị cao nhằm thúc đẩy sự hồi sinh của Mỹ ở Trung Đông và bề ngoài là để chống lại Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) gần như đã phá sản của Trung Quốc. BRI, trong chừng mực liên quan đến một số lĩnh vực tương tự như IMEC, đã được hưởng lợi từ một loạt các quốc gia được kết nối trực tiếp với Trung Quốc từ châu Phi và Trung Đông.

Cách IMEC được giới thiệu ngay lập tức đã tạo ra một số kẻ thù cho hiệp ước và làm nổi bật một số lỗ hổng lớn, bao gồm cả vai trò của Mỹ trong hành lang.

Các bên ký kết sáng kiến mới này là chính phủ Vương quốc Ảrập Xêút, Liên minh châu Âu, Cộng hòa Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Ý và Mỹ. Họ phải gặp nhau trong vòng 60 ngày để thiết lập một “kế hoạch hành động”. Điều đáng chú ý là Pháp, Đức và Ý, các nước vốn là thành viên của EU, cũng đã ký Biên bản ghi nhớ IMEC một cách riêng biệt.

Những sự vắng mặt đáng chú ý trong IMEC

Những sự vắng mặt đáng chú ý trong sáng kiến này là Vương quốc Anh, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Oman và Ai Cập. Việc loại bỏ Iran được hiểu là do sự thù địch chưa được giải quyết giữa Mỹ và Iran. Biên bản ghi nhớ này, đặc biệt là với việc loại bỏ Vương quốc Anh (được cho là đồng minh thân cận nhất của Mỹ và là thành viên của AUKUS), là sự phản ánh rõ ràng về thái độ khó chịu về cơ bản của chính quyền Biden đối với Anh, vốn có thể là một điểm tựa hợp lý và đối tác thương mại quan trọng trong IMEC.

MOU cũng cho thấy sự thiếu liền mạch về mặt địa lý, loại bỏ Ai Cập, Kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ. Điều này ngụ ý rằng IMEC phải đến Địa Trung Hải qua Syria và có thể cả Lebanon, mặc dù đã có tuyên bố rằng nó sẽ đi qua Israel.

Vậy tại sao Israel không được đưa vào MOU IMEC? Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gặp Tổng thống Biden bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York vào ngày 20/9 và cả hai đều lưu ý rằng việc bình thường hóa quan hệ Israel-Ảrập Xêút là chủ đề chính. Nhưng không có lời đề cập nào đến IMEC.

Tại sao MOU không mở rộng để bao gồm cả Úc, được cho là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ (và là một trong ba đối tác trong AUKUS) và là đối tác tự nhiên của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương, trung tâm phía đông của IMEC? Đồng thời, tại sao Indonesia lại bị bỏ qua? Thủ tướng Úc Anthony Albanese đã đến New Delhi để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 và hẳn có thể đã bày tỏ sự quan tâm đến MOU nếu ông được hỏi ý kiến.

Bình luận: Hành lang kinh tế IMEC do Mỹ dẫn dắt có phải là một sáng kiến thực chất?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có bài phát biểu tại Khu phức hợp Tổng thống ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 5/4/2021. (Ảnh: Adem Altan/AFP qua Getty Images)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại New Delhi: “Chúng tôi nói rằng không có hành lang nào nếu không có Thổ Nhĩ Kỳ”. “Thổ Nhĩ Kỳ là một cơ sở sản xuất và thương mại quan trọng. Tuyến đường thuận tiện nhất cho giao thông từ Đông sang Tây phải đi qua Thổ Nhĩ Kỳ”.

Điều đáng chú ý là Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị loại khỏi Hành lang vận tải Bắc-Nam quốc tế Nga - Ấn Độ (INSTC), nối tới Ấn Độ Dương qua Iran. Có thể cho rằng, chính INSTC là thứ mà sáng kiến IMEC định cạnh tranh, vì INSTC đã cung cấp một tuyến đường sông, đường sắt và đường biển từ Tây Âu (St. Petersburg) đến Mumbai, Ấn Độ. Washington có ý định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, giống như Nga đã cố tình bỏ qua Thổ Nhĩ Kỳ trong tuyến đường quá cảnh mới mang tính chất thay đổi cuộc chơi.

