Các Ngân hàng Trung ương có thể đang tạo ra khủng hoảng thanh khoản

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo các nhà nghiên cứu, nỗ lực kiềm chế lạm phát của các Ngân hàng Trung ương có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản. Việc tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ có thể tạo ra những hậu quả tệ hại. Các nhà đầu tư đang vô cùng lo lắng, khi mà tính thanh khoản chính là thứ giữ cho các thị trường hoạt động. Ngoài ra, các biện pháp chính sách của các Ngân hàng Trung ương cũng được cho là các yếu tố gây bất ổn kinh tế.

Khủng hoảng thanh khoản từ các Ngân hàng Trung ương

Nghiên cứu mới chỉ ra khả năng rất thực tế của việc các Ngân hàng Trung ương tạo ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản vào cuối năm nay.

Nỗ lực kiềm chế lạm phát của các Ngân hàng Trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), có thể gây ra khủng hoảng thanh khoản trên thị trường.

Đó là đánh giá của các nhà nghiên cứu của Đại học Bath, cho rằng các chính sách chống lạm phát quá mức có thể tạo ra tình trạng thiếu tiền trong năm dương lịch này. Hơn nữa, nó cho thấy rằng các ngân hàng trung ương có thể là một nhân tố gây bất ổn cũng như là nhân tố làm ổn định nền kinh tế với cả chính sách lạm phát và giảm phát.

Ví dụ, nghiên cứu của Bath đã xác định rằng trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008–09, các chính sách của các Ngân hàng Trung ương đã tạo ra nhiều bất ổn hơn trên thị trường, chứ không phải ít hơn. Sự gia tăng tính bất ổn đó đã gây ra sự biến động của thị trường, điều này khiến các nhà đầu tư lo sợ. Môi trường đầu tư đáng sợ vào thời điểm đó khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Kết quả là, tiền chảy ra khỏi thị trường và vào các khu vực rủi ro thấp hơn, khiến thị trường càng trở nên bất ổn và kém thanh khoản hơn.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng việc các Ngân hàng Trung ương đổ xô kích thích tăng trưởng kinh tế với lãi suất thấp giả tạo và cái gọi là nới lỏng định lượng (QE) trong vài năm qua là quá mức và là một yếu tố quan trọng cấu thành nên xu hướng lạm phát ngày nay. Lãi suất thấp khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp vay quá nhiều, điều này làm tăng lạm phát trong chứng khoán, nhà ở, ô tô và các thị trường khác.

Các Ngân hàng Trung ương đã châm ngòi lạm phát

Hơn nữa, theo các nhà kinh tế học như cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Paul Volcker và Joshua R. Hendrickson, trợ lý giáo sư kinh tế tại Đại học Mississippi, các Ngân hàng Trung ương là nguyên nhân gốc rễ của lạm phát.

“Ai chịu trách nhiệm cho lạm phát? Nói cách khác, nếu người ta ví lạm phát với hỏa hoạn, thì Ngân hàng Trung ương là kẻ châm lửa hay kẻ chữa cháy? Câu trả lời là các Ngân hàng Trung ương là kẻ châm lửa. Các Ngân hàng Trung ương là người tạo ra lạm phát, không phải là người chống lạm phát", ông Hendrickson viết.

Tuy nhiên, có một lưu ý cho quan điểm đó. Các chính sách của các Ngân hàng Trung ương chắc chắn không phải là yếu tố duy nhất cấu thành chu kỳ lạm phát hiện tại. Đặc biệt, cuộc chiến ở Ukraine đang làm méo mó thị trường ngũ cốc và năng lượng toàn cầu. Điều đó và những căng thẳng địa chính trị khác, cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, cũng là động lực dẫn đến lạm phát mà chúng ta đang thấy.

