Chúng ta vẫn nên ủng hộ thương mại tự do, cho dù là với Trung Quốc!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cuộc chiến thương mại chỉ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Nó không thúc đẩy cải cách ở các quốc gia, nó chỉ tạo ra xung đột. Mối quan hệ Mỹ - Nga là một minh chứng.

Năm 1796, Tổng thống đầu tiên của Mỹ George Washington đã có một bài phát biểu chia tay đầy xúc động. Nó tóm tắt những gì ông hy vọng sẽ là chính sách đối ngoại của Mỹ liên quan đến cả kinh tế và chiến tranh. “Quy tắc ứng xử tuyệt vời của chúng ta đối với các quốc gia nước ngoài", ông nói, "là mở rộng quan hệ thương mại của chúng ta, để chúng càng có ít liên hệ với chính trị càng tốt”.

Thomas Jefferson đồng ý với điều đó. Ông ủng hộ hòa bình và thương mại tự do, chứ không phải chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh. Hầu hết thế hệ Sáng lập của Mỹ cũng vậy. Họ đã học được từ Adam Smith bài học cốt lõi của kinh tế học: mở rộng phân công lao động là động lực chính tạo ra của cải. Không quan trọng điều này xảy ra trong nước hay quốc tế: lợi ích là như nhau.

Do đó, họ tin rằng Mỹ nên có thương mại tự do trong và ngoài nước, với càng ít can thiệp càng tốt. Nhưng khi làm như vậy, chúng ta cần tránh những rắc rối chính trị làm tổn hại đến chủ quyền của Mỹ và dẫn đến tham nhũng.

Đó đôi khi là một sự cân bằng khó giữ vững trong thế giới thực nhưng lý tưởng đó là một điều tuyệt vời. Nước Mỹ chưa bao giờ cần NAFTA để có thương mại tự do với Canada và Mexico, và nước Mỹ không cần Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để tạo điều kiện cho hoạt động thương mại với thế giới. Một chính sách kiểu George Washington sẽ đơn giản tạo điều kiện cho tự do thương mại trong và ngoài nước mà không cần phải có sự ưu ái có đi có lại hay hiệp định thương mại nào cả. Buôn bán được coi là một quyền, một công cụ thiết yếu để mưu cầu hạnh phúc.

Chắc chắn, nhà khai quốc Alexander Hamilton là một ngoại lệ. Ông thân thiện hơn nhiều với ý tưởng về cái mà sau này được gọi là chính sách công nghiệp. Ông cũng ủng hộ một ngân hàng trung ương và vay nợ. Ông muốn có thuế quan để xây dựng khu vực công nghiệp và cung cấp doanh thu. Những người theo chủ nghĩa Jefferson và những người theo chủ nghĩa Hamilton đã tranh cãi với nhau kể từ những ngày đầu đó. Và hôm nay chúng ta lại tiếp tục đối mặt với cuộc tranh luận đó.

Sự do dự trước thương mại tự do của Mỹ

Chúng ta vẫn nên ủng hộ thương mại tự do, cho dù là với Trung Quốc!
Các container vận chuyển được xếp chồng lên nhau trên một con tàu cập cảng Oakland vào ngày 07/06/2023 tại Oakland, California, Mỹ. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Chắc chắn là Mỹ luôn do dự về vấn đề thương mại tự do. Bản thân cuộc Nội chiến đã chứng kiến đọ sức giữa một miền Bắc công nghiệp hóa với một miền Nam nông nghiệp muốn duy trì hai thể chế không tương thích: thương mại tự do và chế độ nô lệ. Miền Bắc cũng muốn một cái gì đó không nhất quán; không phải chế độ nô lệ mà là sự can thiệp lớn để hỗ trợ lĩnh vực công nghiệp với thiệt hại thuộc về người tiêu dùng và nhà sản xuất. Chiến thắng của miền Bắc đồng nghĩa với việc áp dụng thuế quan công nghiệp và việc triển khai cỗ máy chiến tranh trong Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ, những động thái dẫn đến việc thành lập Ngân hàng Trung ương và sự leo thang không cần thiết của Chiến tranh thế giới lần I.

