Kiến trúc sư tái sinh gỗ thành đồ nội thất tinh tế và nghệ thuật

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Vũ trụ an bài mọi thứ. Tôi thấy những cái cây bị đổ là một cơ hội. Nếu không phải vì cây đổ, tôi đã không có bước ngoặt mới trong sự nghiệp của mình” - Nghệ sĩ kiến ​​trúc Wong nói.

Vào tháng 9/2018, siêu bão Mangkhut (Ompong) đã đổ bộ vào Hồng Kông với gió lớn và mưa trong nhiều giờ. Chính quyền Hồng Kông đã nhận được khoảng 15.000 báo cáo về cây đổ sau khi cơn bão đi qua.

Hầu hết các cây bị đổ và hư hỏng đều bị chôn vùi hoặc mục nát tại chỗ. Anh Ricci Wong Cheuk-Kin cảm thấy mình phải bảo tồn những cái cây đã tồn tại hàng trăm năm này, thay vì để chúng mục nát và biến mất.

Anh Wong quyết định thành lập một doanh nghiệp xã hội nhằm cứu và kéo dài tuổi thọ của những cái cây bị đổ bằng cách biến chúng thành những món đồ nội thất tinh xảo.

Anh Wong nói khi nhớ lại thời điểm bắt đầu hành trình cứu cây của mình: “Vũ trụ an bài mọi thứ. Tôi thấy những cái cây bị đổ là một cơ hội. Nếu không phải vì cây đổ, tôi đã không có bước ngoặt mới trong sự nghiệp của mình”.

“Nhờ cơn bão”, anh Wong đã thành lập một doanh nghiệp xã hội vào tháng 1/2019 và gọi nó là HK TimberBank.

Epoch Times Photo
Tái chế cây là một công việc có rủi ro cao. (Ảnh: Ricci Wong)

Với sự phát triển của quá trình đô thị hóa, các nhà máy chế biến gỗ ở Hồng Kông lần lượt biến mất. Cuối cùng, việc tìm kiếm các sản phẩm gỗ sản xuất tại địa phương trở nên hiếm hoi.

Công ty HK TimberBank là một phép màu sống sót trong một nền kinh tế bị đại dịch quật ngã nặng nề. Từ một nhà kho rộng hàng nghìn mét vuông, sử dụng máy phát điện chạy dầu diesel giá rẻ, đến một cơ sở khổng lồ với nhiều loại thiết bị sử dụng công nghệ chế biến gỗ chuyên nghiệp và tiên tiến. Điều này là không tưởng trong không gian và môi trường sống rất chật hẹp ở Hồng Kông.

Giá thuê đắt đỏ ở đô thị buộc người dân phải di chuyển thường xuyên, dẫn đến lãng phí một lượng lớn nội thất. Hầu hết mọi người mua đồ nội thất bằng gỗ giá rẻ làm từ ván ép hoặc ván tổng hợp. Mọi người hiếm khi mua đồ nội thất làm bằng gỗ thật, vì nó đắt và nặng hơn khi di chuyển.

Epoch Times Photo
Di chuyển các tấm gỗ vào vị trí cần nỗ lực và tinh thần đồng đội. (Ảnh: Ricci Wong)

Ở Hồng Kông, tái chế gỗ và cây cối là một quá trình khá khó khăn. Thông thường, cây cối bị di dời sau khi bị đổ do thời tiết xấu hoặc công trình đô thị.

Vì vậy, đối với anh Wong, việc có thể tái chế những cây đổ ở địa phương và biến chúng thành các ‘sản phẩm chức năng’ dường như là điều viển vông. Nhưng anh ấy nói rằng chỉ cần nỗ lực thì không gì không thể.

Anh Wong giải thích lý do anh quyết định theo đuổi ý tưởng ‘ngân hàng gỗ’ là: “Tôi muốn khuyến khích việc sử dụng gỗ địa phương. Nhiều cây cối bị chặt hạ mỗi khi chính quyền phát triển đất đai. Vậy tại sao không sử dụng gỗ trong nước thay vì nhập khẩu từ nước ngoài?”