Các Ngân hàng Trung ương có thể đang tạo ra khủng hoảng thanh khoản
Một con cò bay trên cánh đồng lúa mì khi một máy gặt liên hợp của công ty nông nghiệp TVK Seed thu hoạch lúa mì không xa Myronivka, Ukraine, vào ngày 29/07/2022. (Ảnh: Alexey Furman / Getty Images)

Chính sách giảm phát cũng có thể gây ra sự bất ổn

Mặt khác, trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, các Ngân hàng Trung ương đang tăng lãi suất và thắt chặt cung tiền. Hai chính sách này nhằm chống lại ảnh hưởng của lạm phát và chúng có thể làm được điều đó. Tuy nhiên, như ngay cả Fed cũng thừa nhận, chúng có thể gây ra những điều tệ hại hơn.

Nghiên cứu của Đại học Bath chỉ ra rằng cũng giống như việc các Ngân hàng Trung ương áp dụng quá mức các chính sách QE theo chủ nghĩa mở rộng tiền tệ của họ trong vài năm qua, có khả năng Fed sẽ tăng lãi suất quá mạnh mẽ và chính sách thắt chặt tiền tệ của nó sẽ duy trì quá lâu.

Cơ sở lý luận của cả hai biện pháp này là lãi suất cao hơn làm tăng chi phí đi vay và do đó, cuối cùng sẽ làm giảm nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ. Phản ứng dây chuyền sẽ làm cho lạm phát (giá cả hàng hóa) giảm xuống. Thắt chặt tiền tệ tất nhiên đồng nghĩa với việc giảm lượng tiền trong nền kinh tế, điều này cũng khiến giá cả giảm xuống.

Việc tìm nơi trú ẩn làm gia tăng khủng hoảng thanh khoản

Như đã lưu ý, sự bất ổn thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm những nơi an toàn hơn để gửi tiền của họ.

Nghiên cứu của Bath chỉ ra rằng “trong khủng hoảng tài chính và thời kỳ thị trường bất ổn, các nhà đầu tư chuyển tiền sang nơi họ cảm thấy an toàn hơn. Việc di chuyển tới đến nơi an toàn này có thể dẫn đến sự thiếu hụt thanh khoản lớn, buộc các ngân hàng và công ty tài chính phải bán hạ giá chứng khoán để đáp ứng nhu cầu thanh khoản gia tăng, từ đó làm giảm giá cổ phiếu của khu vực tài chính”.

Trên thực tế, khi sự chênh lệch giữa lãi suất quỹ liên bang và lãi suất tiền gửi tăng lên - được gọi là chênh lệch tiền gửi - thì việc mọi người giữ tiền mặt và cả tiền gửi ngân hàng sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Do đó, các hộ gia đình và doanh nghiệp chuyển tiền của họ từ tiền gửi ngân hàng sang các tài sản khác thường kém thanh khoản hơn nhưng mang lại lợi nhuận tốt hơn, chẳng hạn như trái phiếu. Khi các khoản tiền gửi được rút khỏi ngân hàng, các ngân hàng có ít tiền hơn để cho vay và khả năng thanh khoản bị thu hẹp.

Đây là một nỗi sợ hãi thực sự của Fed.

Tính thanh khoản giữ cho thị trường hoạt động

Lo ngại về tính thanh khoản đã xuất hiện trên các thị trường vì một số lý do, bao gồm cả cuộc chiến ở Ukraine. Ngay cả Fed gần đây cũng đã tuyên bố trong báo cáo bán niên vào tháng 05/2022 về những lo ngại của họ về các vấn đề thanh khoản. Không nghi ngờ gì về việc các nhà đầu tư nhận thức rõ những lo lắng của Fed.

