ĐCSTQ mới là nguyên nhân cốt lõi của các vấn đề kinh tế Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một thân tín của ông Tập Cận Bình được nhận định là ứng cử viên hàng đầu cho chức Phó thủ tướng phụ trách kinh tế và tài chính trong nhiệm kỳ sắp tới. Tuy nhiên theo các chuyên gia, dù người đảm nhiệm vị trí đó có tài giỏi tới đâu, nền kinh tế của Trung Quốc vẫn sẽ gặp khó khăn. Đảng Cộng sản Trung Quốc mới là nguyên nhân cốt lõi tạo ra những vấn đề của Trung Quốc.

Ông Tập có ý định đưa thân tín lên làm Phó thủ tướng phụ trách kinh tế và tài chính

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là có ý định để một người thân tín quen biết trong nhiều thập kỷ trở thành Phó thủ tướng tiếp theo của Trung Quốc. Bản thân ông Tập dự kiến ​​sẽ bước vào nhiệm kỳ thứ ba sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) diễn ra vào cuối năm nay.

Vào ngày 11/03, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tiết lộ trong một cuộc họp báo rằng ông sẽ rời nhiệm sở sau khi hoàn thành nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai của mình.

Cùng ngày, Wall Street Journal đưa tin một quan chức Trung Quốc là "ứng cử viên hàng đầu cho việc thăng chức thành Phó thủ tướng" phụ trách kinh tế, tài chính, khoa học và công nghệ và các vấn đề công nghiệp, hiện đang nằm dưới sự điều hành của Phó thủ tướng Lưu Hạc. Theo bài báo, việc bổ nhiệm “sẽ đảm bảo quyền kiểm soát của [ông Tập] trong nỗ lực đầy tham vọng nhằm tái thiết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới".

Quan chức này được xác định là Hà Lập Phong, hiện là Giám đốc của cơ quan cải cách kinh tế hàng đầu của Trung Quốc - Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về Trung Quốc, cho dù người đảm nhận vị trí đó có hiểu biết nhiều đến đâu, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục gặp khó khăn chừng nào ĐCSTQ còn nắm quyền kiểm soát mọi thứ ở Trung Quốc.

Quốc vụ viện hay Ủy ban Trung ương ĐCSTQ thích hợp điều hành kinh tế Trung Quốc hơn?

Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, đã có hai đời Phó thủ tướng - Mã Khải và Lưu Hạc - phụ trách hệ thống kinh tế và tài chính.

Ông Mã làm việc dưới quyền của Lý Khắc Cường trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập.

Sinh năm 1946, ông Mã là người gốc Thượng Hải và là một đảng viên cộng sản thế hệ thứ hai. Là một thành viên quan trọng trong nội các của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, ông Mã đã được Thủ tướng Lý Khắc Cường đề cử làm Phó thủ tướng phụ trách kinh tế và tài chính.

Cuốn sách “Cuộc đọ sức giữa các siêu cường” của các phóng viên Lingling Wei và Bob Davis từ tờ Wall Street Journal chứa thông tin cuộc trò chuyện giữa ông Tập và ông Mã vào năm 2013.

Đảng Cộng Sản Trung Quốc là nguyên nhân cốt lõi của các vấn đề kinh tế Trung Quốc: Chuyên gia
Một người lính canh gác bên cạnh bức tường đỏ bên ngoài khu nhà lãnh đạo Trung Nam Hải ở Bắc Kinh vào ngày 06/05/2013. (Ảnh: Jason Lee / AFP qua Getty Images)

Trong cuộc trò chuyện này, ông Tập đã hỏi ông Mã rằng liệu ông nghĩ rằng liệu Ủy ban Trung ương ĐCSTQ hay Quốc vụ viện hiệu quả hơn trong việc điều hành nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Mã trả lời, sử dụng vị trí của các cơ quan: "Sân phía Bắc".

Sân phía Bắc của Trung Nam Hải là trụ sở của Quốc vụ viện, trong khi Sân phía Nam là trụ sở của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ.

Trung Nam Hải, trước đây là một khu vườn hoàng gia ở Bắc Kinh, hiện là khu phức hợp đặt trụ sở của cả ĐCSTQ và Quốc vụ viện Trung Quốc, cơ quan ra quyết định cao nhất của chính quyền.

Nhận xét của ông Tập về câu trả lời của ông Mã là: "Tôi không hoàn toàn nghĩ như vậy".

Những gì ông Tập nói cho thấy những gì mà ĐCSTQ đã thực hành trong suốt lịch sử của nó — kiểm soát mọi thứ và can thiệp vào mọi khía cạnh của xã hội Trung Quốc.

