Chuyên gia: Tại sao chúng ta tin rằng Nga là một cường quốc quân sự?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nga tiếp tục thua đậm trên chiến trường Ukraine vì hai lý do. Thứ nhất, Moscow không đạt được mục tiêu số 1 là chiếm được Kyiv trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến. Thứ hai, lực lượng Nga buộc phải rút lui khỏi miền bắc Ukraine thời gian gần đây. Vậy thì tại sao chúng ta lại tin rằng Nga là một cường quốc quân sự?

Nga gần đây đã tiến hành các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo, đồng thời sáp nhập bốn tỉnh ở phía nam và phía đông của Ukraine gồm: Luhansk, Donetsk, vùng Kherson và vùng Zaporizhzhia. Tuy nhiên, những thành công đó đang nhanh chóng bị dập tắt bởi các cuộc phản công của Ukraine. Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc và có thể sẽ mất vài tháng, nếu không muốn nói là vài năm, để đẩy Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraine.

Tuy nhiên, những thất bại quân sự "ê chề" của Moscow (cũng là của Tổng thống Nga Vladimir Putin) ở Ukraine đặt ra câu hỏi: Tại sao chúng ta lại tin rằng Nga là một cường quốc quân sự?

Xét về bề ngoài, câu hỏi cũng chính là câu trả lời. Nga là một quốc gia rộng lớn, với khoảng một triệu binh sĩ được vũ trang và số lượng quân dự bị nhiều gấp đôi. Trước khi bùng nổ xung đột với Ukraine, quân đội Nga đã triển khai hơn 17.000 xe tăng, xe bọc thép và pháo binh (với số lượng dự trữ có lẽ gấp 4 lần). Lực lượng không quân Nga (Voyenno-vozdushnye sily Rossii - VVS) được cho là sở hữu gần 4.000 máy bay hiện đại.

Nga nằm trong số 5 quốc gia đứng đầu về chi tiêu quân sự. Moscow sở hữu hơn 6.000 vũ khí hạt nhân cùng kho chứa bom và đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới. Chưa hết, Nga cũng được thừa hưởng từ Liên Xô cũ một tổ hợp công nghiệp-quân sự lớn nhất và tiên tiến nhất trên thế giới.

Như vậy theo lý thuyết thì quân đội Nga dường như là lực lượng mà "không gì có thể thể ngăn cản". Năm 2012, cựu Tổng thống Barack Obama đã chế nhạo đối thủ đảng Cộng hòa của ông, Mitt Romney, vì coi Nga là "mối đe dọa địa chính trị lớn nhất" mà Mỹ phải đối mặt. Tuy nhiên, ông Obama đã bị chỉ trích kịch liệt, đặc biệt là sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Thật đáng ngạc nhiên khi một đội quân như lực lượng vũ trang Ukraine lại có thể tấn công và sau đó đẩy lùi lực lượng Nga, vốn được cho là lớn hơn và hiện đại hơn nhiều. Chắc chắn, phía Ukraine có lợi thế về một số loại vũ khí tiên tiến do phương Tây viện trợ, đặc biệt là vũ khí chống tăng như Javelin của Mỹ và NLAW của Anh-Thụy Điển, kèm theo nhiều tháng huấn luyện và chuẩn bị (phần lớn do phương Tây cung cấp).

người phục vụ ukraine
Một quân nhân Ukraine ngồi cạnh một chiếc xe tăng bị phá hủy gần làng Bilogorivka thuộc vùng Lugansk, Ukraine, hôm 17/6/2022. (Ảnh: Anatolii Stepanov/AFP/Getty Images)

Tuy nhiên, quân đội Nga đã thua. Họ đã và đang được điều hành bởi những đội quân sa sút tinh thần, mù quáng và không được huấn luyện đầy đủ (nhiều người trong số họ là lính nghĩa vụ bất mãn), lãnh đạo kém do thiếu hạ sĩ quan và sĩ quan cấp thấp (chẳng hạn như trung úy và đại úy), cũng như khó khăn do thiếu hụt hậu cần.

Đồng thời, một vết nhơ tham nhũng bôi nhọ cả quân đội nước này. Chi tiêu quốc phòng của Nga có thể đã tăng mạnh trong hơn một thập kỷ qua, nhưng phần lớn trong số đó đã bị các sĩ quan biến chất ăn bớt. Kết quả là, các xe tải quân sự được trang bị lốp xe nhái, rẻ tiền của Trung Quốc (loại lốp này nhanh chóng bị xé nát), binh lính phải ăn hết khẩu phần ăn đã quá hạn sử dụng, và các chỉ huy xe tăng bị sa thải mỗi năm một lần.

Về phần mình, các phi công máy bay chiến đấu của Nga trong lực lượng không quân nước này ít được huấn luyện, thiếu vũ khí dẫn đường chính xác và thường không có kinh nghiệm hoạt động trong vùng không phận tranh chấp.

