Cảnh báo: Tiền bạc đang trở thành công cụ giám sát người dân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tiền bạc đang dần dần đảm nhận một vai trò mới. Ngoài chức năng truyền thống là phương tiện trao đổi và lưu trữ giá trị, tiền ngày càng trở thành phương tiện giám sát và kiểm soát.

9Quyền riêng tư tài chính đã trở thành một trong những thứ bị tổn hại nhiều nhất trong cuộc hành quân không ngừng nghỉ của thế giới tiến tới hệ thống thanh toán kỹ thuật số. Các công ty như ngân hàng, công ty phát hành thẻ tín dụng, PayPal và Amazon không chỉ biết rõ thói quen mua hàng của bạn mà dữ liệu này còn thường xuyên được chuyển cho chính phủ để khai thác nhằm điều tra tội phạm mà không cần trát của tòa án.

Đằng sau hiện tượng này là cái mà một số người gọi là “cuộc chiến chống lại tiền mặt”. Mục tiêu được nhắm đến là một xã hội không dùng tiền mặt. Quá trình chuyển đổi này có sự hợp tác của các ngân hàng và công ty công nghệ, cũng như sự phát triển của ngành công nghiệp “fintech” [công nghệ tài chính].

Một báo cáo của McKinsey, một công ty tư vấn quản lý, nói rằng 89% người Mỹ hiện đang sử dụng một số hình thức thanh toán kỹ thuật số và hơn hai phần ba người Mỹ sử dụng hoặc dự kiến sử dụng ví kỹ thuật số trong hai năm tới. Các nhà cung cấp dịch vụ cho các ví kỹ thuật số này bao gồm ngân hàng, PayPal, Apple Pay và Google Pay.

Một cuộc thăm dò vào tháng 08/2022 của Gallup cho thấy 60% người Mỹ hiện nay nói rằng họ thực hiện “chỉ một số ít” hoặc không mua hàng bằng tiền mặt, gần gấp đôi so với mức 32% người đã nói như vậy cách đây 5 năm. Và việc loại bỏ dần tiền mặt cũng kéo theo sự suy yếu của phương tiện trao đổi riêng tư nhất hiện nay.

Ông E.J. Antoni, một nhà kinh tế tại Quỹ Di sản, nói với The Epoch Times: "Một mặt, bạn có một mong muốn để gia tăng sự hiệu quả cho người tiêu dùng, cho doanh nghiệp và ngân hàng". “Mặt khác, bạn có những người muốn một xã hội không dùng tiền mặt vì nó tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sang tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, và vấn đề là cả hai nhóm này đều muốn điều giống hệt nhau".

Các ngân hàng, tổ chức phát hành thẻ tín dụng, công ty thanh toán và công ty công nghệ thu lợi từ phí dịch vụ đi kèm với thanh toán kỹ thuật số. Các ngân hàng tiết kiệm được chi phí do không phải xử lý tiền mặt hoặc tương tác trực tiếp với khách hàng, cũng như từ thực tế là các giao dịch kỹ thuật số yêu cầu phải có tài khoản tại ngân hàng hoặc công ty fintech khác. Đó là một hệ thống mà con người ngày nay gần như buộc phải tham gia.

Người tiêu dùng đã chấp nhận quá trình chuyển đổi này vì sự tiện lợi và do họ không nhận thức được hoặc không lo lắng đến việc mất mát quyền riêng tư cá nhân mà nó mang lại. Cơ quan thực thi pháp luật cũng hỗ trợ quá trình chuyển đổi vì các giao dịch kỹ thuật số để lại dấu vết có thể được theo dõi và khai thác.

Cảnh báo: Tiền bạc đang trở thành công cụ giám sát người dân
Thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng được sắp xếp trên bàn vào ngày 06/04/2020 tại Arlington, Virginia, Mỹ. (Ảnh: OLIVIER DOULIERY/AFP qua Getty Images)

Tăng cường giám sát

Trong hệ thống tài chính kỹ thuật số, các công cụ giám sát và kiểm soát là rất nhiều. Một loạt các luật tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát, bắt đầu với Đạo luật Bảo mật Ngân hàng (BSA) năm 1970, sau đó là Đạo luật Yêu nước năm 2001 và gần đây nhất là Đạo luật Cơ sở hạ tầng năm 2021. Ngân hàng, đại lý môi giới, sòng bạc, công ty thế chấp, quỹ tương hỗ, công ty dịch vụ tiền tệ và các tổ chức tài chính khác phải báo cáo cho Mạng lưới Thực thi Tội phạm Tài chính (FinCEN) liên bang tất cả các giao dịch trên $10.000 và bất kỳ giao dịch nào khác mà họ cho là “đáng ngờ”.