Thương mại tự do quay trở lại sau chiến tranh và chiếm ưu thế cho đến khi Quốc hội thông qua quy định thuế quan Smoot-Hawley thảm họa vào năm 1930, gây ra suy thoái kinh tế và thúc đẩy xung đột. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, một niềm tin mới đã hình thành giữa các chính khách hàng đầu và các nhà lãnh đạo công nghiệp: sau chiến tranh, người Mỹ sẽ đặt ưu tiên cho thương mại tự do với mức thuế thấp dần. Hệ thống đầu tiên được gọi là Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) và nó xứng đáng nhận được nhiều sự ghi nhận cho sự tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc mà Mỹ đã trải qua từ năm 1950 đến năm 1965.

Một đặc điểm của giai đoạn này là sự thay đổi mạnh mẽ đối với nơi ra quyết định đối với chính sách thương mại. Hiến pháp Mỹ đặt hoạt động đó chắc chắn trong tay của Quốc hội. Nhưng luật pháp đã thay đổi điều đó khiến nó nằm trong tay cơ quan hành pháp Mỹ. Ý tưởng ở đây là Tổng thống có thể theo đuổi lợi ích công cộng hơn là sử dụng thương mại để mang lại lợi ích công nghiệp địa phương. Hệ thống đó đã hoạt động trong nhiều thập kỷ hoặc có vẻ như vậy.

Sau những thảm họa kinh tế của những năm 1970, ông Reagan lên nắm quyền cùng với một đảng thống nhất vì thương mại tự do, thứ cam kết đã giúp chiến thắng Chiến tranh Lạnh. Khi Đông Âu, Nga và cuối cùng là Trung Quốc chấp nhận tinh thần kinh doanh, bỏ qua hệ thống kế hoạch tập trung và sự cô lập, có vẻ như một thế giới mới với hòa bình và thương mại tự do đang ở trong tầm tay. Phần thương mại của chính sách đó đã hoạt động tốt nhưng phần hòa bình thì không, khi Mỹ dấn thân vào những cuộc phiêu lưu ở Trung Đông và cuối cùng gây ra các cuộc tấn công dữ dội trên đất Mỹ, do đó gây ra nhiều cuộc chiến tranh, can thiệp, nợ nần và sự kiểm soát tập trung hơn.

Chính trong thời kỳ này, một số lượng lớn người Mỹ bắt đầu có những nghi ngờ cơ bản về chế độ mà họ đang sống. Và điều này đã mở ra cơ hội cho những kẻ nổi loạn trong và ngoài hai đảng [Dân chủ và Cộng hoà] nhằm đưa ra những giải pháp thay thế cực đoan. Sự đồng thuận cho thương mại tự do bắt đầu sụp đổ.

Kết quả là, đã có một sự thay đổi mạnh mẽ trong Đảng Cộng hòa trong thế kỷ 21, từ bỏ quan điểm bảo vệ thương mại tự do của Reagan/Jefferson và hướng tới chủ nghĩa bảo hộ, thuế quan, và thậm chí cả khái niệm tự cung tự cấp hoàn toàn.

Điều này là một phản ứng đối với sự thối nát rõ ràng của chủ nghĩa toàn cầu, trong đó các quan chức xa cách và các công ty tư nhân tích lũy quyền lực và thực thi nó đối với người dân Mỹ. Nó cũng phản ánh nỗi đau của những thay đổi mạnh mẽ trong nền công nghiệp của Mỹ từ những năm 1980 trở đi. Trong khi đó, nhiều người đang tiếc nuối nhìn lại ý tưởng về thương mại tự do, đặc biệt là ý tưởng liên quan đến Trung Quốc và cả với toàn thế giới.

