DEI đang phá hủy môi trường làm việc của các doanh nghiệp Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trái ngược với những mục tiêu tốt đẹp, các chương trình DEI mang tới những thảm họa cho các doanh nghiệp. DEI tập trung vào việc phân chia nơi làm việc theo chủng tộc và giới tính, tạo ra sự nghi ngờ, mất lòng tin và phân cực sâu sắc giữa các nhân viên. Sự gắn kết với công việc bị hủy hoại, nhân viên mất đi động lực làm việc.

Một nền văn hóa nơi làm việc tích cực và hiệu quả là điều cần thiết cho một doanh nghiệp ăn nên làm ra. Không ai muốn làm việc ở một nơi liên tục khiến người lao động chán nản. Và ai cũng muốn được tôn trong trong công việc và thăng tiến trong sự nghiệp.

Nhưng giống như mọi thứ nó chạm vào, “sự thức tỉnh” phá hủy văn hóa nơi làm việc. [Phong trào "thức tỉnh" được khởi xướng bởi những người cánh tả nhằm thúc đẩy đấu tranh về các vấn đề như bất bình đẳng xã hội, môi trường, phá thai…].

Trường hợp điển hình: Các công ty Mỹ đã chi hơn 9,3 tỷ USD cho các chương trình đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) vào năm 2022, với các nhà kinh tế ước tính con số đó sẽ tăng lên 15,4 tỷ USD vào năm 2026.

Đúng là các mục tiêu của các chương trình DEI rất đáng ngưỡng mộ, nhưng giống như rất nhiều sáng kiến cánh tả với ý đồ tốt đẹp, kết quả thực sự là một thảm họa.

Kết quả tồi tệ

Kết quả lớn nhất của các chương trình DEI này cho đến nay là gì? Sự mất đoàn kết.

Trên thực tế, hầu hết các “chuyên gia” DEI đều tập trung vào việc phân chia nơi làm việc theo chủng tộc và giới tính, tạo ra sự nghi ngờ, mất lòng tin và phân cực sâu sắc giữa các nhân viên.

Tại sao? Bởi vì theo các sáng kiến DEI này, việc tuyển dụng, thăng tiến và công nhận không còn dựa trên thành tích nữa. Tại sao phải làm việc chăm chỉ để đạt được thành tích và vượt trội trong công việc khi điều đó không ảnh hưởng đến tiền thưởng hoặc lần thăng chức tiếp theo của bạn?

Đó có thể là lý do tại sao mức độ gắn kết với nơi làm việc giảm xuống khi chi tiêu DEI tăng lên. Theo một cuộc khảo sát do Gallup công bố vào cuối tháng 1, mức độ gắn kết của nhân viên Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm, với chỉ 32% nhân viên nói rằng họ gắn kết với công việc.

Chương trình DEI đang phá hủy môi trường làm việc của các doanh nghiệp Mỹ
Nhân viên của công ty truyền thông BuzzFeed, bao gồm Giám đốc điều hành BuzzFeed Jonah Peretti (giữa), tập trung ở Quảng trường Thời đại khi công ty này lên sàn chứng khoán vào ngày 06/12/2021 tại Thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Gallup chỉ ra rằng: “Sự gắn kết của nhân viên rất quan trọng đối với năng suất, tinh thần, sự phát triển và khả năng giữ chân nhân viên trong lực lượng lao động của mọi tổ chức. Những nhân viên gắn kết nỗ lực và nhiệt tình với công việc và nơi làm việc của họ - họ luôn làm việc với hiệu suất vượt trội và ở lại lâu hơn những nhân viên ít gắn kết hơn".

Một phát hiện khác của Gallup là những người lao động lai - những người không làm việc toàn thời gian tại văn phòng - thực sự cảm thấy gắn kết với văn hóa công ty hơn những người làm việc toàn thời gian tại văn phòng. Hãy suy nghĩ về nó. Trải nghiệm trực tiếp tại văn phòng hiện có hại cho văn hóa công ty hơn là làm việc lai.

Có thể nào các chính sách văn phòng DEI đã lấy đi sự hào hứng và động lực của nhân viên? Nếu bạn được dạy rằng một số nhân viên tự động giỏi hơn những người khác, bất kể nỗ lực, đào tạo hay sản phẩm công việc của họ, thì động lực của bạn là gì để làm việc hết sức mình? Hay để thử thách bản thân?

Còn vấn đề công bằng thì sao? Nếu sự công nhận không dựa trên thành tích và nỗ lực, thì bạn có cảm thấy chủ lao động thực sự đứng về phía mình không? Có lẽ đó cũng là lý do tại sao khảo sát của Gallup cho thấy chỉ 24% người lao động đồng ý mạnh mẽ rằng chủ lao động của họ quan tâm đến tình trạng của họ.

Ngoài ra, hãy xem xét một báo cáo gần đây của Fortune, chỉ ra xu hướng mới nhất tại nơi làm việc - Ngày thứ Hai ở mức tối thiểu. Đó chính xác là ý nghĩa của nó. Nhân viên làm công việc ở mức tối thiểu để vượt qua ngày làm việc thứ Hai của họ.

Điều gì đã xảy ra với sự phấn khích của các nhóm cố gắng tạo ra sản phẩm mới nào đó, để đạt được một bước đột phá lớn về công nghệ hoặc để tạo ra một dịch vụ giúp cải thiện cuộc sống của những người xung quanh họ?

Sự thiếu gắn bó ngày càng tăng là có thật. Hàng ngàn người tìm việc là những người tị nạn từ nơi làm việc thức tỉnh, tất cả đều có những câu chuyện kinh dị của riêng họ về việc các chính sách cánh tả của công ty đã hủy hoại sự nghiệp của họ như thế nào.

Công việc nên là cuộc sống của chúng ta. Đó là nơi chúng ta dành phần lớn thời gian thức giấc của mình. Và đó là nơi mà từ đó chúng ta nên có được cảm giác hoàn thành và hài lòng.

Nhưng các chính sách thức tỉnh đang phá hủy nơi làm việc. Nếu người sử dụng lao động đang lựa chọn công nhận nhân viên của họ không dựa trên thành tích, sự cải thiện bản thân và giá trị tổng thể mang lại cho công ty, mà thay vào đó đang nâng tầm xếp hạng công bằng xã hội và các hệ tư tưởng thức tỉnh khác và biến chúng trở thành yếu tố quyết định ai được thăng chức và ai bị bỏ qua, thì văn hóa nơi làm việc đang bị phá hủy.

Có lẽ đó là những gì chúng ta đang thấy trong các cuộc khảo sát nơi làm việc mới này.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Andrew Crapuchettes là người sáng lập và CEO của RedBalloon.



BÀI CHỌN LỌC

DEI đang phá hủy môi trường làm việc của các doanh nghiệp Mỹ