Các Ngân hàng Trung ương có thể đang tạo ra khủng hoảng thanh khoản
Ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều trần trước Ủy ban Các vấn đề Đô thị, Nhà ở và Ngân hàng Thượng viện ngày 22/06/2022 tại Washington, DC. Powell đã ra điều trần về Báo cáo Chính sách tiền tệ bán niên trước Quốc hội. (Ảnh: Win McNamee / Getty Images)

Ví dụ, hãy nhớ rằng các thị trường Mỹ là các thị trường lớn nhất và thành công nhất trên thế giới vì tính thanh khoản sâu của chúng cũng như sức mạnh và sự phổ biến của đồng USD. Hầu hết mọi tài sản đều có thể được đổi thành USD mà không có bất kỳ sự gián đoạn nào về giá của chính tài sản đó. Thị trường vốn Mỹ không thể hoạt động nếu không có đủ thanh khoản để cho phép các giao dịch như vậy diễn ra suôn sẻ và có thể đoán trước được. Tuy nhiên, điều đó giờ là một rủi ro.

Cách các nhà phân tích tài chính đo lường tính thanh khoản là khác nhau. Trong thị trường chứng khoán, các chỉ số thanh khoản bao gồm khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày, số lượng cổ phiếu chứng khoán được mua và bán, hay thứ gọi là độ sâu thị trường, đo lường cả số lượng cổ phiếu hoặc hợp đồng thấp hơn giá chào mua hoặc cao hơn giá chào bán.

Các lý do khác khiến thanh khoản trên thị trường chứng khoán giảm là các quy định đã làm giảm số lượng đơn đặt hàng được hiển thị. Điều này làm giảm thông tin thị trường có sẵn cho các nhà giao dịch và nhà tạo lập thị trường (những người tham gia vào cả mua và bán chứng khoán), dẫn đến giao dịch kém tích cực hơn.

Các nhà đầu tư vô cùng lo lắng

Nhưng giới học thuật không phải là những người duy nhất lo ngại về những mặt trái tiềm ẩn của một Ngân hàng Trung ương hoạt động quá mức. Ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư của Bleakley Advisory Group, đã nói với vẻ lo lắng về đợt tăng lãi suất tiếp theo của Fed sắp diễn ra.

“Sau đợt tăng lãi suất vào tuần tới, chúng ta sẽ bắt đầu chơi một trò chơi nguy hiểm với tình trạng của nền kinh tế. Lần tăng lãi suất tiếp theo sẽ mới chỉ là lần thứ hai trong vòng 40 năm mà lãi suất của Fed sẽ vượt qua mức đỉnh trước đó trong một chu kỳ tăng lãi suất. … Chúng ta đang đi vào vùng nước nguy hiểm”, ông Boockvar nói với chương trình “Fast Money” (Tiền nhanh) của CNBC vào ngày 13/09.

Điều đáng lo ngại là nếu một trong hai chính sách [thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất] được áp dụng quá mức, một trong hai hoặc cả hai sẽ gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích cho nền kinh tế và gây thêm bất ổn trên thị trường, chứ không phải ít hơn. Đó là một giả định hợp lý. Tại thời điểm này, các nhà đầu tư ở tất cả các cấp đều không chắc chắn về mức độ mạnh mẽ và thời gian duy trì của các chính sách đó.

Sự không chắc chắn này, làm tăng thêm tâm lý tiêu cực, kết hợp với lãi suất cao hơn và nguồn cung tiền nhỏ hơn, đang gây ra tình trạng thiếu thanh khoản, có thể gây ra tất cả các loại gián đoạn trong nền kinh tế, đặc biệt là ở các thị trường Mỹ.

Trên thực tế, thanh khoản đang dần dần bị cạn kiệt khỏi các thị trường khác nhau đến mức Fed đã cảnh báo rằng nó đe dọa sự ổn định tài chính.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu Fed sẽ cải thiện tình hình hay khiến nó trở nên tồi tệ hơn?

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo James Gorrie - The Epoch Times

Tác giả James R. Gorrie sống tại Nam California. Ông cũng là tác giả của cuốn sách The China Crisis (Cuộc khủng hoảng Trung Quốc) và của nhiều bài đăng trên blog: TheBananaRepublican.com.



BÀI CHỌN LỌC

Các Ngân hàng Trung ương có thể đang tạo ra khủng hoảng thanh khoản