Đánh giá cao vẻ đẹp của thiên nhiên

Anh Wong quyết định tham gia kinh doanh nhà máy gỗ và tái chế càng nhiều cây bị hư hại càng tốt. Anh ấy muốn biến gỗ tái sinh thành nội thất, nhu yếu phẩm hàng ngày và tác phẩm nghệ thuật.

Bất cứ khi nào chính phủ phát triển đất đai, anh sẽ có được lượng cây đó và biến nó thành những món đồ tinh mỹ.

Epoch Times Photo
Một khay trà bằng gỗ nguyên bản làm từ gỗ tái sinh (Ảnh: Ricci Wong)

Gần đây, công ty HK TimberBank đã tham gia Chương trình dán nhãn dấu chân carbon lên sản phẩm (nhãn PCF) do CMA Testing tổ chức. Đây là một dự án bảo vệ môi trường giúp doanh nghiệp tính toán và kiểm tra tỷ lệ giảm carbon trước khi được cấp giấy chứng nhận và nhãn PCF.

Anh Wong cho biết: “Bằng cách liên tục tiến hành kiểm tra hàm lượng carbon trong gỗ sử dụng, đã giúp nâng cao nhận thức về lượng CO2 của cây. Cây xanh hấp thụ khí CO2 và thải ra khí oxi rất cần thiết cho sự sống của con người. Nếu thiên nhiên đã cho chúng ta rất nhiều, tại sao không sử dụng những gì nó đã cung cấp cho chúng ta?”

Anh Wong mong muốn công việc kinh doanh trở thành một công cụ giáo dục cho công chúng về tái chế và tái chế cây xanh.

Epoch Times Photo
Anh Ricci Wong đã chia sẻ về việc công ty HK TimberBank tham gia Chương trình dán nhãn dấu chân carbon lên sản phẩm (PCF). Anh muốn chia sẻ kiến ​​thức về lợi ích của cây xanh đối với cuộc sống con người thông qua giáo dục. (Ảnh: Ricci Wong)

Khi ước mơ thành sự thật

Một số người có thể nói Wong là một người mơ mộng. Nhưng anh ấy đã hành động và nhận ra mục tiêu của mình.

Trước khi bước chân vào ngành gỗ, anh Wong đã có bằng thạc sĩ nghệ thuật tại Đại học Trung Hoa Hồng Kông. Đồng thời, anh tốt nghiệp chương trình thạc sĩ kiến trúc tại Đại học Hồng Kông.

Epoch Times Photo
Anh Ricci Wong (trái) đánh giá cao các chuyên gia về cây đã truyền cảm hứng cho anh ấy trong hành trình đến với thiên nhiên. (Ảnh: Ricci Wong)

Với trái tim tràn đầy đam mê, anh Wong và một đối tác đã mở một công ty xây dựng. Nhưng, giống như núi và biển, cuộc sống có sóng gió và thăng trầm. Sau khi chia tay đối tác kinh doanh và công ty xây dựng, anh Wong phải bắt đầu lại.

Khi nói về việc bước vào ngành thiết kế gỗ như thế nào, anh Wong cho biết anh cảm thấy đó là định mệnh.

“Mọi trải nghiệm đều có rủi ro. Rủi ro của bạn càng lớn, thu hoạch càng lớn. Sóng càng cao, bạn có thể lướt sóng càng cao.”

Anh Wong đã chấp nhận rủi ro đáng kể đối với gỗ và thiên nhiên. Chẳng bao lâu, đồ gỗ đã trở thành cuộc sống của anh.

Epoch Times Photo
Bàn ăn của một nhà hàng thịt nướng kiểu Mỹ làm bằng gỗ từ một cây long não bị đổ trên đường Magazine Gap, Hồng Kông. (Ảnh: Ricci Wong)

Vào tháng 9/2018, siêu bão Mangkhut đã đổ bộ vào Hồng Kông. Cây cối gãy đổ khắp thành phố do sức gió lớn của cơn bão. Một cây long não ở rìa vách đá trên đường Magazine Gap đã bị bật gốc và đổ.

Khi nghe tin về cái cây bị đổ, anh Wong đã đến địa điểm đó và bị hấp dẫn bởi ý tưởng biến cây long não thành những món nội thất đẹp, tiện dụng và mang lại cho nó một cuộc sống thứ hai.

