Bình luận: Từng khiến thế giới ghen tị, Canada hiện phải vật lộn với ‘thập kỷ mất mát’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giống như Nhật Bản, Canada đã từng khiến thế giới phải ghen tị. Nhưng kể từ năm 2015, đất nước này đã phải trải qua giai đoạn phát triển kinh tế tệ hại.

Bài bình luận

Vào những năm 1980, thế giới say mê Nhật Bản. Nền kinh tế của nước này bùng nổ và được dự đoán sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế số một thế giới vào năm 2000. Kỳ vọng đó đã chấm dứt vào những năm 1990 khi thị trường chứng khoán Nhật Bản sụp đổ và tăng trưởng kinh tế ở quốc gia này bị đình trệ. Những gì tiếp theo được gọi là “thập kỷ mất mát”.

Nhật Bản chưa bao giờ hồi phục trở về những năm 1980. Trong khi đó, Canada hiện đang phải đối mặt với thập kỷ mất mát của chính mình. Liệu đất nước này có thể phục hồi?

Hãy cùng đánh giá nhanh về sự trì trệ của Canada kể từ năm 2015.

Quá khứ khiến thế giới phải ghen tị

Vào năm 2014, tờ New York Times đã công bố một bài báo mở đầu: “Tầng lớp trung lưu Canada hiện có thể là tầng lớp giàu nhất thế giới”. Triển vọng của Canada vào thời điểm đó rất tươi sáng, với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, hệ thống nhập cư mạnh mẽ và có đạo đức, tiêu chuẩn kinh tế ngày càng cao, nguồn tài chính vững chắc của chính phủ và tỷ lệ tội phạm giảm. Canada vào năm 2014 khiến cả thế giới phải ghen tị, giống như Nhật Bản vào những năm 1980.

Kể từ thời điểm đó, người Canada đã chứng kiến GDP bình quân đầu người hoàn toàn chững lại. Theo Ngân hàng Thế giới, GDP thực bình quân đầu người của Canada chỉ tăng 2,9% trong 8 năm qua (hoặc 0,37% mỗi năm), từ 43.635 USD lên 44.910 USD. Trong khi đó, ở Mỹ, GDP thực bình quân đầu người tăng từ 52.266 USD lên 59.836 USD, tương đương 12,65% (hoặc 1,58% mỗi năm).

Điều đó có nghĩa là vào năm 2014, GDP bình quân đầu người ở Mỹ cao hơn Canada 22% và đến năm 2022 là cao hơn 35%, và GDP bình quân đầu người của Mỹ tăng trưởng nhanh hơn Canada gấp 4,3 lần. Trong thời gian đó, tiền lương thực vẫn hoàn toàn không thay đổi ở Canada, thậm chí bắt đầu giảm trong hai năm qua khi lạm phát tăng cao và tiền lương danh nghĩa đứng yên. Theo OECD, triển vọng tăng trưởng GDP bình quân đầu người trong vài thập kỷ tới ở Canada là tồi tệ nhất trong các nước phát triển.

Bình luận: Từng khiến thế giới ghen tị, giờ đây Canada đang phải vật lộn với ‘thập kỷ mất mát’
Phố thương mại chính Sainte Catherine ở trung tâm thành phố Montreal, Canada, vào ngày 22/11/2022. (Ảnh: DANIEL SLIM / AFP qua Getty Images)

Sản lượng xe cơ giới, nợ chính phủ, số lượng công chức, tỷ lệ tội phạm

Năm 2014, Canada sản xuất 2,39 triệu xe cơ giới. Con số đó đã giảm 49% xuống chỉ còn 1,23 triệu xe vào năm 2022. Trong cùng khoảng thời gian đó, sản lượng phương tiện của Mỹ cũng giảm, nhưng chỉ giảm 13,7%, từ 11,66 triệu xuống 10,06 triệu.

