Các nhà hoạch định chính sách châu Âu ngạc nhiên trước mức lạm phát cao kỷ lục 5% của tháng 12/2021

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu đạt mức cao kỷ lục mới là 5% vào tháng 12/2021. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về mức độ hiệu quả của chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). ECB vốn cho rằng lạm phát chỉ là vấn đề nhất thời.

Tháng 12/2021, lạm phát tại châu Âu bất ngờ tăng cao, khiến mọi việc trở nên ‘khó chịu’ hơn cho các nhà chức trách ECB, những người luôn đánh giá thấp áp lực ngày càng tăng của giá cả.

Lạm phát tháng 12 của 19 quốc gia trong khối đồng tiền chung Euro đã lên 5%, từ mức 4,9% vào tháng 11, cao hơn so với mức kỳ vọng 4,7% của các nhà phân tích.

Giá năng lượng ở mức cao, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, là nguyên nhân chính gây ra lạm phát.

Giá thực phẩm, dịch vụ và hàng hóa nhập khẩu cũng tăng cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát chung của ECB là 2%, theo dữ liệu từ Eurostat.

Các nút thắt trong chuỗi cung ứng và vấn đề lạm phát đã khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu đối với các sản phẩm bán lẻ, đồng thời chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.

Lạm phát (không tính giá thực phẩm và nhiên liệu) tháng 12 trong khối Euro đã tăng lên mức 2,7% trong, từ mức 2,6%.

Dự báo nội bộ cuối cùng trong tháng 12/2021 được đưa ra bởi ECB cho thấy, Ngân hàng Trung ương châu Âu tỏ ra lạc quan trước lạm phát với mức lạm phát dự báo chỉ là 1,8% cho cả năm 2023 và 2024.

Vào thời điểm đó, Ngân hàng Trung ương tuyên bố họ vẫn không thấy cần thiết phải nâng lãi suất vào năm 2022. Điều này khác với lập trường của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed.

ECB cho biết: “Vẫn cần thiết điều tiết tiền tệ để giữ lạm phát mục tiêu ổn định ở mức 2% trong trung hạn”. Vào tháng 12. ECB đã hạn chế mua tài sản hàng tháng nhưng cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc kích thích chi tiêu trong năm 2022.

Tới đây, các cơ quan quản lý có thể buộc phải thay đổi quan điểm khi Hội đồng quản trị của ECB sẽ nhóm họp vào ngày 03/02, nếu lạm phát tiếp tục tăng tốc. Tuy nhiên, sẽ không có hành động thay đổi chính sách nào từ ECB trước tháng 3.

Các nhà phân tích tại Ngân hàng Berenberg của Đức nói với CNBC: “Nếu lạm phát tiếp tục tăng cao và kéo dài dai dẳng, các ngân hàng trung ương có thể buộc phải phanh gấp”. Berenberg cho biết ECB có thể thực hiện những bước chuẩn bị cơ bản cho đợt tăng lãi suất đầu tiên vào mùa xuân năm 2023.

ECB hiện dự kiến ​​tỷ lệ lạm phát sẽ vượt quá mục tiêu 2% vào năm 2022, nhưng sẽ chỉ ở mức 3,2%.

Các chuyên gia của ECB tin rằng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau cú sốc đại dịch năm 2020, sự gia tăng lạm phát trong vài tháng trở lại đây sẽ dịu bớt vào cuối năm nay.

Một số nhà phân tích nhận định rằng Khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể đã đạt đến đỉnh điểm của lạm phát. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất đồng xung quanh việc lạm phát sẽ giảm nhanh như thế nào và chạm đáy ở đâu khi nền kinh tế ổn định.

Một số nhà hoạch định lạc quan thì tin rằng, sự gia tăng lạm phát chỉ là tạm thời và áp lực giá sẽ giảm bớt. Trong khi đó, một số nhà hoạch định chính sách khác cho rằng, lạm phát trên mục tiêu có thể kéo dài đến năm 2023.

Chi Anh

Theo The Epoch Times

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu ngạc nhiên trước mức lạm phát cao kỷ lục 5% của tháng 12/2021