Dỡ bỏ thuế quan đối với Trung Quốc sẽ làm kinh tế Mỹ suy yếu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đối với Mỹ, dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc là một biện pháp kiểm soát lạm phát sai lầm, được những chính trị gia theo khuynh hướng mềm mỏng với Trung Quốc ủng hộ. Biện pháp này khó có thể giảm bớt lạm phát và sẽ ảnh hưởng tới nền sản xuất của Mỹ, khiến cuộc sống người dân Mỹ khó khăn hơn. Tệ hơn nữa, nó có thể thúc đẩy Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Theo chuyên gia, nền kinh tế Mỹ có thể tự điều chỉnh để vượt qua khủng hoảng lạm phát.

Chính quyền Biden cố gắng xoa dịu nỗi lo kinh tế của người dân Mỹ

Chính quyền Biden đang trở nên tuyệt vọng về vấn đề lạm phát, thị trường chứng khoán lao dốc và suy thoái kinh tế sắp xảy ra.

Họ hiểu tình trạng suy thoái kinh tế của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 và cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024. Tác động của nó sẽ rất lớn, giống như cách nó đang ảnh hưởng tới túi tiền của người dân Mỹ tại thời điểm hiện tại. Người Mỹ đang trả hơn 5 USD một gallon cho xăng và tình hình ở các trạm xăng sẽ rất căng thẳng vào mùa hè này. Tình trạng căng thẳng sẽ khiến người dân bất bình với các chính trị gia.

Do vậy, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đang thực hiện chương trình nói chuyện mang tính hạ nhiệt nhằm nói những lời vô giá trị về lạm phát, giảm thiểu nỗi lo suy thoái và đề xuất các biện pháp khắc phục. Biện pháp nổi bật nhất được nói đến là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Thực sự thì, động thái đó làm tăng nguy cơ sụp đổ của thị trường chứng khoán và tạo ra suy thoái.

Dỡ bỏ thuế quan với Trung Quốc là một biện pháp sai lầm

Bà Yellen cũng ủng hộ việc dỡ bỏ thuế quan áp đặt lên Trung Quốc như một biện pháp chống lạm phát. Việc loại bỏ thuế quan là một biện pháp sai lầm mà các chính trị gia theo khuynh hướng mềm mỏng với Trung Quốc vẫn mong muốn. Họ đang sử dụng con bài lạm phát để hồi sinh một kế hoạch tồi tệ.

Dỡ bỏ thuế quan đối với Trung Quốc sẽ làm kinh tế Mỹ suy yếu
Bà Janet Yellen phát biểu trên sân khấu tại diễn đàn chính sách The New York Times DealBook DC vào ngày 09/06/2022 tại Washington, DC. Tại sự kiện, bà Yellen đã hạ thấp khả năng kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng. (Ảnh: Leigh Vogel / Getty Images cho The New York Times)

Bà Janet Yellen phát biểu trên sân khấu tại diễn đàn chính sách The New York Times DealBook DC vào ngày 09/06/2022 tại Washington, DC. Tại sự kiện, bà Yellen đã hạ thấp khả năng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào khủng hoảng. (Ảnh: Leigh Vogel / Getty Images cho The New York Times)

“Nhóm Kinh tế Mỹ của chúng tôi ước tính rằng thuế quan của chính quyền Trump đã làm tăng mức giá cơ bản [giá cả hàng hóa và dịch vụ không bao gồm năng lượng và thực phẩm] tổng cộng lên 0,25%”, theo nghiên cứu được Goldman Sachs công bố vào ngày 08/06. “Tác động thực tế lên giá cả sẽ còn thấp hơn khi xem xét cắt giảm chỉ một phần thuế quan”.

Và việc dỡ bỏ thuế quan đối với Trung Quốc sẽ không có tác dụng gì để giảm bớt ảnh hưởng của giá khí đốt. Trên thực tế, nó thậm chí còn dẫn đến điều ngược lại. Việc dỡ bỏ thuế quan có thể dẫn đến một làn sóng khác của các sản phẩm giá rẻ Trung Quốc tràn vào Mỹ và một lần nữa khiến các công ty Mỹ phải rời bỏ thị trường. Điều này làm suy giảm ngành sản xuất và tiền lương của người Mỹ, khiến người Mỹ khó kiếm tiền và khó có đủ tiền mua xăng.

