CCTV đưa tin sai sự thật về xả lũ, người dân Trung Quốc biểu tình, xung đột với cảnh sát

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền xả lũ khiến thành phố Bá Châu thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc bị ngập lụt, hàng chục nghìn người mất nhà cửa, của cải bị cuốn trôi. Tuy nhiên, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV lại đưa tin sai rằng trận lũ là “do mưa lớn gây ra”. Tuyên bố này đã châm ngòi cho cơn giận trong dân chúng. Vào ngày 5/8, một cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra trước tòa nhà chính quyền ở Hà Bắc, giữa người biểu tình và cảnh sát xảy ra đụng độ.

Hôm 4/8, trang web của CCTV đăng bài viết có tiêu đề “Bá Châu, Hà Bắc: Trời mưa khiến một số ngôi làng bị nhấn chìm, tất cả những người bị mắc kẹt đã được chuyển đi”. Trong đó viết rằng lũ lụt ở Bá Châu là “do ảnh hưởng của mưa”. CCTV News cũng phát tin tức này cùng lúc.

Tin tức đã làm phẫn nộ những người dân vùng lũ. Ngày 5/8, người dân làng Đông Dương Trang thuộc thành phố Bá Châu đã đến tòa nhà chính quyền để kháng nghị. Họ giương cao biểu ngữ "Trả lại nhà cho tôi, rõ ràng là do xả lũ, nhưng lại nói là do mưa".

Đoạn video được đăng tải trên Internet cho thấy, những người có mặt tại hiện trường đã rất tức giận và lớn tiếng phản đối. Khi người dân đang quay video, nhân viên công tác tại hiện trường đã ngăn mọi người ghi hình. Người dân chất vấn: “Tại sao không cho quay", “chúng tôi cứ quay đấy!”. Cũng có video cho thấy xung đột gay gắt đã nổ ra tại hiện trường, có một nhóm người mặc đồ đen cầm khiên của cảnh sát và đánh dân làng.

Một nữ dân làng ở làng Đông Dương Trang nói với The Epoch Times vào ngày 5/8 rằng tại hiện trường có hàng nghìn người. Khi đó, chính quyền không cử cán bộ nào ra để trao đổi với dân làng và bồi thường cho người dân.

Một người dân ở ngôi làng bên cạnh làng Đông Dương Trang cho biết hôm 5/8 rằng, có nhiều người đến tòa thị chính, cảnh sát muốn bắt hai người dẫn đầu cuộc biểu tình nhưng những thôn dân khác không cho, hai bên xảy ra xung đột, không rõ cuối cùng giải quyết thế nào.

Trước sự bất mãn của dân chúng và áp lực của dư luận, ngày 5/8, Thành ủy Bá Châu và Chính quyền thành phố Bá Châu đã gửi thư cho dân làng, cho biết từ 2h sáng ngày 1/8, tỉnh Hà Bắc đã quyết định kích hoạt khu vực chứa, trữ nước lũ Đông Điến. Khu Đông Điến nằm ở giữa bờ bắc và bờ nam của sông Đại Thanh - nơi giao giới của tỉnh Hà Bắc và thành phố Thiên Tân.

Theo bức thư, "Tất cả người dân trong khu vực Đông Điến của thành phố chúng ta đều tuân theo mệnh lệnh, tích cực hưởng ứng và rời khỏi ngôi nhà sinh sống bấy lâu nay của mình mà không do dự". Bức thư này cũng đồng nghĩa với việc giới chức thừa nhận lũ lụt ở Bá Châu là do "xả lũ".

Tuy nhiên, “thư chữa cháy” của quan chức địa phương cũng không thể dập tắt được sự tức giận của người dân. Trong hôm 5/8, cư dân mạng tiếp tục sôi sục, họ đăng tải các video, hình ảnh lũ lụt để bày tỏ sự phản đối với nhà cầm quyền Trung Quốc.

