Cả quân đội lẫn quan trường Trung Quốc đang hỗn loạn hơn bao giờ hết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kỳ nghỉ Quốc khánh Trung Quốc 1/10 năm nay kéo dài trong 8 ngày, người dân Trung Quốc một lần nữa phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn giao thông. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ không tận hưởng những ngày nghỉ lễ cùng người dân, và riêng ông Tập Cận Bình cũng khó có thể yên tâm tận hưởng những ngày nghỉ lễ. Hàng loạt các vấn đề khó khăn vẫn chưa được giải quyết, xung đột nội bộ mới đang trồi lên mặt nước, ông Tập có thể sẽ không thể nghỉ ngơi thư giãn trong kỳ nghỉ kéo dài này.

Bắt đầu từ ngày 1 tháng 10, các quan chức cấp cao của Trung Quốc cũng được nghỉ lễ và không phải đến Trung Nam Hải làm việc nữa. Bản thân ông Tập cũng không chắc đã ngụ ở Trung Nam Hải, có tin đồn rằng ông đang ẩn náu trong một hầm trú ẩn ở Tây Sơn, tức là trung tâm chỉ huy tác chiến chung của Quân ủy Trung Quốc, được biết hầm này có thể chịu được các cuộc tấn công hạt nhân.

Tuy nhiên, điều khiến ông Tập lo lắng nhất không phải là tấn công hạt nhân, mà là các vụ ám sát và đảo chính trong nước. Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh, ông Tập không thể rời Bắc Kinh để đi thị sát. Bởi các tuyến đường sắt và đường cao tốc ở nhiều nơi đều xuất hiện mức độ tắc nghẽn khác nhau, chuyến tàu đặc biệt của ông Tập có thể sẽ gặp trở ngại trong việc di chuyển. Mà độ khó trong việc giải tán đám đông, thực hiện kiểm soát giao thông và thiết quân luật cũng rất lớn, nó sẽ tạo thành rủi ro không nhỏ trong vấn đề an ninh với ông Tập. Thế nên, ông Tập khả năng cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ở lại Bắc Kinh.

Trong “Thôi Bối Đồ” có lời dự ngôn rằng: "Đông biên môn lý phục kim kiếm, dũng sĩ hậu môn nhập đế cung”, tạm hiểu là: “Cánh cửa phía đông có giấu thanh kiếm vàng, dũng sĩ từ cửa sau tiến vào hoàng cung", rất có thể chính là ám chỉ một vụ mưu sát ở Trung Nam Hải. Ông Tập vẫn luôn cố gắng giảm lượng thời gian ở Trung Nam Hải. Kỳ nghỉ Quốc Khánh đã không thích hợp để rời Bắc Kinh, nhưng ông Tập khả năng vẫn sẽ tránh xa Trung Nam Hải. Hầm trú ẩn ở Tây Sơn có thể được coi là nơi an toàn, nhưng trước mắt sẽ không có tên lửa nào từ nước ngoài tấn công Trung Quốc, mà chính tên lửa của Lực lượng Tên lửa mới là nỗi lo tiềm ẩn của ông Tập. Những rối ren trong quân đội Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn, và ông Tập không thể kê cao gối ngủ mà không phải lo lắng.

Trong khi đó, quân đội Trung Quốc có vẻ như vẫn đang rất hỗn loạn. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã mất tích hơn một tháng, và ông Lý cũng vắng mặt trong bữa tiệc chiêu đãi "Quốc khánh" ngày 28/9. Điều này gần như gián tiếp xác nhận tin đồn rằng ông đã gặp chuyện, ngoại giới chỉ chờ đợi thông tin chính thức về việc ông Lý bị cách chức.

Lúc này, ông Tập đã không có thời gian để lo lắng ngoại giới sẽ đánh giá ông như thế nào, điều quan trọng là ông phải giải thích thế nào trong nội bộ. Ông Tập nắm giữ quân đội, các thành viên khác trong Thường vụ Bộ Chính trị không có tiếng nói. Dù vậy việc cách chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cần phải có lời giải thích chính thức, và phải có quyết định mang tính tượng trưng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông Lý Thượng Phúc mặc dù không có thực quyền, nhưng lại là Ủy viên Quốc vụ thứ nhất của Quốc hội Trung Quốc, rốt cuộc cần cách chức ông Lý trước, hay xử lý như ông Tần Cương trước đó?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023 tại Trung tâm Hội nghị Sandton ở Johannesburg vào ngày 24 tháng 8 năm 2023. (Ảnh: MARCO LONGARI/AFP via Getty Images)