Có một điểm chung trong các luật này. Trong khi mở rộng phạm vi thông tin mà chính phủ được phép thu thập về công dân, chúng cũng quy định rằng các tổ chức tài chính và quan chức chính phủ không nên thông báo cho khách hàng rằng tài khoản của họ đang bị kiểm tra.

“Thay vì bảo vệ quyền riêng tư của người gửi tiền, các tổ chức tài chính buộc phải bảo vệ tính bí mật của các cuộc điều tra của chính phủ”, ông Nicholas Anthony nói trong một báo cáo của Viện Cato, “cho dù những cuộc điều tra đó có cơ sở buộc tội hợp pháp hay không”.

Chỉ riêng trong năm 2019, FinCen đã báo cáo rằng hơn 20 triệu báo cáo hoạt động đáng ngờ (SAR) đã được nộp bởi hơn 97.000 tổ chức tài chính của Mỹ. Chúng “cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích tiềm năng cho các cơ quan có nhiệm vụ phát hiện và ngăn chặn rửa tiền, các tội phạm tài chính khác và khủng bố”.

Ngưỡng 10.000 USD được đặt ra vào năm 1970 theo BSA sẽ tương đương với hơn 72.000 USD ngày nay khi tính đến lạm phát. Tuy nhiên, ngưỡng này không được lập dựa trên lạm phát, có nghĩa là ngày càng có nhiều người Mỹ hơn đang bị theo dõi theo một đạo luật được đề ra nhằm để đối phó với các giao dịch tội phạm quy mô lớn. Vào năm 2021, chính quyền Biden đã cố gắng ban hành ngưỡng thậm chí còn thấp hơn là 600 USD, mặc dù nỗ lực này cuối cùng đã bị đình chỉ.

Vào tháng 02/2022, tờ New York Post đưa tin rằng, Bank of America đã khai thác dữ liệu tài khoản khách hàng của mình sau cuộc bạo loạn ngày 06/01 để xác định xem ai trong số khách hàng của họ có thể đã đến Washington D.C., mua hàng hoặc sử dụng máy ATM ở đó hoặc mua vũ khí xung quanh thời gian đó. Thông tin tài khoản của hơn 200 khách hàng, được thu thập mà không có trát, được cho là đã bị bàn giao cho FBI.

Mạng lưới giám sát bị mở rộng ra ngoài các ngân hàng. Vào tháng 09/2022, các công ty thẻ tín dụng Visa, MasterCard và American Express đã quyết định bắt đầu theo dõi các giao dịch mua súng, nhằm chuyển giao cho cơ quan thực thi pháp luật bất kỳ thông tin giao dịch mua nào mà họ cho là “đáng ngờ”. Sau sự phản đối kịch liệt của công chúng, hiện tại các công ty thẻ đã tạm dừng nỗ lực này.

Tất cả những hành động này tạo ra những kho dữ liệu khổng lồ để các quan chức chính phủ thu thập và phân loại. Thực tế là, kiểu giám sát không cần trát này vi phạm Tu chính án thứ tư của Hiến pháp Mỹ, nghiêm cấm việc chính phủ khám xét mà không có “lý do hợp lý” khẳng định rằng công dân bị khám xét đã phạm tội.

Bất chấp sự bảo vệ của Hiến pháp, Tòa án Tối cao đã bác bỏ các phản đối đối với BSA. Cơ quan này cho rằng chính phủ có thể tiến hành khám xét không cần trát theo cái được gọi là quy tắc “bên thứ ba”. Quy tắc này cho rằng, khi một người chia sẻ dữ liệu cá nhân của họ với bên thứ ba, chẳng hạn như một ngân hàng, quyền riêng tư không còn được áp dụng. Tuy nhiên, có lý do để tin rằng Tòa án Tối cao hiện nay có thể có quan điểm khác.