Anh Wong không đơn độc. Một nhóm các chuyên gia xẻ cây cũng có mặt tại hiện trường để kiểm tra cây long não.

Những cây bị đổ và hư hại, tương tự như cây long não, thường sẽ bị đốn hạ và chặt thành từng khúc trước khi phân hủy và trở về với thiên nhiên. Hoặc cây bị hư hại có thể được vận chuyển đến bãi chôn lấp.

Epoch Times Photo
Băng ghế gỗ được thiết kế nghệ thuật từ cây long não tái chế, cây này đã bị nhổ bật gốc do cơn bão Mangkhut ở Yim Tin. (Ảnh: Ricci Wong)

Anh Wong đã nói chuyện với các chuyên gia xẻ cây để tìm hiểu xem liệu có cơ hội nào cứu được cái cây hay không. Anh không kỳ vọng nhiều nhưng thật bất ngờ, với sự giúp đỡ của nhóm này, anh đã di dời cây long não khổng lồ một cách an toàn.

Di dời cây là một vấn đề trong một khu đô thị nhỏ sầm uất. Bạn của anh Wong đã tìm được một nơi ở Yuen Long để trữ tạm cái cây.

Vài tháng sau, khi anh Wong chuẩn bị mở xưởng sản xuất đồ gỗ, anh đã gặp lại cái cây. Khi anh Wong nhìn thấy cây long não, nó gần như không thể nhận ra: cỏ đã bao phủ toàn bộ cây. Nó gần giống như chơi trò trốn tìm với thiên nhiên.

Epoch Times Photo
Công ty HK TimberBank sử dụng lò sấy thương mại của Ý. (Ảnh: Ricci Wong)

Công ty HK TimberBank đã biến cây long não bị đổ bỏ thành những món đồ nội thất tinh xảo, bao gồm bàn ăn và quầy bar.

Thành quả này mang lại cho anh Wong niềm vui và hạnh phúc mỗi khi anh chiêm ngưỡng những chiếc vòng và kết cấu của cây. Anh ấy nói rằng mình rất vui khi có thể sử dụng tất cả tài nguyên lẽ ra đã bị bỏ đi và lãng phí.

Ngay sau khi thành lập công ty HK TimberBank, anh Wong đã được mời tham gia Liên hoan nghệ thuật Yim Tin Tsai.

Anh ấy đã tạo ra một số tác phẩm nghệ thuật từ cây long não bị đổ, bao gồm cả ghế ăn và đồ trang trí bàn cà phê. Anh Wong muốn kết hợp gỗ tái chế và nghệ thuật để nâng cao nhận thức cộng đồng về tái chế gỗ.

Epoch Times Photo
Đặt một tải gỗ trong lò sấy. (Ảnh: Ricci Wong)

HK TimberBank là một doanh nghiệp xã hội thân thiện với môi trường, hiện có một nhà máy rộng khoảng 1400m2. Ngoài không gian, một xưởng gỗ cũng cần rất nhiều công cụ và thiết bị. Mỗi phần của thiết bị là một khoản đầu tư đáng kể.

Công ty HK TimberBank có một cần cẩu công nghiệp, một máy khắc điều khiển số bằng máy tính và các lò sấy thương mại của Ý.

Nghề làm gỗ chỉ thiếu một chiếc cưa có thể chặt cây trên diện rộng. Anh Wong cho biết mua một chiếc cưa hoàn toàn mới sẽ tốn hàng ngàn đô la. Doanh nghiệp không thể tìm được nguồn vốn để mua thiết bị sau khi đã chi rất nhiều tiền chỉ để hoạt động trong 18 tháng qua.

Epoch Times Photo
Công ty HK TimberBank đã áp dụng các địa hình được thấy ở Làng Shuikou, Mui Wo, Tung Chung và Vịnh Chi Ma Wan, trên Đảo Lantau, để tạo ra băng ghế công cộng bằng gỗ tái chế. (Ảnh: Ricci Wong)

Ngôi sao may mắn

Một ngày nọ, một chủ xưởng đóng tàu đã liên lạc với anh Wong và nói rằng anh ấy sẽ đóng cửa xưởng đóng tàu của mình do đại dịch. Anh ấy sắp ‘nghỉ hưu’, và có một số thiết bị có thể tặng cho anh Wong.