Ông Lý là Ủy viên Quân ủy Trung ương, Ủy viên Ủy ban Trung ương Trung Quốc, đồng thời ông Tập cũng phải có lời giải trình bên trong quân đội. Các quan chức các cấp từ sớm đã biết ông Lý đã xảy ra chuyện, tất cả họ đều chú ý đến kết quả xử lý, và liệu họ có thể bị liên lụy hay không. Khi ông Lý còn ở giữ chức Bộ trưởng Bộ Phát triển Trang bị Quân ủy Trung ương Trung Quốc, ông đã tiếp xúc với hầu hết các quân chủng và các chỉ huy chiến khu, dù là tên lửa, máy bay quân sự, tàu chiến, xe quân sự, v.v. Sự tham nhũng đối với tất cả các loại thiết bị mới đều có thể xảy ra. Rất có thể lợi ích đều được chia đều nhau, liệu ai dám nói bản thân họ hoàn toàn trong sạch đây.

Nếu Lực lượng Tên lửa, Bộ Phát triển Trang bị Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng mà xảy ra chuyện, thì ông Tập có thể sẽ phải sàng lọc lại các sĩ quan cấp cao một lượt, và đánh giá xem ai vẫn còn có vấn đề “không trung thành”. Vấn đề tham nhũng chỉ là chuyện nhỏ, ông Tập có thể lấy nó làm thóp của một số người khiến họ phải khuất phục một lần nữa. Nói chung, “không trung thành” là một vấn đề chí mạng.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, các chỉ huy và phó chỉ huy, cho đến những chỉ huy tiền nhiệm của Lực lượng Tên lửa, v.v… cuối cùng có thể bị điều tra về tội tham nhũng. Các cáo buộc như phản quốc, cộng tác với kẻ thù hoặc gián điệp không thể tùy tiện công khai. Nếu không cũng bằng như giải thích với cơ quan tình báo Hoa Kỳ, và vụ việc cũng khó êm xuôi. Và nó cũng bằng như minh chứng ông Tập không thể xác định những ai thông đồng với kẻ thù, mà vẫn trọng dụng đề bạt họ, điều này càng khiến ông khó mở miệng hơn.

Những tộ danh như "Không biết kính sợ" hoặc "kết bạn bất cẩn", hoặc thậm chí "bành trướng dã tâm" có thể được gán ghép cho một số người, nhưng tội danh "âm mưu ám sát nhà lãnh đạo" không thể lấy ra dùng một cách tùy tiện được. Lực lượng tên lửa đã bị thanh trừng vì có liên quan đến “người đeo cung tên” trong “Thôi Bối Đồ”, bí mật riêng tư này cũng không thể công khai.

Ngoài ông Lý Thượng Phúc, trong quân đội cuối cùng nên xử lý ai, khi truyền đạt nên phải giải thích thế nào, e rằng các vấn đề này đều phải do ông Tập Cận Bình đứng ra quyết định. Sự hỗn loạn trong quân đội của Trung Quốc còn lâu mới được giải quyết. Vấn đề không chỉ là chọn ai thay thế chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Việc ổn định tinh thần quân đội cũng không phải chuyện đơn giản, và việc xác định ai sẽ không đe dọa đến an ninh của ông Tập càng càng là một bài toán khó.

Trong kỳ nghỉ Quốc khánh, Chủ tịch Tập Cận Bình không chỉ phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn trong quân đội, mà còn đối diện với cục diện hỗn loạn trên chốn quan trường.

Đêm trước ngày lễ Quốc khánh, ông Hứa Gia Ấn - chủ tịch của tập đoàn phát triển nhà đất Hằng Đại - chính thức bị mang ra “tế cờ”. Gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Hằng Đại đã ra thông báo, chính thức xác nhận Chủ tịch tập đoàn Hứa Gia Ấn bị “cưỡng chế” do nghi ngờ vi phạm pháp luật. Ngoại giới đều cho rằng ông ta từ sớm đã là miếng thịt trên thớt, chỉ chờ người lãnh đạo chọn cơ hội xuống tay. Việc ông Hứa Gia Ấn bị “tế cờ” vào thời điểm này có tác dụng chuyển hướng sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước. Gần đây Trung Quốc có quá nhiều bê bối và tin đồn, cần gấp rút tạo ra một tiêu điểm mới. Ngoài ra, ông Tập Cận Bình cũng xuống tay mau chóng để gửi tín hiệu cứng rắn nào đó đến các thế lực chống Tập.

