Giám đốc Canada rời AIIB, tuyên bố ngân hàng bị Bắc Kinh kiểm soát

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cùng với tuyên bố từ chức, vị giám đốc cho biết rằng ĐCSTQ mới là ông chủ thực sự của ngân hàng AIIB. Đồng thời, ông cho rằng Canada không nên là thành viên của AIIB.

Giám đốc truyền thông toàn cầu của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) đã tuyên bố từ chức. Ông cho biết trong một tuyên bố vào ngày 14/06 rằng ngân hàng này đang bị kiểm soát bởi sự thâm nhập của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và rằng việc trở thành thành viên AIIB không phục vụ lợi ích tốt nhất cho Canada.

“Là một người Canada yêu nước, đây là con đường duy nhất của tôi”, giám đốc điều hành Bob Pickard cho biết về việc từ chức của mình trong một loạt tweet hôm thứ 4 (14/06).

Ông nói, AIIB bị chi phối bởi các đảng viên ĐCSTQ và cũng đang nuôi dưỡng một trong những nền văn hóa độc hại nhất có thể tưởng tượng được. "Tôi không tin rằng lợi ích của đất nước tôi được củng cố bởi tư cách thành viên AIIB”.

Phản ứng trước diễn biến này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Chrystia Freeland cho biết Canada sẽ tạm dừng mọi hoạt động với ngân hàng này và chính phủ sẽ điều tra các cáo buộc của ông Pickard.

“Chính phủ Canada cũng sẽ thảo luận vấn đề này với các đồng minh và đối tác là thành viên của ngân hàng. Trung Quốc, với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cần đóng vai trò giải quyết các vấn đề toàn cầu ảnh hưởng đến mọi quốc gia”, bà Freeland nói.

Ông Pickard đã đảm nhận vai trò tổng giám đốc truyền thông của AIIB vào tháng 03/2022. Ông cho biết, những kẻ thâm nhập của ĐCSTQ kiểm soát ngân hàng có trụ sở tại Trung Quốc và rằng “họ đối xử với một số thành viên hội đồng quản trị như những kẻ ngốc hữu dụng”.

“Thực tế quyền lực trong ngân hàng là của ĐCSTQ từ đầu đến cuối”, ông viết trên Twitter. “Tôi tin rằng Chính phủ của tôi không nên là thành viên của công cụ của PRC [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] này”.

Mô hình quản trị độc tài

Phản ứng trước diễn biến này, nhà phê bình về các vấn đề đối ngoại của Đảng Bảo thủ Canada, ông Michael Chong, cho biết việc ông Pickard từ chức “đã xác nhận những gì Đảng Bảo thủ đã nói từ lâu” về AIIB.

“Đó là một công cụ của Bắc Kinh để xuất khẩu mô hình quản trị độc tài của họ ra khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông viết trên Twitter. Ông cũng nhắc lại lập trường của đảng Bảo thủ rằng chính phủ nên rút tiền từ ngân hàng và “hồi hương các quỹ công đã đầu tư”.

Được ĐCSTQ thành lập vào ngày Giáng sinh năm 2015, AIIB được coi là tổ chức tài chính đa phương toàn cầu đầu tiên, hoạt động như một giải pháp thay thế cho Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế do Mỹ và châu Âu đứng đầu để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các quốc gia trên khắp châu Á, châu Mỹ Latinh, và châu Phi.

Các chuyên gia về Trung Quốc đã cảnh báo rằng mục đích của Bắc Kinh trong việc thành lập một ngân hàng phát triển quốc tế là xoay trục nền kinh tế thế giới về phía ĐCSTQ và tránh xa Mỹ.

Bắt đầu với 57 quốc gia thành viên ban đầu, ngân hàng đã lôi kéo được các quốc gia trên khắp năm châu lục, tăng cơ sở thành viên lên hơn 100 quốc gia trong vòng chưa đầy 5 năm kể từ tháng 07/2020, theo Baidu, một cổng thông tin của Trung Quốc do Bắc Kinh kiểm soát.

Con đường để các nước phương Tây tham gia AIIB, điều trái với mong muốn của Mỹ, đã được Vương quốc Anh mở đường. Đây là nước đã trở thành thành viên sáng lập của ngân hàng này vào năm 2015.

Năm 2017, chính phủ Trudeau đã đóng góp 995 triệu USD (khoảng 1,28 tỷ CAD - đô la Canada) để tham gia ngân hàng với 1,07% cổ phần.

Ở châu Âu, Ý, Pháp và Đức cũng đã chi số tiền đáng kể để có được quyền biểu quyết từ 2 đến khoảng 5% kể từ khi gia nhập với tư cách là thành viên.

Trung Quốc vẫn là cổ đông lớn nhất của AIIB với 30% cổ phần và 26% quyền biểu quyết, cho phép nước này có quyền phủ quyết đối với các quyết định quan trọng, đòi hỏi 75% đồng thuận.

Ông chủ thực sự

Ông Pickard đã nói trong các dòng tweet của mình rằng ĐCSTQ "là ông chủ", mặc dù ông ấy không thực sự nhận thấy điều đó khi mới bắt đầu công việc.

“Chỉ sau khi làm việc ở đó trong nhiều tháng, tôi mới biết về nơi tập trung quyền lực thực sự bên trong ngân hàng – đám đông ĐCSTQ hoạt động như cảnh sát mật”, ông viết.

Ông nói, ông đã tận mắt chứng kiến mức độ mà ĐCSTQ đã thâm nhập chiếm giữ các vị trí quan trọng trong ngân hàng, như một tổ chức KGB hoặc Gestapo hoặc Stazi nội bộ.

AIIB đã đưa ra một tuyên bố ngay sau thông báo của ông Pickard.

"Những bình luận công khai gần đây của ông Pickard và sự mô tả về ngân hàng là vô căn cứ và đáng thất vọng”, ngân hàng cho biết. “Chúng tôi tự hào về sứ mệnh đa phương của mình và có một đội ngũ quốc tế đa dạng đại diện cho 65 quốc gia khác nhau”.

Bộ Các Vấn đề Toàn cầu Canada trước đây đã cảnh báo rằng động cơ thành lập AIIB của Bắc Kinh là sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để xuất khẩu mô hình quản trị độc tài của mình ra khắp thế giới.

Các tài liệu tóm tắt năm 2019 của bộ sau đó được ban hành bởi ủy ban quan hệ Canada - Trung Quốc của Hạ Viện vào năm 2020 đã mô tả ngân hàng và Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của ông Tập Cận Bình là phương tiện để thúc đẩy mô hình đó.

Vào tháng 02/2021, ủy ban tài chính của Hạ viện, khi đó do cựu nghị sĩ đảng Tự do Wayne Easter làm chủ tịch, đã đưa ra một báo cáo khuyến nghị Canada nên rút khỏi việc đầu tư vào AIIB.

Vào tháng 3 năm đó, lãnh đạo Đảng Bảo thủ khi đó là ông Erin O’Toole đã kêu gọi Thủ tướng Justin Trudeau hủy khoản thanh toán 40 triệu USD cho ngân hàng sau khi Bắc Kinh tùy tiện giam giữ 2 công dân Canada Michael Spavor và Michael Kovrig.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Giám đốc Canada rời AIIB, tuyên bố ngân hàng bị Bắc Kinh kiểm soát