Chính sách của Trump

Chúng ta vẫn nên ủng hộ thương mại tự do, cho dù là với Trung Quốc!
Tổng thống Donald Trump chào đám đông trước khi rời khỏi Hội nghị thượng đỉnh Operation Warp Speed Vaccine ở Washington, Mỹ, vào ngày 08/12/2020. (Ảnh: Tasos Katopodis/Getty Images)

Tất nhiên, ông Trump đã thúc đẩy rất nhiều cho sự thay đổi này hoặc có lẽ ông ấy chỉ khai thác sự nhạy cảm trong vấn đề này. Khi đã ổn định sau khi trở thành Tổng thống, ông ấy đã chuyển hướng mạnh mẽ sang vấn đề thương mại. Ông đã phá vỡ tiền lệ 70 năm của chính sách Mỹ. Thuế quan mới áp đặt của ông không được thiết kế cho quy hoạch công nghiệp cũng như doanh thu mà cho một mục đích chưa từng được nêu ra trước đây: hoàn toàn là để cân bằng giá trị đồng USD của các luồng thương mại xuất nhập khẩu. Công cụ mà ông sử dụng là thuế quan đối với các loại hàng hóa nhằm vào các quốc gia.

Kết quả thực sự cực đoan theo bất kỳ tiêu chuẩn nào. Nó không giúp xây dựng lại cơ sở công nghiệp nhưng nó đã làm mất ổn định đáng kể những kỳ vọng liên quan đến Mỹ với tư cách là một đối tác. Thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, không chỉ Trung Quốc, đã tăng từ mức trung bình 4% lên 14% gần như chỉ sau một đêm. Khi bạn xem xét độ lớn của nó và đánh giá có bao nhiêu lợi ích công nghiệp trong và ngoài nước bị ảnh hưởng, bạn có thể bắt đầu hiểu được sự hoảng loạn đã diễn ra.

Những mức thuế này ảnh hưởng sâu sắc đến mối quan hệ của Mỹ với phần còn lại của thế giới, làm giảm đóng góp ròng của hàng nhập khẩu vào đời sống kinh tế Hoa Kỳ và giảm tỷ lệ phần trăm GDP tổng thể có được do quan hệ thương mại quốc tế. Mỹ đã không còn là một đối tác thương mại đáng tin cậy.

Nỗ lực khôi phục thương mại tự do sau đó

Ông Biden đã không bãi bỏ hoàn toàn nhiều loại thuế quan của Trump - chúng mang lại tiền cho chính phủ Mỹ với thiệt hại thuộc về người Mỹ và ông Biden thích điều đó. Tuy nhiên, nỗ lực tương tự đã được thực hiện để bình thường hóa quan hệ thương mại để giữ cho Mỹ không bị cô lập hoàn toàn về thương mại với các hiệp ước hình thành trên toàn thế giới. Và bây giờ chúng ta thấy những nỗ lực từ Trung Quốc để khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại trên con đường hướng tới việc lấy lại nguyên trạng trước đây.

Đây có phải là một ý tưởng tốt? Theo suy nghĩ của tôi, câu trả lời là có, và tôi sẽ cho bạn biết lý do tại sao. Mọi can thiệp vào thương mại tự do, mọi thuế quan, cuối cùng đều do người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ chi trả. Bất kể những người theo chủ nghĩa bảo hộ có nói thế nào rằng các nước khác đang phải trả giá, điều đó đơn giản là không đúng.

Can thiệp vào thương mại tự do là một hình thức đánh thuế đối với người Mỹ, và điều đó đúng cho dù đó là thuế quan, hạn ngạch hay bất kỳ hình thức rào cản nào khác. Theo quan điểm của tôi, ông Trump đã lãng phí vốn liếng chính trị khổng lồ cho các chính sách thuế quan mà lẽ ra ông có thể sử dụng để chế ngự Chính phủ ngầm ngay tại quê nhà. Thay vì tự do hơn, kết quả không là gì khác ngoài một gánh nặng khác đối với doanh nghiệp Mỹ.