Trung Quốc tiếp tục thanh trừng các lĩnh vực khác nhau, hầu hết các “găng tay trắng” của những người có quyền lực đều đã được đưa đến trước cửa nhà của đội quân ông Tập. Những người không được tín nhiệm nhìn chung đều bị cho ra rìa. Nhưng có một số người vẫn cố đạp chân trên hai thuyền, và chủ tịch của tập đoàn Hằng Đại có lẽ là một trường hợp điển hình. Ngoại giới cho rằng hậu trường của ông Hứa chính là ông Tăng Khánh Hồng và đội ngũ của ông ta. Ông Hứa đã không lựa chọn tay trắng ra đi giống như Jack Ma, cũng không từ bỏ lợi ích riêng để cứu lấy tính mạng. Ông Hứa vẫn cố gắng vùng vẫy, thậm chí còn có những lời nói và hành động biến tướng thách thức ông Tập.

Gần đây Tăng Khánh Hồng và đội ngũ của ông ta liên tục rò rỉ thông tin, tiết lộ với ngoại giới rằng họ đã chất vấn ông Tập tại hội nghị Bắc Đới Hà. Ban đầu chỉ đề cập đến cá nhân ông Tăng Khánh Hồng, sau đó họ thêm vào cựu Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Phó chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trì Hạo Điền, nhưng ông Trì lại được mô tả là im lặng không nói lời nào, mà chỉ ngồi cạnh ông Tăng Khánh Hồng bày tỏ sự ủng hộ đối với ông ta. Gần đây còn có tin cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị là ông Trương Đức Giang, còn móc nối với gia tộc ông Đặng Tiểu Bình. Ông Tăng lợi dụng lúc hỗn loạn, cố gắng tổ chức lại lực lượng chống Tập. Tất nhiên, ông Tập không thể bỏ qua, việc bắt giữ ông Hứa Gia Ấn có lẽ là một tín hiệu, nếu ông Tăng không dừng lại, có thể còn sẽ có bước tiếp theo.

Chỉ cần những găng tay trắng của các nguyên lão Trung Quốc khác nguyện ý quy thuận Đội quân ông Tập, thì tạm thời họ sẽ không có chuyện gì, còn nếu có người vẫn rục rịch muốn động và cố ý đi theo ông Tăng Khánh Hồng để khuấy đảo cục diện, e rằng cũng sẽ có kết quả tương tự. Bất kể tập đoàn Hằng Đại hay các Tập đoàn khác, đội quân ông Tập đều có thể tóm gọn những đôi găng tay trắng ở trước hậu trường, rồi thanh lý tài sản và chính thức biến chúng thành tài sản riêng của Tập gia quân. Hầu hết các giới quyền lực của Trung Quốc đều không còn đứng trên sân khấu chính trị, nếu lại mất đi nguồn tài chính, gia đình của họ chắc chắn sẽ lụn bại.

Ông Tập Cận Bình bất ngờ ra tay với ông Hứa Gia Ấn trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, e rằng trong kỳ nghỉ Quốc khánh, ông ta sẽ sàng lọc thêm nhiều thế lực chống Tập tiềm ẩn và những găng tay trắng của họ, ít nhất cũng phải dán mắt xem trong kỳ nghỉ này họ có thể liên hệ với ai, và có những động thái nào.

Ông Tập Cận Bình cần đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ đối với các thế lực chống Tập ẩn náu, đồng thời ông cũng cần xử lý các vấn đề trong quân đội càng sớm càng tốt; nhưng điều quan trọng nhất vẫn là tìm ra những người có thể liên quan đến vụ ám sát và đảo chính trong dự ngôn.

Người mà “thân mang cung” hay “ông lão đầu trắng” được nói đến trong “Thôi Bối Đồ” rất có thể chính là nằm trong ‘đội quân ông Tập’. Những người tham gia có thể liên quan đến quân đội, cảnh sát hoặc Cục Cảnh vệ Trung ương.