Năm 2015, Canada khiến các nước phát triển phải ghen tị về khoản nợ chính phủ liên bang của nước này, tổng cộng chỉ chiếm 35% GDP. Kể từ thời điểm đó, nó đã tăng từ 659 tỷ USD lên 1.260 nghìn tỷ USD - hay 59% GDP.

Điều đáng lo ngại không phải là mức nợ thực tế mà là tác động của nó đối với lạm phát ở Canada, đặc biệt là lạm phát tài sản/nhà ở. Có lẽ người ta tập trung quá nhiều vào lạm phát giá tiêu dùng và chưa chú ý đủ tới lạm phát tài sản.

Trong 8 năm qua, người Canada đã chứng kiến giá tiêu dùng tăng 25%, trong khi giá nhà trung bình ở Canada đã tăng đáng kinh ngạc 87,6% lên tới 750.000 USD. Ngay cả khi chúng ta loại trừ khỏi con số này mức tăng theo CPI, điều này có nghĩa là mức tăng “thực” trung bình là 50%. Như đã chỉ ra, tiền lương và sản xuất không tăng trong 8 năm qua, điều đó có nghĩa là người trẻ ngày càng khó hoặc không thể mua nhà, đặc biệt là nhà ở dành cho một gia đình, nơi phù hợp với các gia đình trẻ.

Bất chấp sự trì trệ trong tiến bộ kinh tế của Canada, số lượng công chức liên bang đã tăng 100.213, hay 38,9%, từ 257.034 lên 357.247. Chỉ riêng trong năm nay, con số này đã tăng thêm 21.290 người.

Tỷ lệ tội phạm đã giảm đều đặn từ những năm 1990 và ở mức thấp kỷ lục vào năm 2013 và 2014. Kể từ đó, theo cơ quan Thống kê Canada, tội phạm bạo lực đã gia tăng đáng kinh ngạc ở mức 40% trên khắp Canada.

‘Mặt trận’ bảo vệ môi trường

Từ quan điểm kinh tế, Canada không đạt được tiến bộ nào. Người Canada đã chứng kiến sự gia tăng lớn về chi phí của chính phủ. Họ cũng đã chứng kiến nợ chính phủ liên bang tăng gấp đôi và giá nhà tăng 87,6%.

Đây là một thập kỷ mất mát về kinh tế nhưng liệu người Canada có đạt được những thành tựu về bảo vệ môi trường?

Những người cấp tiến thường cho rằng có sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và môi trường. Họ liên tục nói về việc định giá cho ô nhiễm thay vì cải tiến công nghệ như một cách để giảm ô nhiễm.

Hãy xem xét quan điểm gây tranh cãi rằng carbon dioxide là ô nhiễm. Lượng phát thải khí nhà kính đã tăng 5% ở Canada trong 8 năm qua, nhưng lại giảm 7% trong cùng thời kỳ ở Mỹ, nơi họ không áp dụng thuế carbon. Nếu bạn tin rằng mức độ CO2 cần phải giảm (nhiều người không tin điều đó), thì người Canada dường như đang đối mặt với điều tồi tệ nhất của cả hai phương diện: một nền kinh tế rất trì trệ, với mức sống giảm sút cũng như mức độ carbon dioxide tăng lên.

Chính phủ liên bang Canada hiện tại còn hai năm để hoạt động cho đến khi một cuộc bầu cử được diễn ra. Hoàn toàn không có chính sách nào đang được thảo luận để đưa Canada thoát khỏi tình trạng trì trệ kinh tế hiện tại. Vai trò của chính phủ không chỉ đơn giản là hành động như Robin Hood - lấy tiền từ người giàu và đưa cho người nghèo. Họ cũng có vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Canada đã thất bại thảm hại về kinh tế trong thập kỷ này. Hãy cùng hy vọng đất nước này có thể phục hồi trong thập kỷ tới.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Randy Boldt là thành viên cao cấp tại Trung tâm Chính sách công Frontier.



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Từng khiến thế giới ghen tị, Canada hiện phải vật lộn với ‘thập kỷ mất mát’