Việc nắm quyền của ĐCSTQ mới là vấn đề cốt lõi

“Có một câu nói phổ biến trong giới nghiên cứu kinh tế của Trung Quốc: 'Nền kinh tế Trung Quốc trở nên hỗn loạn một khi nó không bị hạn chế và trì trệ khi nó lại bị đặt dưới những hạn chế'", Li Linyi, một nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times bản tiếng Trung.

Ông Li Linyi cho rằng cuộc đối thoại trên giữa ông Tập và ông Mã Khải đã phản ánh cơ chế hỗn loạn này.

Ông đã đưa ra một vài ví dụ.

Năm 2013, ĐCSTQ đã nới lỏng các yêu cầu đối với việc niêm yết cổ phiếu loại A (các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán nội địa của Trung Quốc), cho phép 48 lần IPO trong năm; ĐCSTQ cũng loại bỏ các hạn chế đối với giao dịch ký quỹ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán năm 2015.

Vào giữa tháng 06/2015, một cuộc sụp đổ của thị trường chứng khoán xảy ra ở Trung Quốc. Chỉ số thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đều giảm hơn 30% trong ba tuần và 3,5 nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường đã bị xóa sổ trong khoảng thời gian ngắn đó, một điều chưa từng xảy ra.

Ví dụ thứ hai liên quan đến đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài. Năm 2014, ĐCSTQ đã dỡ bỏ các hạn chế và cho phép các công ty Trung Quốc “vươn ra toàn cầu” bằng cách ồ ạt sáp nhập và mua lại các tài sản ở nước ngoài. Các trường hợp nổi tiếng nhất bao gồm việc công ty bảo hiểm Trung Quốc Anbang mua lại Khách sạn Waldorf Astoria và liên doanh được thành lập bởi China Investment Corporation và Carnival Cruise Lines vào năm 2015.

Sau đó, dự trữ ngoại hối của ĐCSTQ đã giảm từ gần 4 nghìn tỷ USD xuống dưới 3 nghìn tỷ USD.

Vào cuối năm 2016, ĐCSTQ đã phải áp đặt lại các biện pháp kiểm soát vốn do lo ngại dòng vốn thất thoát. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc cung cấp tài chính cho doanh nghiệp và làm suy thoái kinh tế trong nước.

Trên thực tế, ông Li Linyi cho biết, ĐCSTQ đã lặp lại chu kỳ buông lỏng - hỗn loạn - kiểm soát - đình trệ này trong suốt những năm qua.

Theo ông Tạ Điền, giáo sư kinh doanh tại Đại học Nam Carolina Aiken, sự kiểm soát độc đoán của ĐCSTQ đối với mọi lĩnh vực của Trung Quốc là nguyên nhân cơ bản của các vấn đề ở Trung Quốc. Ông Tạ nói rằng không thể tách biệt được ĐCSTQ khỏi chính quyền hay xã hội.

“Vì ĐCSTQ là cao hơn tất cả, nên việc duy trì lợi ích và quyền cai trị là ưu tiên hàng đầu của nó. Hệ thống hà khắc của ĐCSTQ, các thể chế chồng chéo và phức tạp, sự kém hiệu quả, tham nhũng và việc tầng lớp lãnh đạo của ĐCSTQ chiếm đoạt tiền của đất nước và nhân dân - đây là những nguyên nhân sâu xa của các vấn đề ở Trung Quốc", giáo sư Tạ Điền nói với The Epoch Times tiếng Trung trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

“Nếu Hà Lập Phong được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng, điều đó sẽ mang lại cho ông Tập một người bạn tâm giao và thân thiết ở Quốc vụ viện, củng cố quyền kiểm soát của ông Tập, nhưng sẽ không giúp ích gì cho nền kinh tế Trung Quốc", giáo sư Tạ Điền nói.

Theo ông Li Linyi, vấn đề với nhiệm kỳ tới của ông Tập là nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục suy giảm và bản thân ông Tập thì mất đi sự tôn trọng. Bộ máy của ĐCSTQ sẽ mất đi động lực.

“Ông Tập có hai lựa chọn trong nhiệm kỳ mới: hoặc ông ấy chiều theo tất cả các quan chức ĐCSTQ, khuyến khích họ tham nhũng, hoặc ông Tập sẽ lật đổ ĐCSTQ vốn đầy tham nhũng, làm điều tốt cho đất nước và nhân dân", ông Li nói.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

ĐCSTQ mới là nguyên nhân cốt lõi của các vấn đề kinh tế Trung Quốc