Đây chắc chắn không phải là Hồng quân đã tràn vào Berlin năm 1945.

Quay trở lại câu hỏi ban đầu: Tại sao chúng ta lại bị lừa khi tin rằng các lực lượng vũ trang Nga chỉ là một "ngôi làng Potemkin"? Đặc biệt, tại sao rất nhiều người thông minh, đặc biệt là tại các tổ chức tư vấn có uy tín của Mỹ, lại không nhìn ra cỗ máy chiến tranh của Nga chỉ là "con hổ giấy"?

Giả thuyết đưa ra là không có một nhà phân tích an ninh quốc gia nào từng bị mất việc chỉ vì thổi phồng một mối đe dọa.

Ngôi làng Potemkin là làng giả, di động nhìn từ xa thì rất trù phú, được dựng lên để che mắt Nữ hoàng Nga Catherine II khi bà thị sát.

Ví dụ, chỉ một vài năm trước, các nhà phân tích tại RAND Corporation tuyên bố rằng Nga đã "chuyển hướng" khi đề cập đến hiện đại hóa quân đội. Về phần mình, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London khẳng định trong một báo cáo được công bố vào cuối năm 2020 rằng, các lực lượng vũ trang Nga đã được hưởng lợi “từ hơn một thập kỷ đầu tư và cải cách”.

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tiếp tục lập luận rằng "Nga hiện sở hữu các lực lượng vũ trang thông thường được trang bị đầy đủ và chuyên nghiệp hơn lính nghĩa vụ", đồng thời nhấn mạnh rằng quân đội Nga "được trang bị tốt hơn và ở mức sẵn sàng cao hơn trước". Do đó, “những nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Nga đang cung cấp cho Moscow một công cụ quân sự đáng tin cậy để theo đuổi các mục tiêu chính sách quốc gia”.

Ảnh của Epoch Times
Một bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars của Nga diễu hành qua Quảng trường Đỏ trong cuộc diễu binh Ngày Chiến thắng ở trung tâm Moscow, Nga, hôm 9/5/2022. (Ảnh: Kirill Kudryavtsev/AFP/Getty Images)

Tại sao phân tích trên bị coi là thất bại? Tất nhiên, đôi khi cũng cần phải có sự thiên vị. Rốt cuộc thì ai muốn viết một báo cáo dài 200 trang để nói về việc “không có gì phải lo lắng ở đây” kia chứ?

Điều đó nói lên rằng, rất nhiều chỉ số về tình trạng trì trệ đang diễn ra trong quân đội Nga thường bị bỏ qua. Chi tiêu quốc phòng của Nga nhìn thì có vẻ lớn, nhưng vẫn thấp hơn chi tiêu của Ấn Độ. Mức chi tiêu này cũng chỉ lớn hơn của Vương quốc Anh hoặc Pháp một chút. Và đây là con số chưa tính đến các hành vi biển thủ.

Tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga thực tế đang đi vào bế tắc và cũng ít phát triển vũ khí mới trong 30 năm qua. Lực lượng không quân Nga vẫn sử dụng các máy bay chiến đấu MiG và Sukhoi được phát triển từ thời Liên Xô cũ, trong khi hải quân Nga chưa đưa vào biên chế bất kỳ tàu nào lớn hơn khinh hạm trong hơn hai thập kỷ.

Nga sở hữu một số thiết bị hiện đại, chẳng hạn như Hệ thống tên lửa phòng không S-400. Tuy nhiên, hầu hết các hệ thống vũ khí “mới”, chẳng hạn như xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata và máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57, dường như quá đắt đỏ đối với Moscow. Do đó, chỉ có một số lượng nhỏ các hệ thống này được sản xuất.

Trên thực tế, Nga từ lâu đã suy yếu về sức mạnh quân sự và được coi là một quốc gia thuộc thế giới thứ ba. Trông Moscow có vẻ mạnh mẽ trong một số lĩnh vực (chẳng hạn như quân số hoặc xe tăng), nhưng Nga lại "thiếu máu" hơn nhiều về các phẩm chất như tinh thần, năng lực lãnh đạo, huấn luyện và hậu cần. Và những yếu tố này đang được biểu hiện khá rõ rệt.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Huyền Anh

Richard A. Bitzinger là một nhà phân tích bảo mật quốc tế độc lập. Ông từng là thành viên cấp cao của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore. Ông cũng từng đảm nhiệm các công việc trong chính phủ Hoa Kỳ và tại nhiều tổ chức tư vấn khác nhau. Nghiên cứu của ông tập trung vào các vấn đề an ninh và quốc phòng liên quan đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc quân sự, hiện đại hóa quân đội và phổ biến vũ khí trong khu vực.



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Tại sao chúng ta tin rằng Nga là một cường quốc quân sự?