Một cư dân mạng có tên "芽孢xl" cho biết: "Trang web của CCTV đã bóp méo sự thật. Bá Châu và Trác Châu chịu nạn xả lũ, nước lũ lớn như vậy. Biết bao thôn làng, biết bao ngôi nhà đã mất dạng. Ảnh chụp từ trên không các ngôi làng cho thấy nước lũ cao tới mức chỉ còn thấy mái nhà, [các vị] nói rằng do mưa, nói vậy không thấy có lỗi với những người nông dân bị mất gia đình sao?! Những mất mát của họ thì sao? Nhà của của họ thì sao? Họ phải di dời vì cái gì?! Khi cơn bão Doksuri đến, lượng mưa ở hai nơi này là bao nhiêu? Weibo của chính quyền có thể đưa tin chân thực không?!".

Cư dân mạng "欢乐斗地主选手" bình luận: "Trận lũ này không chỉ nhấn chìm hàng chục nghìn mẫu đất màu mỡ mà còn làm hư hại hàng chục nghìn ngôi nhà và tài sản của doanh nghiệp. Vô số nạn nhân mất nhà cửa và trở thành vô gia cư. Bá Châu có 47 ngôi làng, những ngôi làng này đã bị nhấn chìm. Hy vọng rằng tất cả các kênh truyền thông sẽ nói đúng sự thật và đừng nói rằng những thiệt hại về tài sản do xả lũ gây ra ở Bá Châu, Hà Bắc là do mưa gây ra nữa! Bá Châu đã phải chịu đựng rất nhiều!”.

Nước ngập vào nhà ở Bá Châu. (Ảnh Weibo)

Cư dân mạng "我是滑坡呀" nói, "Lũ ở Bá Châu tuyệt đối không phải do mưa gây ra! Xung quanh Bá Châu hai ngày nay không có mưa, thế nhưng mực nước cứ dâng cao! Rốt cuộc là tại sao, các vị tự mình suy nghĩ đi! Vào thời điểm đặc biệt, khi phát ngôn càng cần phải có cơ sở lý luận! Nhiều công ty bị phá hủy chỉ trong chốc lát, bao nhiêu người phải di tản như vậy, sao có thể nói là do mưa lớn!".

"Bo念旋思贤" nói: "CCTV bịa đặt, lừa dối người dân. Lính cứu hỏa đâu? Hơn một nửa ngôi làng ở Bá Châu đều là do người dân chúng tôi tổ chức nhóm tình nguyện viên để chống lại tác động của lũ lụt. Hiện giờ có làng đã bị ngập. Không thấy ngại khi nói rằng lính cứu hỏa đã giải cứu người dân sao? Là do mưa gây ra? Có cơn mưa nào có thể làm ngập một ngôi làng? CCTV hãy tôn trọng sự thật, một nửa Bá Châu đã phải trả giá đắt cho việc xả lũ, nhà xưởng đi thuê bị phá hủy, nhà máy bị cuốn trôi, cơ nghiệp mấy chục năm đều thành bong bóng. Chúng tôi đều là tình nguyện viên của làng mình tự phát tham gia cứu hộ, không phải lính cứu hỏa, vì vậy đừng bóp méo sự thật và khiến người dân cảm thấy đau lòng”.

Tài khoản "张颖颖没关系" chỉ ra: "Rõ ràng là do xả lũ, nhưng lại nói là do mưa. Chúng tôi đã từ bỏ nhà cửa để nhường chỗ cho dòng lũ. Cả gia đình phân tán ở nhiều nơi để tìm chỗ thoát thân. Nhìn cơn lũ dần nhấn chìm quê hương, chúng tôi không thể làm gì được, chỉ biết khóc rồi lại khóc. Giờ đây chúng tôi đang chịu nỗi đau quê hương bị tàn phá, nhưng báo chí lại đưa tin sai, công lý ở đâu?”.

"我是suihua大冤种" nói: "Trận lũ này đã khiến chúng tôi mất nhà cửa, những phấn đấu cả đời đã trôi theo dòng lũ, nhưng tin tức [CCTV] lại nói rằng do chỗ chúng tôi bị mưa và ngập úng. Xin hãy lên tiếng một cách chính xác cho chúng tôi, hãy thay người dân vùng lũ chúng tôi đòi công lý. Một nửa huyện Văn An ở Bá Châu đã trở thành một đại dương bao la. Dân chúng đã phải vật lộn trong hàng chục năm mới có được cơ nghiệp nhưng nay tán gia bại sản chỉ trong chớp mắt! Có hàng ngàn người bị mắc kẹt, đều là tự chúng tôi phải tìm cách giải cứu họ”.