Trong báo cáo Cato của mình, ông Anthony tuyên bố rằng, việc sử dụng tài khoản ngân hàng và dịch vụ thanh toán kỹ thuật số là rất cần thiết cho cuộc sống hàng ngày hiện nay. Hầu hết người Mỹ thậm chí cực kỳ khó thực hiện giao dịch, hoặc thậm chí tồn tại, bên ngoài hệ thống này. Vì lý do này, cả các thẩm phán Tòa án Tối cao theo chủ nghĩa cấp tiến và bảo thủ đều tỏ ra sẵn sàng xem xét lại quy tắc “bên thứ ba”. Họ có thể hạn chế khả năng tiến hành khám xét không cần trát của các quan chức chính phủ, nếu một vụ án liên quan được xem xét.

“Có thể cần phải xem xét lại tiền đề rằng một cá nhân không có kỳ vọng hợp lý về quyền riêng tư trong thông tin được tiết lộ cho bên thứ ba”, Thẩm phán Sonia Sotomayor đã viết trong vụ kiện United States v. Jones năm 2012. “Cách tiếp cận này không phù hợp với thời đại kỹ thuật số, trong đó mọi người tiết lộ rất nhiều thông tin về bản thân cho bên thứ ba trong quá trình thực hiện các việc thông thường”.

Cảnh báo: Tiền bạc đang trở thành công cụ giám sát người dân
Một camera giám sát được đặt trên một chiếc ô tô bên ngoài Tòa án Hình sự Manhattan ở Thành phố New York, Mỹ, vào ngày 03/04/2023. (Ảnh: Kena Betancur/Getty Images)

Quốc gia tiên phong

Khi thế giới tiến tới một xã hội không tiền mặt, một trong những quốc gia tiên phong là Thụy Điển.

Sử dụng các ứng dụng fintech như Swish, BankID và Klarna, tỷ lệ người Thụy Điển vẫn thanh toán bằng tiền mặt đã giảm từ 39% năm 2010 xuống còn 9% vào năm 2020. Một vi mạch được cấy vào tay một người, thứ có thể dễ dàng vẫy qua cảm biến trong các cửa hàng để thực hiện thanh toán, đã trở nên phổ biến, với hàng nghìn người Thụy Điển đã chọn cấy ghép nó. Thụy Điển cũng đang thử nghiệm một CBDC (tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương) có tên là E-krona.

Một công ty Anh-Ba Lan tên là Walletmor cũng đã phát triển một con chip thanh toán được cấy ghép, con chip này sẽ phát sáng dưới da của bạn khi thực hiện thanh toán.

Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Walletmor, Wojtek Paprota cho biết, con chip này “hoàn toàn an toàn, được cơ quan quản lý phê duyệt, hoạt động ngay sau khi được cấy ghép và sẽ giữ nguyên vị trí. Nó cũng không yêu cầu pin hoặc nguồn năng lượng khác”.

Xu hướng không dùng tiền mặt cũng đang gia tăng ở Mỹ. Một cuộc khảo sát của Pew Research vào tháng 10/2022 cho thấy rằng, “trong vòng chưa đầy một thập kỷ, tỷ lệ người Mỹ không dùng tiền mặt trong một tuần thông thường đã tăng ở mức hai con số”. Ngày nay, cuộc khảo sát cho thấy, 41% người Mỹ nói rằng không có giao dịch mua nào của họ trong một tuần thông thường được thanh toán bằng tiền mặt, tăng từ 24% vào năm 2015.

Nhưng sự sụt giảm trong thanh toán bằng tiền mặt là không đồng đều giữa các nhóm nhân khẩu học. Ví dụ, trong số những người Mỹ kiếm được hơn 100.000 USD mỗi năm, chỉ có 5% thực hiện một số lượng đáng kể các giao dịch mua bằng tiền mặt. Trong số những người kiếm được ít hơn 40.000 USD mỗi năm, khoảng 20% sử dụng tiền mặt thường xuyên hoặc chỉ sử dụng tiền mặt.

