Cán cân thương mại của Hàn Quốc với Trung Quốc thay đổi 180 độ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc, từng là nguồn thặng dư thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, đã trở thành nguồn thâm hụt lớn nhất của nước này trong tháng 01/2023. Sự trì trệ của kinh tế Trung Quốc đang tác động mạnh tới Hàn Quốc.

Hàn Quốc vốn là nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Trung Quốc. Giờ đây, nước này đang chứng kiến tình hình xuất khẩu ngày càng xấu đi do suy thoái kinh tế của Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê do Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) công bố vào cuối tháng 3, cán cân thương mại của Hàn Quốc với Trung Quốc ghi nhận mức thâm hụt 3,9 tỷ USD trong tháng 1, đánh dấu mức thâm hụt thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Trong hai tháng đầu năm 2023, thâm hụt thương mại với Trung Quốc lên tới 5,074 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc trở thành quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Hàn Quốc trong một tháng. Tháng trước, thâm hụt thương mại với Trung Quốc là 2,77 tỷ USD. Tính đến tháng 3, thâm hụt thương mại của Hàn Quốc với Trung Quốc đã kéo dài được 6 tháng.

Theo KITA, Hàn Quốc ghi nhận mức thặng dư thương mại lớn nhất với Trung Quốc (so với các nước khác) vào năm 2018 ở mức 55,636 tỷ USD, tiếp theo là mức thặng dư thương mại lớn thứ hai vào năm 2019 và lớn thứ ba vào năm 2020 và 2021. Năm 2022, mức thặng dư này tụt xuống vị trí thứ 22, chỉ với 1,213 tỷ USD.

Xuất khẩu của Hàn Quốc trì trệ

Theo bài báo của Yonhap News Agency, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc giảm do chính sách “zero-COVID” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các biện pháp phong tỏa vào năm ngoái. Những điều này khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại và xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc sụt giảm. Đồng thời, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh do giá nguyên liệu thô công nghiệp tăng, chẳng hạn như lithium. Thâm hụt cán cân thương mại của Hàn Quốc với Trung Quốc là một xu hướng được duy trì kể từ đầu năm 2023. Hàn Quốc dự kiến sẽ ghi nhận thâm hụt thương mại với Trung Quốc trong năm nay, 31 năm sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Theo dữ liệu do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc công bố vào ngày 01/04, xuất khẩu hàng tháng của Hàn Quốc đã giảm tháng thứ 6 liên tiếp tính đến tháng 3. Cán cân thương mại thâm hụt 13 tháng liên tiếp. Hàn Quốc đã thâm hụt thương mại 22,54 tỷ đô la trong 3 tháng đầu năm 2023, tương đương hơn một nửa so với mức thâm hụt thương mại 44,79 tỷ USD vào năm 2022.

Nhu cầu về chip bán dẫn, sản phẩm xuất khẩu chính của Hàn Quốc, đã giảm 8 tháng liên tiếp từ tháng 08/2022 đến tháng 03/2023 do suy thoái kinh tế toàn cầu. Mức giảm so với cùng kỳ năm ngoái là 44,5% trong tháng 1, 42,5% trong tháng 2 và 34,5% trong tháng 3.

Chất bán dẫn chiếm 18% kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc vào năm 2022. Xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Xuất khẩu chất bán dẫn sang thị trường này chiếm 40,3% tổng kim ngạch xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc vào năm ngoái.

Tình trạng trì trệ trong xuất khẩu chất bán dẫn được phản ánh trong kết quả hoạt động của các công ty Hàn Quốc. Samsung Electronics, một trụ cột của nền kinh tế Hàn Quốc, đã công bố lợi nhuận hoạt động là 600 tỷ KRW (won) (khoảng 460 triệu USD) trong quý đầu tiên của năm nay, giảm 95,75% so với năm trước. Đây là lần đầu tiên sau 14 năm kể từ quý đầu tiên của năm 2009, lợi nhuận hoạt động hàng quý của Samsung giảm xuống dưới 1 nghìn tỷ KRW (khoảng 760 triệu USD).

Samsung Electronics không tiết lộ kết quả cụ thể của từng bộ phận. Tuy nhiên, giới chứng khoán tin rằng bộ phận bán dẫn của công ty này, chiếm 60% đến 70% lợi nhuận hoạt động, đã lỗ khoảng 4 nghìn tỷ KRW (khoảng 3 tỷ USD), mức tồi tệ nhất trong lịch sử.

Hàn Quốc phụ thuộc vào nguồn khoáng sản từ Trung Quốc

Hàn Quốc phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc không chỉ đối với hoạt động xuất khẩu chất bán dẫn mà còn đối với việc nhập khẩu nguyên vật liệu cốt lõi cho pin sạc.

Theo KITA, 87,9% lượng lithium hydroxit nhập khẩu vào năm 2022, bao gồm cả lithium oxit, được sản xuất tại Trung Quốc. Sự phụ thuộc của Hàn Quốc vào lithium do Trung Quốc sản xuất là 64,9% vào năm 2018 và đã tăng lên hàng năm kể từ thời điểm đó. Tỷ lệ nhập khẩu coban được sử dụng làm vật liệu cực âm của pin từ Trung Quốc là 72,8% vào năm ngoái, so với 64,0% vào năm 2021. Tỷ lệ than chì tự nhiên được sử dụng làm vật liệu điện cực âm từ Trung Quốc là 94% vào năm ngoái, so với 87,5% vào năm 2021.

Vào cuối tháng 2, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng đã chọn lithium, niken, coban, mangan, than chì và 5 loại đất hiếm làm 10 khoáng sản cốt lõi chiến lược, cần thiết để sản xuất các sản phẩm công nghiệp tiên tiến chính, bao gồm pin, pin sạc và chất bán dẫn.

Cán cân thương mại của Hàn Quốc với Trung Quốc thay đổi 180 độ
Một nhà máy tinh chế đất hiếm gần thành phố Bao Đầu, Nội Mông Cổ, bên rìa sa mạc Gobi. Hầu hết nguồn đất hiếm của Trung Quốc đến từ khu vực Bao Đầu giàu khoáng sản. (Ảnh: Ed Jones/AFP qua Getty Images)

Trong số 10 loại khoáng sản cốt lõi chiến lược, Hàn Quốc phụ thuộc vào Trung Quốc đối với 9 loại khoáng sản (bao gồm 5 loại đất hiếm), không bao gồm niken.

Để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc, chính phủ Hàn Quốc đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nhập khẩu 10 loại khoáng sản cốt lõi chiến lược từ Trung Quốc xuống còn khoảng 50%.

Trung tâm Tài chính Quốc tế cho biết vào ngày 06/04 rằng tám ngân hàng đầu tư toàn cầu lớn - bao gồm Barclays, Merrill Lynch, Citibank và Goldman Sachs - vào cuối tháng 3 đã dự báo rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc vào năm 2023 sẽ ở mức trung bình 1,1%. Dự báo trung bình về tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2024 đã được hạ xuống 0,1% từ 2,1% vào cuối tháng 2 xuống 2,0% vào cuối tháng 3.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cán cân thương mại của Hàn Quốc với Trung Quốc thay đổi 180 độ