Anh Wong ngạc nhiên và cảm thấy thật may mắn: “Cưa máy của chủ xưởng đóng tàu là mẫu tốt nhất trong tất cả, với cấu hình mã lực cao nhất. Với công cụ này, bạn có thể xử lý một số cây lớn. Công cụ đó là những gì tôi thực sự muốn. Tôi cảm thấy rằng ơn trên rất tốt với tôi. Tôi đã cảm động đến bật khóc.”

Anh Wong đã có được chiếc cưa mà mình mong muốn và hạnh phúc như một đứa trẻ nhận được món quà Giáng sinh hoàn hảo.

Có lẽ, mỗi cái cây đều có một câu chuyện đằng sau. Một số cây được tái sinh từ gia đình Chan - thế hệ thứ 10 của cư dân bản địa của làng Shuikou.

Epoch Times Photo
Anh Ricci Wong cho biết nguồn cảm hứng thiết kế chiếc ghế dài bằng gỗ này đến từ địa hình núi và biển của đảo Lantau. (Ảnh: Ricci Wong)

Một số cây mà anh Wong có được đến từ làng Shuikou trên đảo Lantau. Gia đình Chan, thế hệ thứ 10 của cư dân bản địa của làng Shuikou, đã tặng những cây vải thiều của cha ông. Vườn vải thiều là công lao cả đời của cha ông. Sau khi cha lâm bệnh, cây vải của ông bị bỏ hoang. Anh chị của Chan tin rằng sẽ rất có ý nghĩa nếu họ có thể biến những cây ăn quả thành những chiếc ghế gỗ.

Anh Ricci cũng đảm nhận một dự án Cửa hàng CityGate từ những người giới thiệu, trở thành Dự án “Wood” You.

Epoch Times Photo
Triển lãm “Wood” You. (TM Chan/ The Epoch Times)

Dự án đã tái chế hơn 18 tấn cây cối ở Làng Shuikou, Mui Wo, Tung Chung và Vịnh Chi Ma Wan trên đảo Lantau; làm một chiếc ghế gỗ dài 9,6 mét nặng tổng cộng 3 tấn.

Anh Wong giải thích: “So với những chiếc ghế ở Yim Tin Tsai, lần này cả thiết kế và sản xuất đều có nhiều cải tiến. Hình dạng ghế dựa trên địa hình của núi và biển ở đảo Lantau, tạo nên tầm nhìn ra biển ấn tượng hơn từ đỉnh núi Lantau.”

Epoch Times Photo
Một bàn cà phê làm từ một phần gỗ từ thân cây. (Ảnh: Ricci Wong)

Tương lai của nhà máy chế biến gỗ

Ngày nay, xưởng của HK TimberBank được đặt tại khu vực xây dựng và phát triển nhà công cộng ở Wang Chau, Yuen Long. Nhà máy chế biến gỗ có thể không tồn tại trong 4 năm nữa; nhưng Ricci nói rằng anh ấy không quan tâm.

Epoch Times Photo
Những tấm gỗ từ thân cây keo bị đổ ở Tai Po sau khi cơn bão đổ bộ vào Hồng Kông. (Ảnh: Ricci Wong)

“Chúng ta đến trái đất này với hai bàn tay trắng. Nếu một ngày nào đó, chính phủ thu hồi đất, chúng ta cũng không có gì để mất. Vào cuối ngày, chúng ta vẫn có cây cối và thiên nhiên.”

Epoch Times Photo
Các thành viên của công ty HK TimberBank. (Ảnh: Ricci Wong)

Tương lai của nhà máy HK TimberBank có thể không khả thi. Anh Ricci cũng không có câu trả lời rõ ràng. Nếu một ngày nào đó, anh không còn có thể theo đuổi việc tái tạo gỗ từ thiên nhiên, anh cũng không hối tiếc vì anh đã cống hiến hết sức mình vì thiên nhiên.

Tác giả: Jenny Zeng/ Summer Lawson - The Epoch Times

Sao Mai biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Kiến trúc sư tái sinh gỗ thành đồ nội thất tinh tế và nghệ thuật