Doanh nghiệp cạn tiền, thiếu đơn hàng mới cho 2023

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nền kinh tế có độ mở quá lớn của Việt Nam đang trở nên ngày một chông chênh hơn trong cơn bão 'nợ - đình - lạm' (nợ kỷ lục, tăng trưởng đình trệ, lạm phát cao) khắp toàn cầu. Một doanh nghiệp may mặc cho biết họ đã thiếu đơn hàng từ nước ngoài gối đầu cho 6 tháng tới. Doanh nghiệp cạn tiền khi không tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng do 'room' tín dụng trong khi tình trạng nợ đọng lẫn nhau có thể thúc đẩy chuỗi đổ vỡ domino mới...

Theo các chuyên gia kinh tế, từ quý 4 năm nay đến năm 2023 kinh tế sẽ rất khó khăn, cả nước sẽ đối mặt với thách thức này. Suy thoái kinh tế thế giới đã thấy rất rõ, lạm phát gia tăng đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào nguy cơ trì trệ. Điều đó làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị gãy đổ, chi phí hậu cần tiếp tục tăng cao.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ trong nước đang gây khó khăn cho doanh nghiệp khi lãi suất ngân hàng rất cao, 'room' tăng trưởng dư nợ tín dụng ở ngân hàng cạn kiệt trong khi thị trường vốn dài hạn là trái phiếu doanh nghiệp bị ghẻ lạnh, làn sóng 'tháo chạy khỏi trái phiếu' (bond run) đang ngày một mạnh mẽ.

Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp đã bắt đầu giảm từ cuối quý 3. Đáng lo lắng hơn là đến quý 4 rất ít doanh nghiệp nhận được đơn hàng mới cho năm 2023, trong khi những năm trước, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng cho quý 1, quý 2 năm sau.

Ví dụ điển hình là Công ty CP May 10, một doanh nghiệp may mặc lớn, có thị trường xuất khẩu là các nền kinh tế lớn và khó tính nhất ở Mỹ, châu Âu cho biết họ không nhận được đơn hàng mới cho 6 tháng tới. Một lãnh đạo của công ty cho biết đây là tình trạng bất thường cho thấy các nền kinh tế lớn lâm vào suy thoái trầm trọng, cầu tiêu dùng của người dân suy giảm mạnh. Thông thường, công ty sẽ luôn có đủ đơn hàng cho 6 tháng gối đầu liên tiếp. Tình trạng không có đơn hàng này ảnh hưởng tới thu nhập, đời sống thậm chí là việc làm của hàng ngàn công nhân của công ty.

Hiện có nhiều doanh nghiệp TP.HCM đang cắt giảm lao động. Cụ thể như: Công ty Tỷ Hùng ở quận Bình Tân cho 1.200 lao động nghỉ việc; Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) cho 1.500 lao động nghỉ việc; hay 51 doanh nghiệp trong khu Chế xuất và Khu Công nghiệp giảm đơn hàng khiến gần 6.000 công nhân, lao động bị ảnh hưởng.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May thêu đan tại TP.HCM, cho biết rằng giải pháp của doanh nghiệp là giảm số giờ làm và bố trí luân phiên làm việc, có thể người này bộ phận này làm việc tuần này thì tuần sau ngưng bộ phận khác làm, làm sao để người lao động luôn luôn có việc làm, có thu nhập.

Không chỉ vậy, một doanh nghiệp khó khăn cũng lây lan rủi ro sang các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của nó. TS. Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thành viên Ban Cố vấn kinh tế, cũng đặc biệt nhấn mạnh tình trạng thiếu thanh khoản ở khu vực doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Biểu hiện là chiếm dụng vốn lẫn nhau, dòng tiền âm. Chiếm dụng vốn ở doanh nghiệp biểu hiện ở khoản nợ phải thu tăng vọt. TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra số liệu đáng kinh ngạc: "riêng 6 tập đoàn lớn số vốn chiếm dụng lẫn nhau lên tới 200.000 tỷ đồng. Đáng nói, phần lớn vốn chiếm dụng này có nguồn gốc từ ngân hàng". Tức là, các doanh nghiệp lớn này đều sử dụng đòn bẩy cao ở các ngân hàng thương mại (NHTM). Việc chiếm dụng vốn và không thể thanh toán cho nhau sẽ thúc đẩy nợ xấu ở các NHTM trước tiên.

Do đó, nhiều doanh nghiệp phải tính toán lại quy mô sản xuất vào thời điểm cuối năm để giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc điều chỉnh tỷ giá đồng USD. Hiện nhiều doanh nghiệp đã đẩy nhanh tiến độ thu tiền bán hàng so với trước để thu hồi vốn. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đề ra các chiến lược marketing để bán hàng nhanh hơn, giảm hàng tồn kho để có dòng tiền tốt hơn, giảm áp lực vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất.

Thuỷ Tiên



BÀI CHỌN LỌC

Doanh nghiệp cạn tiền, thiếu đơn hàng mới cho 2023