Ông Triệu Lạc Tế và ông Vương Hỗ Ninh lần lượt phụ trách Đại hội đại biểu nhân dân và Hội nghị hiệp thương chính trị, họ không có nhiều quyền lực to lớn, đặc biệt là không có quyền lực hành chính, căn bản là họ không thể kiểm soát nhiều người, hơn nữa bên cạnh còn có những người thuộc Quân đội họ Tập đang dán mắt vào họ, nên họ cùng lắm chỉ có thể rò rỉ thông tin. Ông Hàn Chính chỉ có chức vụ ảo là Phó Chủ tịch Trung Quốc, không có quyền hành chính và không thể kiểm soát ai ở Bắc Kinh; Băng đảng Thượng Hải liên tục bị chia cắt, và các thế lực còn lại cũng không ở Bắc Kinh. Ông Tập vẫn sẽ để mắt đến ba người họ.

Nhóm người ông Lý Cường, Thái Kỳ, Đinh Tiết Tường, Lý Hy đều là thành viên trong Tập gia quân, 4 người họ đều có chức trách riêng, cũng có thể được coi là có quyền hạn nhất định và có thể chi phối một số người. Các thành viên khác của Bộ Chính trị cũng có một số quyền lực, và một vài người trong số họ thực sự có đủ điều kiện để đảo chính.

Ông Thái Kỳ, người được ông Tập tin cậy nhất, luôn ở bên ông Tập. Ông Tập cố gắng khiến ông ta tránh xa Cục An ninh Trung ương hết mức có thể. Ông Đinh Tiết Tường sau khi giữ chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương đảng trong 5 năm, đã lên lên xuống xuống một cách bí mật, có lẽ cũng là vì những lý do tương tự; ông còn là thành viên trẻ nhất trong Ban Thường vụ, và đóng vai trò gần giống người kế nhiệm nhất.

Ông Lý Cường đến cả vị trí nhân vật số hai trên danh nghĩa cũng khó giữ được. Tại tiệc chiêu đãi Quốc khánh được tổ chức vào ngày 28/9, ông đã đánh mất cơ hội phát biểu trước giống ông Lý Khắc Cường trước đây. Gần đây, tin đồn ông Lý Cường tham nhũng bất ngờ được công bố, ngoại giới cho rằng có thể là do đối thủ chính trị cố tình rò rỉ thông tin, hoặc có thể do những người thuộc phe ông Tăng Khánh Hồng thực hiện nhằm chia rẽ đội quân ông Tập. Cũng không loại trừ khả năng rằng có người trong đội quân ông Tập thèm muốn vị trí của ông Lý Cường và cố gắng biến ông ta thành một Tần Cương tiếp theo.

Trước đây, ông Trương Hựu Hiệp từng vướng vào tin đồn, vì bên trong họ "Trương” (张) của ông có chữ “cung” (弓 - cung tên), hơn nữa còn là “trường cung” (cung tên dài -长弓); nhưng đến tận bây giờ xem ra ông Trương Hựu Hiệp vẫn bình an vô sự. Trên thực tế, từ "Cường" (强) trong chữ Lý Cường cũng bao gồm chữ "cung", cũng có thể nói là "cường cung" (tức là cung tên mạnh mẽ). Ông Tập Cận Bình có thể vẫn sẽ cảnh giác với hai người này.

Trong số các thành viên khác của Bộ Chính trị, ông Vương Tiểu Hồng, Trần Văn Thanh phụ trách cảnh sát và cơ quan mật vụ, cấp dưới của họ đều có trang bị vũ khí, vừa có thể tham gia bảo vệ ông Tập Cận Bình, cũng có thể tham gia các vụ ám sát. Trong giới quan chức Trung Quốc vốn không có sự “trung thành” hay “không trung thành” tuyệt đối. Tại tiệc chiêu đãi Quốc khánh, ông Vương Hiểu Hồng được xếp ngồi cùng bàn với các thành viên Thường vụ Bộ Chính trị, điều này cho thấy ông Tập Cận Bình đang có ý nâng đỡ ông một cách công khai.

Trong kỳ nghỉ Quốc khánh, ông Tập vẫn không hề được nghỉ ngơi, vẫn còn có quá nhiều việc cần phải làm. Con tàu vỡ của Trung Quốc ngày càng hỏng hóc nghiêm trọng, nhưng chẳng qua đó cũng là ý trời, dù có sửa chữa bao nhiêu cũng không giúp ích được gì.

Theo Epochtimes
Viên Minh (biên dịch)

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Cả quân đội lẫn quan trường Trung Quốc đang hỗn loạn hơn bao giờ hết