Nước lũ ngập gần chạm mái nhà xưởng ở Bá Châu. (Ảnh Weibo)
Nước lũ ngập công xưởng ở Bá Châu. (Ảnh Weibo)

Trước đó CCTV cũng vướng nghi vấn đưa tin giả về công cuộc giải cứu người dân vùng lũ Trác Châu

Hôm 2/8, các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc như CCTV, trang mạng Nhân dân (People's Daily Online), Xinhuanet… đưa tin rầm rộ rằng vào ngày 31/7, thành phố Trác Châu, tỉnh Hà Bắc đã khởi động cảnh báo đỏ và ban bố tình trạng khẩn cấp để kiểm soát lũ lụt ở tất cả các con sông. Các sĩ quan và binh sĩ của một lữ đoàn thuộc Tập đoàn quân 82 của Lục quân đã cấp tốc đến Trác Châu ngay trong đêm sau khi nhận được lệnh của cấp trên, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ chi viện khẩn cấp ở thôn Vọng Hải Trang và thôn Chu Trang.

CCTV đưa tin: “Sau 6 tiếng liên tục chiến đấu hăng hái, con đê dài 200 mét đã được lấp đầy các bao cát, các lỗ hổng đã được chặn lại, mối nguy hiểm đã được kiểm soát một cách hiệu quả”.

CCTV đưa tin các binh sĩ của Tập đoàn quân 82 đang lấp đê ở thôn Vọng Hải Trang và thôn Chu Trang. (Ảnh chụp màn hình)

Tuy nhiên, một người dân ở làng Chu Trang thuộc thị trấn Đậu trang, thành phố Trác Châu, đã vạch trần tuyên truyền sai lệch của chính quyền.

Người dân làng nói trong một đoạn video do ông tự quay, "Bây giờ là ngày 2/8. Đây là những gì Chính quyền thành phố Trác Châu cho biết trên bản tin, cảnh sát vũ trang lên tuyến đầu chống lũ, nhìn sơ ước chừng có 100 bao cát, có đoạn chỉ đắp một lớp bao cát. Đây chính là hiện trường của tuyến đầu chống lũ lụt, chính quyền thành phố Trác Châu lại cật lực tuyên truyền”.

Phóng viên The Epoch Times phát hiện ra rằng, vị trí người dân làng này quay video là trong khu vực xả lũ cạnh bờ kè phía đông của làng Chu Trang, thị trấn Đậu Trang, thành phố Trác Châu. Đây cũng chính là nơi các chiến sĩ Tập đoàn quân 82 gia cố bao cát ngay trong đêm mà truyền thông nhà nước đề cập đến. Nhưng trong hình ảnh do CCTV đăng tải, các bao cát có vỏ màu đỏ cam, còn đoạn video do người dân trên quay lại cho thấy các bao cát có vỏ màu trắng xám.

Điều đáng chú ý là mặc dù CCTV tuyên bố trận lụt năm nay ở Trung Quốc là "50 năm mới có một lần", nhưng không có hình ảnh nào cho thấy chính quyền huy động một lượng lớn quân đội tiến vào khu vực thiên tai để cứu hộ và cứu trợ. Còn hình ảnh cứu trợ thiên tai của một số cán bộ, chiến sĩ thuộc Tập đoàn quân 82 được nêu trên đã bị người dân địa phương tố cáo là sai sự thật.

Theo thông tin công khai, Tập đoàn quân 82 của Đảng Cộng sản Trung Quốc trực thuộc Lục quân của Chiến khu Trung bộ, sở chỉ huy quân sự của quân đoàn này đóng tại thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc.

Theo NTD và The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch và tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

CCTV đưa tin sai sự thật về xả lũ, người dân Trung Quốc biểu tình, xung đột với cảnh sát