Kỳ vọng từ IMEC

Điều tự nhiên là các bên ký kết IMEC mới sẽ cam kết với nó: Đó là một thỏa thuận mà không bên nào bị thiệt, và có lẽ sẽ đòi hỏi sự đầu tư đáng kể của Mỹ vào cơ sở hạ tầng cho dịch vụ hậu cần nội khu vực. Theo quan điểm của Washington, MOU biểu thị rằng chính quyền Biden sẵn sàng bỏ tiền mua lại những tình bạn mà họ từng có với UAE và Ảrập Xêút, đồng thời chứng tỏ rằng Washington có thể sánh ngang với các cam kết của Nga trong việc xây dựng tuyến đường cung ứng có lợi cho Ấn Độ.

Liệu Washington có kỳ vọng Ấn Độ sẽ từ bỏ hoặc giảm bớt tầm quan trọng của cam kết kinh tế lớn được thực hiện trong nhiều năm nhằm xây dựng tuyến đường cung ứng nối Ấn Độ qua Iran với Trung Á và tới Nga? Không có dấu hiệu nào cho thấy New Delhi có ý định từ bỏ nhu cầu và mong muốn mang tính lịch sử nhằm tiếp cận Trung Á và đảm bảo đường dây liên lạc vững chắc với Nga, ngay cả khi phải trả giá bằng việc Nga cuối cùng sẽ sử dụng bến cuối trên bờ biển Iran gần eo biển Hormuz để xây dựng một cơ sở hỗ trợ hải quân.

Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc tuyên bố: “IMEC sẽ bao gồm hai hành lang riêng biệt, hành lang phía đông nối Ấn Độ với Vịnh Ả Rập và hành lang phía bắc nối Vịnh Ả Rập với châu Âu. Nó sẽ bao gồm một tuyến đường sắt mà sau khi hoàn thành sẽ cung cấp mạng lưới vận chuyển tàu biển-đường sắt xuyên biên giới đáng tin cậy và hiệu quả về mặt chi phí để bổ sung cho các tuyến vận tải đường biển và đường bộ hiện có - cho phép hàng hóa và dịch vụ vận chuyển đến, đi và giữa Ấn Độ , UAE, Ảrập Xêút, Jordan, Israel và châu Âu.

“Dọc theo tuyến đường sắt, những bên tham gia dự định cho phép lắp đặt cáp để kết nối điện và kỹ thuật số, cũng như đường ống để xuất khẩu hydro sạch. Hành lang này sẽ đảm bảo chuỗi cung ứng khu vực, tăng cường khả năng tiếp cận thương mại, làm thuận lợi hóa thương mại và hỗ trợ tăng cường chú trọng vào các tác động của môi trường, xã hội và chính phủ”.

“Các bên tham gia dự kiến rằng hành lang này sẽ nâng cao hiệu quả, giảm chi phí, tăng cường sự thống nhất kinh tế, tạo việc làm và giảm lượng khí thải nhà kính - dẫn đến sự hội nhập mang tính chuyển đổi của châu Á, châu Âu và Trung Đông”.

“Để hỗ trợ sáng kiến này, những bên tham gia cam kết làm việc tập thể và nhanh chóng để sắp xếp và triển khai tất cả các yếu tố của hai tuyến đường trung chuyển mới này, đồng thời thành lập các cơ quan điều phối để xử lý đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế, tài chính, pháp lý và quy định liên quan”.

Tuyên bố này phản ánh rõ ràng các ưu tiên chính trị của Mỹ về “năng lượng sạch”, thứ mà Ấn Độ và các nước Trung Đông vui vẻ ký kết mặc dù họ ít thể hiện sự ưu tiên đối với chúng.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Gregory Copley là Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Washington. Sinh ra tại Úc, ông Copley cũng là một thành viên của Order of Australia, là một doanh nhân, nhà văn, cố vấn chính phủ, và biên tập viên cho các xuất bản về quốc phòng. Cuốn sách mới nhất của ông là The New Total War of the 21st Century and the Trigger of the Fear Pandemic (Cuộc chiến toàn diện mới của Thế kỷ 21 và yếu tố kích hoạt đại dịch sợ hãi).



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Hành lang kinh tế IMEC do Mỹ dẫn dắt có phải là một sáng kiến thực chất?