Vì vậy, việc dỡ bỏ thuế quan của Trung Quốc sẽ khó có thể giảm bớt tình trạng lạm phát và có thể khiến cuộc sống của người Mỹ trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt, chúng ta có thể thấy được hậu quả của sự phụ thuộc vào Trung Quốc qua việc Nga xâm lược Ukraine. Việc châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt của Nga đã tạo điều kiện cho Nga xâm lược Ukraine và đồng thời thúc đẩy lạm phát.

Nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, chúng ta có thể dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục tăng. Trung Quốc sẽ xâm lược Đài Loan nếu Mỹ một lần nữa trở nên quá phụ thuộc vào hàng hóa giá rẻ của nước này. Sự phụ thuộc tạo ra sự thiếu tôn trọng và nếu Bắc Kinh không tôn trọng Washington, họ sẽ nghĩ (một cách sai trái giống như Moscow) rằng họ có thể giết người tùy ý.

Bà Yellen đã sai về thuế quan đối với Trung Quốc, cũng như bà ấy đã sai khi dự đoán cách đây không lâu rằng lạm phát chỉ là “tạm thời”.

Hãy để nền kinh tế tự điều chỉnh

Việc Fed tăng lãi suất cũng là một ý tưởng tồi. Nó sẽ khiến nhiều người muốn cho chính quyền vay tiền và rút tiền ra khỏi nền kinh tế tư nhân. Người bán sẽ buộc phải hạ giá để bán được hàng. Đó là một biện pháp khắc phục lạm phát ngắn hạn, và đi kèm với tổn thất.

Người bán sẽ mất tiền và sẽ có ít tiền hơn để đầu tư và tạo việc làm. Họ sẽ không có tiền để bổ sung hàng, và khiến giá cả gia tăng. Rủi ro lạm phát đình trệ hiện hữu khi lạm phát và suy thoái đồng thời xảy ra.

Bà Yellen đang cố gắng xoa dịu người Mỹ khi nói rằng một cuộc suy thoái kinh tế sẽ khó có thể xảy ra. Suy thoái kinh tế được định nghĩa là hai quý liên tiếp có mức tăng trưởng GDP âm. Trong quý đầu tiên của năm 2022, Mỹ đã có mức tăng trưởng âm 1,5%. Thêm một quý âm như vậy và Mỹ sẽ suy thoái. Đây không phải là thời điểm tốt để tăng lãi suất.

Việc chấp nhận một mức lạm phát nhỏ từ thuế quan của Trung Quốc trong một thời gian ngắn có thể không tệ như một số người nói nếu giá cả cao hơn (do việc áp thuế quan) khuyến khích đầu tư và định hướng lại thương mại sang các khu vực khác, bao gồm các đồng minh và bạn bè của Mỹ trên toàn cầu, và cả chính các cộng đồng người Mỹ.

Các biện pháp hà khắc gây tổn hại cho nền kinh tế, chẳng hạn như tăng lãi suất nửa điểm phần trăm trong bối cảnh lạm phát do cung, là một ý tưởng tồi và có thể dẫn đến suy thoái và đem tới thêm tổn thất cho thị trường chứng khoán. Nếu lạm phát vừa phải được duy trì, thị trường có thể tự điều chỉnh. Giá cao hơn báo hiệu cho các nhà đầu tư rằng đang có cơ hội kinh doanh tốt, báo hiệu cho người lao động rằng họ cần phải làm việc nhiều hơn và báo hiệu cho các chủ doanh nghiệp rằng họ cần trả nhiều tiền lương cho người lao động hơn. Điều đó nhìn chung là tốt cho túi tiền của người dân Mỹ và cho nền kinh tế.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Dỡ bỏ thuế quan đối với Trung Quốc sẽ làm kinh tế Mỹ suy yếu