Một xã hội không tiền mặt là điều mà người Mỹ nói rằng họ không muốn. Một cuộc khảo sát của tổ chức Civic Science cho thấy 62% người Mỹ nói rằng họ phản đối ý tưởng về một xã hội không dùng tiền mặt. Mặc dù người cao tuổi thường gắn bó hơn với thanh toán bằng tiền mặt và thế hệ trẻ có nhiều khả năng sử dụng fintech hơn, nhưng cuộc khảo sát cũng cho thấy “những người trẻ tuổi cũng là những người có nhiều khả năng sử dụng tiền mặt nhất và ít có khả năng sử dụng trực tiếp thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng nhất để mua hàng. Gen Z nói riêng đang sử dụng các giải pháp thay thế cho thẻ nhựa thanh toán, bao gồm cả việc viết séc”.

Cái kết với CBDC

Cảnh báo: Tiền bạc đang trở thành công cụ giám sát người dân
Thành viên hội đồng quản trị của Ngân hàng Litva, ông Marius Jurgilas, phát biểu trong cuộc họp báo để giới thiệu đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương đầu tiên của khu vực đồng euro vào ngày 09/07/2020 tại Vilnius, Litva. Ngân hàng Litva đã phát hành đồng "LBCOIN" vào ngày 23/07/2020. (Ảnh: PETRAS MALUKAS / AFP qua Getty Images)

Ít ai nằm ngoài chính phủ có vẻ muốn CBDC. Tuy nhiên, đối với nhiều chính phủ bao gồm cả chính quyền Biden, việc giới thiệu CBDC, một dạng tiền kỹ thuật số có thể lập trình, có thể theo dõi, do các cơ quan chính phủ trực tiếp phát hành và được giữ trong các “ví” kỹ thuật số, là ưu tiên hàng đầu.

Theo Công cụ theo dõi CBDC của Hội đồng Đại Tây Dương, tính đến ngày 01/03, 65 quốc gia đang trong giai đoạn phát triển CBDC ở cấp độ cao. Hơn 20 quốc gia đã triển khai thử nghiệm và tổng số có 119 quốc gia đang trong giai đoạn phát triển CBDC, đại diện cho hơn 95% GDP của thế giới. Chính quyền Biden cũng đã tích cực ủng hộ sự phát triển của CBDC Mỹ. Fed đã có các phiên bản thử nghiệm beta của nó, cả cho thanh toán trong nước và thanh toán quốc tế.

“Mô hình thông thường của [CBDC] là mọi người đều có thể có tài khoản ngân hàng trên sổ sách của Hệ thống Dự trữ Liên bang, và đó chắc chắn là một con đường dẫn đến sự giám sát”, ông Lawrence White, giáo sư kinh tế tại Đại học George Mason, nói với The Epoch Times. “Tài khoản ngân hàng của bạn không riêng tư như bạn nghĩ hiện nay, nhưng ít nhất chính quyền liên bang không có quyền truy cập theo thời gian thực vào mọi tờ séc bạn đã viết và không biết bạn đã chi tiêu nó ở đâu và bạn nhận tiền từ đâu; với một đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương, họ có thể".

“Rõ ràng, đó là mục đích của hệ thống đang được triển khai ở Trung Quốc”, ông White nói. “Nó được triển khai chính xác để giám sát mọi người và hạn chế chi tiêu của họ vào những thứ không được phê duyệt. Vì vậy, đó chắc chắn không phải là mô hình mà chúng ta muốn bắt chước ở Mỹ, và có một mối nguy hiểm, không phải là bất kỳ ai ở Fed cũng muốn tham gia vào hoạt động giám sát, mà họ sẽ chịu áp lực từ các cơ quan liên bang khác muốn có thông tin về khách hàng của họ, và Fed không thể chống lại họ”.

"Hiện nay chúng ta không biết ai đang sử dụng tờ 100 USD, chúng ta không biết ai đang sử dụng tờ 1.000 peso ngày nay”, ông Agustin Carstens, Tổng giám đốc của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, cho biết vào tháng 10/2020. “Sự khác biệt chính với CBDC là Ngân hàng Trung ương sẽ có quyền kiểm soát tuyệt đối đối với các quy tắc và quy định sẽ xác định việc sử dụng nghĩa vụ nợ đó của Ngân hàng Trung ương [đồng tiền] và chúng ta cũng sẽ có công nghệ để thực thi điều đó”.