[“Deep State” (nhà nước ngầm / chính phủ ngầm / thế lực ngầm) là thuật ngữ chỉ một tổ chức siêu quyền lực hoạt động ngầm và thao túng chính phủ Hoa Kỳ từ nhiều năm nay].

Tại sao nên áp dụng thương mại tự do?

Chắc chắn là tôi có nhiều bạn bè không đồng ý một cách sâu sắc với tôi về điểm này, đặc biệt là về Trung Quốc. Tại sao Mỹ nên khởi động lại thương mại mạnh mẽ với một chế độ dường như đã quyết tâm giành được sự thống trị khu vực và lật đổ luật pháp Mỹ?

Câu trả lời của tôi đơn giản là một cuộc chiến thương mại sẽ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn chứ không phải tốt hơn, vì có rất ít ví dụ trong lịch sử (nếu có) trong đó các biện pháp trừng phạt và rào cản thương mại thúc đẩy cải cách trong nội bộ một quốc gia. Chúng chỉ nuôi dưỡng thêm xung đột. Đó là quy luật lịch sử, thứ rõ ràng đang diễn ra trong quan hệ Mỹ - Nga ngày nay.

Chúng ta vẫn nên ủng hộ thương mại tự do, cho dù là với Trung Quốc!
Công nhân lắp ráp ô tô tại nhà máy lắp ráp mới được cải tạo của Ford ở Chicago, Mỹ, vào ngày 24/06/2019. (Ảnh: Jim Young/AFP qua Getty Images)

Nhưng còn cơ sở công nghiệp và việc làm của Mỹ thì sao? Có phải Mỹ sẽ để chúng tiếp tục suy sụp cho đến khi Mỹ không còn là gì ngoài một nền kinh tế dựa trên dịch vụ được cai trị bởi những người dùng Zoom và người tiêu dùng ngồi ở nhà? Có nhiều cách để ngăn chặn điều đó. Điều quan trọng nhất là: chúng ta cần cắt giảm thuế mạnh mẽ, bãi bỏ quy định và dọn dẹp bộ máy hành chính, thứ sống ký sinh lên năng suất của người dân Mỹ.

Tôi khẳng định với bạn rằng nếu Mỹ thiết lập lại một thị trường tự do thực sự trong nước, thì không quốc gia nào trên thế giới có thể cạnh tranh với sức sản xuất mà người Mỹ có thể tạo ra. Biến cả đất nước thành một khu vực của tinh thần kinh doanh! Đặc biệt, cuộc chiến về nhiên liệu hóa thạch và doanh nghiệp nhỏ phải chấm dứt. Hệ thống nghiệp đoàn [khi quốc gia được kiểm soát bởi các nhóm lớn cùng chia sẻ các lợi ích] hiện tại không thể cạnh tranh trên trường thế giới, nhưng một thị trường tự do thực sự giống như những gì những Nhà sáng lập nước Mỹ đã hình dung sẽ và có thể làm được điều đó.

Vì vậy, vâng, bạn có thể coi tôi là một trong những môn đệ cuối cùng còn lại của George Washington, Adam Smith, Frédéric Bastiat, Milton Friedman và Ronald Reagan về điểm này. Chính phủ không sản xuất gì cả; nó chỉ làm hao mòn năng lượng của người dân. Điều đó đúng cho dù nó đang can thiệp vào hoạt động trong nước hay quốc tế của doanh nghiệp Mỹ. Tôi ủng hộ thương mại tự do và tôi nghĩ bạn cũng nên như vậy.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo học thuật và phổ thông, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế cho The Epoch Times và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.



BÀI CHỌN LỌC

Chúng ta vẫn nên ủng hộ thương mại tự do, cho dù là với Trung Quốc!