Cảnh báo: Tiền bạc đang trở thành công cụ giám sát người dân
Đồng đô la Mỹ và đồng peso của Argentina vào ngày 27/12/2022. (Ảnh: FRED TONNEAU/AFP qua Getty Images)

“Một trong những điều bạn có thể làm với tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương là, thay vì cố gắng thao túng mọi người thông qua mã số thuế, bạn có thể tác động trực tiếp đến việc mua hàng của họ bằng cách chỉ cần quy định X phần trăm thu nhập của bạn có thể được chi cho bất kỳ thứ gì liên quan đến nhiên liệu hóa thạch, cho dù đó là ô tô chạy bằng xăng, thiết bị chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, bất kể trường hợp nào”, ông Antoni nói. “Có thể một tỷ lệ phần trăm điện nhất định của bạn đến từ nhiên liệu hóa thạch, trong trường hợp đó, bạn chỉ được phép sử dụng một số kilowatt giờ nhất định mỗi tháng”.

Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ và một số tiểu bang bảo thủ của Mỹ đã thực hiện các bước để ngăn chính quyền Biden thiết lập CBDC. Vào tháng 3, Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng hòa - Texas) đã đưa ra dự luật cấm chính phủ liên bang áp dụng CBDC. Cũng trong tháng 3, Florida và Texas thực hiện các động thái nhằm cấm việc sử dụng CBDC ở Mỹ.

Ông Dror Goldberg, giáo sư kinh tế tại Đại học Mở của Israel, nói với The Epoch Times: “Tôi nghĩ rằng sự phản kháng ở Mỹ là quan trọng bởi vì tôi không nghĩ rằng ở các quốc gia khác sẽ có đủ sự phản kháng đối với nó”. “Tôi nghĩ ở Mỹ, bạn có thể chiến đấu tốt và ngăn chặn nó. Ở các nước khác, tôi không thấy điều đó xảy ra”.

Đóng băng tài khoản của người chống đối

Một trong những vụ việc đáng chú ý nhất về kiểm soát tài chính, ngay cả khi không có CBDC, xảy ra ở Canada vào tháng 02/2022. Chính phủ Canada đã ra lệnh cho các ngân hàng đóng băng tài khoản và thẻ tín dụng của những người lái xe tải đang phản đối các hạn chế về đại dịch.

Phó Thủ tướng Chrystia Freeland tuyên bố: “Hôm nay chúng tôi gửi thông báo nếu xe tải của bạn đang được sử dụng trong các cuộc phong tỏa bất hợp pháp này, tài khoản công ty của bạn sẽ bị đóng băng". Bà nói: “Bảo hiểm trên chiếc xe của bạn sẽ bị đình chỉ”, đồng thời cho biết thêm rằng, các tài khoản cá nhân cũng sẽ được đưa vào lệnh.

Các quan chức Canada đe dọa những nhà tài trợ đã quyên góp cho các ứng dụng như GoFundMe và GiveSendGo để ủng hộ những người lái xe tải bằng hình phạt tương tự. Nhiều người Mỹ tin rằng điều này không thể xảy ra ở Mỹ, nhưng một số nhà phân tích thì không tự tin vào điều đó.

Với “sự sẵn sàng rõ ràng của Quốc hội trong việc mở rộng việc vũ khí hóa cơ sở hạ tầng tài chính”, ông Anthony nói, “thật hợp lý khi nghĩ rằng Mỹ sẽ làm điều tương tự nếu gặp tình huống khẩn cấp tương tự”.

Ông Antoni nói: “Đó là điều mà [George] Orwell [một tác giả nổi tiếng] có lẽ cũng không thể tưởng tượng tới vì công nghệ không có sẵn". “Nhưng khi công nghệ tiếp tục phát triển, thật không may, chúng ta đang chứng kiến một cuộc diễu hành được tiếp diễn hướng tới chế độ nông nô, mượn một cụm từ của [F.A.] Hayek [một nhà kinh tế học nổi tiếng]”.

Ông Antoni nói, nếu chính phủ Mỹ cần thực thi một chính sách nhất định, thì họ sẽ không nhất thiết phải bắt giữ những người không tuân thủ. “Thay vào đó, những gì họ sẽ làm chỉ đơn giản là khiến cho khi bạn đi mua hàng tạp hóa, thẻ tín dụng của bạn bị từ chối”.

“Tiền của bạn hoàn toàn trở thành một phương tiện kiểm soát chứ không chỉ là một phương tiện trao đổi”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cảnh báo: Tiền bạc đang trở thành công cụ giám sát người dân